Những cái chết vô lý và đau thương vì Covid
Tin nhắn của cháu Hà P, giáo viên, từ quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh:
Chú ơi, trường cháu có anh giáo viên độc thân, ở một mình một nhà, đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Hai ngày liền không đến trường cũng không ai liên lạc được. Trường cho người tới thì thấy chết rồi! Y tế xuống khám nghiệm nói chết do Covid. Khủng khiếp quá! Làm cho cán bộ giáo viên cả trường xuống tinh thần quá, ai cũng bi quan chán nản, không ai muốn làm gì hết nữa. Sao Covid nó gây ra những cái chết vô lý và đau thương đến vậy? Mà ảnh còn trẻ, mới ngoài ba mươi! Trước đó ảnh vẫn khỏe mạnh không hề nói có bệnh gì mà…
Đó là một trong rất nhiều tin nhắn tôi nhận được từ thành phố Hồ Chí Minh của cô giáo viên này hồi các tháng 7,8,9 khi dịch Covid trong đó đang rất căng thẳng. Số lượng bệnh nhân Covid tăng dựng đứng khiến hệ thống y tế cơ sở bị quá tải, tê liệt. Rất nhiều người bị bệnh lâm vào trạng thái hoảng loạn vì không được trợ giúp kịp thời. Nhiều cái chết đáng tiếc đã xảy ra. Tôi cũng như rất nhiều bác sĩ, thầy thuốc trong cả nước rất đau lòng mà hầu như bất lực. Bởi với hiểu biết của mình tôi cho đó là những cái chết không đáng xảy ra. Thế mà họ đã phải chết một cách vô lý và đau thương. Trước tình cảnh đó, chỉ là một dược sĩ về hưu, tôi đành lên facebook viết bài trợ giúp về kiến thức sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị Covid, công bố số điện thoại công khai sẵn sàng trợ giúp 24/24 về tư vấn sử dụng thuốc. Và tôi đã nhận được khá nhiều tin nhắn, cuộc gọi của nhiều người trong các hoàn cảnh khác nhau. Nhiều khi không những chỉ tư vấn về cách sử dụng thuốc sao cho đúng, mà nhiều lúc còn phải nhắn tin, nói chuyện khá lâu để trấn an mọi bằng những hiểu biết của mình về virus Sars- CoV-2 và căn bệnh viêm phổi cấp do nó gây ra. Bởi thực sự khi đó mọi người rất hoang mang. Thậm chí có thể gọi là hoảng loạn.
Bệnh dịch Covid là một thực tế rõ ràng.
Con virus gây dịch Covid-19 là nguy hiểm, nhưng thực chất nó không quá đáng sợ như chúng ta đang hàng ngày bị dội vào đầu một dòng thác những thông tin khủng khiếp về căn bệnh này. Tôi nghĩ đây chính là mặt trái của xã hội thông tin khi người ta cứ chăm chăm đưa những tin, ảnh có tính chất giật gân, hăm dọa, bi thảm…để thu hút sự chú ý. Mà hầu như rất ít thông tin có bài kèm theo phân tích một cách khách quan, khoa học về những gì đang diễn ra. Hoặc giả những người làm tin không đủ khả năng này, nên họ đã vô tình gieo rắc sự khiếp sợ hoảng loạn. Bởi thế, hiểu chính xác về con virus Sars- CoV-2 và dịch Covid-19 rất quan trọng. Bởi nếu chúng ta có những hiểu biết căn bản và chính xác về nó, mỗi người và cả cộng đồng sẽ có những biện pháp phòng chống chủ động, phù hợp, khoa học, không sợ hãi đến tê cứng như vừa rồi, thì sự thể sẽ không đến nỗi như phải chứng kiến vừa qua trong thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận.
