Trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư” (ĐVSKTT), mở đầu kỷ nhà Trần, Ngô Sĩ Liên viết: “Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy.”
Đức vua Trần Thái Tông có tên húy là Trần Cảnh, ngài sinh năm 1218 tại Hải Ấp, phủ Long Hưng (nay là Hưng Hà, Thái Bình), lúc đó cha ngài là Trần Thừa, con trưởng trong nhà đang giữ căn cứ địa Hải Ấp làm kế phòng thủ cho quân họ Trần đang tiến về Thăng Long dẹp loạn. Ngài mất năm 1277 thọ 60 tuổi (theo cách tính của âm lịch). Vua được vợ là Lý Chiêu Hoàng trao thiền vị, nhường ngôi cho ngày 12/12/1225, lúc ngài mới 8 tuổi! Như vậy có thể nói Trần Thái Tông được kế nghiệp cơ đồ của họ ngoại một cách hòa bình yên ả, không phải tranh giành bằng gươm đao đổ máu. Một cuộc cách mạng cung đình. Nhưng khi ngài lên ngôi mới có 8 tuổi, còn thơ bấy nên mọi quyền lực, công việc của nước nhà đều trong tay cha Trần Thừa và ông chú Thượng phụ Quốc công Thái sư Trần Thủ Độ nắm cả. Đặc biệt là ông chú quyền lực nghiêng nước. Thật may mắn cho họ Trần khi ấy, Trần Thủ Độ là người trung tín, một lòng tuyệt đối vì việc nước, chí công vô tư nên buổi khởi đầu của Trần triều nhanh chóng vượt qua mọi cản ngại, hanh thông sáng rỡ, trở nên thịnh trị.Vua lên ngôi lúc còn nhỏ, được cha chú dạy dỗ chu đáo cả văn lẫn võ.Nên khi trưởng thành, chính thức cầm quyền liền có đủ uy nghi ra oai văn võ khiến cho không những quần thần một lòng khâm phục tôn thờ mà lân bang cũng có nhiều sự nể phục.
Kế nghiệp họ Lý, đức vua cho thực hiện nhiều chính sách phong tục tốt đẹp mà triều trước để lại. Tiêu biểu là vua cho tiếp tục thực hiện “Lễ minh thệ” có từ triều trước ở đền thờ thần núi Đồng Cổ. Núi này thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa. Vị thần núi này đã nhiều lần hiển linh giúp các đời vua dẹp giặc. Đến đời Lý Thái Tông cho xây dựng đền trong thành Đại La, cạnh sông Tô Lịch. Nay đền Đồng Cổ vẫn ở cụm 4, phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội. Vua cùng trăm quan đến thề rằng: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”. Ngài còn cho thực hiện nhiều chính sách pháp luật tốt được kế thừa từ nhà Lý. Nhờ có sự kế thừa như vậy nên nhà nước Đại Việt đã phồn thịnh đỉnh cao ở tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa ở triều Trần.
Vua vốn là một cao thủ của môn phái võ Đông A (môn phái võ của họ Trần, nay đã thất truyền), nên ngài ưa cầm quân đánh trận, lập được nhiều chiến tích. Năm 1240, vua đích thân cầm quân đi đánh dẹp các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình đánh vượt vào cả châu Khâm, châu Liêm của nước Tống để làm yên cương thổ phía Bắc. Năm 1252 vua lại cầm quân đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, bắt hoàng hậu và cung nhân mang về, khiến cho Chiêm Thành phải thần phục. Dĩ nhiên võ công hiển hách nhất của ngài là vào năm 1257 đã chỉ huy quân dân cả nước đánh tan giặc Mông Thát (cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất) xâm lược nước ta với trận thắng Đông Bộ Đầu lịch sử (bến Đông Bộ Đầu nắm ở khu vực xung quanh chùa Hòe Nhai, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.)
Trong phép trị nước, ngoài việc thực hiện các điển lệ thi cử chọn người tài bổ dụng, soạn và thực hiện nghiêm hình luật. Đặc biệt năm 1253, vua cho đổi Quốc Tử Giám (được vua Lý Nhân Tông lập năm 1076) vốn là nơi dạy học cho thái tử, các vương tôn công tử con nhà quyền quý thành Quốc Học Viện, cho thu nhận cả con nhà thường dân có tài năng văn học vào học tập. Có lẽ danh xưng “Trường đại học đầu tiên của nước Việt”, nên được ghi nhận vào thời kỳ này là chính xác hơn cả. Điều đặc biệt nữa ở đức vua mở triều, ngài chính là người sai Lê Văn Hưu soạn bộ “Đại Việt Sử Ký”, bộ sử chính thống đầu tiên của nước Việt (đến năm 1272 dưới triều Trần Thánh Tông mới xong). Từ bộ sử này, sau đó Phan Phu Tiên mới chép tiếp“Đại Việt Sử Ký tục biên”, rồi sau đó Ngô Sĩ Liên mới soạn nên bộ “Đại Việt Sử Ký toàn thư” mà chúng ta đang đọc.Ngài còn cho vét sông đào kênh, xây dựng nhiều đình trạm khiến cho dân chúng được hưởng lợi, kinh tế phát triển.Còn việc bổ nhiệm quan chức thời kỳ này cũng hết sức chặt chẽ. Như sử chép: “Người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân. Chức tể tướng thì chọn người hiền năng trong tôn thất, có đạo đức, tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm.”.Như vậy hệ thống quan chức dưới triều vua Trần Thái Tông rất gọn nhẹ và tinh giản.Và dân chúng Đại Việt, những người đóng thuế nuôi quan được lợi việc này.Ít quan thì nhẹ tô thuế đi.Có lẽ việc “dưỡng sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” của nhà Trần được bắt đầu và xuyên suốt từ đây.
