Trần Nghệ Tông- Trần Phủ vốn không có chí làm vua. Ngài sinh năm 1321, lên ngôi năm 1370 khi đã năm mươi tuổi. Ở ngôi có 3 năm, nhưng lại làm Thái thượng hoàng đến lúc chết, phủ bóng lên mấy đời vua giống như cha mình là đức ông Trần Minh Tông, Trần Phủ đã làm Thái thượng hoàng xuyên suốt qua 3 đời vua (Duệ Tông, Phế Đế, Thuận Tông).
Trần Nghệ Tông là hoàng tử thứ ba của Trần Minh Tông. Thời trẻ thơ đã tỏ ra thông minh mẫn tiệp, văn thơ tài năng hơn người. Năm 11 tuổi đã ứng tác hai câu thơ:
“An tráng sĩ lực cái thế
Khả ngự đại ốc chi đồi phong.”
Dịch nghĩa:
“Sao được tráng sĩ sức hơn đời
Chống đỡ nhà to khi gió mạnh.”
Được Thượng hoàng Trần Minh Tông rất khen, thưởng cho 10 lạng vàng!
Nhưng lớn lên, Trần Phủ lại không có ý chí muốn tranh ngôi đoạt vị.Thấy cảnh triều chính rối ren, bèn lánh ra trấn Đà Giang.Thế nhưng trước sức ép của các vương hầu, đặc biệt là của bà chị Công chúa Thiên Ninh, ngài phải đứng ra cầm quân khôi phục. Trước khi ra quân, ngài có làm bài thơ tâm sự với em mình là Trần Kính (sau này là vua Trần Duệ Tông):
“Vị cực sàm thâm tiện khứ quan,
Trắc thân, độ lĩnh, nhập sơn man.
Thất lăng hồi thủ thiên hàng lệ,
Vạn lý môn tâm lưỡng mấn bàn.
Khử Vũ đồ tồn Đường xã tắc,
An Lưu phục đế Hán y quan.
Minh Tông sự nghiệp quân tu ký,
Khôi phục thần kinh chỉ nhật hoàn.”
Dịch thơ:
“Ngôi cả gièm nhiều mới bỏ qua,
Né thân, vượt núi, tới sơn man.
Bảy lăng ngoảnh lại châu tuôn chảy,
Muôn dặm đau lòng tóc bạc lan.
Diệt Vũ giữ gìn Đường xã tắc,
Phò Lưu lại thấy Hán y quan.
Minh Tông sự nghiệp em nên nhớ,
Thu phục thần kinh sắp khải hoàn.”
Nhưng khi đã diệt Dương Nhật Lễ, ngồi trên ngôi cửu trùng rồi, lại thành ra một câu chuyện khác hẳn. Câu chuyện của người trong cuộc, người cầm cương cỗ xe thế sự chứ không còn của một kẻ đứng ngoài thơ phú trăng sao và luận thế sự tiêu dao tháng ngày nữa!
Sai lầm nghiêm trọng không cứu vãn được của Trần Nghệ Tông trên ngôi báu là dùng người! Ông đã tin dùng Nguyễn Nhiên là một kẻ vô tài, thậm chí không thuộc mặt chữ vốn trước là Chi hậu nội nhân (một chức quan hầu trong cung) để điều hành chính sự, chỉ vì có chút ơn từ trước. Mà không dùng Trần Nguyên Đán, một vương hầu tài năng văn võ song toàn lại góp công tham gia dẹp loạn, đưa mình lên ngôi. Đây là một nghi vấn lịch sử rất khó hiểu khi Trần Nghệ Tông chỉ giao cho Trần Nguyên Đán chức Đại tư đồ- một chức quan trông coi về bản đồ đất đai cả nước, hoàn toàn không có tác động gì tới triều chính! Thậm chí sau này (năm 1385) hai con rể của Trần Nguyên Đán đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) là Nguyễn Úng Long (cha đẻ Nguyễn Trãi, thời nhà Hồ đổi tên là Phi Khanh) và Nguyễn Hán Anh, cũng vẫn bị Trần Nghệ Tôngvin cớ chê bai, không dùng!
Nhưng ông vua này cũng có một điều sáng suốt trong nội trị: khi lên ngôi lập lại đường lối trị nước trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên” như đời vua cha Trần Minh Tông, chứ không nghe theo ‘bọn học trò mặt trắng’ áp dụng Khổng Nho vào chính sự. Ngài từng dụ: “Triều trước dựng nước, có luật pháp, chế độ riêng, không theo quy chế của nhà Tống, là vì Nam Bắc, nước nào làm chủ nước đó, không phải bắt chước nhau”! Đây là một điều rất đáng khen! Cho đến bây giờ điều dụ của vua Trần Nghệ Tông vẫn có giá trị!
