SÁU.
Thời hậu chiến thật khốn khổ.
Sau cơn say chiến thắng, cả nước Việt bắt đầu đối diện với thực tại. Một cơ đồ tan hoang. Mọi cái còn lại chỉ là đổ vỡ, chắp vá. Sự đời đã là chân lý, phá bao giờ cũng dễ hơn xây. Trong chiến tranh, chỉ cần vài tạ thuốc nổ, vài giây, với vài người, là thổi bay một cây cầu. Nhưng để xây lại được một cây cầu qua sông, người ta phải mất vài năm với hàng ngàn con người lao động miệt mài. Nước ta lúc đó bắt đầu bước vào xây dựng lại giang sơn sau hai cuộc chiến kéo dài mấy chục năm khốc liệt với một niềm tin trong sáng rằng, một khi ta đã có chiến thắng oai hùng thế, thì tất nhiên ta sẽ nhanh chóng xây dựng được mọi thứ tươi đẹp hơn nhiều lần những cái vừa phá bỏ. Thế nhưng đời thực không được viết nhanh, viết đẹp như trong các nghị quyết. Ảo tưởng, ngây thơ và đường lối chính trị sai lầm đã dẫn cả đất nước vào một thời kỳ kinh hoàng. Thậm chí còn đói khổ hơn thời trước đó. Rồi chiến tranh hai đầu biên giới lại nổ ra. Kinh tế kiệt quệ. Sai lầm nối tiếp sai lầm mà đỉnh điểm là cú đổi tiền năm một ngàn chín trăm tám mươi lăm. Khi đó ngoài đường phố, đường làng, toàn những gương mặt vàng võ âm u vì đói. Người ta phải chia cho nhau ăn bo bo, một thứ lương thực vốn dùng cho ngựa. Hồi đó cô gái nào béo một chút là rất khốn khổ khi ra đường, thế nào cũng có một tay thanh niên lấc cấc, phanh kít cái xe đạp trước mặt và giả vờ nghiêm giọng hỏi: “Trong tình hình đất nước khó khăn, mọi người đều phải thắt lưng buộc bụng, tại sao em lại béo thế này?!”
Mọi gia đình Việt khi đó đều khốn khổ trong cuộc mưu sinh.
Khốn khổ tới mức mà sau này Mạnh Hoạt mô tả là, phải vật nhau trên đống mảnh sành để kiếm miếng ăn. Mạnh Hoạt lúc đó cũng không là ngoại lệ, khốn khổ khốn nạn vì miếng ăn. Nếu như hắn vẫn ở với Thuỷ thì cũng không đến nỗi nào. Nhưng thật khốn nạn cho hắn, mối tình trên vùng chè với cô giáo dạy văn Bùi Thu Huệ lại cho ra kết quả là một cặp sinh đôi.
Vào cái đêm Mạnh Hoạt được thả rồi xuôi luôn tàu từ ga Thịnh Đán về Hà Nội, Huệ hoàn toàn không biết. Tiền không có, giấc mộng dựng một gian nhà nhỏ trên đồi chè thơm ngát thơ mộng, chàng đọc sách ngâm thơ, nàng đi dạy học, đêm trăng sáng cùng nhau đàn hát tình ca, tan biến. Chán ngán và mệt mỏi. Tuyệt vọng. Hắn lên tàu về thẳng Hà Nội. Mạnh Hoạt về gian phòng tập thể trong khu Cao Xà Lá nằm vật ra mệt mỏi. Thuỷ lặng lẽ đi nấu cơm cho chồng. Nàng không biết cái sự gì xảy ra. Và nàng cũng không hỏi. Vì có hỏi thì Mạnh Hoạt cũng không nói. Nàng cũng nhiều lần ghen tuông dằn dỗi. Nhưng hắn bảo, số kiếp hắn là vậy, hắn phải lang thang săn tìm cảm xúc để làm thơ. Cuộc đời hắn là một cuộc đời của kẻ đầu thai