Đau là một cảm giác khó chịu xuất hiện cùng một lúc với những tổn thương tế bào: ví dụ như ta lỡ bị đứt tay hay bị ngã chẳng hạn. Đau nó còn là dấu hiệu của bệnh tật: ví dụ như ta viêm họng, sẽ thấy đau họng, bị cảm cúm sẽ thấy đau khắp mình mẩy. Đau chính là một phản ứng sinh tồn của cơ thể: nhờ có cảm giác đau mà con người ta biết đang bị tổn thương, bệnh tật ở đâu mà chữa trị.
Khi các tác nhân gây đau tác động đến tế bào các bộ phận trong cơ thể, lập tức các tế bào sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học như: seretonin, histamin… các chất này tác động lên các thụ thể tiếp nhận cảm giác đau ở các dây thần kinh gần đó gây nên cảm giác đau.
Thường người ta phân loại ra hai loại đau. Thứ nhất là đau cấp tính như: phẫu thuật, chấn thương, bỏng… Thứ hai là đau mãn tính như: đau lưng, đau cơ, đau vai gáy, đau thần kinh, đau do ung thư…
Như vậy cảm giác đau là một tín hiệu cảnh báo của cơ thể để cho con người ta biết mình đang có vấn đề. Cho nên về cơ bản, đau là một cảm giác có lợi cho việc bảo tồn sự sống. Thế nhưng cảm giác đau này cũng gây ra khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cảm xúc, nhận thức, hành vi của con người. Khi bị những cơn đau đớn hành hạ, đặc biệt là những cơn đau mãn tính dai dẳng con người ta sẽ bị thay đổi rất nhiều về tâm lý, gây ra nhiều hệ quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Những cơn đau cấp tính do những chấn thương tai nạn nặng gây ra, thậm chí có thể dẫn đến choáng ngất, tử vong. Bởi thế giảm đau luôn là một ưu tiên hàng đầu của các thầy thuốc cho bệnh nhân trước khi tìm cách trị dứt điểm các nguyên nhân gây ra đau.
Y học thế giới cả phương Đông và phương Tây từ rất lâu đời đã tìm ra những loại thuốc giảm đau khá hiệu quả. Tuy nhiên trong bài này xin chỉ đề cập đến những loại thuốc giảm đau thông dụng, hiệu quả cao, dễ sử dụng để các bạn có thể tham khảo.
Thông thường hiện nay người ta phân chia các thuốc giảm đau ra thành vài nhóm để tiện sử dụng cho các mục đích điều trị bệnh khác nhau:
-Nhóm thuốc giảm đau nonsteroid (không có nhân steroid) được dùng khá phổ biến trong các trường hợp đau ngoại biên như cơ bắp, xương khớp, chấn thương nhẹ, cảm cúm. Tiêu biểu cho nhóm thuốc này là hai loại giảm đau kinh điển: Paracetamol và Aspirin. Đây cũng đồng thời là những thuốc đặc trị đau mình mẩy do cảm cúm hiệu quả bởi ngoài tác dụng giảm đau nó còn hạ sốt và kháng viêm, với liều dùng phổ thông cho người lớn 500mg/1lần, ngày 3-4 lần. Ngoài ra trong nhóm này còn có một số thuốc mới phát hiện sau này cũng có tác dụng khá tốt như: Indomethacin, Diclofenac, Ibuprofen, Meloxicam…Đây là nhóm thuốc giảm đau phổ biến nhất, nhưng tác dụng phụ của nhóm này là hay tác động đến dạ dày (ngoại trừ Paracetamol), nên khi dùng cần lưu ý dạng dùng (viên pH8 với Aspirin), thời gian dùng thường là sau bữa ăn.
-Nhóm thuốc giảm đau corticoid cũng được dùng khá nhiều, đặc biệt là trong các bệnh viêm nhiễm nội tạng như viêm khớp, viêm phổi chẳng hạn. Nhóm này ngoài tác dụng giảm đau thì tác dụng chống viêm rất nổi trội, nên nhiều khi thầy thuốc cho dùng thuốc nhóm này chủ yếu để chống lại các triệu chứng viêm nhiễm quá mạnh gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân. Tiêu biểu của các thuốc này như các biệt dược:Cortison, Hydrocortison, Prednisolon, Methylprednisolon, Dexamethason…Tuy nhiên nhóm này cũng làm tăng tiết acid dịch vị trong dạ dày, dẫn đến đau viêm dạ dày nên khi dùng cần phải có sự theo dõi của thầy thuốc.
-Một loại thuốc giảm đau không thể không kể đến là các thuốc giảm đau tác dụng trên thần kinh trung ương. Các thuốc này tác động thẳng vào trung tâm tiếp nhận cảm giác đau trong não bộ, khiến cho con người ta mất cảm giác đau đớn ở bất kỳ vùng nào trong cơ thể. Bởi thế, các thuốc này được thầy thuốc sử dụng như những chỗ dựa cuối cùng, khi mà các thuốc khác không còn tác dụng. Tiêu biểu cho các thuốc này chính là Morphin và các dẫn chất của nó. Và một số biệt dược tổng hợp, ví dụ như Dolacgan. Các thuốc này hầu như chỉ dùng trong các trường hợp chấn thương tai nạn nặng để chống choáng và đặc biệt là trong bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, để người bệnh ra đi được thanh thản…
Có một xu thế trong sử dụng thuốc giảm đau hiện nay rất được các thầy thuốc ưa thích đó là kết hợp các nhóm thuốc khác nhau để hiệp đồng, tăng tác dụng của thuốc trên cơ thể bệnh nhân. Thậm chí ngành dược còn chế sẵn khá nhiều biệt dược mà thành phần gồm các nhóm thuốc khác nhau tích hợp trong một viên thuốc: Biệt dược Efferalgan Codein là một ví dụ. Trong viên thuốc này có thành phần gồm 500mg Paracetamol, là loại thuốc giảm đau nonsteroid và 10mg Codein là thuốc giảm đau tác động lên thần kinh trung ương. Khi uống loaị thuốc này, đặc biệt là dạng bào chế viên sủi bọt, người bệnh sẽ thấy tác dụng rất nhanh, mạnh và sâu. Với các bệnh nhân đau mãn tính, đau do ung thư đây cũng là một lựa chọn khá tốt, bởi sự hiệp đồng tác dụng giữa Paracetamol và Codein đã tăng tác dụng giảm đau của cả hai mà lại không cần tăng liều nên sẽ giảm nguy cơ gây độc, nghiện.
Tóm lại đau là một trải nghiệm không có gì thú vị nhưng chúng ta hầu như ai cũng đã từng. Những hiểu biết về sử dụng thuốc giảm đau, nhất là các loại thuốc thông thường sẽ cho chúng ta một phương tiện để nâng cao chất lượng cuộc sống, chống lại sự đau đớn dày vò không đáng có.