HAI.
Mạnh Hoạt có ba tay bạn cùng hoàn cảnh chơi với nhau khá thân, hợp thành bộ tứ. Ba tay này ở ngoài phố, thường được gọi là cao bồi phố huyện.
Một tay là Minh Ảnh. Vì tên là Minh, làm nghề chụp ảnh tại cái hiệu ảnh duy nhất ngoài phố, nên gọi thế cho tiện. Đấy là cái hiệu ảnh do ông nội Minh lập nên, sau truyền nghề thẳng cho cháu. Bố Minh trước năm năm tư, không biết vào làm gì trong Sài Gòn, sau kẹt không ra được nữa. Thời chiến tranh, nay sống mai chết, hôm nay còn ở ngoài Bắc, mai đã vào tít trong Nam. Hôm nay còn đang sống ngoay ngoảy, mai đi ngoài đường, bỗng dưng có quả bom bi trên máy bay Mỹ vào đánh Hà Nội, rớt xuống, nổ cái bùm, một viên bi bắn vào tim, thế là xong. Thế nên khá đông người chụp ảnh để đưa cho nhau làm kỷ niệm, hoặc nhỡ chẳng may không về thì làm ảnh thờ. Nhà Minh Ảnh làm ăn rất khấm khá.
Một tay làm nghề cắt tóc, gọi là Trường Kéo. Vì cái bàn tay cầm kéo của hắn hết sức tài hoa. Nhìn Trường múa cái kéo trên đầu khách hàng, rộn ràng thanh âm, lách chách, lách chách… Như là đang biểu diễn một điệu nhạc nào đó của riêng hắn, thì người đi qua, chưa đến lứa tóc cũng muốn ghé vào hiệu hắn. Nhà Trường Kéo ngày xưa có cửa hiệu buôn to nhất phố, đã bị nhà nước ta tịch thu đem làm cửa hàng bách hóa phục vụ công nông binh. May còn được để lại cho một gian nhà mặt phố để mở cái hiệu cắt tóc kiếm ăn. Thế nhưng trong lý lịch của Trường Kéo vẫn bị ghi là thành phần tư sản mại bản.
Thành viên cuối cùng của bộ tứ là Đào Tước, làm nghề chữa xe đạp. Gọi thế là vì bố Đào là ông Tước, một tay thợ chữa xe lành nghề nhất phố, đang muốn truyền nghề cho con. Hồi ấy xe đạp là một thứ tài sản mơ ước của mọi gia đình miền Bắc, nên nghề chữa xe đạp cũng được coi là có tương lai. Đào Tước cũng là một tay chơi được. Vì nhà Đào Tước ở giữa phố lại khá rộng và các anh chị đã ra ở riêng từ lâu nên bộ tứ hay tụ tập ở đây, trên gian gác xép ngay phía trên cửa hàng chữa xe đạp.
Bốn tay này cùng tuổi Tuất nên có khi vì thế mà thân nhau.
Chúng thân nhau còn vì cùng có máu ăn chơi (là bọn con gái phố thì thầm với nhau thế.) Và một lẽ nữa là mấy thằng ấy đều cùng thuộc thành phần gia đình lý lịch có vấn đề, nên không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội. Nhà thằng nào cũng có người thân chạy vào Nam năm năm tư. Thậm chí bố đẻ thằng Minh Ảnh, chú ruột thằng Đào Tước và anh trai thằng Trường Kéo cũng lên đài Sài Gòn hô hào “Bắc tiến” ầm ầm cùng với ông bác ruột Mạnh Hoạt. Thế nên trong mắt chính quyền, bốn tay này như là công dân hạng hai. Hồi ấy ngoài Bắc, phong trào tòng quân chống Mỹ cứu nước rất chi là sôi nổi. Mọi người nghe đài đọc báo của ta nói bọn Đế quốc Mỹ dã man tàn bạo sang xâm chiếm nước ta, giết hại đồng bào miền Nam thân yêu của ta, cướp hết cá tôm rắn rùa của ta… mang về nước chúng nhắm với rượu whisky. Rồi chúng lại đem đủ thứ độc hại như cô ca cô la, bơ thừa sữa cặn, sách báo phim ảnh đồi truỵ đầu độc dân ta. Âm mưu biến đồng bào ta thành nô lệ cho chúng. Rất căm thù. Thế nên thanh niên nam nữ lên đường tòng quân vào chiến trường, trống giong cờ mở rất rộn rã. Ở những buổi tiễn quân đi như thế, cả bốn tay chơi phố huyện đều đến cổ động rất xôm trò. Vì cả bốn tay ấy thấy mọi người lên đường tòng quân cả cũng có chút gì dường như là áy náy. Thôi không được vào chiến trường giết quân xâm lược, thì góp lời ca tiếng hát động viên anh em chân cứng đá mềm, lập được nhiều chiến công vẻ vang cho quê hương vậy.
