Đại dịch covid-19 vẫn đang hoành hành trên nước ta và cả thế giới. Thế nhưng thật may, khác với khi mới bùng phát hồi cuối năm 2019, đến nay nhân loại đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm: vaccine!
Thật ra không phải đến giờ người ta mới xác định được vaccine là con đường để thoát ra khỏi sự tàn phá của con virus có tên khoa học khá dài dòng rắc rối này: Sars- Cov-2. Ngay từ đầu, rất nhiều nhà khoa học, thầy thuốc cũng đã lên tiếng về lối thoát hiểm của nhân loại ra khỏi đại dịch này. Và ngay lập tức một cuộc đua sản xuất vaccine được mở ra giữa các hãng dược khổng lồ. Một số nhà nước cũng tích cực tham gia tài trợ cho chương trình này. Ví dụ như chính phủ Mỹ thời cựu Tổng thống Donald Trump đã đổ nhiều tỷ đô la cho hai công ty Moderna và Johnson & Johnson để nghiên cứu phát triển vaccine chống covid-19, đến nay đã thu được những kết quả tốt.
Vaccine là một dạng thuốc đặc biệt dùng để phòng bệnh. Đặc biệt là bệnh do virus gây ra. Được phát minh ra bởi một bác sĩ người Anh cuối thế kỷ 18, ngài Edward Jenner sau đó nhà bác học người Pháp, Louis Pasteur đã phát triển ra nhiều loại vaccine khác, mở đường cho ngành công nghiệp sản xuất vaccine hiện nay.

Vaccine sản xuất theo phương pháp cổ điển có từ thời Louis Pasteur đến nay là người ta nuôi cấy chính loài virus gây bệnh kia rồi làm suy yếu độc lực hoặc bất hoạt chúng, đem tiêm vào cơ thể người khỏe mạnh để kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể. Một số vaccine hiện vẫn sản xuất theo phương pháp này. Vaccine chống covid-19 của Trung Quốc cũng được họ chế tạo theo cách như vậy. Một phương pháp sản xuất vaccine hiện cũng đang được dùng đó là sử dụng một loài virus vô hại, chuyên chở một đoạn gen của loài virus gây bệnh, tiêm vào trong cơ thể để giúp hệ miễn dịch nhận biết và tiết ra kháng thể chống lại các con virus gây bệnh có đoạn gen kia, ví dụ vaccine Sputnick V của Nga sản xuất. Nhưng như thế cũng vẫn khá cồng kềnh. Gần đây các nhà khoa học đã phát minh ra một phương pháp chế tạo vaccine mới, gọi là công nghệ mRNA, có thể tóm tắt như sau: họ cắt một đoạn protid đặc hiệu trên bộ gen của virus gây bệnh, bao bọc bằng một loại màng đặc biệt nano lipid để chống phân hủy rồi tiêm vào cơ thể con người, kích thích hệ miễn dịch sinh ra kháng thể tiêu diệt virus gây bệnh có cái đoạn protid đặc hiệu kia nếu nó xâm nhập. Ưu điểm nổi bật của công nghệ chế tạo vaccine mRNA là thời gian nghiên cứu phát triển ngắn và có thể phản ứng nhanh với việc các virus gây bệnh vốn biến chủng hàng ngày hàng giờ liên tục. Và dĩ nhiên, vì cái đưa vào cơ thể chúng ta chỉ là một mẩu trong bộ gen của virus nên hầu như nó hoàn toàn vô hại và tuyệt đối không có khả năng gây bệnh cho cơ thể con người. Một loạt các công ty dược trên thế giới đã ứng dụng phương pháp tiên tiến nhất này vào sản xuất vaccin chống covid-19 như Moderna, liên doanh BioNtech- Pfizer, Johnson & Johnson… đã đưa sản phẩm ra thị trường được WHO (tổ chức y tế thế giới) và các quốc gia tiên tiến chấp nhận.
Cuộc đua sản xuất vaccine chống covid-19 hiện đang diễn ra trên thế giới giữa ba phương pháp sản xuất đang nghiêng hẳn về mRNA. Cả số lượng, chất lượng lẫn các tiêu chí về phản ứng phụ trên cơ thể người tiêm. Điều này cũng dễ hiểu khi chúng ta tìm hiểu về nguyên tắc chế tạo của các phương pháp ở trên. Cũng là một định lý bất biến trong khoa học luôn hiện hữu, cái ra đời sau luôn phủ định cái ra trước.
