1. Sử dụng lối viết “kịch tam duy nhất”
“Tam duy nhất” là duy nhất về hành động, thời gian, địa điểm trong nghệ thuật xây dựng kịch bản của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỉ XVII. Theo TS.Nguyễn Thị Tính (Giảng viên Khoa Ngữ văn-Trường ĐHSP Hà Nội 2), trong tiểu thuyết Trần Nguyên Hãn, nhà văn đã tạo ra một bố cục có tính kịch: “một không gian, một thời gian và một nhân vật”. Thời gian mở đầu tác phẩm là giờ Tị ngày 26/2/1429. Thời gian kết thúc tác phẩm là giờ ngọ (12h trưa) của vẫn ngày tháng năm đó. Nghĩa là chỉ một nửa ngày. Không gian là chiếc thuyền giải Trần Nguyên Hãn về Kinh và nhân vật là Trần Nguyên Hãn với “hành động” chủ đạo là hồi tưởng, suy ngẫm về cuộc đời, về nhân sinh thế sự, để rồi kết thúc bằng một hành động đầy chất bi kịch trẫm mình xuống dòng sông như chính dự báo của ông nội Trần Nguyên Đán trong Thiên tinh cung đồ. Cách bố cục, hay đúng hơn là cấu trúc tác phẩm theo lối này rõ ràng góp phần tạo ra kịch tính cho câu chuyện, rất phù hợp với nội dung của cuốn tiểu thuyết và cuộc đời bi hùng của nhân vật chính đồng thời tạo nên điểm khác biệt so với 2 cuốn còn lại: Trần Thủ Độ và Trần Quốc Tuấn.
Điều đặc biệt, mỗi cái “duy nhất” giống như một tập hợp chứa đựng bên trong rất nhiều những khoảng thời gian, rất nhiều những khoảng không gian, rất nhiều những con người, hành động và sự việc. Nó chứa đựng, dồn nén, tích tụ để rồi bùng nổ, “mở nút” bằng kết thúc của nhân vật. Đặc biệt, cái cách thức giải nén những cái duy nhất ấy thông qua thủ pháp hồi tưởng, trôi về miền kí ức của nhân vật đã tạo nên một câu chuyện sống động, hấp dẫn với nhiều tình tiết vừa thực, vừa hư. Thủ pháp đồng hiện, mở đầu bằng các suy cảm hiện tại của nhân vật kết hợp với việc phục dựng quá khứ đã khiến người đọc vừa tỉnh táo kiểm nghiệm việc đọc của mình đang đến đâu, ghim lại trong đầu cái hiện tại của nhân vật đồng thời giúp người đọc cất đi vách ngăn hiện tại và quá khứ để cùng với nhật vật trở về miền kí ức xưa. Cách làm này không mới nhưng phù hợp và tạo nên tính hấp dẫn nhất định cho tác phẩm.
2. Dàn dựng bối cảnh cho tình huống bi kịch của nhân vật chính
Có thể nói, nhà văn đã “chuẩn bị chu đáo” cho tình huống bị đẩy tới tận cùng của Trần Nguyên Hãn, hay nói cách khác, tình huống này là bước phát triển tiếp theo của cốt truyện, là logic tất yếu dựa trên cuộc đời và số phận của nhân vật. Ngay từ đầu và trong suốt tác phẩm, bằng nhiều cách thức khác nhau: khi thì thông qua Thiên tinh cung đồ, khi thì qua bình luận trao đổi của các nhân vật, nhất là giữa Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn về thế sự, quy luật của các triều đại phong kiến “Chim hết cung tên quăng bỏ, thỏ hết chó săn đem nấu”; đặc biệt qua phân tích nội tâm của chính nhân vật, nhà văn đã chuẩn bị tâm lí, chất liệu cho tình huống bi kịch: Trần Nguyên Hãn gieo mình xuống dòng sông trong tiếng sét và giông gió bất thường và kinh hoàng của đất trời. Việc tạo ra tình huống này, một mặt, thể hiện rõ cảm hứng ngợi ca, tôn vinh của người viết, thể hiện góc nhìn và tư tưởng của nhà văn, cũng là của nhiều người dân với người anh hùng xả thân vì đất nước bởi cái trẫm mình của Trần Nguyên Hãn không giống như sự tự tử thông thường mà là cái trẫm mình trong cơn hùng nộ của thiên nhiên. Phải chăng, đó là tín hiệu mà “hoàng thiên” – nhân vật siêu nhiên hay được các nhân vật nhắc tới, cho biết: đã đến lúc phải đón “thần tướng” về trời. Chính Lê Lợi và nhiều tướng sĩ nhiều lần phải thừa nhận: Trần Nguyên Hãn là thần tướng chứ không phải là tướng trần thông thường. Cách dàn dựng bối cảnh này đã tạo ra âm hưởng bi tráng cho cái chết của nhân vật, cho thấy chất thực và hư của thiên tiểu thuyết lịch sử, thực ở cái chết và hành động chết (gieo mình xuống sông), hư ở bối cảnh chết (thiên nhiên bất thường). Tóm lại, bối cảnh này có thể coi là đỉnh điểm của tấn bi kịch cuộc đời Trần Nguyên Hãn – một bi kịch tất yếu nhưng tràn đầy cảm hứng ngợi ca.