Là vì bốn tay này đều có tài văn nghệ.
Minh Ảnh thổi sáo trúc rất hay. Hắn mà lên sân khấu thổi anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch… thì thôi rồi. Các em gái ở dưới, em nào cũng phải nhịp chân và nhún mông theo tiếng sáo của hắn.
Trường Kéo là cây ghi ta điêu luyện. Tiếng ghi ta thùng của hắn tỉa tót mấy bài nhạc như Trường Sơn đông Trường Sơn tây hay Nhạc Rừng cũng khiến cho không ít nữ sinh xao xuyến, thổn thức suốt đêm.
Đào Tước thì trông hình thức không được xinh trai như mấy thằng bạn mình. Dáng người thô, to, gù gù như con gấu. Chắc là do suốt ngày ngồi vá săm, thay bi, móc lốp, cân vành với bố từ bé nên sinh ra gù vậy. Nhưng Đào Tước lại có một giọng hát trời phú. Giọng hát của Đào Tước rất ấm mà lại cao, vang. Mỗi khi Đào cất giọng trên đỉnh trường sơn ta hát bài ca gửi tới quê nhà… khối anh nôn nao, muốn kiếm ngay cây gậy mà lao vào con đường huyền thoại đang mịt mù bom đạn để mà chiến đấu với tàu bay Mỹ, lập công huy hoàng.
Nhưng tài nhất trong bộ tứ ấy phải là Mạnh Hoạt. Hắn biết đủ nghề cắt vẽ kẻ biển, pha trò đám cưới (cái mà bây giờ gọi là MC), chia buồn đám ma. Hát cũng khá hay. Hắn chỉ học lỏm và nhìn người ta chơi mà hầu như có thể chơi được mọi loại nhạc cụ. Mạnh Hoạt vẫn hay huênh hoang, có lúc còn tự xưng là Thất cầm tiên sinh. Vì hắn chơi được đủ bảy loại đàn: ghi ta thùng, ghi ta phím lõm, vi ô lông, đàn bầu, măng đô lin, đàn tranh và kéo nhị khá hay. Toàn những thứ nhạc cụ phổ biến thời đó. Bỏ nhà đi lang thang, hắn sống bằng cách đem mấy cái tài vặt đi làm thuê và tá túc với ba thằng bạn. Nhưng cái tài làm cho Mạnh Hoạt nổi tiếng khắp vùng là hắn biết làm thơ. Mà thơ đăng báo hẳn hoi. Vốn là người ham đọc, đến đâu vớ được tờ báo nào hắn cũng đọc cho kỳ hết chữ. Đọc thơ trên các tờ báo ấy, hắn thấy mình có thừa sức viết như vậy. Và hắn viết. Ngày hắn lang thang làm những việc vặt và tranh thủ rong chơi, săn tìm cảm xúc. Đêm đêm hắn ngồi vắt óc, cố tưởng tượng ra, đặt mình vào tâm thế của những con người đang hừng hực khí thế, để viết nên những vần thơ cháy bỏng. Viết xong, hắn gửi cho các báo kèm theo những lời lẽ tâm tư thống thiết. Thế rồi trong hàng trăm bài thơ hắn gửi đi, có một vài bài được các biên tập viên chọn đăng báo. Hồi ấy báo đài là một cái gì đó rất cao quý với đa phần dân chúng, nhất là dân những miền quê. Cứ báo đăng đài nói là nhân dân tin sái cổ. Và Mạnh Hoạt lập tức thành danh tại ngay quê hương mình, với tư cách là một nhà thơ. Ở mỗi cuộc mít tinh tiễn đưa thanh niên nhập ngũ, Mạnh Hoạt hay được mời lên đọc những vần thơ hào sảng cổ động phong trào. Mà Mạnh Hoạt viết thơ về Trường Sơn, về chiến trường khói lửa đạn bom như thật, rồi cất cái giọng trầm ấm, truyền cảm của mình đọc thật mùi mẫn:
“…Đêm trắng
Trường Sơn nỗi nhớ nhà
Giặc thù chưa diệt chửa về quê
Mẹ ơi hãy sống chờ hoa thắm
Con về
Nghe lại hát ru xưa
Và em, em nữa cô hàng xóm
Anh về
Hát nốt khúc duyên xưa…”
Đến khi có mấy bài thơ của hắn được giới thiệu trong mục “Tiếng thơ” của đài phát thanh, thì Mạnh Hoạt trở nên nổi tiếng. Hắn được nhiều cơ quan trường học xí nghiệp mời đến đọc thơ và nói chuyện thơ. Hắn trở thành cộng tác viên của nhiều tờ báo. Thơ hắn làm nhiều, được in khắp nơi từ báo tường, bản tin cơ quan cho đến báo nghành, báo trung ương. Thơ Mạnh Hoạt ngâm oang oang trên đài truyền thanh vang khắp ngõ xóm. Hắn đường đường hiển hách là một thi nhân. Nhà văn nhà thơ hồi đó là một danh hiệu rất có giá. Thậm chí còn được tôn vinh là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, góp phần vào cả chiến thắng của bộ đội ngoài chiến trường. Rất vẻ vang.