Giới khoa học toàn cầu đã rút ra kết luận từ khá sớm: virus gây dịch Covid không tồn tại trong không gian ngoài trời thoáng đãng như đường phố, công viên. Mà đường lây lan virus chủ yếu là từ người sang người, trong môi trường không khí khép kín không lưu thông, tiếp xúc gần. Nhiều nghiên cứu còn cho kết quả là đường lây đó chiếm đến 99,9% các ca lây nhiễm. Vậy mà không hiểu tại sao hồi đầu chống dịch tại Tp. Hồ Chí Minh người ta cho bao vây phong tỏa chốt cứng tất cả các khu dân cư lại. Nhất là với các khu dân cư trong hẻm, xẹt, ngõ, ngách vốn vô cùng chật hẹp, nơi những người công nhân làm thuê, lao động tự do vốn mưu sinh dựa vào vỉa hè đường phố tá túc. Tôi đã từng biết những khu nhà trọ gồm hai dãy phòng đối mặt vào nhau qua một lối đi nhỏ hẹp che kín bằng tôn, với các căn phòng trọ chỉ 10-12m2 mà mỗi phòng luôn có 5 đến 7 người ở. Khi dịch nổ ra, người ta cho bịt luôn cả cái lối ra vào duy nhất của dãy phòng trọ kia. Thế là cả dãy gồm hàng chục phòng trọ đó thành một nơi kín bưng, không thể nào thông khí được. Rồi dẫn đến chỉ cần một người trong khu nhà đó nhiễm virus, lần lần dẫn đến tất cả mọi người trong khu cùng hít thở bầu không khí tù đọng đó đều nhiễm. Mà thành phố Hồ Chí Minh có không biết bao nhiêu mà kể những khu nhà trọ kiểu như vậy. Nên dẫn đến hệ quả có quá nhiều người nhiễm, y tế cơ sở thì mỏng và yếu, quản không xuể. Mới đầu còn cách ly f1, f0 này nọ, sau nhiều quá người bị dương tính, người phát bệnh gọi điện thoại cũng chẳng ai nghe máy. Người dân bị nhốt trong các khu nhà trọ đó đành tự mình vùng vẫy, kêu gọi các nhà từ thiện, hoặc là phó mặc cho số phận. Rất nhiều thảm cảnh đã xảy ra…
Khi con virus kia nó vượt qua các hàng rào bảo vệ của cơ thể, xâm nhập vào tế bào phổi thì đến lúc đó ngoài sức đề kháng tự thân do hệ miễn dịch của cơ thể tiết ra chống đỡ, rất cần sự trợ giúp của thuốc men và các phương tiện y tế khác như máy thở ô xi, dung dịch thức ăn…Nếu không có sự trợ giúp kịp thời và đúng lúc của thầy thuốc, con người ta dễ bị tử vong bởi “cơn bão cytokine” làm đông đặc phổi mất chức năng hô hấp, rồi chết nhanh chóng do thiếu ô xi. Và virus này nó còn gây ra hội chứng giảm tiểu cầu hình thành các cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến nhồi, nghẽn, vỡ mạch suy tuần hoàn cũng khiến bệnh nhân chết nhanh. Bởi thế, chúng ta đã thấy các bệnh nhân trẻ khỏe như thầy giáo kể trên chẳng hạn, chết rất nhanh chóng khi bị nhiễm Covid mà không có thầy thuốc trợ giúp. Và các bạn hãy tưởng tượng xem, trong lúc Covid cao điểm có bao nhiêu người đã chết một cách vô lý và đau thương như vậy trong các khu nhà trọ khi mà họ bị bệnh không được trợ giúp kịp thời. Trong khi đó, để ngăn chặn hai hội chứng gây chết người nhanh chủ yếu của Covid là cơn bão cytokine và giảm tiểu cầu hình thành cục máu đông kia có rất nhiều loại thuốc khả dụng và dễ kiếm trên thị trường dược phẩm nước ta. Chỉ cần có các thầy thuốc chỉ định, hướng dẫn hay là thậm chí chỉ cần phát thuốc cho dân một cách rộng rãi cũng sẽ cứu được rất nhiều người. Nói chết một cách vô lý là vậy: rõ ràng có thuốc dễ mua dễ kiếm mà cuối cùng để cho khá nhiều người dân đã phải bỏ mạng oan ức vì không được dùng thuốc, không được cấp cứu kịp thời. Bởi mọi người nên nhớ rõ rằng, “cơn bão cytokine” một khi bùng phát dữ dội, phổi của bệnh nhân bị tràn ngập, bị đông đặc nhanh chóng. Không hấp thụ được ô xi vào máu nữa, con người ta sẽ chết đau đớn chỉ trong vòng vài phút. Lúc đó chỉ có ECMO mới mong cấp cứu được. Nên liệu pháp ngăn chặn trước “cơn bão cytokine” tai quái kia bằng thuốc giờ đây luôn được các thầy thuốc thuộc lòng. Bắt buộc phải thuộc. Bởi thực tế chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã cho những bài học đắt giá và đau đớn rồi. Thiết tưởng cũng không cần nhắc lại chuyện có những nơi, có những người đã mạnh dạn “phá rào” phát thuốc cứu dân trong đó làm gì nữa, bởi ai cũng biết rồi.
Trở lại câu chuyện của thầy giáo trẻ mới ngoài ba mươi tuổi chết vì Covid nói trên ta có thể rút ra nhiều điều.
