MƯỜI MỘT.
Đại gia vốn là một người hay đọc sách. Đại gia đã đọc được ở đâu đó một ý kiến rất hay là, đồ đạc thì càng mới càng tốt, nhưng bạn bè tốt thường là bạn cũ. Trường đời đã trải qua khá nhiều là khúc quanh, nhưng Đại gia cũng chưa biết chắc là điều đó có đúng hay không. Có điều, Đại gia vẫn luôn giữ mối quan hệ thân tình với mấy người bạn từ thủa ấu thơ. Thật ra cũng không có gì nhiều, vài ông bạn đã cùng nhau học ở quê từ lớp vỡ lòng cho đến khi tốt nghiệp cấp ba. Rồi mỗi thằng vào một trường đại học. Vẫn chơi với nhau, vẫn đàn đúm với nhau mỗi khi có dịp. Một ông bạn là giáo sư chuyên ngành xã hội học. Tay này, ngày học phổ thông rất giỏi toán lý hoá. Nhưng hắn không đi thi vào mấy trường dễ kiếm tiền như xu thế lúc đó. Mà hắn lại đi học một cái ngành hết sức mông lung là “Nghiên cứu xã hội học”, thật khó hiểu. Một ông bạn là bác sĩ nội trú tại một viện lớn ở thủ đô. Thằng cha này, ngày xưa nguyên là học sinh giỏi văn, đi thi đã từng đứng đầu tỉnh. Đến năm cuối cấp nó nói với bọn bạn là, văn chương thơ phú bây giờ chỉ là đồ giẻ rách, văn nhân thì đói như khỉ, tao quyết định đi học nghành y cho dễ kiếm tiền! Thế là nó quay sang học toán hoá sinh để thi vào trường y. Thế mà đỗ. Rồi vào nội trú. Rồi ra đi làm. Quả thực nó kiếm được nhiều tiền thật. Mỗi ca đi trực về, vợ nó phải ngồi đếm phong bì, kiểm tiền của bệnh nhân đưa mất hàng tiếng trong phòng. Đã thế, vợ chồng nhà nó còn mở phòng khám tư ngoài giờ, tranh thủ chủ nhật và những lúc rỗi rãi, điều bệnh nhân từ viện ra xử lý. Có lúc ngồi với nhau, thằng bạn bác sĩ đã cao hứng thổ lộ: “Nói thật với bọn mày, mỗi ca mổ ở nhà, chỉ ba mươi phút là tao đút túi năm triệu. Tiền thuốc sát trùng, bông băng cồn gạc, không quá năm mươi ngàn” Không kiếm được nhiều tiền như ông bạn bác sĩ, nhưng ông bạn là thạc sĩ cơ khí đang làm trưởng phòng quản lý xí nghiệp trên bộ nghe chừng cũng khá. Ngày xưa học cùng, ông bạn này lành như đất. Đến nỗi, bọn bạn học đặt cho biệt danh là “ỉn”! Nhưng nay ngó vào tài sản, nhà, xe và phong thái tiêu tiền của ngài trưởng phòng, một số em gái thân cứ hay thắc mắc với ngài là, sao các bạn anh lại gọi anh như thế? Đấy là mấy thằng bạn cũ thân thiết của Đại gia từ thủa ấu thơ cho đến bây giờ. Mấy thằng bạn mà, những lúc vui buồn ngồi nhâm nhi vại bia, ly rượu với nhau, vẫn hay gọi nhau một cách bỗ bã, xấc xược nhưng thân mật là mấy thằng “đểu”. Lý do của cái từ “đểu” dành cho nhau ấy là, khi ngồi với nhau, nhất là khi rượu tới tầm rồi thì, hầu như không có sự kiêng dè nể nang gì nữa. Tất cả những suy nghĩ, những đánh giá về nhau, rồi cả những dư luận xung quanh, dù dễ nghe hay khó nghe, đều được bắn ra bằng hết. Có lúc tức mình, Đại gia đã nói với đám nhân viên thân tín là: “Mấy cái thằng bạn đểu ấy, mình chuyên mời rượu chúng mà cứ hở mồm ra là nói xấu mình. Từ giờ đéo thèm uống rượu với chúng nó nữa”
Nhưng nếu không uống rượu với mấy ông bạn cũ ấy thì Đại gia uống rượu với ai được? Với các đối tác là chỗ làm ăn, ký kết hợp đồng thì bữa rượu như là trận chiến. Lừa miếng, thả câu, thăm dò lẫn nhau. Những bữa rượu đi hầu các quan chức cấp cao thì, thì quả thực Đại gia không hé răng kể với bất kỳ ai, dù thân tín thế nào. Không phải là do sự tốn kém của nó mà người thường khó tưởng tượng ra. Cũng không phải ở sự xa hoa và những câu chuyện, những âm mưu khuynh đảo triều đình trong bữa rượu. Mà thật sự, Đại gia không muốn kể với ai cái cảm giác bé mọn khi phải cúc cung ngồi cạnh các anh trên hóng chuyện và rót rượu. Thi thoảng hứng lên, các anh cho phép thằng em doanh nghiệp góp vài câu chuyện tiếu lâm để thay đổi không khí. Thế thôi.
