Vaccine đang tỏ ra là vũ khí hữu hiệu nhất của con người chống lại đại dịch covd-19, ít nhất là cho đến lúc này. Hãy nhìn tình hình diễn biến dịch bệnh tại các nước đã triển khai tiêm vaccine phổ biến cho toàn dân như Anh, Mỹ, Đức, Israel… Họ hầu như đã đạt miễn dịch cộng đồng nên đang chuẩn bị mở cửa đất nước, đưa cuộc sống trở lại bình thường như trước khi con virus Sars-cov-2 quái ác kia xuất hiện. Tổng thống Mỹ Jo Biden đã phát đi tuyên bố hồ hởi về một chiến thắng, người dân Mỹ thậm chí có quyền bỏ khẩu trang nơi công cộng.
Thế giới hiện nay có nhiều loại vaccine do các tập đoàn dược phẩm nghiên cứu sản xuất ra đã được Tổ chức y tế thế giới- WHO cấp phép. Nổi bật là của liên danh Pfizer-BioNtech, Moderna, Johnson & Johnson Janssen, Oxford Astrazeneca. Ngoài ra vaccine Sinopharm của Trung Quốc, SputnikV của Nga cũng đang được dùng rộng rãi. Nhiều nước khác đã và đang bắt đầu sản xuất. Ngay tại Việt Nam, một loại vaccine cũng đã đưa vào thử nghiệm giai đoạn 2, hứa hẹn cho kết quả tốt. Một điều lạ lùng là một “ông lớn” ngành dược vốn rất mạnh về sản xuất vaccine, Tập đoàn Sanofi, hiện vẫn im hơi lặng tiếng, chưa có sản phẩm lưu hành trên thị trường. Được biết, đây là tập đoàn dược phẩm do cha đẻ của phát minh ra vaccine, Luis Pasteur sáng lập kia!
Đang có một cuộc vận động trên thế giới, kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vaccine phòng covid một cách rộng rãi. Về mặt nhân đạo, đây là một ý tưởng tuyệt vời. Nếu bản quyền sản xuất vaccine được chia sẻ miễn phí một cách rộng rãi như hy vọng, cho tất cả các nước trên thế giới thì, năng lực sản xuất vaccine sẽ tăng lên gấp bội, loài người sẽ có đủ lượng vaccine cần thiết trong một thời gian ngắn. Và con virus quái ác kia sẽ bị đẩy lùi. Nhưng đây là câu chuyện còn chưa có hồi kết, bởi mọi người nên nhớ cho là, việc đầu tư nghiên cứu các loại thuốc mới, nhất là vaccine, luôn đòi hỏi một số lượng kinh phí khổng lồ. Thu hồi vốn là bắt buộc với các doanh nghiệp, nếu không sập tiệm ngay. Và nếu để họ sập tiệm thì, đến các dịch sau, ai sẽ là người nghiên cứu chế tạo thuốc cho loài người đây? Bài toán kinh tế với bài toán nhân đạo luôn khó khăn để cân bằng. Tuy nhiên, có vaccine ra đời là hy vọng đẩy lùi covid đã hiện hữu chứ không còn mông lung như cách đây gần hai năm, khi dịch mới bùng nổ.
Xin nhớ cho, là chỉ đẩy lùi thôi đấy nhé. Câu chuyện về covid sẽ còn nan giải trong đời sống hiện đại của nhân loại, chứ không đơn giản là chúng ta chích một liều vaccine xong, có thể xoa tay bai bai ẻm covid. Không. Xin đừng nghĩ đơn giản vậy. Bởi mỗi liều vaccine tùy từng loại, chỉ có thể bảo vệ chúng ta trong khoảng 6 đến 12 tháng gì đấy. Mà hơn nữa, con virus quái ác này nó biến chủng hàng ngày hàng giờ rất nhanh. Nên không có gì đảm bảo rằng, loại vaccine hôm nay có tác dụng chống virus xâm nhập cơ thể, những ngày hôm sau nó còn có tác dụng với một chủng biến thể mới của chúng. Rất có thể bị vô hiệu hóa. Và loài người lại phải mầy mò chế vaccine mới. Cứ thế con đường đấu tranh của loài người với kẻ thù “bên rìa sự sống” kia, hứa hẹn sẽ còn lâu dài và gian khổ. Nói một cách nào đó, nó giống như cuộc chiến giữa thiện-ác, có lẽ không bao giờ kết thúc. Như ở ngoài xã hội cũng vậy thôi, loài người từ khi hình thành xã hội đã luôn phải đối mặt với những tội ác. Và tội ác trong xã hội loài người nó cũng luôn biến tướng như con virus kia, ngày càng ác độc và kinh khủng hơn.