Mẹ và vợ hắn nghe loa công cộng nói, thi sĩ Mạnh Hoạt, bán tín bán nghi, liền nhắn hắn về hỏi. Mạnh Hoạt rẽ qua nhà nói với mẹ và vợ rằng, giờ mình là nhà thơ, sống cuộc đời lãng đãng nên người nhà chớ quan tâm nhiều. Hắn bây giờ là người của xã hội, không còn của gia đình nữa. Hắn có trách nhiệm phụng sự đất nước bằng trí tuệ và trái tim. Rồi Mạnh Hoạt lại ra đi ngay. Mẹ níu áo lại cũng không ở. Con bập bẹ gọi bố, bố cũng chỉ xoa má mỗi đứa một cái rồi đi. Còn em Lệ kiều diễm mê mẩn năm xưa, hắn coi như không tồn tại. Dù nàng vẫn ở lại nhà với mẹ hắn, một nắng hai sương chăm nuôi hai con nhỏ. Mặc cho Lệ nước mắt vắn nước mắt dài. Hắn vẫn quay đầu đi thẳng.
Mạnh Hoạt không thể ở lại nhà hôm ấy được.
Tối hôm đó nàng Kim Dung, mậu dịch viên cửa hàng bách hóa huyện đã mời hắn đến phòng nàng chơi.
Kim Dung không phải là một cô nàng sắc nước hương trời gì. Nhưng nàng là mậu dịch viên của cửa hàng bách hóa huyện. Chỉ riêng điều đó thôi, nó đã phủ lên người nàng một ánh hào quang khó tả nổi. Thậm chí cái dáng vẻ thô, cục mịch cùng với cái giọng chua lè và điệu cười như xé vải của nàng, cũng được các chàng trai quanh vùng coi như là một cái gì đó độc đáo hấp dẫn cần phải khám phá.
Hồi đó miền Bắc đang trong đỉnh điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp toàn diện. Mọi cái gọi là buôn bán chợ búa gần như bị cấm tiệt. Tất cả hàng hóa đều do nhà nước quản lý và phân phối. Mọi thứ hàng bán ra đều phải có tem phiếu mới mua được thông qua hệ thống thương nghiệp quốc doanh. Thế cho nên chen được một chân vào trong cái hệ thống phân phối hàng hóa độc quyền ấy là cả một niềm mơ ước của rất nhiều người. Là no đủ cho cả nhà cả họ chứ không đùa. Đã từng có câu châm ngôn mới lúc đó âm thầm lưu truyền trong dân gian nhất thương nhì thực… Thương ở đây là thương nghiệp. Thực là lương thực, thực phẩm. Thế mà nàng Kim Dung trẻ trung là nhân viên ngành thương nghiệp thứ nhất ấy, mà lại còn là mậu dịch viên của cửa hàng bách hóa trung tâm huyện nữa, thì đúng là một sự hấp dẫn không biết đâu mà kể xiết. Rất nhiều chàng trai hâm mộ Kim Dung. Mạnh Hoạt cũng mê Kim Dung. Tuy rằng ở làng Ngọc, Mạnh Hoạt đã là ông bố hai con, nhưng vì quyết sống đời thi sĩ, đã tuyên ngôn là hiến mình cho trăng gió để làm thơ phụng sự đất nước, nên Hoạt coi như mình chưa từng vướng bận. Thật ra thì Mạnh Hoạt cũng có lúc âm thầm than vãn với ba tay bạn mình là, sao lúc đó lại đổ đốn ra vậy, đi cưới vợ từ lúc mới nứt mắt ra, giờ ân hận quá. Hắn thấy tiếc đời trai. Ba thằng bạn cười nói, đời trai của ông là đời thừa. Đời chúng mình là đời thừa. Đi học không được. Xung phong vào bộ đội không đắt. Xin đi làm ở các cơ quan nhà máy xí nghiệp quốc doanh, người ta cũng lắc đầu. Không có đất dung thân. Chí làm trai sống trong trời đất mà không là gì thì… Thôi, mình cứ đem cái đời trai, đem cái thân thừa này phục vụ chị em đang thiếu thốn, có khi đấy cũng là góp phần vào sự nghiệp lớn. Đời trai của con nhà người ta đang chôn vùi trong khói lửa, trong sốt rét rừng, trong bom B52, thì mới mất. Chứ đời trai bọn mình dùng chán vẫn còn nguyên. Cứ việc tận hưởng.