Đức vua Trần Thái Tông còn có con mắt nhìn xa trông rộng trong việc bỏ qua lỗi lầm, phép tắc thông thường để gả con gái mình là công chúa Thiên Thành cho Trần Quốc Tuấn. Khiến cho sau này nước nhà có một vị võ tướng tài năng tuyệt đỉnh, tận trung báo quốc đã góp công to trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Và lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan hai cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba.
Đức vua Trần Thái Tông là một người học cao biết rộng. Ngài nghiên cứu sâu tam giáo và đặc biệt yêu thích văn thơ. Đọc những bài thơ của ngài còn sót lại đến ngày nay ta có thể thấy được tầm tư tưởng của ngài. Ví như bài “Vô đề” dưới đây, răn dạy về tệ nạn say sưa rượu chè:
“Nhất úng tao khang khúc nhưỡng thành
Kỷ đa trí giả một thông minh
Phi duy độc phá trung lưu giới
Bại quốc vong gia tự thử sinh.”
Dịch thơ:
“Một vò cám tấm ủ lên men
Tài giỏi thông minh cũng hóa hèn
Giới hạnh sư mô tàn phá hết
Nước mất nhà tan cũng tự rày.”
Là một người hiểu sâu sắc lẽ nhân sinh nên Trần Thái Tông bản chất là một người không ưa thích quyền bính.Năm 1237 ngài đã bỏ ngôi vua về núi Yên Tử ở ẩn nhưng không thành.Bởi chân mệnh đế vương hầu như là thiên định không thể cởi bỏ.Tuy nhiên khi nắm quyền, ngài đã có những xử thế vượt qua khỏi mọi lễ nghi nhận thức của xã hội khi đó, mà đến nay khi chúng ta những kẻ hậu sinh xem lại thấy nó thật sự tràn đầy tình người. Trong nội bộ hoàng tộc, tiêu biểu nhất là việc ngài xử thế với ông anh An sinh vương Trần Liễu của mình. Chuyện hạ tước của Trần Liễu từ “Hiển hoàng” xuống “Hoài vương” vì vụ hiếp dâm cung nữ triều cũ. Và nhất là vụ vua lấy thân mình che chở cho ông anh trong vụ nổi loạn sông Cái trước đằng đằng sát khí của đức ông Trần Thủ Độ, càng tỏ rõ cái chữ “nhân” trong vua lớn như thế nào. Không chỉ trong hoàng tộc, với quân dân bên ngoài ngài cũng xử trí mọi việc dựa trên sự nhân nghĩa cao cả. Vụ vua xử tha cho tên Cự Đà láo toét phản phúc vì không được ăn muỗm nên giận lẫy không giúp quan quân là một. Và vụ gả chồng cho vợ cũ là công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng sau thời gian dài không đẻ được con, đã bị Trần Thủ Độ truất ngôi hoàng hậu, xuống làm công chúa!) là hai. Các sử gia xưa thường phê phán nhà Trần ở điểm này.Thế nhưng trong cái nhìn của người hiện đại lại thấy thật sự đây là một ông vua nhân hậu- người đàn ông tuyệt vời. Dù bất đắc dĩ phải nghe lời ông chú quyền thế phế hoàng hậu vào năm Chiêu Thánh chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng chắc trong lòng vua cũng không được lúc nào yên. Nên cho đến khi có cơ hội, năm 1258 vua đã đem vợ cũ Chiêu Thánh tác thành với tướng quân Lê Phụ Trần, người đã lăn xả cứu mạng vua trong trận chiến với Mông Thát vừa xong. Thực tế lịch sử cho thấy Đức vua Trần Thái Tông đã đúng. Nàng Chiêu Thánh đã có một cuộc hôn nhân về sau hạnh phúc với vị tướng quân tài ba.Và cặp đôi này còn sinh ra cho nước Việt một danh tướng lừng lẫy trung nghĩa là Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng, người đã dẫn quân cảm tử cản giặc ở bãi Thiên Mạc cho quân ta rút lui. Người đã quát vào mặt giặc khi bị bắt: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Sau này Thượng tướng quân Trần Khát Chân, người giết vua Chiêm Chế Bồng Nga cũng là dòng dõi của cặp đôi hạnh phúc này.
Quả thực dưới sự trị vì của đức vua khởi nghiệp Trần Cảnh- Trần Thái Tông nước nhà Đại Việt khi đó đã lập tức bước ra khỏi loạn lạc thời hậu Lý và tiến ngay vào một thời thịnh trị. Như sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư” về thời kỳ này: “Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui!”. Đánh đuổi xong bọn giặc Mông Thát ra khỏi đất nước, năm 1258 đức vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con cả Trần Hoảng (Trần Thánh Tông), lui về làm Thái Thượng Hoàng.
Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông mất ngày 01/4/1277. Ngài được an táng tại Chiêu Lăng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình). Đến năm 1288, trong cuộc xâm lăng Đại Việt lần thứ ba, tên tướng giặc Ô Mã Nhi đã cay cú quật mả ngài lên để trả thù việc không bắt được Trần Thánh Tông (con ngài) và Trần Nhân Tông (cháu ngài)! Tên này sau đó đã phải trả giá xứng đáng: trong trận chiến Bạch Đằng giang, bị quân dân Đại Việt bắt sống, đem về tế trước Chiêu Lăng. Rồi sau đó Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sai người dìm chết trên biển Đông để trừ hậu họa. Sau này vào tháng 6 năm 1381, Trần Nghệ Tông đã đưa linh vị của ngài cùng linh vị của Thái Tổ Trần Thừa, vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông về đền An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh thờ cúng.