Tại sao chữa covid lại phải uống thuốc dạ dày?
Bạn Hà M, từ quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nhắn hỏi: “Dược sĩ ơi, em thấy các đơn thuốc của các bác sĩ trong thành phố kê cho bệnh nhân covid điều trị tại nhà đều có thuốc chữa dạ dày omeprazol hoặc lansoprazol. Tại sao vậy? Covid là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, liên quan gì đến dạ dày mà phải uống. Làm ơn giải thích cho em xíu.”
Thực tế với các đơn thuốc tôi được biết của các bác sĩ kê cho bệnh nhân covid, và đơn thuốc của Sở Y tế thành phố cấp cho các bệnh nhân covid điều trị tại nhà, có các loại thuốc sau:
-Thuốc ức chế virus: molnupiravir…
-Thuốc hạ sốt: paracetamol
-Thuốc nhóm corticoid để ngăn chặn cơn bão cytokine: dexamethasone hoặc methylprednisolon
-Thuốc dự phòng hình thành cục máu đông trong lòng mạch: rivaroxaban hoặc aspirin
-Vitamin C và viên bổ sung các vitamin, khoáng chất khác.
-Thuốc ức chế tiết dịch vị dạ dày (thường gọi là thuốc chữa đau dạ dày): omeprazol hoặc lansoprazol hay esomeprazol, pantoprazol…
Đối với những người có chuyên môn, nhìn vào đơn thuốc này người ta thấy khá yên tâm, bởi nó đã hầu như đủ để điều trị các triệu chứng nguy hiểm nhất của covid xảy ra cho bệnh nhân. Uống đủ và đúng liều thuốc này, sẽ giúp cho bệnh nhân hầu như sẽ không bị chuyển nặng, không phải nhập viện. Điều trị tại nhà tinh thần tốt hơn, không bị ức chế và lại được chăm sóc ăn uống đầy đủ dưỡng chất nên họ sẽ chóng lành bệnh. Thực tế diễn biến dịch trong thành phố đã chứng minh hùng hồn điều đó.
Trong đơn thuốc này, người ta đã rất chú trong đến việc ngăn chặn trước hai nguyên nhân gây tử vong chính trong bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Sars-CoV-2 gây ra: Ngạt thở do hội chứng “cơn bão cytokine” và các cục máu đông hình thành bất chợt tại các mạch máu xung yếu. Theo các nghiên cứu y học trên thế giới công bố: bệnh nhân covid tử vong chủ yếu do hai nguyên nhân này. Khi tế bào mô phổi của bệnh nhân bị virus xâm nhập, cơ thể phản ứng lại và “cơn bão cytokine” xuất hiện, phổi sẽ bị tràn ngập nhanh chóng. Trên màn hình X.Quang người ta sẽ thấy phổi bệnh nhân trắng xóa: chức năng hô hấp tiếp nhận oxi của phổi hầu như không còn, bệnh nhân sẽ chết vì thiếu oxi máu trầm trọng, hàng loạt các cơ quan phủ tạng không thể hoạt động, bị phá hủy vì thiếu oxi đến nuôi dưỡng. Lúc đó chỉ có liệu pháp ECMO (tim phổi nhân tạo) mới có thể cứu được bệnh nhân. Nhưng trong hoàn cảnh dịch covid cao điểm, có quá nhiều bệnh nhân cần ECMO mà đây là một kỹ thuật y khoa phức tạp, cần một hệ thống máy móc chuyên dụng trong phòng đặc biệt và một đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa cùng các kỹ thuật viên, điều dưỡng lành nghề lên đến hàng chục người. Nên việc triển khai ECMO cho đông đảo bệnh nhân một lúc là một điều bất khả kháng, không chỉ với ngành y tế nước ta mà còn với cả y tế của các nước tiên tiến Âu- Mỹ. Nhưng thật may, người ta đã phát hiện ra cách sử dụng dòng thuốc kháng viêm thông dụng corticoid (dexamethasone, methylprednisolon…) để ngăn chặn việc hình thành “cơn bão cytokine” rất đặc hiệu. Chỉ với một liều corticoid đơn giản chúng ta đã có thể tránh trước cho bệnh nhân phải đối đầu với nguy cơ của cơn bão chết người kia. Trên thực tế điều trị các thầy thuốc Âu- Mỹ đã rút ra điều đó. Và họ đã công bố trên các tạp chí y khoa danh tiếng cho toàn thế giới biết: Ngăn chặn sớm sự hình thành “cơn bão cytokine” bằng dexamethasone, methylprednisolone.