Thế cho nên, hôm chính thức có quyết định phê duyệt dự án đầu tư khu đô thị mới rộng hai trăm năm mươi héc ta ở phía tây thành phố, Đại gia lại gọi điện mời mấy tay bạn cũ đi uống rượu chia vui. Cũng là nhân dịp này chúc mừng ông bạn giáo sư vừa được tặng thưởng vì vừa hoàn thành cái công trình nghiên cứu gì đấy. Lần lượt, cả bốn tay bạn tề tựu ở tầng năm, nhà hàng hàm cá mập nhìn ra Hồ Gươm. Một phòng riêng biệt được đặt, có nhạc công ngồi chơi Piano những bài nhẹ nhàng. Đai gia vốn thích âm nhạc. Những khi rượu vào, cao hứng Đại gia hát khá hay, nhất là những bản tình ca.
Khi tất cả đã yên vị, ông bạn bác sĩ thôi không phàn nàn về sự bận rộn. Ông bạn giáo sư thì cũng đã quên chuyện tắc đường. Còn tay thạc sĩ trưởng phòng, cũng đã cất mấy cái điện thoại di động chỉ đạo đám em út làm gì đấy ngoài giờ rộn rã từ lúc đến. Đại gia cầm ly rượu sâm panh đắt tiền, trong đó óng ánh những vảy vàng li ti trôi trong màu hổ phách của rượu, đứng lên nói:
-Hôm nay, nhân dịp công ty mình vừa có quyết định của thành phố cho phép đầu tư khu đô thị phía tây, mời các ông bạn thân thiết đến đây uống ly rượu chia vui. Và cũng là nhân dịp này, ta cùng nhau chúc mừng thành công của giáo sư Đoàn Hải, về công trình nghiên cứu vừa được nhà nước trao tặng giải thưởng của ngài.
Bốn chiếc ly chạm vào nhau, những tiếng lanh canh vui tai rộn rã. Những chai rượu loại đắt tiền nhất của nhà hàng được đưa ra. Sơn hào hải vị không thiếu thứ gì. Tôm hùm Cu Ba, cua hoàng đế nhập từ Mexico…Bốn em tiếp viên xinh như mộng, ăn mặc sang trọng, miệng lúc nào cũng tủm tỉm nụ cười duyên, đứng rót rượu và tiếp thức ăn bên cạnh, góp phần cho cuộc rượu thêm hào hứng.
Thông thường, trong cuộc rượu của những người bạn thân này, chủ đề nói chuyện sẽ xoay quanh chuyện tiền, gái và chính trị. Theo như một quy định bất thành văn nhưng đã được thừa nhận mấy chục năm nay trong nhóm, đó là ai có quan điểm như thế nào cứ thoải mái nói, không kiêng dè. Vì đây là chỗ xả stress cho bạn bè. Ngài bác sĩ nội trú Nguyễn Thiên, một nhân vật khá nổi tiếng, thông thường sẽ tự độc thoại khoảng mười lăm phút về bản thân. Tay này sẽ khoe khoang rất nhiều về tiền. Đặc biệt là số tiền các bệnh nhân phải cống nạp và những bổng lộc mà các công ty dược phải hối lộ để được ngài bác sĩ kê đơn thuốc. Tiếp đến, ngài sẽ khoe năm qua đi được bao nhiêu nước dự hội thảo khoa học và tiện thể bật mí cho mấy ông bạn là, ở nước đó, chỗ nào gái xinh và lao động nhiệt tình. Rồi vị bác sĩ này sẽ thông báo cho chiến hữu biết, hiện cặp bồ mấy em, nhưng thỉnh thoảng vẫn lôi được một em y tá vào phòng trực, đứng bắn, làm một nháy. Bác sĩ Nguyễn Thiên, vốn vẫn nổi tiếng là người có “pin” khoẻ nhất ngành y tế. Xong màn độc thoại, thường thì bác sĩ sẽ quay sang hỏi Thạc sĩ Trương Quang: “ Mày thế nào, dạo này có em nào không?” Ông bạn Quang, trưởng phòng quản lý xí nghiệp trên sở chỉ cười mà rằng: “ Bọn tao công chức nhà nước, không có điều kiện như chúng mày”. Mấy thằng bạn cùng ngồi đều cười nửa miệng và bảo:
-Không có điều kiện mà mày ở nhà biệt thự trên phố, căn hộ cho thuê mấy cái, đi xe Camry ba chấm nhập khẩu từ Mỹ. Còn gái thì, báo cho mày một tin buồn là, hôm nọ thằng chó nào tung tăng dắt một em chân dài đi mua sắm trong Vincom bị lộ rồi đấy nhé.