nhầm thế kỷ, bị đặt ra bên lề cuộc sống nên hắn phải tự chứng minh sự tồn tại của mình bằng những vần thơ. Hắn cũng không làm thơ để tụng ca và đăng báo lấy tiền lấy danh nữa. Hắn bảo đủ rồi. Hắn làm thơ cho riêng mình và để hậu thế phán xét. Hắn không cần cuộc sống bây giờ, đó chỉ là cõi tạm. Vợ con với hắn cũng chỉ là khách cùng trọ trần gian. Ai chấp nhận được hắn thì hắn ở. Không chấp nhận được hắn thì hắn đi…Mạnh Hoạt nói thế thì Thuỷ đành chịu thua. Làm căng, hắn bỏ về quê ở với Lệ thì nàng mất cả. Nên Thuỷ đành mặc kệ để cho hắn muốn đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Con Thuỷ đẻ ra thì Thuỷ nuôi. Thỉnh thoảng Mạnh Hoạt ghé về nhà bế con, ôm vợ vài buổi là nàng cảm thấy được an ủi rồi. Nhìn ra xung quanh, gái goá, gái ế đầy rẫy. Đài báo chả ra rả về những công trường, nông trường có hàng trăm cô gái không chồng. Rồi có cả bộ phim về những ngôi làng ở đó toàn các cô gái quá lứa nhỡ thì vì chiến tranh, phải tự kiếm lấy đứa con. Rồi tự tụ lại với nhau thành làng. Những ngôi làng âm u, những gương mặt phụ nữ, trẻ em không có nụ cười… Thôi mình vẫn còn có chồng là may rồi. Thuỷ đành tự an ủi mình thế.
Nhưng đến hôm thấy cô giáo dạy văn Bùi Thu Huệ khệ nệ vác bụng bầu, từ trên Thái Nguyên về tìm Mạnh Hoạt ở khu tập thể thì thật sự là Thuỷ chán hẳn. Mà câu chuyện trú bom của hắn với Tố Lan cũng chỉ vừa mới vỡ lở… Thuỷ mời Huệ vào nhà nói chuyện, có cả Mạnh Hoạt.
-Em lại về tìm anh Mạnh Hoạt vì cái bụng bầu này chứ gì?
-Vâng. Nhưng chị là…
-Chị đang là vợ của anh ấy.
-Em...em xin lỗi chị, em không biết.
-Em không có lỗi gì. Chị biết. Thế nên chị mới mời em vào đây chị em mình nói chuyện đàng hoàng. Lỗi là ở cái ông nhà thơ, kiêm nhà buôn, kiêm đủ thứ đang ngồi kia kìa…
Mạnh Hoạt ngồi hút thuốc trên cái giường đôi duy nhất của nhà. Hắn yên lặng liên tục rít thuốc rồi nhả khói mù mịt. Dường như hắn muốn náu mình sau làn khói xanh mờ mờ. Mạnh Hoạt cố tình biểu cảm một khuôn mặt rất ơ hờ, cứ như là nội dung câu chuyện chả có gì liên quan đến hắn. Dường như đấy chỉ là việc của hai người đàn bà với nhau.
Hai người đàn bà ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn gỗ mộc. Cả hai đều gầy guộc xanh xao vì thiếu ăn. Huệ nước mắt tràn trề, chảy thành dòng không dứt trên má, rơi lã chã xuống mặt bàn. Nàng hết nhìn Mạnh Hoạt lại nhìn Thuỷ, mãi hồi lâu mới nức nở thành tiếng:
-Thế này thì em biết làm thế nào đây. Anh Hoạt ơi là anh Hoạt, sao anh nỡ lừa dối em thế này hả anh…
-Thai mấy tháng rồi?- Thuỷ hỏi lạnh tanh, cắt ngang tiếng rền rĩ của Huệ.
-Dạ, đang tháng thứ năm.
-Sao bụng to thế?
-Dạ, thai đôi chị ạ.
Im lặng.
Tiếng đàn ruồi đói vo ve bay nhặng xị.
