Quê tôi làng Ngọ Xá thuộc tỉnh Bắc Ninh. Làng ven sông Đuống, xưa thuần nông, cấy lúa bên đồng trồng ngô khoai bên bãi. Nhưng nay khó có thể gọi là thuần nông nữa, bởi ruộng đất đã ít dần đi vì để dành làm khu công nghiệp và con người cũng chả còn làm nông nhiều, nhất là thế hệ trẻ. Họ đi làm công nhân khắp các công ty, nhà máy quanh vùng. Làm dịch vụ buôn bán, sản xuất nhỏ. Và cũng bay đi học tập rồi ở lại làm việc kiếm ăn khắp các nơi trong cả nước…
Như tôi cũng vậy, một kẻ viết văn tay ngang nhưng cũng chẳng còn ở quê nữa. Tôi ở trên thị trấn huyện thực ra cũng gần, thế nhưng mải bận viết lách, tụ tập bạn bè ở mãi đâu đâu khắp nước nên ít về làng. Thỉnh thoảng có dịp giỗ chạp hiếu hỉ chi đó mới trở về làng một lúc một nhát rồi đi thôi.
Hôm nọ nhân lễ tế mùa thu ở đình làng, tôi lái xe về. Về đến đầu làng, để xe xong, không hiểu có linh cảm gì đó mà tôi bèn rẽ vào ngôi miếu nhỏ xây cạnh cái giếng cổ xưa. Thắp nén nhang ở miếu thờ bà Chúa Giếng. Chả là làng tôi ngày xưa có một cái giếng. Mấy ông hay chữ trong làng gọi đó là Giếng Ngọc. Gọi thế cho oai chứ thực ra chỉ là cái giếng đất ở đầu làng, ngay dưới chân đê. Giếng thơi cạnh đầm sen, lọc nước từ đầm vào để cả làng ra gánh về làm nước ăn uống. Giếng hình tròn được đắp bờ đất sét cao, xung quanh trồng cây dứa dại, một loại cây lá dải dài có rất nhiều gai rất sắc nhọn để ngăn không cho trẻ con, người lạ hay trâu bò thả rông trên bờ đê xuống làm ô uế nguồn nước. Ở phía giáp với đường vào làng có xây một cái thềm bằng gạch chỉ có nhiều bậc, để người gánh nước xuống vục thùng múc luôn chứ không dùng gầu như nhiều làng khác. Trên bờ cạnh giếng có miếu thờ bà Chúa Giếng, người canh giữ nguồn nước cho cả làng. Kẻ nào làm ô uế đến giếng sẽ bị bà vặn cổ! Ấy là lời các cụ làng tôi răn dạy bọn trẻ vậy, nên chúng tôi cũng hãi lắm, một lòng thành kính. Mỗi khi được bố mẹ sai đi gánh nước giếng về dùng rửa ráy chân tay, rau cỏ. Tôi gánh hai thùng nước đi ngang qua cửa miếu, chỉ dám he hé con mắt nhìn vào cái ban thờ bí hiểm đằng sau lớp mành tre đỏ buông hờ. Hôm nào đúng tuần rằm hay mùng một đầu tháng, từ trong đó thấy tỏa ra mùi hương hoa thơm ngát, nhang đèn cháy đỏ, càng làm tôi cảm thấy có cái gì đó linh thiêng huyền bí. Truyền thuyết về người đàn bà chết trẻ, hóa thân làm bà Chúa Giếng canh giữ nguồn nước cho cả làng là câu chuyện thật sự sống động ngay trước mắt tôi, dân làng tôi…
Giếng làng tôi xưa là vậy. Chỉ là cái giếng đất đầu làng. Các nhà khá giả trong làng thường xây bể chứa nước mưa rất to để dùng nấu ăn dần. Các nhà không có điều kiện xây bể cũng phải mua vài cái chum vại sành to, đồ từ bên Phù Lãng chở sang bán để hứng nước mưa giời từ cây cau, nước giọt gianh dùng đỡ. Còn lúc nào trời lâu không mưa cạn, thì đành dùng nước giếng đất vậy. Thế nên cả vùng vẫn râm ran đồn rằng, giếng làng tôi nước rất ngọt, lành. Bằng chứng là người làng Ngọ hát rất hay. Và mê hát. Những dịp hội hè hát xướng xuân thu nhị kỳ trong làng người ta đua nhau hát. Mà hát hay kia. Thôi thì quan họ, chèo, tân nhạc… các kiểu. Nhưng vì là vùng quan họ nên tuy không có trong danh sách các làng quan họ cổ, người dân làng tôi vẫn cứ mê và hát quan họ nhiều nhất. Cũng lúng liếng là lúng liếng ơi, cũng mời trầu giã bạn canh khuya chẳng dứt nhau ra nổi mà về… Nhiều nghệ sĩ nổi danh cả nước người làng Ngọ: NSUT Trần Tựa, NSUT Trọng Thủy, NSUT Minh Quang. Và nhiều ca sĩ khác nữa. Nên người trong vùng tin, người làng Ngọ quê tôi thì đinh ninh, làng mình nhiều người hát hay là do uống nước của bà Chúa Giếng. Nhưng thực ra sau này được học về các kiến thức khoa học vệ sinh, chúng tôi khá trăn trở về cái nguồn nước ấy. Không biết nó có đảm bảo không nữa…
