Hội Nhà văn Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Mưa trong nắng của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà, đoạt Giải C “Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” 2012-2015, do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức; Và tập truyện ngắn Kỳ nhân làng ngọc của nhà văn Trần Thanh Cảnh đoạt giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 2015.
Tham dự tọa đàm có 2 Phó Chủ tịch Hội nhà văn HN: Nguyễn Việt Chiến, Trần Quang Quý và 2 ủy viên Ban chấp hành: Y Ban, Trần Gia Thái; thượng tá Trần Cao Kiều, PGĐ NXB Công an Nhân dân cùng nhiều nhà văn, nhà thơ. Đã có các tham luận và ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình: Bùi Việt Thắng, Lê Thành Nghị, Uông Triều, Văn Giá, Y Ban, Nguyễn Bích Thu… về 2 tác phẩm trên.
Nguyễn Thị Ngọc Hà với tiểu thuyết Mưa trong nắng
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà (hội viên Hội nhà văn VN, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội) cho biết, chị đến với văn chương từ khá sớm, chỉ công bố không sớm thôi. Chị sáng tác văn xuôi trước khi sáng tác thơ, nhưng công bố thơ với bạn đọc trước khi công bố văn xuôi. Đến nay, Nguyễn Thị Ngọc Hà đã in những tập thơ: Gửi Con Lời Ru; Đi Ngang Chiều Gió; Cỏ Mặt Trời; Người Gánh Vô Hình; Đứt dải yếm, Ngả vào giữa nguyên khôi.
Trong số những tập thơ nói trên của chị, có nhiều bài thơ được giải, có những bài được tuyển chọn vào những Tuyển tập thơ. Nói về tập thơ Đứt dải yếm, chị cho biết thực ra cái tên Đứt dải yếm nó gợi người đọc, nhưng nội dung bài thơ lại không phải loại (lẳng lơ, đong đưa, sơ sểnh…) như nhiều người cảm nhận.
Đây là một bài thơ mang tính ẩn dụ, nói lên tâm trạng của người phụ nữ trước sự phản bội. Nhà thơ ví lời yêu thương nồng nàn nhất được ấp ủ trong tim sau làn yếm mỏng, dây buộc cũng mảnh, nhưng sự phản bội đã khiến tình yêu ấy vỡ tràn, khiến dải yếm mỏng manh ấy không giữ nổi.
Là một nhà thơ trữ tình đa cảm như vậy nhưng Nguyễn Thị Ngọc Hà lại là một cây bút văn xuôi khá sắc sảo. Tác phẩm đầu tay của chị là tập truyện ngắn Đầm Ma (được dịch và xuất bản tại Mỹ); Tập truyện ngắn Ám ảnh- NXB Dân Trí; tập tản văn Lạc trong đêm Liêu Trai-NXB Quân đội; Tiểu thuyết Mưa trong nắng (NXB Công an nhân dân, giải III cây Bút vàng năm 2015 của bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam).
Đáng chú ý, trao đổi về văn học đương đại, Nguyễn Thị Ngọc Hà có nhận xét khá thú vị: “Văn chương nói chung và thơ nói riêng không nên phân biệt cái gọi là văn học nữ quyền. Bởi vì phân chia như thế là cực đoan. Thực tế cũng có nhiều cây bút nam viết về thân phận người phụ nữ rất hay. Tôi cũng biết là có một số nhà lý luận phê bình văn học không đồng tình khi phân chia văn học nữ quyền”.
Nhận xét về tiểu thuyết Mưa trong nắng, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng: Về mặt nội dung cuốn sách này đã dựng lên một hiện thực ngổn ngang bề bộn của đất và người, lẫn lộn các quan niệm về giá trị, mập mờ các hành vi đạo lý và phi đạo lý nơi vùng đất Ân Thịnh ven hồ Tây.
Một tình trạng chen lấn hỗn mang trong thực tế đời sống, trong tâm lý và tâm hồn con người, trong hành vi, ăn ở, trong đối nhân xử thế… cái đáng mừng hiển nhiên là có, nhưng cái đáng lo cũng không phải là ít… đang làm nhức nhối ngòi bút của tác giả.