Dưới thời Trần Nghệ Tông, sức mạnh quân sự huyền thoại của Đại Việt dựa trên truyền thuyết về “Hùng khí Đông A” đã hoàn toàn tiêu tan! Quân Chiêm Thành vốn là một nước nhược tiểu phía nam, nơi thường để cho các vua Đinh, Lê, Lý, Trần đời trước thỉnh thoảng mang quân đến lập võ công, giương oai với quần thần.Nhưng đến thời Chế Bồng Nga họ đã thay đổi hẳn. Bốn lần Chế Bồng Nga đã đem quân đánh phá vào tận kinh thành Thăng Long (3/1371, 6/1377, 6/1378, 12/1383), thì cả bốn lần Trần Nghệ Tông đều chạy sang Đông Ngàn để “lánh giặc”- (chữ dùng của ĐVSKTT!) Tại lần tấn công đầu tiên của Chiêm Thành vào Thăng Long thiệt hại hơn cả: giặc vào kinh thành, đốt phá cung điện, cướp ngọc lụa con gái đem về. Chúng đốt trụi cả cung điện nhà cửa, thư tịch sổ sách bị cháy sạch, từ đó sinh ra nhiều chuyện dở khóc dở cười vì không còn sách vở ghi chép để tra cứu! May sau này ở cuộc tổng tấn công của Chiêm Thành vào Đại Việt (ngày 23 tháng giêng, năm 1390), Thượng tướng Trần Khát Chân giết được vua Chiêm là Chế Bồng Nga thì Đại Việt mới tạm yên miền biên viễn phía nam. Nhưng với việc quân Chiêm Thành 4 lần liên tiếp tấn công Đại Việt, vào cướp phá tận kinh đô Thăng Long thì ánh hào quang của một đội quân Đông A thiện chiến xưa đến đó đã tắt! Ngày nay ở Hà Nội có con đường mang tên vị Đô tướng Trần Khát Chân, nối phố Đại Cồ Việt với đê Nguyễn Khoái. Nhiều người nhầm lẫn tưởng đó là tên khác của nhân vật Đỗ Khắc Chung- sau vụ đi sứ vào trại quân Nguyên được đổi tên là Trần Khắc Chung.Hoàn toàn không có liên quan gì.Trần Khát Chân là tướng quân có công với nước, sau này bị Hồ Quý Ly giết cùng các tôn thất khác trong vụ âm mưu chính biến lập lại cơ nghiệp nhà Trần bị bại lộ.Còn Trần Khắc Chung (Đỗ Khắc Chung), là một mệnh quan có lúc đã nắm giữ ngôi tể tướng điều hành chính sự, chết già năm 1330 dưới triều vua Trần Hiến Tông, nhưng bị gia nô của gia đình vương hầu Trần Quốc Chẩn vốn bị giết oan bởi lời gièm của Chung, bật mả băm nát xác ra. Ông này làm quan để lại tiếng rất xấu cho đời, ai muốn tìm hiểu nhân vật này có thể đọc trong ĐVSKTT.
Dưới triều Trần Nghệ Tông không thể không kể đến ba nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của vương triều.
Thứ nhất đó là bà Công chúa Thiên Ninh, con gái của vua Trần Minh Tông, em của Trần Phủ- Trần Nghệ Tông. Bà này không hổ danh con gái họ Trần: việc gì cũng dám làm miễn là có lợi cho dòng họ. Hồi trẻ (năm 1351) vì ông vua em Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương, bà đã dám nghetheo lời tên thầy thuốc bất lương Trâu Canh thông dâm với em để chữa bệnh này cho Dụ Tông. Đến năm 1370 khi Dương Nhật Lễ tiếm ngôi, giết hại tôn thất nhà Trần, lại định đổi về họ Dương bà cho hai con vào cung giết Nhật Lễ không thành, đều bị chết cả. Chính bà đã bảo Trần Phủ- Trần Nghệ Tông rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác? Anh phải đi đi, em sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!”. Và bà cùng với các vương hầu tôn thất khác dẹp xong Dương Nhật Lễ thật! Đến năm 1371, khi đã lên ngôi Trần Nghệ Tông đã phongbà là Lạng Quốc thái trưởng công chúa, cho lập phủ và đổi tên là Quốc Hinh (hương thơm của nước!).