Mạnh Hoạt quen em Kim Dung hôm đến cửa hàng bách hóa huyện dự hội nghị tổng kết công tác năm. Chả là nhà thơ Mạnh Hoạt giờ đây đã là cộng tác viên thân thiết của rất nhiều báo đài nên hay đến các cơ quan công trường, trận địa viết bài, đọc thơ cổ vũ tinh thần mọi người. Những buổi lễ lạt, các cơ quan cũng rất lấy làm vinh hạnh khi được nhà thơ đến viết vài dòng tin cho đài truyền thanh huyện. Nhưng chủ yếu nhà thơ hay đến các cơ quan kinh tế có máu mặt. Đến những chỗ này, Mạnh Hoạt nói chuyện thơ văn xong, bèn xin cái phiếu mua hàng giá cung cấp, rồi đưa lại cho bọn Đoàn Tước, Trường Kéo âm thầm bán ra chợ đen ăn chênh lệch. Việc này các ông thủ trưởng cơ quan ấy biết cả, nhưng cả nước đều thế, đều dấm dúi bán buôn nên cũng lờ đi cùng nhau.
Hôm ấy dự hội nghị xong, Mạnh Hoạt xin tay cửa hàng trưởng bách hóa cái phiếu hai tút thuốc lá Điện Biên, ghé mua dưới quầy em Kim Dung. Dăm ba câu chuyện đưa đẩy, thế nào mà em Kim Dung đâm ra lưu luyến. Em nói thích thơ của anh Mạnh Hoạt.
Hôm sau Mạnh Hoạt lại ghé qua cửa hàng, đọc tặng cô mậu dịch viên bài thơ, nói, anh thức cả đêm qua để viết:
“Sau tất cả sóng gió cuộc đời anh chợt thấy
Chỉ có em là bóng dáng bến bình yên
Thuyền anh muốn một lần về ghé đến
Muốn neo mình bờ bãi tốt tươi em.”
Hôm sau nữa lại là bài thơ khác:
“Đã lâu mới có một chiều
Phiêu bồng khẽ thở sau dào dạt ru
Thì ra trời đã sang thu
Dung ơi anh thấy âm u cõi lòng…”
Và như vô tình, bàn tay trắng trẻo thư sinh của nhà thơ vuốt nhẹ lên tay nàng Kim Dung mậu dịch. Như có một luồng điện chạy từ bàn tay mũm mĩm lên mặt, hai má nàng lập tức ửng hồng e lệ. Mạnh Hoạt nhìn thấy cũng hay hay.
Rồi hôm sau, một bài thơ về đêm thu, vì đận ấy đương tháng tám:
“Thu tàn vào lúc nửa đêm
Giường khuya thức dậy nhớ em chạnh buồn
Ngỡ mình ở chốn thênh không
Gió như đang thổi từng cơn vào lòng
Em nằm gió có lạnh hơn
Cầm lòng anh đợi tan cơn mơ này…”
Cứ thế, bảy ngày liên tục, mỗi sáng Mạnh Hoạt đến đọc tặng em Kim Dung một bài thơ tình.
Đến ngày thứ bảy, em Kim Dung không chịu nổi những phép ma thuật ngôn từ tuôn xuống như thác của nhà thơ tài ba xuất chúng, ứng khẩu thành thi, đổ đánh uỵch. Mà làm sao em mậu dịch viên văn hoá lớp bảy có thể chịu nổi khi nhà thơ tài tử đẹp giai, bằng trò sắp xếp chữ nghĩa, Mạnh Hoạt đã tấn phong một nàng mậu dịch viên cong cớn với nhan sắc khiêm tốn thành một nữ hoàng sắc đẹp và là cảm hứng của thi ca. Thậm chí trong bài thơ thứ bảy, hắn còn gọi Kim Dung là nàng thơ. Nàng rên lên trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nàng đỏ bừng mặt sẽ sàng nói với Mạnh Hoạt: “ Tối nay sang phòng riêng em bảo cái này nhé”. Mạnh Hoạt biết là nàng muốn bảo cái gì nên tối ấy dù mẹ, dù vợ, dù con tha thiết cầm giữ, hắn cũng không thể ở lại nhà được.