Thuỷ thở dài. Huệ chống khuỷu tay lên mặt bàn. Úp khuôn mặt vào hai bàn tay. Bưng kín. Những giọt nước mắt vẫn tràn trề qua kẽ ngón tay chảy miên man theo cái cẳng tay bé nhỏ, đọng thành vũng trên mặt bàn. Khi đang bay bổng trên đôi cánh của nàng thơ, khi đang ngụp lặn trong mê man của ái tình, có lẽ không khi nào nàng tưởng tượng được ra mình lại phải ở cái tình cảnh này.
-Anh Hoạt- Thuỷ quay sang phía Mạnh Hoạt truy kích- Anh tính thế nào đây?
Thật sự thì từ lúc thấy Thuỷ dắt Huệ vào nhà, hắn đã vô cùng hốt hoảng. Đầu óc rối tinh như có nắm tơ vò trong đó, không biết đằng nào mà gỡ. Hắn cứ ngồi rít thuốc, cố tìm một kế sách khả dĩ. Nhưng hắn chả tìm ra kế gì. Hắn hoảng loạn thật sự. Nhưng trời cho hắn có khả năng che giấu cảm xúc rất tốt. Hắn ngồi đóng vai một ông phỗng. Trơ ra. Không có nét gì biểu cảm trên khuôn mặt. Ngồi một lúc, tự Mạnh Hoạt cũng cảm thấy trơ trẽn khốn nạn cùng cực. Hắn có cảm tưởng như đang có muôn ngàn cái kim châm sắc nhọn, châm chích trên mặt mình. Lớp vỏ hào hoa phong nhã của hắn bị lột trần ra dưới thanh thiên bạch nhật. Con người thật của hắn hiện ra gớm ghiếc. Gớm ghiếc đến mức độ mà chính hắn cũng thấy ghê tởm bản thân mình lúc đó. Không thể chứng kiến cảnh hai người đàn bà câm lặng, bẽ bàng đối diện nhau, Mạnh Hoạt phảy tay đứng dậy bỏ đi. Hắn mặc kệ. Hắn bỏ ra quán nước vỉa hè ngồi tu rượu. Say mèm. Khi hắn chân thấp chân cao lê về đến nhà thì Huệ đã đi từ lâu. Chỉ còn một mình Thuỷ vẫn ngồi bất động trong phòng. Thuỷ ngồi như một bức tượng, khuôn mặt lạnh tanh như hoá đá. Đôi mắt Thuỷ lạnh lẽo vô hồn, đôi mắt của một người mà tâm hồn, trái tim đã chết. Chết khi vẫn còn đang sống. Mọi cái trên cuộc đời này đối với họ đều là vô nghĩa…
Nhìn người chồng mà mình đã cố đem về để cho con có cha, người mà bấy lâu nay nàng phải chịu đựng một cách nhẫn nhục hết mức thể hiện trong tình thế này như vậy, mọi sự gồng lên, mọi cố gắng để duy trì một gia đình trong Thuỷ tan biến. Chút tình cảm cuối cùng trong lòng cũng tắt nốt. Không còn luyến tiếc gì nữa. Thuỷ nói với Mạnh Hoạt bằng một cái giọng nhợt nhạt vô hồn không âm sắc: “Thôi anh đi đi. Anh đến với cô ấy để mà làm trách nhiệm của người đàn ông. Tôi không cần anh nữa. Anh hãy ra khỏi nhà tôi và ra khỏi cuộc đời tôi vĩnh viễn”
Mạnh Hoạt đến với Huệ, ở phố Đội Cấn.