Thứ hai, đó là nhân vật Lê Quý Ly (sau này khi đã cướp ngôi nhà Trần, mới đổi về họ cũ là Hồ). Do có hai bà cô lấy Trần Minh Tông: bà Minh Từ đẻ ra Trần Nghệ Tông và bà Đôn Từ đẻ ra Thái tử Trần Kính- Trần Duệ Tông sau này. Và Quý Ly cũng tỏ ra có năng lực hơn người nên rất được Trần Nghệ Tông tin dùng.Tháng 5/1371 lấy làm Khu mật đại sứ, ủy nhiệm cho nhiều việc quan trọng. Được Nghệ Tông nâng đỡ nhiều, bỏ qua cả lỗi lầm khi theo vua Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành bị thua năm 1377. Tháng 3/1387 lại cho Quý Ly làm Đồng bình chương sự (tể tướng) điều hành triều chính. Còn ban cho một thanh gươm và một lá cờ đề 8 chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức.” trao toàn quyền văn võ cho ngoại thích. Đến năm 1288, thậm chí còn u mê đến nỗi nghe lời Quý Ly mà giết ông vua cháu Trần Phế Đế (con của Trần Duệ Tông, cháu gọi Nghệ Tông là bác ruột), chỉ vì ông vua này đã nhìn thấu mưu đồ cướp ngôi của Quý Ly định ra tay trừ khử. Kể từ đó triều đình nhà Trần hoàn toàn trong tay Quý Ly thao túng. Sau này, năm 1399 Thượng tướng Trần Khát Chân mưu giết Quý Ly giành lại triều chính một lần nữa cũng không thành, bị giết cùng nhiều người khác. Âu cũng là số trời vậy! Còn về nhân vật Hồ Quý Ly và triều Hồ, bạn nào muốn khảo kỹ hãy đọc “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, trong đó có chép đầy đủ. Hồ Quý Ly rốt cuộc đã có “Thiên thời” để lập nên nhà Hồ, nhưng ông ta không giành được “nhân hòa- lòng người”, bởi không có “đức”! Hay nói cách khác là thủ đoạn chính trị non kém, nên rốt cuộc đã thất bại và đẩy Đại Việt vào một cuộc đại khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử cổ, trung đại!
Nhân vật thứ ba cần nói đến trong thiên về Trần Nghệ Tông chính là Chương túc quốc Thượng hầu Trần Nguyên Đán. Ông là dòng dõi của Chiêu Minh Đại Vương Trần Quang Khải, đương thời nổi tiếng thông tuệ, văn võ toàn tài lại có công cùng các vương hầu đứng lên dẹp Dương Nhật Lễ đưa Trần Nghệ Tông lên ngôi. Nhưng khi lên ngôi rồi, Trần Nghệ Tông không dùng Trần Nguyên Đán vào việc triều chính mà chỉ giao cho một cái chức khá vô thưởng vô phạt là “Đại tư đồ”, trông coi việc bản đồ đất đai trong cả nước. Hoàn toàn không có giá trị gì về mặt chính trị để có thể tác động đến đường lối trị quốc an dân. Đây là một điểm mờ của lịch sử rất khó lý giải. Phải chăng do Trần Nguyên Đán rất giỏi tử vi thiên văn độn số (ông chính là người cùng viết cuốn sách Thiên văn nổi tiếng Đông A Di Sự, nay đã thất truyền), nên ông biết triều đình họ Trần đã tận số nên chủ động rũ áo khoanh tay? Như tháng 7/1385 khi về hưu ở Côn Sơn, ông đã làm thơ gửi các bạn làm quan:
“Kim cổ hưng vong chân khả giám
Chư công hà nhẫn gián thư hy?”
Dịch thơ:
“Còn mất xưa nay gương đã rõ
Các ông sao nỡ vắng thư can?”