Sau khi có vaccine ra đời và chứng minh được hiệu quả dập dịch, một cuộc đua giành giật nguồn vaccine lại diễn ra giữa các quốc gia. Nước nào cũng muốn giành nguồn vaccine về mình trước để mau chóng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng mà hệ quả khủng khiếp của nó về chính trị, kinh tế, xã hội chúng ta không cần đề cập đến thêm nữa, bởi cả thế giới hầu như ai cũng biết, thấy, thấm thía rồi. Vaccine mới sản xuất ra, nguồn cung có hạn nên phần thắng đương nhiên thuộc về các nước giàu, các nước là trụ sở của các công ty dược nắm công nghệ nguồn mRNA. Chính vì thế cho đến thời điểm này, khá nhiều nước Âu- Mỹ đã bắt đầu thở phào xoa tay, rằng chuẩn bị bước ra khỏi thời kỳ đen tối về dịch bệnh. Vaccine tại các nước đó thừa ứ, thậm chí phải khuyến khích bằng tiền bạc và vật chất để người dân đi tiêm. Trong khi đa số các nước nghèo trên thế giới vẫn đang vật lộn khốn khổ với con virus này. Để chống lại tình trạng mất cân đối và lập lại phần nào công bằng, hỗ trợ cho các nước nghèo, một sáng kiến đa phương có tên tắt là COVAX (Covid-19 Vaccines Global Access) đã được hình thành, để cung cấp vaccine cho các nước đó. Vaccine chống covid-19 về Việt Nam ta thời gian qua tất cả đều từ chương trình COVAX này mà ra. Nhưng đó cũng không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Bởi cần phải xác định dịch covid-19 nó sẽ thành bệnh dịch thường niên, nên nhu cầu về vaccine sẽ là lâu dài thường xuyên. Do đó việc chủ động công nghệ để sản xuất vaccine hầu hết được đặt ra với tất cả các nước. Đặc biệt là công nghệ sản xuất mRNA. Dĩ nhiên một khi đã có người phát minh ra rồi thì các nước đi sau sẽ được hưởng thành quả luôn chứ không ai lại đi “ nghiên cứu phát minh” lại làm gì cho mất thời gian. Nhưng vấn đề ở đây là bản quyền sáng chế phát minh công nghệ kia.
Và một cuộc tranh cãi gay gắt đang nổ ra trên thế giới về chia sẻ bản quyền công nghệ sản xuất vaccine covid-19 mRNA. Bởi thực ra sản xuất dược phẩm nói chung và vaccine nói riêng, dù trải qua nhiều công đoạn và nhiều hóa chất nguyên liệu khác nhau. Ví như theo ngài Albert Bourla, giám đốc điều hành Pfizer cho biết, vaccine của hãng cần 280 loại nguyên liệu, nhập về từ 19 quốc gia khác nhau. Thì tỷ trọng nguyên phụ liệu trong giá thành vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ. Cái lớn nhất trong giá thành của các sản phẩm ban đầu chính là chi phí phát minh, bản quyền. Nên cuộc vận động chia sẻ bản quyền vaccine covid-19, đặc biệt là dòng mRNA đang diễn ra hiện nay khó có thể có kết quả thuận lợi cho các nước nghèo. Ông chủ tịch ngân hàng thế giới WB, David Malpass cho rằng, việc từ bỏ bản quyền sở hữu trí tuệ sẽ cản trở sự đổi mới nghiên cứu và phát triển vaccine. Không phải là không có lý. Bởi virus sẽ biến đổi không ngừng, đòi hỏi con người cũng không ngừng cải tiến vaccine. Mà trên thực tế phát minh về công nghệ mRNA là do cá nhân các nhà khoa học, các công ty bỏ tiền ra nghiên cứu, nên họ phải được hưởng thành quả, nếu không sẽ mất động lực làm việc. Nên ngay Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ kêu gọi “nới lỏng” bản quyền. Nhiều nước như Đức chẳng hạn, bác bỏ thẳng thừng. Quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ do đại hội đồng WTO (tổ chức thương mại thế giới) quyết định với cuộc bỏ phiếu của 164 nước thành viên. Chỉ cần 1 nước phản đối là không có quyết định nào được thông qua…
Vậy thì với các nước nghèo, tiềm lực khoa học và kinh tế chưa mạnh như nước ta chẳng hạn, làm sao để chủ động sản xuất vaccine? Bài toán này với nhà nước là vô vọng. Có lẽ nhà nước chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ các công ty đàm phán mua lại bản quyền hoặc liên doanh sản xuất tại Việt Nam các vaccine covid-19 theo phương pháp mRNA thì chúng ta mới giải quyết được về cơ bản, lâu dài đại dịch này. Nên hãy bắt đầu ngay, nhập vào cuộc đua sản xuất vaccine mRNA!