3. Phương pháp hư cấu hóa lịch sử của tiểu thuyết
Đặc điểm của lịch sử là sự khi chép chân thực, khách quan các sự việc, hiện tượng, con người có tác động, ảnh hưởng tới cộng đồng, dân tộc. Vì thế, để đảm bảo tính khách quan, chân thực, lịch sử chỉ nêu và phục dựng lại chứ không có hư cấu, tưởng tượng. Những con người, những sự việc chỉ được nêu một cách cơ bản, đến mức khô khan, thậm chí, do quan điểm chính trị và tư liệu có được, chỉ nêu một cách chung chung, dẫn đến nhiều điểm “mờ”, những chi tiết khó có cách hiểu thống nhất. Với phương pháp hư cấu của tiểu thuyết như nhân vật Trần Nguyên Hãn, lịch sử đã trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều bởi lịch sử được tắm trong bầu sinh quyển văn chương, được chuyển tải bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật giàu sức mê hoặc, được giải nén qua trí tưởng tượng và cảm hứng của nhà văn, được sống trong một sinh thể văn chương mà con đường giao tiếp chính là trái tim và tâm hồn người đọc. Vì thế, lịch sử trở nên hấp dẫn. Tất nhiên là cái hấp dẫn mang màu sắc văn chương, màu sắc văn - sử.
Nhìn chung, trong cảm nhận của bạn đọc thông thường (trừ những nhà nghiên cứu lịch sử), nhân vật trong sách lịch sử thường khô cứng, thiên về lí trí. Trong khi đó, các nhân vật của tiểu thuyết lịch sử thì rất lôi cuốn. Dù khi xây dựng họ, nhà văn phải dựa trên cốt sử nhưng về cơ bản họ vẫn là những hình tượng nghệ thuật sống động, có đầy đủ cả hỉ, nộ, bi, ai,… Họ có tâm trạng, suy nghĩ, có những xúc cảm và hành động rất “con người”, rất bản thể, bản năng, khiến độc giả thấy rất gần gũi và đôi lúc tìm thấy nhiều điều có thể đồng cảm. Như nhân vật Trần Nguyên Hãn chẳng hạn, những khoảnh khác nhớ về người vợ, người tình rất “đời”, đầy chất sống và rất nhân bản.