Do một nguyên nhân sâu xa nào đó mà đến nay khoa học chưa lý giải được, khi xâm nhập vào trong máu, có một acid amin trong cấu tạo của con virus Sars- CoV-2 quái ác kia nó lại kích ứng các tế bào tiểu cầu của chúng ta hoạt động. Thế là chuỗi phản ứng đông máu trong lòng mạch được khởi động để hình thành lên các cục máu đông. Nếu cục máu đông này hình thành ở các mao mạch nhỏ thì hậu quả không lớn lắm, cơ thể người bệnh sẽ tự điều chỉnh và dần qua khỏi. Nhưng nếu nó hình thành ở các mạch máu trọng yếu, gây tắc mạch: ở não sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu não, chết não vì thiếu oxi. Ở phổi sẽ dẫn đến tắc nghẽn phổi. Ở mạch vành tim sẽ dẫn đến đột tử vì nhồi máu cơ tim. Sự hình thành cục máu đông trong bệnh nhân covid là cực kỳ nguy hiểm. Thật may các thầy thuốc đã thực nghiệm cho bệnh nhân dùng một số thuốc chống lại sự hình thành các cục máu đông (ngôn ngữ chuyên môn gọi là: chống tập kết tiểu cầu) cho kết quả tốt. Họ đã cho bệnh nhân covid dùng các thuốc như aspirin 81mg hoặc rivaroxaban hàng ngày. Và kết quả rất tốt đẹp, tỷ lệ bệnh nhân bị tử vong vì chứng nhồi máu giảm thẳng đứng, phác đồ điều trị dự phòng hình thành cục máu đông cho bệnh nhân covid đã ra đời như chúng ta thấy.
Như vậy trong thực tế lâm sàng điều trị cho bệnh nhân covid, các thày thuốc tài năng của thế giới đã tìm ra phác đồ điều trị dự phòng hai triệu chứng nguy hiểm gây chết người nhiều nhất đối với bệnh nhân covid là: suy hô hấp cấp do “cơn bão cytokine” và tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông, bằng các loại thuốc rất thông dụng, thậm chí là rẻ tiền dễ kiếm. Điều này đã cứu sống được rất nhiều người. Nhưng cả hai dòng thuốc nêu trên có một tác dụng phụ rất đáng lưu ý đó là: nó đều làm tăng tiết dịch vị của dạ dày. Thậm chí là có thể mô tả, nó làm tăng tiết ồ ạt dịch vị, đặc biệt là với dòng thuốc corticoid. Và trong phác đồ điều trị covid ta thấy luôn phải sử dụng cả hai thứ thuốc đều trên, do đó nó đã ‘hiệp đồng’ tác dụng không mong muốn (thuật ngữ chuyên môn gọi là ADR: Adverse Drug Reaction). Nó làm dạ dày tiết nhiều dịch vị hơn khi chỉ sử dụng một thứ. Mà các bạn đã biết, dịch vị dạ dày bản chất là acid hydrochloride (HCL), là một loại acid mạnh. Khi mà lượng acid dịch vị kia tiết ra ồ ạt, lớp bảo vệ ở niêm mạc dạ dày chúng ta không chống đỡ nổi, bị acid tấn công trực tiếp vào niêm mạc. Khi đó, nhẹ chúng ta sẽ thấy cồn cào, nặng hơn sẽ bị loét. Và nặng hơn nữa thậm chí là dạ dày bị acid ăn thủng, gây chảy máu ồ ạt không cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là đối với những người đã có tiền sử viêm loét dạ dày. Như vậy vấn đề đặt ra là phải hạn chế tác dụng không mong muốn của các loại thuốc kia. Thật may trong tay chúng ta đã có khá nhiều phương án để giải quyết vấn đề này. Các dòng thuốc giảm tiết dịch vị dạ dày có nhiều, nhưng dòng thuốc “ức chế bơm proton” thường được sử dụng nhiều hiện nay trong điều trị triệu chứng bệnh lý tăng tiết dịch vị dạ dày bởi nó lành tính, hầu như không có tác dụng phụ, ít tương tác với các loại thuốc khác. Do đó các thầy thuốc đã kê cho bệnh nhân covid của mình dùng kèm thuốc giảm tiết dịch vị như omeprazol, lansoprazol hay emsomeprazol…Trên thực tế lâm sàng đã tỏ ra có tác dụng tốt. Bệnh nhân dùng corticoid và các thuốc chống tập kết tiểu cầu đã không bị loét dạ dày cấp tính do tăng tiết dịch vị.