Chiều tối, hắn vào nhà Đào Tước ăn cơm và bàn bạc kế hoạch tác chiến với mấy ông bạn.
Thật ra, khi hắn thổ lộ ý định tán em Kim Dung, mấy thằng bạn cùng trong cái đội văn nghệ xung kích tự phát ấy đã bịt mũi cười tí chết ngạt. Nhưng sau khi nghe Mạnh Hoạt nói về những mối lợi tiềm năng từ nàng Kim Dung và cái quầy hàng béo bở, thì ba ông bạn ấy lại xiêu lòng quay sang ủng hộ nhiệt tình. Vì nói cho cùng thì thời nào cũng cần có tiền, cũng phải sống đã. Mà Mạnh Hoạt chả có một cái nghề ngỗng nào để kiếm sống, không như ba ông bạn ngoài phố của hắn, dù sao cũng có một cái nghề.
Thật sự Mạnh Hoạt đúng là một tay vô nghề nghiệp.
Không ai tính cái danh nhà thơ là một nghề cả. Mà trong thang bảng cấp bậc của nhà nước lúc đó để cấp lương, cấp sổ gạo và tem phiếu thực phẩm không có ngạch nhà thơ. Mạnh Hoạt phải tự lo thân mình để sống. Hắn lang thang khắp phố làng. Lúc thì Mạnh Hoạt đi vẽ tranh cổ động dân quân ta súng trường hạ máy bay Mỹ. Lúc thì đi kẻ khẩu hiệu trên bờ tường cho bên văn hoá thông tin thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người. Lúc hắn lại đi cắt vẽ kẻ biển phục vụ đám cưới… Những việc đó thù lao cũng khá nhưng không đều. Đêm về, Mạnh Hoạt lại vắt óc viết thơ để đăng báo lấy tiền nhuận bút. Viết những bài thơ này không dễ dàng như thơ tán gái. Vì khi làm thơ tặng cho một cô nàng nào đó, ít nhiều trong lòng hắn đều đã nhen lên chút cảm xúc hoặc một thứ tình trai gái lăng nhăng. Hắn luôn tìm ra trên thân thể những cô nàng định chinh phục một nét hấp dẫn đàn bà nào đó. Mà đã là đàn bà, ai chả có những nét gì đó hấp dẫn đàn ông, nhất là với một kẻ khát tình muôn năm như Mạnh Hoạt. Thế nên hắn viết ra dễ dàng và trôi chảy. Nhưng những bài thơ đăng báo không phải là chuyện đùa. Nó phải thể hiện cảm xúc thi ca và nhất là lại phục vụ được cho phong trào lúc đó, thế mới khó. Thế mà Mạnh Hoạt vẫn có thơ đăng báo đều. Ngoài ra Mạnh Hoạt rất tích cực tham gia các cuộc thi thơ của các ngành các cấp, và cũng hay đoạt giải, cũng có thu nhập. Nhưng tất cả những khoản thu nhập đó đều phập phù và cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu của một tay chơi như hắn. Mạnh Hoạt vẫn phải sống nhờ vào mấy ông bạn hẩu của mình. Cũng may là nhà Đào Tước có cái gác xép khá rộng và ông Tước lại là người mê thơ, quý và coi Mạnh Hoạt như con trai mình, nên hắn có chỗ đi về không phải nghĩ. Thế là những lúc rỗi rãi, bốn tay chơi phố huyện lại tụ tập với nhau tại căn gác xép. Họ đàn hát những bài bừng bừng khí thế lúc đó để quên bớt cái cảm giác bị bỏ rơi, bị gạt ra bên rìa của cuộc sống cực kỳ sôi động, hào sảng, đau thương và cũng vô cùng đẫm máu lúc đó. Là những trang thanh niên đang thời máu nóng, không phải họ không bị tác động bởi thế thời. Thật sự là có lúc họ cũng từng cảm thấy buồn, thất vọng tột độ. Cảm thấy mình đúng là những kẻ lạc loài, bị bỏ rơi. Thế nhưng sau này, khi đã về già, mọi cuộc chiến tranh đã qua đi, họ lại thấy hình như cuộc đời đã ưu ái họ hơn là với những chàng trai cùng trang lứa. Những người khi ngã xuống trong mịt mù lửa đạn, thậm chí chưa từng cả cầm tay một cô gái. Mạnh Hoạt đã tâm niệm, để cuộc đời hắn trở nên có ý nghĩa, hắn phải hiến mình cho nàng thơ. Hắn ôm ấp trong lòng khát vọng trở thành nhà thơ lớn. Hắn muốn tìm một ý trung nhân có đủ bao dung và tấm lòng theo mọi nghĩa, che chở, nâng đỡ cho khát vọng thi ca của mình.