Thế rồi khi đất nước bước vào thời bắt đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Mới đầu làng tôi cũng thành ra có nhiều chuyện. Đầm sen bị lấp. Giếng thơi đầu làng nước bị hỏng vì mất nguồn là cái đầm sen trong mát quanh năm. Vả lại sang thời hiện đại, đa số các nhà xây toa lét, nhà tắm hiện đại. Những cái phương tiện văn minh ấy thì không thể đi ra gánh nước giếng về dùng, sao cho đủ được. Nên nhà nào nhà nấy đua nhau tự khoan giếng, tự xây bể lọc, tự trang bị máy bơm. Nhà nhà khoan giếng. Nhà nhà lọc nước. Thế nhưng buồn nỗi là nguồn nước ngầm làng tôi bị nhiễm sắt rất nặng. Mà để khử sắt đánh trong nước thì cần thời gian và công nghệ lọc tuy không hiểm hóc gì nhưng khá công phu cầu kỳ. Thế nên các bể lọc thủ công tự chế của các nhà không khử được hết sắt nên nước ấy chỉ dùng để tắm rửa, giặt rũ được thôi chứ nấu ăn, nhất là pha trà cực dở. Các nhà vẫn lại phải xây to bể nước mưa như từ đời cha ông cụ kỵ để lấy nước ăn.
Từ miếu thờ bà Chúa Giếng ra, tôi đi về nhà. Nhẩn nha đi bộ một quãng ngắn đường làng. Tôi vẫn cảm thấy làng mình hôm nay là lạ sao đó. Tôi quan sát xung quanh… Ồ, thì đây là điều lạ: trên tường hoa hoặc cạnh cổng các nhà đều thấy gắn những cái hộp nhựa đề: công tơ đo nước sạch. Thì ra làng tôi đã có hệ thống cấp nước sạch về tới cho từng hộ dân! Trong tôi bỗng dâng lên một niềm vui khôn tả. Làng quê tôi cũng đã đầy đủ đèn điện, nước máy như thành phố nào có kém chi. Đường làng ngõ xóm đổ bê tông sạch sẽ. Thùng rác ngay ngắn bên đường. Tản bộ trên đường làng hầu như không còn thấy mùi hôi thối của chuồng trại, phân gia súc như đã từng có chưa lâu. Làng Ngọ Xá quê tôi hình như cũng đã bắt nhịp với công nghiệp hóa hiện đại hóa nông thôn, một xu thế tất yếu, một con đường đi tới cho tất cả các miền quê khác trên nước Việt của ta. Nước sạch và vệ sinh môi trường. Người dân không còn phải băn khoăn về cái nguồn nước nuôi sống mình hàng ngày nữa. Thật sự là một bước tiến lớn về phía văn minh hiện đại, đáng vui mừng xiết bao.
Đêm hôm ấy, ở đình làng quê tôi lại tổ chức ca nhạc như lệ. Những làn điệu dân ca quan họ say đắm, ngọt ngào trữ tình lại ngân nga thâu đêm suốt sáng. Dân quê tôi vẫn nô nức hát ca thể hiện. Nam thanh nữ tú lơi lả giao duyên đã đành, mà trẻ em người lớn tuổi cũng nồng nhiệt say mê không kém. Đêm ca nhạc vẫn cứ hay và kéo dài tưởng như không dứt…
Khuya về đi qua miếu thờ bà Chúa Giếng ở đầu làng, tôi lại rẽ vào thắp nén nhang thơm. Ban thờ của bà vẫn được dân làng tôi duy trì hương khói quanh năm. Dù giờ đây cái giếng Ngọc huyền thoại xưa chỉ còn là di tích. Nhưng tôi vẫn thầm khấn: “Cầu xin bà phù hộ độ trì và giữ gìn cho nguồn nước của làng ta, của quê ta, của đất Việt này mãi trong lành ngọt ngào như xưa nay.”
Bởi dù là nước mưa, nước giếng thơi, nước máy, cũng đều là nước của đất đai, bầu trời quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta mà ra...
(ảnh có tính chất minh họa, không phải miếu thờ bà chúa Giếng làng tôi!)