Lúc này Huệ đã bỏ dạy trên Thái về Hà Nội. Ngành giáo dục nước ta xưa nay luôn coi trọng vấn đề đạo đức- cái mà các cụ xưa gọi là lễ. Chả thế mà ở trường học nào cũng treo khẩu hiệu rất to “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhưng lễ, nó là cái gì thì không thấy có sách nào định nghĩa rõ ràng. Mỗi nơi nói một phách. Ở trường thì nói phải yêu tổ quốc yêu đồng bào. Rồi kính thày yêu bạn vân vân, nhưng không thấy nói đến ông bà cha mẹ anh em ruột thịt. Về nhà lại dặn phải yêu bố mẹ, lễ phép với ông bà trước hết. Đài báo thì suốt ngày lại ra rả học sinh phải có tình yêu nhân loại bao la, phải có tình thương yêu giai cấp cần lao. Loạn hết cả lên. Thế nên học sinh không biết đằng nào mà theo, nhiều chỗ dạy dỗ quá nên lời hay ý đẹp cứ vào tai này ra tai kia, thành ra chúng càng ngày càng vô lễ. Còn văn, chắc là văn hoá. Nhưng có chỗ lại thấy nói, văn là người… thế mới rắc rối. Rắc rối nhất ở đây chính là trường hợp cô giáo dạy văn Bùi Thu Huệ, đang đâu bỗng nhiên vương phải một tay nhà thơ. Bỗng nhiên bị công an bắt vì tội buôn lậu chè. Bỗng nhiên bụng phưỡn ra. Thế thì làm sao còn đủ tư cách đạo đức dạy dỗ học sinh…Đấy là lời thày Vi Văn Mạn, hiệu trưởng trường nơi cô Huệ dạy nói. Thày Mạn còn nói rất nhiều lúc gọi cô Huệ lên phòng hiệu trưởng làm việc. Thày nói từ nửa buổi chiều đến sẩm tối, giáo viên học sinh về hết rồi thày vẫn chưa nói xong. Thày nói về đạo đức của con người mới xã hội chủ nghĩa, về tư cách người giáo viên nhân dân, về phẩm chất của đoàn viên thanh niên cộng sản vân vân và vân vân. Rất dài. Cô Huệ ngồi nghe, tím tái cả mặt. Đang sang sảng hùng hồn, thày Mạn bỗng hạ giọng hỏi:
-Thế bây giờ cô định thế nào?
-Em không biết. Tuỳ nhà trường quyết định.
-Chỉ có hai cách, hoặc là cô làm đơn xin ra khỏi ngành. Hoặc là cô xuống bệnh viện phá thai rồi tôi bố trí cho nghỉ một thời gian, khoẻ lại rồi đi dạy tiếp, với điều kiện…
Vi Văn Mạn đứng dậy, vòng ra chỗ Huệ đang ngồi đối diện. Mạn đặt tay lên vai cô gái Hà Nội xanh xao trắng muốt đang cơn bấn loạn. Mạn vuốt vai, vuốt tóc cô rồi ghé sát vào tai bảo: “Để mai anh đưa em đi bệnh viện.” Rồi không để cho cô Huệ kịp phản ứng gì, Mạn ôm ghì lấy cô hôn hít. Mạn hổn hển lôi tuột Huệ vào cái giường sau tủ tài liệu, đè nghiến xuống. Mạn bảo để yên cho anh yêu một cái, mai anh sẽ đưa em đi giải quyết mọi chuyện xong xuôi. Rồi ở đây với anh. Anh lo cho hết, em quên cái thằng nhà thơ đểu ấy đi…
Cô gái mong manh yếu ớt không cưỡng lại được sức mạnh của tên đàn ông đang trong cơn dục vọng lên cao.
Và cũng cả do quá hoảng loạn, mệt mỏi nên nàng buông xuôi phó mặc sự đời, kệ cho Mạn muốn làm gì thì làm.
Vi Văn Mạn năm ấy bốn mươi bảy tuổi, khoẻ mạnh sung mãn. Lấy vợ cùng bản Tà Luông hơn Mạn năm tuổi, đã tắt kinh teo đét, nên Mạn ít về nhà. Cô giáo dạy văn người Hà Nội xinh đẹp như tiên giáng trần, Mạn vốn thèm thuồng từ lâu. Có đêm thèm quá, Mạn mò xuống khu tập thể giáo viên, lấy trộm một cái quần xi líp của Huệ phơi đầu hiên nhà, về phòng âm thầm ngắm nghía hôn hít. Nay có cơ hội được làm chủ thân thể người con gái mơ ước bấy lâu. Mạn làm tới, làm cho đã, làm lấy được. Mạn vầy vò thân thể Huệ với một niềm phấn khích vô biên và với một cách hoang dã, cứ như một kẻ đói khát ngàn năm, nay được bữa thoả thê. Mạn ra sức hưởng thụ thân thể đẹp đẽ trắng loá của Huệ. Trong cơn phấn khích cao độ, Mạn cười khùng khục nói vào tai Huệ: “Ở bản anh người ta bảo, ôm gái chửa sướng nửa đời người. Đúng thật. Mà em thơm thế không biết, như múi mít vậy”
Lúc Mạn buông ra, Huệ đi như mộng du về phòng. Đầu óc trống rỗng, thân thể rã rời. Huệ nằm vật xuống giường và chìm luôn vào giấc ngủ mê mệt.