Cả bọn đều cười xoà, riêng về cái món gái gú này thì, hình như mấy thằng đều giống nhau. Thằng nào mà không lập phòng nhất phòng nhì thì cũng bồ bịch tưng bừng. Ở cái trường phổ thông, nơi học chung thời xưa của mấy người bạn, đã lưu truyền một giai thoại là, cái lớp ấy, cái gì cũng nhất, kể cả mục chơi bời. Tuy nhiên, cái đinh của các cuộc chè chén này vẫn luôn luôn là Đại gia. Ngài giáo sư Đoàn Hải, vốn nổi tiếng thông kim bác cổ và hùng biện. Nhưng trong những cuộc như thế này vẫn hay nhường lời Đại gia. Khi một số chai rượu ngoại đắt tiền đã cạn, lúc đó hình như Đại gia mới đủ đô để cởi mở tấm lòng. Đại gia tâm sự về những nỗi khốn khổ của một thằng doanh nhân đầu chày đít thớt, đi xin xỏ, phải nịnh bợ từ thằng gác cổng nịnh đi. Đại gia bảo, nhìn lại con đường gian lao để hình thành nên cái dự án mà thấy rùng mình. Không biết bao nhiêu cửa, bao nhiêu con dấu đã qua và, những cái phong bì rải trên con đường ấy là bao nhiêu lớp. Mà đấy, mới chỉ là những chặng đầu tiên. Còn đền bù, giải phóng mặt bằng, rồi xây dựng…Nghe đến đây, ông bạn giáo sư Đoàn Hải, từ nãy vẫn chăm chú uống rượu, bỗng ngắt lời và hỏi Đại gia:
-Thế ở dự án này, ông trả tiền ruộng cho nông dân là bao nhiêu?
-Thì theo quy định của nhà nước là ba mươi triệu một sào bắc bộ. Ngoài ra, có thêm chút ít hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tái định cư, thế thôi.
-Dự kiến ông bán nền là bao nhiêu tiền một mét vuông đất?
-Vào thời điểm này, tôi đã nhận đặt cọc là sáu triệu đồng một mét vuông đất phân lô. Còn biệt thự là tám triệu.
-Như vậy là ông mua của nông dân với giá khoảng một trăm ngàn một mét vuông đất, và ông bán ra với giá thấp nhất là sáu triệu đồng một mét vuông. Đây chính là khoản siêu lợi nhuận mà các nhà tư bản nhắm tới.
-Ông Hải nói thế là chưa hiểu bản chất của vấn đề. Vấn đề là nước ta, đất đai là thuộc quyền sở hữu toàn dân, của nhà nước. Nhà nước thu hồi và giao cho tôi làm dự án phát triển chứ tôi không mua của nông dân! Thứ nữa, tôi phải đầu tư tiền vào phát triển hạ tầng chứ không phải tự nhiên mà thành đất đô thị, bán thành miếng vàng như vậy. Và, một vấn đề rất quan trọng ông Hải chưa hiểu đó là, phần chênh lệch địa tô như ông nói, tôi phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi đã khấu trừ chi phí phát triển hạ tầng.
-Vâng, tôi hiểu là ông rất vất vả để có cái dự án này và các dự án khác cũng thế. Tất nhiên là tôi cũng hiểu là không có các ông anh bật mí thì, ông có ba đầu sáu tay cũng chả tiếp cận được mà xin dự án đầu tư. Nhưng mà nói như ông thì bao nhiêu phần lợi nhuận nộp về ngân sách thì ông đi làm không công à?
