Tiểu thuyết TRẦN THỦ ĐỘ- từ mùi hương huyền sử
(bài của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thảo gửi từ Quảng Nam ra)
“Sảm năm ấy mười sáu tuổi, trong cung có vô khối gia nhân, mỗi người một vẻ, thế nhưng Sảm chưa từng được chiêm ngưỡng nhan sắc của một cô gái nào như Nhị Nương. Một vẻ đẹp nồng nàn khỏe mạnh và sáng rỡ. Ánh hào quang từ sắc đẹp của Nhị Nương tỏa ra như có sức mạnh siêu nhiên khiến cho Sảm quên hết mọi ý niệm về thân phận thứ bậc. Sảm quên béng mình là một bậc tôn quý, Sảm chỉ còn là một gã trai trẻ si tình…” (Trang 47-Trần Thủ Độ)
Có lẽ, cuộc gặp gỡ trong cơn ly loạn của Thái tử Sảm, sau này gần như là vị hoàng đế cuối vương triều Lý chính là căn nguyên cho cuộc chuyển giao quyền lực giữa hai vương triều Lý-Trần nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Thái tử Sảm đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người? Họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả”.
Người thay trời định các sự ấy, nhân vật nhiều công lắm tội Trần Thủ Độ từ trong huyền sử bước vào tiểu thuyết đã trở thành một tác phẩm văn chương kỳ thú. Nhà văn Trần Thanh Cảnh, hậu duệ nhiều đời họ Trần đã kính thỉnh Đức ông Thượng phụ Quốc công Trần Thủ Độ từ đỉnh Thung Mây Yên Tử đi vào đời sống sôi động của văn học đương đại Việt Nam.
Kể từ sau Hồ Quý Ly của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hơn 20 năm trước, đây là cuốn tiểu thuyết khiến lòng tôi rung động dạt dào, như thôi miên, như bị cuốn vào những tháng ngày huyết sử.
Tôi chìm đắm trong quãng thời gian đầy sóng gió của các vương triều cuối đời Lý đầu Trần khi tiết trời dịch chuyển cuối thu đầu đông sau một chuyến đi dài trở về từ Đà Lạt. Tôi mang theo đầy ắp những tâm tưởng về xứ sở ngàn thông với những bâng khuâng, những tiếc nuối đầy ắp riêng tư. Nhưng cũng may mắn thay, trong nhà tôi lại sẵn có Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Nam sử lược và cả Thiều Chửu từ điển để tra cứu, soi rõ một Trần Thủ Độ tiểu thuyết trong lối dẫn chuyện huyền ảo siêu thực của tác giả. Tôi đã không được cùng người bạn qua dốc Ma Thiêng tắm sương nơi vùng trời Bảo Lộc nhưng tôi đã đến Thung Mây huyền tích chốn Yên Tử, nơi nhà vua Trần Thái Tông vì chán cảnh bụi trần muốn tìmnơi quy ẩn may mắn gặp được thần tiên. Song vì mang mệnh đế vương, ngài phải quay về “làm người” cho xong chức phận với giang sơn. Thung Mây ấy, chính tác giả Trần Thanh Cảnh, hậu duệ bao đời nhà Trần cũng gặp được hào quang của ngài hiển linh trong cơn mê sảng mông lung, trong cõi hỗn mang của mùi hương trầm quyện mây đặc quánh. Phận làm người buộc nhà văn phải viết ra những trang văn chương đẹp đẽ đến nao lòng về bậc tiền nhân mấy trăm năm bị người đời đàm tiếu. “Một lòng vì non sông và trăm họ thì chút tanh hôi, bụi bặm rác rưởi kia bám vào người phỏng có sá gì”.
Trần Thủ Độ, người có công bậc nhất với vương triều nhà Trần nhưng có tội bậc nhất với vương triều nhà Lý.Bằng trí tuệ và mưu lược của mình, Trần Thủ Độ đã hãn hữu binh đao cho một trang sử mới của dân tộc. Cuộc thoán đoạt được chuyển giao êm thấm giữa nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng tám tuổi (con gái Thái tử Sảm -Huệ Tông Hoàng đế và hoàng hậu Nhị Nương) và Trần Cảnh ngườicùng nội tộc. Lý Chiêu Hoàng ở ngôi được hai năm thì nhường ngôi cho chồng và trở thành hoàng hậu. Kỷ nhà Trần lập ra từ đấy.
Nhưng với triều Lý, sử sách ghi ông bức tử Lý Huệ Tông, cướp vợ của vua- Linh Từ quốc mẫu Trần Nhị Nương và cắt đặt những sự nhiễu nhương khác để xóa dấu vết của một vương triều. Có lẽ, vớiđộ lùi lịch sử nhất định, bằng tâm thế cảm thông của hậu duệ nhiều đời, Trần Thanh Cảnh đã thuyết phục được người đọc khi miêu tả chân dung Thủ Độ ngút ngàn hào khí. Đó là một Thái sư thấm đẫm tinh thần Đông A, cương nghị quyết đoán vì chính sự. Đó một chàng trai chài lưới từ si mê, hết lòng tôn sùng người đàn bà báu vật của đời mình mà yêu thương, cứu chuộc Nhị Nương khỏi cảnh sống ngôi cao cùng những u sầu vô vị. Nhân vật ấy, sống động, đẹp đẽ và đầy đau đớn trong bi kịch làm người và làm một người quá nặng nợ với giang sơn.
Vẻ đẹp tiểu thuyết Trần Thủ Độ không phải ở chỗ hư cấu của văn chương tô đậm hơn hay làm mờ công-tội của một nhân vật lịch sử mà ở đây, tác giả đã đưa bạn đọc bước vào những không gian đầy trầm tích của máu, nước mắt, của lớp lớp phận người đan trong mùi sen nhị hương, đan trong hơi thở của tình yêu, đan trong màn sương bí ẩn của Thung Mây Yên Tử ngàn năm dằng dặc mãi.