Gấn sáng Huệ thức dậy. Bỗng nhiên những cảm giác lúc chiều tối ở trên phòng hiệu trưởng Vi Văn Mạn hiện trở lại chói gắt trong đầu. Không hiểu sao lúc đó Huệ hầu như chả có cảm nhận gì, thân thể bất động, như được làm bằng cao su. Nhưng bây giờ nằm một mình, nàng lại cảm nhận rõ ràng hơn lúc nào hết. Cái cảm giác đau rát trong mình khi Mạn cứ chọc ngoáy mãi không thôi. Cả phần thân thể phụ nữ của nàng vẫn đang ê ẩm, bấy ra, như đã bị xé nát tan hoang. Cặp vú thây nẩy của Huệ vẫn như đang bị bàn tay rắn như sắt của Mạn vò xé. Thỉnh thoảng cái miệng tham lam của Mạn lại vục xuống cắn những nhát đau điếng. Và dường như không khí trong gian phòng vẫn sực lên mùi cơ thể Mạn. Một thứ mùi khó tả muốn làm Huệ ngạt thở mỗi khi Mạn ghè miệng để hôn. Một thứ mùi chua chua, nồng nồng, khăm khẳm…Thốt nhiên, bụng Huệ quặn lại, cồn lên trong một nhu động vô thức. Từ miệng nàng vọt ra một dòng nước lờ nhờ đắng ngắt. Huệ nôn. Một cơn nôn thật kinh hoàng, tưởng như gan ruột nàng cũng lộn ra theo hết. Nhưng nôn xong, nàng lại thấy tỉnh táo nhẹ nhõm hơn lúc nào hết. Nàng vùng dậy, vơ quần áo tư trang đi thẳng ra ga Thịnh Đán đón tàu xuôi. Bỏ mặc sau lưng gian phòng trống với một bãi nước lờ nhờ bốc mùi…
Sau này Mạnh Hoạt cũng biết vụ Huệ bị cưỡng dâm. Hắn không nói gì. Đêm hôm ấy về, Mạnh Hoạt làm tình với Huệ cuồng nhiệt hơn thường lệ. Xong hắn kéo Huệ vào lòng, hôn lên mái tóc của bà mẹ hai con, nói: “Nếu mà gặp lại thằng hiệu trưởng Vi Văn Mạn, anh sẽ đấm vỡ mồm nó.” “Thôi mà anh, chuyện qua lâu rồi, em quên hết rồi. Mà cũng do lão ấy kinh quá nên em mới quyết tâm về tìm anh. Thôi đừng phí sức để tâm vào cái chuyện cũ. Để sức mà kiếm tiền nuôi hai đứa con chúng mình.” Mạnh Hoạt nằm trong đêm, ngắm khuôn mặt viên mãn hạnh phúc của Huệ rúc ngủ trong ngực mình an nhiên như trẻ thơ. Hắn hiểu rằng Huệ nói thật. Từ khi biết Huệ, yêu Huệ, rồi về sống với nhau, mỗi cuộc làm tình của hắn với nàng, Huệ luôn được thoả mãn tột cùng. Nàng bùng nổ liên tiếp, dữ dội, đam mê. Những lúc như thế, cả cơ thể nàng như có một đợt sóng dập dồn nối tiếp nhau, chạy rần rật từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, tưởng như không bao giờ dứt. Những cơn nứng tình nồng nã của một người đàn bà đang độ chín luôn dạt dào như sóng biển. Mạnh Hoạt hiểu rằng cái vụ thất thân với thằng cha hiệu trưởng Vi Văn Mạn chỉ là một tai nạn nhỏ trên đường đời tình ái của nàng mà thôi. So với những cảm xúc mà hắn mang lại cho nàng thì thật sự nó chỉ là giọt nước lã tan loãng trong cả một biển ái ân mà Huệ có với hắn. Nhưng hình như vô thức, hắn cũng đã viết một bài thơ có bóng gió xa xôi về cái vụ ấy, và giọng điệu thì ngấm ngầm tự hào về khả năng làm tình của mình:
“ Làm thơ phải có vân thơ
Như vân tay ở trên tờ chứng minh
Làm tình phải có vân tình
Vân tình in ở chỗ mình đắm say”*
Cái vân tình mà Mạnh Hoạt in ở nơi Huệ thật sâu đậm. Đủ để xoa lành vết thương nơi lòng nàng và xoá tan những ký ức không vui của một cuộc tình mà bắt đầu là một sự lừa dối, rốt cuộc lại trở nên hình như là cũng hạnh phúc.