Bạn Hà M thân mến,
Các thầy thuốc đưa ra phác đồ điều trị covid trong đó có thuốc dạ dày là có cơ sở khoa học và thực tế lâm sàng cẩn thận như vậy, chứ không phải là một ý tưởng vu vơ hay là “placebo” hoặc “chữa mẹo!”, như bạn nghĩ đâu. Vả lại đây là phác đồ điều trị đã được y khoa thế giới sử dụng, phổ biến ra cho mọi nơi áp dụng cứu chữa cho người bệnh covid chứ không phải là chuyện ngẫu hứng của một ông xyz nào đó trong thành phố. Nên nếu bạn hoặc người nhà bị bệnh, hãy dùng thuốc theo đơn của bác sĩ kê, sẽ nhanh chóng khỏi thôi. Toàn những thứ thuốc quen thuộc rẻ tiền, dễ kiếm. Rồi bạn sẽ thấy, thực ra con covid này cũng không có gì đáng sợ quá lắm như ta hình dung bấy lâu.
Khi tôi viết những dòng này thì trên thế giới hiện đang có rất nhiều ca covid dương tính. Tại Mỹ, thậm chí có ngày lên đến cả triệu ca. Nhưng thật may mắn, đa số các ca dương tính tại các nước Âu- Mỹ kia đều thuộc dòng virus mới biến chủng omicron. Mà dòng virus này hầu như không xâm nhập vào phổi, nó chỉ ở khu vực đường hô hấp trên: hầu, họng. Do đó, tình trạng bệnh nhân chuyển nặng rất hiếm, tử vong càng ít. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học vừa công bố, khi con người ta bị nhiễm virus chủng omicron thì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tiết ra một lượng kháng thể rất mạnh để tiêu diệt virus. Do đó, omicron ở đây lại đóng vai trò như một “vaccine tự nhiên”, đó thật sự là một cơ may của loài người. Sự xuất hiện của omicron đang được rất nhiều nhà khoa học trên thế giới tiên đoán rằng, đây là dấu hiệu kết thúc của đại dịch Covid-19 vốn đã làm lao đao cả thế giới hơn hai năm nay. Quả thật, sự gì rồi cũng phải có kết thúc của nó. Cơn dịch giã kinh hoàng do con virus quái ác kia gây ra đang phải đi đến hồi kết. Dự đoán, trong năm 2022 chúng ta sẽ trở lại cuộc sống bình thường thôi. Còn với Việt Nam ta, trước mắt việc thực hiện NQ128 của chính phủ có lẽ vẫn là điều cần thiết. Hy vọng trong tương lai gần, công việc chống covid chỉ còn là việc của các thầy thuốc ngành y tế. Còn chúng ta phải chuyên tâm vào hoàn thành những công việc của xã hội phân công. Và sống thoải mái, không phải canh cánh bên lòng mối lo covid, virus nọ kia…
Đánh giá
Mục lục bài viết
Bạn Hà M, từ quận 5, thành phố Hồ Chí Minh nhắn hỏi: “Dược sĩ ơi, em thấy các đơn thuốc của các bác sĩ trong thành phố kê cho bệnh nhân covid điều trị tại nhà đều có thuốc chữa dạ dày omeprazol hoặc lansoprazol. Tại sao vậy? Covid là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, liên quan gì đến dạ dày mà phải uống. Làm ơn giải thích cho em xíu.”
Người gửi / điện thoại
Trong đời sống thì tỏi là một loại gia vị hàng ngày không thể thiếu. Bạn thử tưởng tượng một cách đơn giản, nếu đĩa thịt trâu tươi xào mà thiếu vị tỏi? Ngọn rau lang, rau muống xào hay bát nước chấm chanh ớt mà thiếu tỏi?
Vaccine đang tỏ ra là vũ khí hữu hiệu nhất của con người chống lại đại dịch covd-19, ít nhất là cho đến lúc này.
Củ gừng là thân rễ của cây gừng, có tên khoa học Zingiber Officinale, họ Gừng: Zingiberaceae. Gừng là loại cây đã được dân ta trồng rất phổ biến từ xa xưa để làm thuốc và gia vị trong nấu ăn.
Buông - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...