Một văn nhân lừng lẫy ở kinh thành, vẫn tự xưng mình vốn dòng dõi của Ức Trai tiên sinh nói rằng, tin Trần Nguyên Hãn chết trên Sông Lô cùng với 42 lực sĩ xá nhân bay về Đông Kinh ngay chiều hôm ấy.
Phủ Quan phục hầu* (chú thích dưới trang: chức của Nguyễn Trãi được giao sau khi Lê Lợi vào Đông Kinh và lên ngôi vua) Nguyễn Trãi tối ấy đóng cửa tắt đèn sớm. Trong thư phòng, Trãi ngồi đối ẩm cùng Nguyễn Thị Lộ. Họ ngồi cạnh nhau. Tiết trời cuối xuân, về đêm lạnh nên Thị Lộ hâm một be rượu cúc hoa. Trãi ngồi yên lặng nhấm nháp rượu. Hồi lâu không nói gì. Thị Lộ nhẹ nhàng hỏi: “Thiếp đàn cho ngài nghe một khúc chăng?” Trãi phác một cử chỉ ra hiệu ngăn lại. Nâng ly uống cạn. Rồi từ tốn nói: “Đàn ta có thể nghe cả lúc vui và lúc buồn. Lúc vui, tiếng đàn sáo làm mình trở nên thanh thoát hơn. Lúc buồn, điệu nhạc lời ca có thể làm ta được an ủi đôi phần. Nhưng đây là nỗi buồn trong xương óc tinh tủy, không gì thấm vào được, không sẻ chia cho ai được, hỏi đàn có ích gì. Ta chỉ có thể im lặng mà cảm nỗi buồn đang gậm nhấm, đang làm mục ruỗng dần xương óc tinh tủy mình mà thôi.”
PS: sen nhị sắc trong đền Lệ Chi Viên vừa nở, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phan chụp.
Cạn một be. Trãi ra hiệu cho Thị Lộ hâm tiếp be nữa. Nàng hơi ngạc nhiên bởi ngày thường Trãi vốn tiết chế chuyện rượu chè. Nhưng Thị Lộ không hỏi lại, hâm rượu rồi rót tiếp ra ly cho Trãi. Dường như đến lúc đó, rượu mới ngấm, khuôn mặt đang se sắt Trãi từ từ giãn mềm. Trùng xuống. Từ trong đôi mắt sâu thẳm u uất những giọt nước mắt ứa ra chảy dài xuống má. Trãi khóc không thành tiếng. Thị Lộ vòng tay ôm lấy vai, ngả đầu vào Trãi. Nàng thầm thì: “Xin ngài bớt đau buồn, sự của đệ ấy thì đã rồi. Còn sự của chúng ta, ngài định tính thế nào đây?”
“Ta với đệ ấy vốn đã biết trước là có thể sẽ có kết cục thế này. Thế nhưng chí trai xây nghiệp lớn, lập danh thơm, đền nợ nước chúng ta vẫn cứ dấn thân. Đã thề vị quốc vong thân không tiếc. Nói cho cùng thì việc của đệ ấy cũng đã xong. Đã làm xong mệnh trời giao. Nhưng còn ta, chuyện nước nhà ngổn ngang đâu có thể rũ áo bỏ đi được. Mà đi đâu ra khỏi cái gầm trời này? Có lẽ ta lo nốt công việc nước nhà cho mọi sự thành quy củ. Đại Việt thành ra một nước văn hiến chi bang rồi sẽ xin trí sĩ về Côn Sơn trông nom mồ mả ông ngoại. Ta đành tận lực tri thiên mệnh thôi. Mọi sự phó thác cho cao xanh cả vậy.”
“Thiếp lấy làm lạ, sao hai anh em nhà ngài tài nghiêng thiên hạ mà phải cúi mình đi làm thần tử, một lòng hầu hạ cho kẻ kém mình? Sao ngày xưa hai ngài không dựng cờ lập cơ đồ riêng một cõi…” Thị Lộ nói đến đấy, Trãi vội xoay người kéo nàng ngả đầu vào lòng mình, đặt tay lên môi nàng ra ý đừng nói nữa. Thị Lộ năm ấy mới gần ba mươi tuổi. Son rỗi nồng nàn. Trong thư phòng chỉ thắp một ngọn nến nhỏ, ánh sáng chập chờn lay động mờ ảo khiến khuôn mặt đẹp đẽ của nàng như hư như thực. Ma mị. Đôi môi như hai cánh hồng nhung hé nở đợi chờ. Thốt nhiên, Thị Lộ dùng cặp môi đỏ mọng ấm nóng ngậm chặt lấy ngón tay Trãi. Mơn man. Bầu ngực đầy đặn của nàng phập phồng sau làn yếm mỏng, cồn lên từng đợt như sóng biển trào dâng. Con sóng thần bí ấy cứ dâng lên mãi. Dâng mãi. Cao chót vót. Dìm Trãi vào một cơn mê mụ không lối thoát.
Sau này vào năm Nhâm Tuất (1442) xảy ra vụ vua Lê Thái Tông chết đột tử ở Lệ Chi Viên, khi bên cạnh có Thị Lộ hầu. Bọn gian thần trong triều vốn đã ghét Nguyễn Trãi sẵn, bèn vu cho ông tội mưu giết vua, tru di ba họ. Nguyễn Thị Lộ bị bỏ rọ, dìm chết trên sông Cái.
Câu chuyện văn thơ và cuộc đời của Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ, cùng với vụ án oan Lệ Chi Viên thảm khốc bậc nhất trong lịch sử Việt đã chứng minh một điều: Trãi và Hãn đều phải chết, không thể khác được. Bởi một khi đó đã là định mệnh.