Đấy là vấn đề Nguyễn Thị Ngọc Hà muốn gửi gắm và đang soi sáng lý giải nó bằng những hiểu biết và chính kiến của một ngòi bút phân tích. Một vấn đề tuy không mới nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, được gói gọn trong hơn hai trăm trang sách, được viết với một nhiệt huyết đầy những trăn trở của con người hôm nay.
Đáng chú ý, nhận xét về mặt bút pháp tiểu thuyết, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho biết: “Nguyễn Thị Ngọc Hà cố ý tạo ra trong cuốn sách những lát cắt để có thể gây ấn tượng sâu cho người đọc.
Tác giả chia thành nhiều chương, mỗi chương tập trung một sự việc, một gương mặt, và để tự người đọc hình dung ra kết cấu của toàn truyện. Một kết cấu đơn giản nhưng mạch lạc, được hình thành bởi một lối hành văn cũng đơn giản, một lớp “nghĩa” dễ cảm nhận, dễ đọc.
Tuy nhiên, cái “dễ” này sẽ lập tức biến thành nguy cơ nếu trang viết gây cảm giác “chỉ có thế”. Chính điều đó cũng là chỗ mà Nguyễn Thị Ngọc Hà cần nhận thấy, tiểu thuyết hiện đại đã không còn sử dụng nhiều tính “đơn nghĩa” như vậy nữa. Tiểu thuyết hiện đại cần sự “đa thanh”, đa tuyến, cần nhiều giọng nói trong một không gian, cần nhiều “hiện diện” trong một khoảng thời gian, cần những ẩn dụ đủ sức khêu gợi khả năng liên tưởng “đồng sáng tạo” của người đọc…
Bên cạnh lối viết đơn giản ấy, cuốn sách đã để lại khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên. Có thể lối viết “lát cắt” làm tăng “tốc độ” truyện đã dẫn tới việc tác giả bỏ qua nhiều sự dẫn dắt cần thiết, nhưng chính vì thế tạo ra sự ngẫu nhiên, rất không nên có của một tác phẩm văn xuôi”.
Ở một góc nhìn khác, nhà phê bình Nguyễn Bích Thu nhận định: “Tiểu thuyết Mưa trong nắng không chỉ là câu chuyện về cảnh sát an ninh, mà cả về thế sự, đạo đức, về đời thường trong cuộc sống quanh ta. Cuộc sống ngỡ bình thường mà lại lắm cơ sự, vụ việc, phức tạp và nhiều chiều kích.
Với cách tạo dựng cấu trúc theo chương khúc khá khéo léo, với cách viết phối trộn hài hòa tự sự và trữ tình, với tâm niệm đẹp sao cho cái thiện cái đẹp ngày càng đẩy lùi cái xấu, cái ác, kết thúc câu chuyện là một cái kết có hậu, có ý nghĩa nhân văn, mang tâm thức truyền thống”.
Điều quan trọng, đối với một nhà văn đã thành danh về lĩnh vực thi ca nay lại đầu tư khá nhiều công sức cho văn xuôi, tiểu thuyết thì đấy chính là một thử thách lớn đối với người cầm bút và chúng ta vẫn còn hy vọng, chờ đợi ở Nguyễn Thị Ngọc Hà những bứt phá thành công mới về mặt văn xuôi.
Trần Thanh Cảnh với tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc
Trước khi được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 với tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc, Trần Thanh Cảnh là một cái tên khá mới mẻ. Với việc đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam khi chưa là hội viên, anh đã trở thành một hiện tượng.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh xuất thân là dược sĩ, là chủ một doanh nghiệp nên anh cho biết viết văn như một sự giải tỏa. Anh cho biết tự cảm thấy mình rất lạ, thậm chí có thể nói là... "đa nhân cách". Khi làm kinh doanh, anh là người khá lạnh, có đầu óc tính toán cẩn trọng, nhưng khi đến với văn chương, anh như một người sống một cuộc đời hoàn toàn khác. Và cảm thấy, với văn chương anh chính xác là một người rất đa sầu đa cảm.
Đặc biệt, Trần Thanh Cảnh chia sẻ, khi viết truyện ngắn Hội làng là một truyện ngắn mà anh tâm đắc, có trường đoạn khiến anh rơi nước mắt theo nhân vật. Nhưng anh cho rằng, một nhà văn mà không đa sầu đa cảm, không có trái tim mẫn cảm thì viết ra một tác phẩm cũng khó mà chạm được đến trái tim người đọc.