Tối hôm ấy, Mạnh Hoạt đến phòng riêng của em Kim Dung.
Một cái tiệc ngọt nho nhỏ đã được em bày sẵn đợi nhà thơ. Một đĩa bánh bích quy, một bao thuốc lá Điện Biên bao bạc, một ấm trà hồng đào thơm nức. Bấy nhiêu đó đã là một sự xa xỉ tột độ của thời bao cấp và chiến tranh loạn lạc. Trong ánh mờ ảo của ngọn đèn dầu đã được che bớt đi để máy bay phản lực siêu âm của Mỹ từ độ cao ngàn mét không trông thấy, Mạnh Hoạt khoan khoái rít thuốc, nhấm nháp bánh ngọt và trà thơm rồi hạ vài tông giọng, thật trầm ấm, đọc cho em mậu dịch nghe bài thơ tình vừa làm để tặng riêng nàng:
“ Không biết là tỉnh hay mê
Mà sao lại thấy Dung kề bên anh
Nhìn ra gió động trêu mành
Giật mình trăng đã lặn nhanh khi nào
Ngoài đường tiếng dế lao xao
Ước ao anh muốn…ước ao với nàng!”
Kim Dung xúc động nức lên, nàng luống cuống tay chân làm đổ cái đèn dầu, chút ánh sáng le lói tắt phụt. Dường như Mạnh Hoạt cũng chỉ chờ có thế, ôm chầm lấy nàng mậu dịch viên trong bóng tối. Nàng mậu dịch viên cửa hàng bách hoá huyện rên lên khe khẽ, khi Mạnh Hoạt đặt lên miệng nàng một nụ hôn điệu nghệ. Và bàn tay của hắn lập tức lùa vào phần thân thể đàn bà đang nóng rực của Kim Dung, bắt đầu màn múa may mê ảo… Một tuần thơ phú của hắn được đáp đền xứng đáng bằng một đêm mê tơi nóng bỏng.
Tin em Kim Dung mậu dịch viên cửa hàng bách hoá trung tâm chết nhà thơ Mạnh Hoạt lan nhanh như chớp giật. Bởi vì nói theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ thì em là hotgirl. Nhưng lúc ấy cánh trai trẻ là cán bộ công nhân viên, trai phố chưa vợ xung quanh mô tả một cách trực quan sinh động hơn là chỗ ấy rất màu mỡ. Mà quả là màu mỡ thật. Từ ngày yêu em Kim Dung, dường như phong độ của thi nhân Mạnh Hoạt lên hẳn. Quần áo lúc nào cũng chỉn chu, xe đạp Đức, đồng hồ đeo tay Liên Xô và đài Trung Quốc đeo hông. Mấy tay bạn của nhà thơ cũng được thơm lây. Hàng hoá khan hiếm từ trong quầy hàng của Kim Dung như đường sữa, xà phòng thuốc lá cho đến vải vóc phụ tùng xe đạp… được kín đáo tuồn ra cho các tay cao bồi phố, bán chợ đen lấy tiền chênh lệch ăn tiêu. Mạnh Hoạt nhà thơ cảm thấy đây đúng là niềm mơ ước của mình bấy lâu nay. Kim Dung sẽ đóng vai như bà vợ của một nhà thơ thời trước, quanh năm lặn lội buôn bán phục vụ cho sự nghiệp thơ ca của hắn mà không một lời ta thán. Mạnh Hoạt nghĩ giờ đây mình không còn phải lo lắng cái chuyện cơm áo tầm thường, hắn nghĩ mình có thể toàn tâm toàn ý gây dựng sự nghiệp. Ngoài những lúc cùng với đội văn nghệ của mình phục vụ nhân dân và nhiệm vụ chính trị địa phương, thì Mạnh Hoạt dồn hết tâm sức cho thi hứng và những cơn nứng tình của nàng Kim Dung. Mạnh Hoạt rất mãn nguyện. Nhưng sự đời một mình Mạnh Hoạt được mãn nguyện thì lại có nhiều tay rất bất mãn, vì cũng nhọc công rắp ranh bắn sẻ mà chả xơ múi gì. Trong số này, Thành công an huyện là cay hơn cả, vì Thành đã công khai theo đuổi em Kim Dung hai năm trời mà cuối cùng chỉ trong có một tuần nàng bị Mạnh Hoạt chén gọn. Thành cay. Thành giở ngay nghiệp vụ điều tra của mình ra tìm hiểu sự tình.