Mạnh Hoạt bây giờ là chủ chốt của kinh tế gia đình.
Nhưng hôm xách quần áo cùng với Huệ đến phố Đội Cấn, hắn bị ông bố Huệ đuổi thẳng cánh, ném hết đồ ra ngoài đường, mặc cho cô con gái cưng khóc lóc van xin.
Phố Đội Cấn thời ấy không như bây giờ. Vẫn nửa làng nửa phố. Sát cạnh phố thị vẫn là những ruộng rau muống tím, một loại rau muống thả dưới ao hoặc những chân ruộng sâu. Mỗi trận mưa rào xong, những ngọn rau ấy dài ra hàng gang tay, non mỡn. Hái rồi đem luộc vừa chín tới, chấm với tương Bần, cũng là một món ngon thanh đạm khó quên.
Mạnh Hoạt cấm Huệ không bao giờ được làm món ấy trong nhà, dù nàng rất thích.
Hồi bị bố Huệ đuổi, chả biết đi đâu. Về quê thì nhục mặt. Quay lại với Thuỷ thì không còn cửa. Hắn ra cái lều bỏ hoang trên bờ ao rau muống đối diện nhà Huệ tá túc ở đó. Hắn căng mắt rình xem lúc nào ông bố ra khỏi nhà là lẻn vào với Huệ, để được ăn uống tắm rửa. Nhưng có hôm trời mưa, bố Huệ ở nhà, hắn đành nằm co chịu trận mưa, đói, rét trong gian lều rách. Đói quá, thò tay ra ngắt những ngọn rau non mỡn cho vào miệng nhai. Chát xít, chứ không ngọt như khi luộc chín. Hắn ứa nước mắt tự cám cảnh mình.
Mạnh Hoạt nằm lì ngoài ao rau muống một tháng liền thì ông bố Huệ chịu thua, khi cô con gái bụng chửa vượt mặt sắp đẻ, doạ tuyệt thực cho chết cả mẹ lẫn con nếu ông không để cho Mạnh Hoạt về chăm sóc cô. Ông đành ra gọi hắn vào nhà.
Thế nhưng trong một tháng ấy, Mạnh Hoạt lại làm được một số bài thơ mà sau này khá nhiều người thích:
“ Phố phường san sát những nhà
Vẫn không một chỗ để mà vào chơi
Nhìn cho nhẵn mặt cuộc đời
Vẫn không thấy một bóng người thân quen.”*
“ Đôi ta như thể đôi bờ
Gặp nhau sông chẳng bao giờ là sông
Thôi đành muôn kiếp song song
Đôi ta trả lại dòng sông cho đời”*
“Vô cớ mua dây buộc mình
Thì đành nhờ cái vô tình cởi ra
Tự nhiên buồn đến với ta
Tự nhiên buồn sẽ đi ra khỏi mình”*
Vào ở trong nhà rồi thì Mạnh Hoạt mới biết là Huệ là con gái duy nhất. Nàng có ba anh trai, thì hai hy sinh ở chiến trường, một đang nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng lâu lắm chả liên hệ gì về gia đình.