Thứ nhất, dù thầy đã tiêm đủ 2 mũi vaccine thế nhưng trên thực tế, khả năng bảo vệ của các loại vaccine là khá khác nhau. Có loại trên 90% số người tiêm sinh ra kháng thể đủ để bảo vệ trước virus. Thế nhưng cũng có loại chỉ được trên 50% mà thôi. Nên dù tiêm loại nào thì vẫn có những người bị rơi vào trong các tỷ lệ ‘không được bảo vệ’ trên. Rất có thể thầy giáo trẻ này đã không may mắn nằm trong số phần trăm đen đủi đó.
Thứ hai, do thầy ở một mình và lại trẻ nên khi bị nhiễm virus, rất có thể đã bị một “cơn bão cytokine” dữ dội, nhanh chóng tấn công. Cơn bão chết chóc này thật đáng buồn là nó lại hay xuất hiện với cường độ cực cao ở những người trẻ. Nếu được trợ giúp kịp thời, họ sẽ qua nhanh. Không có ai bên cạnh trợ giúp đã khiến cho cơn bão mau chóng phát phát tác cái tác dụng chết người của nó, khiến thầy giáo trẻ đã tử vong trong đau đớn, cô đơn, hoảng loạn…đó là những cái chết đau thương điển hình của mùa Covid.
Bài học rút ra ở đây là trong mùa dịch giã tuy nguyên tắc ‘giữ khoảng cách’ là tiên quyết để chống lây lan. Nhưng ở mức độ thích hợp chúng ta luôn phải giữ mối liên hệ với người thân, bạn bè, cộng đồng. Bởi sự trợ giúp nhau khi ốm đau hoạn nạn là tối cần thiết không chỉ là trong dịch Covid. Một bài học nữa rút ra là cần tự trang bị các kiến thức cơ bản về bệnh dịch Covid và một cơ số thuốc căn bản cho cá nhân và gia đình, phòng các trường hợp cấp bách khi mà y tế chưa trợ giúp kịp được. Tự cứu mình trước, đó luôn là phương châm sống tuyệt đối đúng trong mọi trường hợp. Còn sự trợ giúp lẫn nhau của đồng bào thành phố Hồ Chí Minh trong dịch vừa qua đã đóng một vai trò vô cùng to lớn, đã cứu được thêm không biết bao nhiêu sinh mạng. Rất nhiều người nhờ sự trợ giúp của cộng đồng đã không phải sa vào những cái chết vô lý và đau thương trong mùa Covid.
Vậy nên tôi đã nhắn lại cho cháu Hà P thế này: “Cứ bình tĩnh cháu ơi, không có gì phải cuống lên cả. Việc lo lắng hoảng sợ quá mức trước bệnh tật cũng khiến con người ta suy sụp, thậm chí là tê liệt sức đề kháng làm cho bệnh dịch càng có cơ hội tấn công đó. Hãy luôn nghĩ rằng mình có một cơ thể khỏe mạnh, đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng vệ cần thiết, vậy con virus kia sẽ không làm gì được mình. Cháu hãy cứ làm việc và sống vui vẻ thôi. Mọi sự sẽ an lành.”
Đánh giá
Mục lục bài viết
Tin nhắn của cháu Hà P, giáo viên, từ quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh: Chú ơi, trường cháu có anh giáo viên độc thân, ở một mình một nhà, đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Hai ngày liền không đến trường cũng không ai liên lạc được. Trường cho người tới thì thấy chết rồi! Y tế xuống khám nghiệm nói chết do Covid. Khủng khiếp quá! Làm cho cán bộ giáo viên cả trường xuống tinh thần quá, ai cũng bi quan chán nản, không ai muốn làm gì hết nữa. Sao Covid nó gây ra những cái chết vô lý và đau thương đến vậy? Mà ảnh còn trẻ, mới ngoài ba mươi! Trước đó ảnh vẫn khỏe mạnh không hề nói có bệnh gì mà…
Người gửi / điện thoại
Theo định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới WHO: “ Bụi mịn là một chất gây ô nhiễm không khí gồm hỗn hợp các hạt chất rắn và hạt lỏng, chúng lơ lửng trong không khí.”
Đau chính là một phản ứng sinh tồn của cơ thể: nhờ có cảm giác đau mà con người ta biết đang bị tổn thương, bệnh tật ở đâu mà chữa trị.
Mọi sầu não của bạn sẽ được giải quyết một cách nhanh gọn, hiệu quả cao, rẻ tiền mà không cần phải đi săn lùng tê giác tận châu Phi xa xôi làm gì.
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...