Về lý do vì sao đến với văn chương, nhà văn Trần Thanh Cảnh bật mí: “Vào thời điểm cuối năm 2012, công việc kinh doanh của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, số dư nợ lớn và đầu óc tôi lúc nào cũng quay cuồng khi đối mặt ngày càng rõ hơn với nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Trong lúc rối trí như vậy, trong một khoảnh khắc tự dưng tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải làm cái việc gì đó không liên quan đến tiền để thư giãn.
Hằng ngày, hết giờ làm khi nhân viên về hết, tôi ngồi lại văn phòng, đóng cửa lại và lấy bút ra viết. Tôi vốn là người yêu văn chương, thích đọc sách nên khi "bập" vào viết rồi lại có nhu cầu chia sẻ. Tôi bắt đầu gửi những truyện ngắn đầu tiên cho bạn bè, rồi tập hợp lại, tự in cuốn sách đầu tay có tên Đại gia không phát hành mà chỉ để tặng bạn bè, xong là thôi không viết lách gì nữa. Nhưng khi tập sách này ra đời thì tôi lại nhận được rất nhiều lời động viên của bạn bè là nên viết văn.
Thế là ban ngày tôi vẫn làm kinh doanh, đến khi đêm xuống là ngồi lại với văn chương. Khi tôi đặt bút viết, mọi thứ khác trong đầu tôi như biến mất, tôi quên hết mọi chuyện, chỉ còn lại thế giới nhân vật của mình và không có thứ gì chen vào được. Khi tôi đã viết nhanh lắm, chỉ trong có 4 năm, tôi đã xong 3 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết sắp tới sẽ được NXB Trẻ ấn hành”.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Hùng khi viết bài về tập truyện Kỳ nhân làng Ngọc gồm 14 tác phẩm đã nhận định: “Cuốn sách này đều lấy chất liệu từ làng Ngọc, một ngôi làng vùng Kinh Bắc trù phú, ở ven con sông Đuống hiền hòa, tựa vào dãy núi Thiên Thai mơ mộng, quanh năm diễn ra hội hè đình đám sôi động. Với nguồn chất liệu dồi dào, vô tận, Trần Thanh Cảnh tha hồ ngụp lặn, hít thở, nhào nặn, biến những nguyên liệu sống động thành các sinh thể nghệ thuật giàu sức sống.
Như một người họa sĩ tài hoa, tác giả đã vẽ nên bức tranh làng quê Việt cổ truyền với những hình ảnh gần gũi, thân thuộc: gốc đa đầu làng, cây gạo ven sông, rặng tre xanh mát, mái đình rêu phong, đường làng quanh co, bờ đê lộng gió, bến nước trong vắt, hội hè linh thiêng…
Bầu sinh quyển ấy chính là môi sinh gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, kiến tạo những vẻ đẹp văn hóa cộng đồng, cùng những nét cá tính rất riêng biệt của con người nơi đây (sôi nổi, chất phác, huê tình). Cái tài của tác giả là tạo dựng nên những cảnh vật, những con người, thoáng qua cứ ngỡ giản dị, mộc mạc như chính từ cuộc sống bước vào trang sách; nhưng ẩn bên trong cái vẻ bình yên, tĩnh lặng ấy lại là cả thế giới đa chiều, đa diện, đa sắc, có sức lay động và ám ảnh lạ kỳ”.
Tâm sự về nghề văn, Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Văn chương của tôi nhiều phần là dựa trên sự trải nghiệm, những chất liệu có từ chính cuộc đời tôi và những quan sát, chiêm nghiệm mà tôi cóp nhặt được suốt hơn nửa thế kỷ có mặt trên cuộc đời để xây dựng tác phẩm của mình.
Truyện Kỳ nhân làng Ngọc vốn là bắt nguồn từ một nhân vật có thật mà tôi đã từng gặp gỡ, từng cảm thấy mắc nợ nên đã thêm thắt, hư cấu thêm để thành tác phẩm mà khi hoàn thành tôi mới cảm thấy mình thanh thản. Làng tôi, ai đọc truyện ngắn này cũng nhận ra đó là người của làng mình”. Nhà văn Trần Thanh Cảnh đang là một cây bút văn xuôi khá tài hoa, sung sức và chúng ta chắc chắn sẽ còn được đọc các tác phẩm mới của anh.
Nguyễn Việt Chiến