Một đêm khi Mạnh Hoạt nhà thơ đang tâm sự với nàng Kim Dung mậu dịch, đúng lúc cao trào thì cửa phòng bị giật tung, ánh đèn pin sáng quắc rọi vào và những tiếng quát đanh gọn vang lên: “nằm im”. Đôi nhân tình bị những cánh tay lực lưỡng dí chặt, giữ trần truồng trên giường để lập biên bản bắt quả tang tội hủ hoá. Mạnh Hoạt có vợ rồi mà dám công nhiên quyến rũ gái son. Tội này thời đó cũng được coi gần ngang với tội phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Biên bản được lập, trai trên gái dưới rõ ràng không cãi được, líu ríu ký vào rồi mới được mặc quần áo giải về đồn, cả đôi. Cùng lúc đó, ba tốp công an đến khám nhà Minh Ảnh, Trường Kéo, Đào Tước rồi dẫn cả ba tay nghệ sĩ phố huyện ấy về đồn cùng một đống đường sữa, xà phòng thuốc lá, bánh kẹo vải vóc phụ tùng xe đạp… Thời buổi tất cả hàng hoá là do nhà nước quản lý, trong nhà có nhiều như thế thì đích thị hoặc là ăn cắp, hoặc là thông đồng móc ngoặc. Giam hết lại để làm cho ra lẽ.
Đận ấy Mạnh Hoạt bị nằm nhà tạm giam mất một tháng bảy ngày thì được thả. Còn em Kim Dung, sáng hôm sau ra ngay, vì nước ta luôn coi phụ nữ là yếu đuối thụ động, luôn bị kẻ xấu quyến rũ nên họ không có tội. Vả lại, vào đấy thì mới biết là Kim Dung là cháu gọi ông chủ tịch huyện là bác ruột, thảo nào được ngồi chỗ thơm thế. Tất nhiên là nàng Kim Dung sau cũng phải chịu một cái kỷ luật nho nhỏ theo phép lúc đó, là bị phê bình một cách nghiêm khắc ở cuộc họp tổ công đoàn.
Ba thằng bạn Mạnh Hoạt, không thấy toà án xét xử gì mà cứ thế bị đày tuốt lên miền núi lao động cải tạo cho hết thói buôn bán móc ngoặc bất chính. Tuy nhiên có tin đồn ngoài phố lại nói là lúc đó do chiến tranh phá hoại đang ác liệt, máy bay Mỹ suốt ngày gầm rú trên bầu trời, nên công an tống mấy ông con nhà có lý lịch đen đi để đề phòng nhỡ bọn chúng làm gián điệp chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá. Nâng cao cảnh giác, đề phòng trước vẫn hơn.
Minh Ảnh sau vài năm cải tạo, ở lại đó lấy luôn vợ là một cô sơn nữ người Tày, lập nghiệp trên vùng Đồng Mỏ, không về xuôi. Minh Ảnh cùng vợ lập một cái hiệu ảnh ngay đầu thị trấn, chỗ vừa qua cầu đường sắt. Người qua lại thị trấn thường hay bắt gặp một tay đàn ông ăn mặc quần áo chàm kiểu người Tày, mũ nồi đen, nhưng mắt mũi thì tinh ranh như cáo. Tay cầm một cái máy ảnh đi lang thang chụp hoa lá phong cảnh núi rừng. Có nhiều bức ảnh của y rất đẹp. Nhiều nơi lấy làm bưu thiếp mà không bao giờ thấy đề tác giả là ai.
Trường Kéo vốn người mỏng mảnh thư sinh nên không chịu nổi gian nan khắc nghiệt của thời tiết và núi rừng. Trường chết vì lao lực và sốt rét. Sau này có lần thi sĩ Mạnh Hoạt qua vùng biên viễn, rẽ vào đèo Cấm viếng ông bạn cũ. Dân bản dẫn đến sườn núi nơi an nghỉ của Trường. Không còn cả dấu tích gì chứng tỏ nơi đây có một nấm mồ. Chỉ có một vùng cỏ gianh bạt ngàn phất phơ trong gió lạnh. Tiếng gió hú trên sườn núi mùa đông từng hồi dài không dứt, tưởng như tiếng sáo của Trường vẫn réo rắt đâu đây. Thê lương lạnh buốt.