Đẩy lùi và chung sống hòa bình cùng covid! Có lẽ đấy là mong ước của mọi người dân, mọi nước. Muốn vậy bắt buộc phải tạo được miễn dịch cộng đồng. Mà muốn có miễn dịch cộng đồng ta phải có vaccine để tiêm phòng, không thể khác. Không thể nào dựa vào con đường tự nhiên để đạt miễn dịch cộng đồng, vì như thế nó sẽ gây ra những đổ vỡ xã hội không tưởng tượng nổi. Thế cho nên tại các nước kể ở trên, họ đã triển khai việc tiêm vaccine rất rộng rãi, ngay khi được cấp phép lưu hành.
Nhưng tại nước ta, tỷ lệ tiêm vaccine hiện đang rất thấp so với dân cư. Mà mấy ngày gần đây, đợt dịch thứ 4 đang bùng nổ với tốc độ lây lan chóng mặt trên diện rộng. Một điều cực kỳ nguy hiểm nữa là, trong đợt dịch này, khá nhiều bệnh viện thành ổ dịch. Đặc biệt, Bệnh viện nhiệt đới TW cơ sở 2, vốn được coi là tuyến phòng ngự cuối cùng chống lại covid, lại trở thành điểm nóng phát ra dịch covid đầu tiên của đợt này… Qua đó ta càng thấy tính cấp bách của việc cần thiết tiêm phòng vaccine cho các thầy thuốc, nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, những người đang ở tuyến đầu chống dịch. Có một điều khó hiểu là gần đây, qua thông báo thấy có khá nhiều bác sĩ bị dương tính với covid, mà những liều vaccine chống covid đầu tiên đã về nước ta từ khá lâu. Vậy đâu là vấn đề? Điều này cần các nhà chuyên môn lý giải cho rõ.
Vaccine chống covid nước ta đang dùng chủ yếu là của nhãn hàng dược phẩm Oxford Astrazeneca. Loại này đang có nghi ngờ về việc gây ra tác dụng phụ đông máu, nhất là đối với người dưới 40 tuổi. Đã có khuyến cáo về vấn đề này. Điều này cũng ít nhiều gây ra tâm lý cho chính những người thầy thuốc đang chống dịch: một điều dưỡng tại An Giang cũng đã bị sốc phản vệ và tử vong khi tiêm vaccine.
Vaccine chống covid về nước ta hiện nay nguồn là từ chương trình “Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa covid-19”, viết tắt là COVAX, của WHO dành cho các nước nghèo. Chương trình này có cam kết hỗ trợ vaccine cho nước ta với số lượng khá lớn, chủ yếu là Oxford Astrazeneca, chưa thấy nói đến loại khác. Vẫn biết ngân sách nước ta còn khó khăn, đa số nhân dân ta còn thu nhập thấp, cần phải được hỗ trợ trong phòng chống dịch covid. Thế nhưng thực tế trong xã hội nước ta hiện nay đã có một tầng lớp cư dân giàu có, thậm chí có cả giới siêu giàu. Và một tầng lớp khá đông “trung lưu”. Những người này hoàn toàn có khả năng chi trả cho việc tiêm phòng covid mà không cần đến sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tạo ra một hành lang pháp lý cần thiết cho các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng đầu tư phương tiện, trang thiết bị, kinh phí liên hệ mua vaccine của các tổ chức doanh nghiệp khác, ngoài COVAX để tiêm cho dân cư. Thu phí thỏa đáng. Đó cũng là thúc đẩy nhanh quá trình tạo miễn dịch cộng đồng, không chỉ trông chờ vào cố gắng của nhà nước. Ta có thể gọi đó là “xã hội hóa” nguồn cung vaccine hay một khái niệm nào khác cũng được. Miễn là nhanh chóng đẩy nhanh được tiến độ tiêm phòng vaccine covid cho dân ta. Tiến độ này, theo thế giới đánh giá hiện chúng ta đang bị tụt lại phía sau.
Covid không chỉ là dịch bệnh. Mà phía sau của nó là muôn vàn những vấn đề kinh tế xã hội. Nếu chúng ta chống dịch một cách cực đoan sẽ gây ra những đổ vỡ khó lường. Còn nếu chúng ta thờ ơ coi thường, sẽ nhận những hậu quả đau đớn về sinh mạng. Cân đối giữa hai điều đó là công việc của những người làm chính sách. Thế nhưng thật may, con đường để chống lại dịch covid đem lại cuộc sống an toàn cho người dân đã mở ra rất rõ ràng. Tạo miễn dịch cộng đồng bằng liệu pháp vaccine cho đại đa số dân cư. Hy vọng rằng điều đó sớm thành hiện thực.