Trần Nghệ Tông không dùng Trần Nguyên Đán là rõ. Nhưng tại sao lại ghét đến cả hai con rể của ông: Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Phi Khanh) và Nguyễn Hán Anh, dù cả hai đều đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) dưới triều. Nghệ Tông còn phán: “Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế kẻ dưới mà dám phạm thượng, bỏ không dùng”. Tháng 11 năm 1390 Trần Nguyên Đán mất ở phủ đệ Côn Sơn. Trước đó, Trần Nghệ Tông đã nhiều lần đến tận núi Côn Sơn thăm bệnh và hỏi về việc nước về sau. Nhưng Trần Nguyên Đán đã nín lặng.Có thể ông biết tình thế không cứu vãn được nữa. Cũng có thể ông nhìn xa trông rộng nên đã âm thầm lập mưu giữ cho con cháu mình. Đó cũng là một điểm mờ lịch sử nữa trong mối quan hệ của Trần Nghệ Tông và Trần Nguyên Đán mà hậu thế chúng ta chỉ biết suy xét phán đoán rồi thở dài! Nhưng dù sao hậu duệ của Trần Nguyên Đán sau này cũng đã làm vẻ vang ông: cháu nội là Trần Nguyên Hãn và cháu ngoại là Nguyễn Trãi đã góp công đầu trong việc đánh đuổi giặc Minh, đưa Lê Lợi lên ngôi vua mở triều Lê, dựng lại nền tự chủ của Đại Việt!
Trần Nghệ Tông có nhìn thấy mưu đồ cướp ngôi của Quý Ly không? Chắc là có! Bởi tháng 2 năm 1394 ông đã sai vẽ tranh “tứ phụ” ban cho Quý Ly, ngầm răn phải phò giúp nhà Trần. Rồi tháng 3 năm ấy lại làm bài thơ sau:
“Trung gian duy hữu xích chủy hầu
Ân cần tiếm thượng bạch kê lâu
Khẩu vương dĩ định hưng vong sự
Bất tại tiền đầu tại hậu đầu.”
Dịch thơ:
“Ở giữa chỉ có loài mỏ đỏ
Lăm le lấn lên lầu gà trắng
Khẩu vương đã định việc hưng vong
Không ở trước mà ở về sau.”
Còn chiết tự và đoán định rằng Quý Ly sẽ cướp ngôi. Đến mùa hạ, tháng 4 năm 1394, Trần Nghệ Tông gọi Quý Ly vào bảo thẳng: “Bình chương là họ hàng thân thích nhà vua, mọi việc nước nhà đều trao cho khanh cả. Nay thế nước suy yếu, trẫm thì già nua.Sau khi trẫm chết, quan gia nếu giúp được thì giúp, nếu hèn kém ngu muội thì khanh cứ tự nhận lấy ngôi vua.”
Có thể nói Trần Nghệ Tông đã biết vận số nhà Trần sắp hết, nên ông đã ngấm ngầm “trao truyền” lại cho Hồ Quý Ly. Bởi với những người học cao biết rộng, hiểu lẽ trời như Trần Phủ- Trần Nghệ Tông, Trần Nguyên Đán, các ông này đều hiểu lẽ “thịnh-suy” ở đời là sự tất yếu, nên đã âm thầm “chuẩn bị” cho dòng họ khác lên kế nghiệp nhà Trần chăng? Đó cũng là một điểm mờ nữa trong sử: là viễn kiến của các bậc thức giả hay là sự buông xuôi bất lực của những hậu duệ của một dòng họ đã bước vào chu kỳ tàn lụi? Tiếc thay, Hồ Quý Ly đã không làm được cuộc chuyển giao quyền lực êm đẹp như Đức ông Trần Thủ Độ đã làm khi chuyển Lý sang Trần, để tránh cho dân khỏi nạn binh đao và đất nước nhanh chóng hưng thịnh. Không có đủ cái “đức” của kẻ đứng đầu thiên hạ, không thu phục được nhân tâm nên cha con Hồ Quý Ly đã đẩy dân Đại Việt vào một thời kỳ vô cùng tăm tối rên xiết dưới ách giặc Minh!
Ngày 15 tháng 12 năm 1394, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông chết, chôn ở Nguyên Lăng nay thuộc An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Trước đó, trong thời kỳ nắm quyền của mình, Trần Nghệ Tông cũng làm được một việc có ích cho dòng họ, vào tháng 6/1381 cho rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định nay), Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương (Thái Bình nay), đưa về An Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp phá. Ngày nay hậu duệ họ Trần và nhữngngười yêu kính các vị vua triều Đông A muốn đến thắp hương tưởng niệm công lao Trần triều với nước Việt, hãy đến An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh, nơi có đầy đủ lăng mộ các vị vua nhà Trần!
Về vua Trần Nghệ Tông, sử gia Ngô Sĩ Liên đánh giá: “Uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài, sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm. Có một Nguyên Đán mà không biết dùng, lại giao việc nước cho họ ngoại, khiến xã tắc nhà Trần đi đến sụp đổ.”