4. Xây dựng chi tiết tạo điểm nhấn ở nhân vật
Nếu coi tác phẩm văn học như một sinh thể thì chi tiết như những tế bào không thể thiếu. Chi tiết tuy nhỏ nhưng không có nó không có tác phẩm. Thêm nữa, cái nhỏ của chi tiết không nên chỉ xem xét ở dung lượng trang viết hay số câu chữ khắc họa nó mà cần xem cái năng lượng nghệ thuật mà nó chưa đựng là cái gì, vai trò của nó đối với việc khắc họa nhân vật và diễn biến của câu chuyện thế nào. Văn hào M.Gorki đã từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Những cây bút chuyên nghiệp, những nhà văn lớn rất chú trọng chi tiết. Có lẽ Trần Thanh Cảnh không là ngoại lệ. Đây không phải là lần đầu tiên nhà văn Trần Thanh Cảnh viết truyện cho nên ông càng thấm thía hơn giá trị của những chi tiết nghệ thuật – những “điểm sáng thẩm mĩ” mà có khi chỉ mình nó thôi đã đủ tạo nên tiếng vang cho ông và tác phẩm. Trong tiểu thuyết Trần Nguyên Hãn, có nhiều chi tiết đáng chú ý, ví dụ: ánh mắt của Lê Lợi nhìn Trần Nguyên Hãn, tiếng thở dài của Trần Nguyên Hãn,… nhưng có lẽ chi tiết tiếng cười to vang, sang sảng, nhưng lạnh và đột ngột tắt của Lê Lợi ám ảnh người đọc. Qua tiếng cười này, nhà văn muốn khắc họa một Lê Lợi không giống người thường, có tướng đế vương, như chính nhà văn đã viết: “Suy tính của bậc đế vương là vậy, vốn không theo thói thường của bất cứ ai” (trang 230), nhưng nó cũng cho thấy con người chính trị của Lê Lợi: lạnh lùng và khó lường, lí trí và hiểm ác. Lê Lợi không phải là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này nhưng lại tạo được ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Điều đó rõ ràng là nhờ các chi tiết, trong đó có tiếng cười.
5. Những dư ba sau khi đọc tiểu thuyết
Cuốn tiều thuyết này là một diễn ngôn về lịch sử, cụ thể là diễn ngôn của nhà văn Trần Thanh Cảnh về TRẦN NGUYÊN HÃN. Ngay lịch sử thuần túy cũng đã để lại biết bao điều để hậu thế phải chiêm nghiệm và vận dụng, huống chi đây lại là một áng văn chương giàu năng lượng ngữ nghĩa. Đọc những tác phẩm như thế này không chỉ là một cuộc giao tiếp với lịch sử mà thực sự là một hành trình suy nghiệm về lẽ sống ở đời. Cũng như khi đọc các cuốn tiểu thuyết lịch sử khác, tôi bắt đầu đọc tiểu thuyết lịch sử Trần Nguyên Hãn với sự tò mò và niềm hứng khởi nhất định vì tôi biết những cuốn sách như thế này sẽ đem đến nhiều thông tin thú vị mà chính sử chưa chắc đã ghi, hoặc những diễn giải hấp dẫn về những sự kiện, hành động mà bấy lâu nay mình chưa thể giải thích, dù đấy chỉ là cách lí giải của một nhà văn. Tôi thích thú khi đọc được những trang viết cụ thể về các nhân vật lịch sử, nhất là TRẦN NGUYÊN HÃN, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, biết thêm nhiều điều về các ông, đồng thời cũng thích thú, tâm đắc khi nghiệm ra nhiều bài học trong cuộc sống từ cuốn tiểu thuyết này, chẳng hạn như: biết mình, biết ta, biết khả năng giới hạn, điều kiện của bản thân để biết đâu là điểm dừng; biết buông bỏ, nếu thấy điều gì đó không còn có ý nghĩa; cần tỉnh táo khi nhìn nhận, đánh giá con người, cần biết chấp nhận quan niệm của người khác vì họ khác mình và biết đâu họ có chân mệnh đế vương…
Tôi muốn khép lại bài viết này bằng một lời nhắn nhủ với những học sinh của tôi, rằng: trong cuộc sống bề bộn này, hãy dành thời gian cho việc đọc sách và tìm đọc những cuốn sách hay, có giá trị để nâng cao hiểu biết và di dưỡng tâm hồn. Muốn đời sống trở nên tốt đẹp hơn thì mỗi người cần phải biết sống đẹp mà sống đẹp thì phải bắt đầu từ những ý nghĩ, tình cảm đẹp, mà ý nghĩ, tình cảm đẹp lại được hình thành và bồi đắp từ việc đọc sách nói chung và sách văn học nói riêng.
Tác giả: Cô giáo Nguyễn Nguyệt Nga
GV Ngữ văn – Trường THPT Việt Đức, Hà Nội
Những ngày đầu năm Nhâm Dần