Mạnh Hoạt thành chủ lực trong nhà.
Mà hắn xứng đáng làm chủ. Về ở với Huệ vào đúng lúc thành phố đang kỳ lộn xộn nhất. Ai ai cũng xông ra mặt đường kiếm ăn với khẩu hiệu đầy khí thế hãy tự cứu mình trước khi trời cứu! Mạnh Hoạt xoay làm đủ nghề để kiếm tiền, cũng khá thành công. Nhưng đêm về hắn vẫn làm thơ. Về cái thời kỳ này, Mạnh Hoạt đã tự bạch:
“Làm thơ nuôi chó chọi gà
Cả ba thứ ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà”*
Thơ thì giờ đây Mạnh Hoạt chỉ làm chơi, thi thoảng đọc cho bạn bè nghe rồi cất lên gác xép. Hắn cho đóng một căn gác xép chỉ để đêm lên đấy ngồi viết thơ và cất thơ. Hắn cấm mọi người trong nhà không được lên, nhòm ngó vào đó. Huệ phì cười khi nghe hắn cấm nàng tọc mạch cái sự thơ phú lẩn thẩn của hắn. Mà cũng lạ, đang là một cô giáo dạy văn, từng chết mê chết mệt vì mấy bài thơ tán tỉnh nhăng nhít của Mạnh Hoạt. Thế mà giờ đây, về Hà Nội, đẻ sinh đôi hai đứa con, nàng chả còn quan tâm gì đến thơ thẩn nữa. Suốt ngày chỉ con cái và tiền nong. Còn Mạnh Hoạt, suốt ngày chỉ chó và gà. Nuôi chó và chọi gà, là hai cái trò Mạnh Hoạt được ông bố Huệ truyền cho. Mà hắn lại giỏi hơn hẳn. Hắn mầy mò sưu tầm tài liệu rồi chịu khó đi giao du với bạn cùng nghề. Hắn học lỏm được nhiều mánh. Hắn kiếm được nhiều tiền từ hai cái trò này. Nhưng rồi Mạnh Hoạt gặp hoạ cũng vì trò này.
Chả là nhà nước ta nghiêm cấm việc đánh bạc.
Thế nhưng cái trò đá gà mà không có cược tiền thắng thua thì ai còn gọi là đá gà nữa. Mạnh Hoạt nuôi được một con gà chọi rất chiến, đá đâu thắng đó. Sới đá gà bên Từ Sơn nghe tin bèn mời sang tỉ thí. Trận đấu đến hiệp thứ năm rồi mà vẫn không phân thắng bại, tiền ném xuống nhà cái như mưa rào… Đúng lúc đó thì công an xông vào bắt đánh bạc, tóm gọn cả đám đưa về đồn.
Công an Bắc Ninh tra cứu hồ sơ thấy Mạnh Hoạt tiền án tiền sự đầy mình. Vô phúc cho Mạnh Hoạt, người thụ lý vụ án là công an Thành thủa xưa, nay đã lên phụ trách điều tra trên sở công an tỉnh. Vẫn còn nhớ vụ bị Mạnh Hoạt nẫng tay trên nàng Kim Dung, công an Thành thẳng tay xử lý. Lại có một tay tên là M, từ Hà Nội sang, vận động thêm để đưa hắn vào tù càng lâu càng tốt (M cùng ngành kinh doanh chó, gà với Mạnh Hoạt, chuyện hắn té nước theo mưa mãi sau mới lộ. Nhưng chuyện hắn chả có gì đáng kể nên gọi thế cho gọn)
Mạnh Hoạt bị xử bảy năm tù giam tội chủ mưu tổ chức cờ bạc trái phép. Tuy Huệ có ôm tiền sang Bắc Ninh để chạy án nhưng không lại. Dân thạo tin khuyên Huệ đừng phí tiền chạy chọt trường hợp này làm gì. Cứ để thành án rồi xử lý ngon hơn, lúc đó công an Thành không làm gì được nữa rồi.