Trong số ba người bị bắt đưa đi cải tạo dịp ấy, chỉ có Đào Tước là về quê một lần lúc mãn hạn. Có một cô gái Hà Thành cũng phải đi cải tạo trên ấy chả biết vì tội gì, mê đắm giọng hát của Đào. Mãn hạn, cô ấy rủ Đào về Hà Nội sinh sống. Đào theo luôn. Nghe nói hai vợ chồng cũng phải lang thang dặt dẹo khắp thành phố để kiếm miếng ăn. Sau này đến thời cởi mở, hai vợ chồng có mở một quán cà phê nhạc sống trên mạn Hồ Tây. Rất đông khách. Mọi người đến nghe ông ca sĩ già có giọng hát đặc biệt. Mỗi khi ông ấy cất giọng ca những bài hát viết về nỗi buồn lữ thứ, về kiếp cô đơn, về những buổi chiều tà hoang vắng trên rừng… thì hầu như khách nghe ai cũng lén lau nước mắt.
Mạnh Hoạt may mắn hơn ba người bạn của mình. Đáng ra hắn bị xử nặng nhất trong tốp bạn, nhưng nhờ có quý nhân can thiệp, hắn chỉ phải ở nhà giam hơn một tháng thì được thả. Hôm được thả, Mạnh Hoạt về nhà quỳ sụp xuống đất, vái Lệ ba vái rồi ra đi. Mạnh Hoạt đi cưới vợ khác, cưới em Kim Dung.
Thật ra thì lúc bắt đầu tán tỉnh em Kim Dung, Mạnh Hoạt hoàn toàn không có ý định cưới xin gì. Hắn chỉ định sống đời già nhân ngãi non vợ chồng với cô mậu dịch viên bách hoá lắm tiền. Hắn cũng định lúc nào kiếm được từ chỗ cô nàng một món kha khá, hoặc giả chán quá rồi thì thôi. Hắn đã phải huy động hết khả năng sắp xếp chữ nghĩa để nặn ra những bài thơ tặng Kim Dung. Chinh phục được rồi, Mạnh Hoạt lại phải dùng mọi chiêu trò tình ái để mê dụ, dắt mũi cô nàng mậu dịch viên. Những lúc ngồi nặn thơ, hay sau những trận giao hoan mê mải tơi bời, lên bờ xuống ruộng cùng Kim Dung, không phải Mạnh Hoạt không có lúc cảm thấy nhục. Mang danh một nhà thơ mà phải đi hầu L.. kiếm cái ăn. Nhưng rồi hắn nghĩ, gái điếm nó còn phải chiều đủ hạng người, thôi, mình có phải phục vụ để kiếm lấy miếng đút vào mồm cũng còn hơn. Mà chỉ phải phục vụ một người. Mình sẽ tán các em xinh tươi khác để bù vào phần thiệt thòi. Mạnh Hoạt nghĩ thế… Thế rồi khi bị dồn vào hoàn cảnh: hoặc cưới em Kim Dung làm vợ, hoặc bị tống đi tù mãn kiếp, hắn đành chọn cưới. Lúc ngồi đợi lấy giấy tờ phóng thích, hắn tắc lưỡi lẩm bẩm: “Đời đúng là được đằng nọ thì mất đằng kia, chả ai được không cái gì bao giờ. Một liều thì ba bảy cũng liều. Mẹ khiếp, với mình thì L… nào chả là L…? Miễn là có cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày, nhàn thân, đéo phải làm gì là được. Chơi tất!”
Đánh giá
Mục lục bài viết
Thời chiến tranh, nay sống mai chết, hôm nay còn ở ngoài Bắc, mai đã vào tít trong Nam. Hôm nay còn đang sống ngoay ngoảy, mai đi ngoài đường,..
Người gửi / điện thoại
Hp là một loại vi khuẩn mới được phát hiện bởi hai nhà khoa học: R. Warren và B.Marshall người Australia vào năm 1982.
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Hôm nọ, tại buổi tọa đàm, nối lời Gs Ts Nguyễn Chí Bền, mình ước có một hạt dẻ thần kỳ thứ ba: tìm lại được hết di cảo của Ôn Như Hầu...