Nghe đến đây, cả bàn rượu phá lên cười sằng sặc, đến nỗi pianist đang chơi dở bản “Love story” cũng phải ngừng tay, ngẩng lên ngơ ngác. Cười chán, Đại gia lại hò cụng ly trăm phần trăm rồi thong thả nói:
-Ông bạn giáo sư kính mến ơi, ông ngồi trong tháp ngà nên không hiểu được là trong kinh doanh nó có những cái gọi là thủ thuật đâu. Kinh điển như “bao nhiêu chi phí tính vào giá thành”. Chi phí bôi trơn, chi phí lo lót, thậm chí cả tiền bữa rượu chúng mình uống hôm nay, đều được tính vào chi phí phát triển hạ tầng hết. Còn nữa, về mặt nguyên tắc, nhà nước sẽ ấn định giá đất thu về ngân sách sát với giá thị trường. Nhưng thế nào là giá thị trường thì chưa có chuẩn. Tôi bảo một triệu, ông bảo sáu triệu, nhưng thằng Quang nó lại bảo mười triệu cơ…Vấn đề là mình phải đạo diễn luôn được cái hội đồng định giá đất ấy, để nó ấn định giá có lợi cho doanh nghiệp. Vậy thì, vấn đề ở đây nó chỉ là bài toán chia sẻ lợi nhuận thôi ngài giáo sư ạ! Ngài có nghe là kinh doanh hiện đại theo nguyên tắc: “win-win”, cùng thắng à?
-Đúng, nghe ông nói thì tôi mới hiểu. Và tôi cũng hiểu rằng, với cung cách làm ăn như của ông thì tất cả: doanh nghiệp, quan chức đều thắng. Chỉ có thành phần nông dân là thua và, thua đậm nhất chính là cái chung của đất nước này. Bởi thật sự thì đối với bất kỳ một quốc gia nào, đất đai cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất. Nhưng vấn đề là nguồn lợi ấy nó không được khơi dòng đúng để chảy vào làm động lực phát triển cho đất nước. Mà nó lại chảy vào túi của một số cá nhân…Ngừng lại một lát, giáo sư Đoàn Hải uống cạn ly rượu trên tay, đặt xuống bàn, rồi hạ giọng nói tiếp:
-Tôi xin nói thật, bọn mình đều được học về sự kế tiếp nhau tất yếu của các hình thái kinh tế xã hội trong lịch sử loài người. Chúng ta cũng đều biết về sự ra đời đầy máu và nước mắt của chủ nghĩa tư bản châu Âu cách đây mấy thế kỷ. Và chúng ta cũng đều biết rằng, giờ đây tại quê hương của chủ nghĩa tư bản thì cũng đã có sự phát triển và sự điều chỉnh khác xa nguyên thuỷ. Nhà nước ở đó họ đã làm được vai trò điều tiết lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội… Nhưng giờ đây, ở thế kỷ thứ hai mươi mốt, nước Việt mình cũng đang đi lại con đường đau khổ nhân loại đã đi qua cách đây mấy thế kỷ, mà không có một sự điều chỉnh nào. Mà đáng lý ra trên con đường phát triển của mình chúng ta hoàn toàn có thể tránh được những đau thương không đáng có. Thật buồn khi nhận thấy chủ nghĩa tư bản nước mình cũng đang thoát thai không khác châu Âu xưa là bao. Sự cưỡng đoạt và máu me cũng tràn từng lỗ chân lông!
Cuộc rượu tàn ngay sau đó. Họ vẫn bắt tay tạm biệt nhau như những người bạn thân thiết. Có điều, sáng hôm sau, Đại gia gọi điện cho hai ông bạn Thiên và Quang nói: “Mẹ kiếp, tao mất tiền, mất công cho lái xe đi đón thằng Hải đến uống rượu cho vui mà nó lại chửi tao là thằng tước đoạt ruộng đất của nông dân. Từ giờ trở đi, tao dí c… vào uống rượu với nó nữa!”
Đánh giá
Mục lục bài viết
... văn chương thơ phú bây giờ chỉ là đồ giẻ rách, văn nhân thì đói như khỉ, tao quyết định đi học nghành y cho dễ kiếm tiền! Thế là nó quay sang học toán hoá sinh để thi vào trường y.
Người gửi / điện thoại
Trong Y học, có một thuật ngữ quen thuộc “vật chủ truyền bệnh”, xuất phát từ thuật ngữ “vật chủ” trong môn Sinh học. Đây là một thuật ngữ chỉ về những sinh vật có nuôi dưỡng sinh vật khác, theo các dạng quan hệ ký sinh, cộng sinh hoặc hội sinh, cung cấp dinh dưỡng, nơi trú ẩn hoặc đôi khi là bảo vệ lẫn nhau.
Còn thực ra, với hàng ngàn loại thuốc đang sử dụng trong ngành y tế nước ta thì cái nguy cơ xảy ra nhầm thuốc là rất lớn nếu nhãng ý đi. Thế cho nên nhân lực ngành y tế luôn được đào tạo rất kỹ lưỡng. Và đặc biệt coi trọng việc thực hành.
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...