Mạnh Hoạt bị tống lên trại Tân Lập ngồi chơi. Nói ngồi chơi chứ không phải đi tù là khá chính xác. Bởi lúc bây giờ Mạnh Hoạt đã gây dựng được cơ ngơi rất lớn, trại chó giống, gột gà chọi của hắn to nhất Hà Nội. Kiếm được rất nhiều tiền. Bởi lúc bấy giờ dân Hà Nội đang rầm rộ phong trào nuôi chó. Nhà quyền quí Hà Thành lúc ấy là phải có một em chó Nhật nho nhỏ xinh tươi, lông trắng muốt, đúng chuẩn, mặt kỹ nữ tóc đại nhân chân danh thủ. Mấy tay bợm nhậu suốt ngày lê la trên liên hợp các xí nghiệp thịt chó Nhật Tân thì bảo, thứ ấy cho không đắt, chả bõ dính răng. Có đem nấu cả xương lẫn thịt cũng không nổi một bát, báu hoá gì. Nhưng mặc kệ, vì nhà thằng hàng xóm chiều chiều cho con gái bế em Mi nu ô ka sa ki đi chơi, nên nhà mình cũng phải có. Mà phải hai em cho hơn nhà nó… Thế nên trại chó của Mạnh Hoạt rất phát tài. Nhà có điều kiện nên khi Mạnh Hoạt bị vào trại, Huệ bèn bỏ tiền ra mua tất cả bọn cán bộ trong trại Tân Lập, từ trại trưởng, giám thị, trưởng buồng…để cho Mạnh Hoạt được nhàn thân. Lâu lâu Huệ còn lên thăm nuôi, ngủ lại, có cả buồng hạnh phúc cho lứa đôi hú hí. Trong trại, hắn chỉ bị mất tự do không được phép ra ngoài thôi chứ còn chả phải làm gì. Cả ngày hắn hết đọc sách báo rồi lại làm thơ. Thỉnh thoảng hắn được giao tổ chức liên hoan văn hoá văn nghệ chào mừng này nọ. Chán thì hắn đút hai tay túi quần đi lang thang trong khuôn viên trại xem các phạm nhân khác lao động cải tạo. Một lần Mạnh Hoạt vào đội nữ phạm xem họ làm mây tre đan xuất khẩu. Và tại đây, hắn gặp cô Cẩm, người xứ Lạng bị án mười hai tháng vì tội buôn lậu hàng qua biên giới.
Khi người đàn bà ba mươi nhăm tuổi, một con, vừa qua một đời chồng, ngước đôi mắt đượm buồn lên nhìn hắn, thì Mạnh Hoạt sững người. Trái tim hắn lại loạn nhịp. Tâm hồn nhà thơ của hắn lại rung rinh. Thật ra trong cuộc đời giăng gió của mình bắt đầu từ năm mười ba tuổi, Mạnh Hoạt đã nhiều lần thấy trái tim và tâm hồn mình xao động trước một bóng hồng. Nhưng lần này, Mạnh Hoạt có linh cảm rằng, đây là người đàn bà sẽ chốt hạ cuộc đời mình.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Trong chiến tranh, chỉ cần vài tạ thuốc nổ, vài giây, với vài người, là thổi bay một cây cầu. Nhưng để xây lại được một cây cầu qua sông, người ta phải mất vài năm với hàng ngàn con người lao động miệt mài.
Người gửi / điện thoại
Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine sulfat là một loại thuốc chống sốt rét có nhiều tác dụng phụ. Ngày xưa khi ngành Dược còn phân bảng, thì nó được xếp trong nhóm thuốc độc bảng B.
Bệnh tiểu đường là gì? Hiểu đơn giản nhất là do bạn đái ra chất đường- trong nước tiểu có rất nhiều đường glucosa!
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...
Nhà văn Trần Thanh Cảnh quê ở Thị trấn Hồ, H.Thuận Thành, T.Bắc Ninh, học hết phổ thông ông vào bộ đội tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, giải ngũ sau chiến tranh ông học Đại học Dược.
Nhân dịp kỷ niệm ngày 20-11 và nhằm phát triển hơn nữa văn hóa đọc tại Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngày 19/11/2020, Học viện tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu Tác giả - Tác phẩm truyện ký “Người bắt ma”.