Đức vua Trần Thánh Tông có tên húy là Trần Hoảng. Ngài sinh ngày 25 tháng 9 năm 1240. Được vua cha truyền ngôi cho năm 1258, khi đó ngài đã 19 tuổi, cầm quyền luôn không cần phụ chính. Bởi Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông sau khi nhường ngôi cho con, đã lui về hành cung phủ Thiên Trường ở, chỉ khi nào nước nhà có việc lớn nhà vua mới về Thiên Trường hỏi ý kiến mà thôi.
Về mặt danh nghĩa Trần Hoảng là con trai thứ hai của Thái Thượng Hoàng, bởi trước đó Hoàng thái hậu Thuận Thiên đã sinh một trai là Trần Quốc Khang. Nhưng vì trước khi nhập cung, bà Thuận Thiên đã có mang ba tháng, vốn là vợ của Trần Liễu, anh trai của Thái Thượng Hoàng Trần Cảnh. Vụ này cũng gây ra một khủng hoảng lớn trong hoàng tộc nhà Trần vì Trần Liễu mất vợ, nổi loạn trên sông Cái. Thế nhưng sau đó nhờ công của bà Linh từ Quốc mẫu Trần Nhị Nương (tên húy là Trần Thị Ngừ), mà anh em Trần Liễu- Trần Cảnh lại hòa giải với nhau. Bà Trần Nhị Nương này trước đã lấy vua nhà Lý là Huệ Tông đẻ ra hai con gái: Thuận Thiên và Chiêu Thánh. Thuận Thiên lấy Trần Liễu.Chiêu Thánh lên làm vua là Lý Chiêu Hoàng và kết hôn cùng Trần Cảnh. Sau đó bà trao ngôi báu cho chồng, mở ra triều Trần như chúng ta đã biết ở trên. Nhưng do bà mãi không sinh được con trai nên đức ông Trần Thủ Độ mới mưu việc phế truất bà để đưa bà chị Thuận Thiên đang có mang con trai ba tháng về thay thế. Bởi Trần Thủ Độ rất lo nếu bà Chiêu Thánh và Trần Cảnh không có con trai sẽ bị mất lý do chính thống “kế thừa họ ngoại” của Trần Cảnh, dễ dẫn đến loạn nước. Nhưng sau khi đẻ Trần Quốc Khang, bà Thuận Thiên lại sinh được Trần Hoảng nữa. Nên Hoảng mới được coi là “thái tử đích thực”!
Một điều may mắn cho Trần triều là tuy Trần Quốc Khang tiếng là con trưởng trên danh nghĩa của Thái Thượng Hoàng Trần Cảnh, nhưng ông này cũng bằng lòng, an phận và không có bất cứ sự so kè ghen tỵ với em mình là Trần Hoảng- Trần Thánh Tông. Ta hãy xem Đại Việt Sử Ký toàn thư chép về chuyện này:
“Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại VươngTrần Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng.Thượng hoàng bấy giờ mặc áo vải bông trắng, Tĩnh Quốc múa điệu của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang.Vua cũng múa điệu của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói:
“Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định cướp lấy chăng?”
Thượng hoàng cả cười nói: “Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau”.
Khen ngợi hồi lâu rồi Thượng hoàng cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy. Trong chỗ cha con, anh em họ hòa thuận vui vẻ như vậy đấy.”
Được kế vị ngôi vua trong khung cảnh đất nước hòa bình, anh em đoàn kết đồng lòng như vậy nên Trần Thánh Tông lập tức bắt tay vào xây dựng, củng cố tiềm lực Đại Việt trước những nguy cơ ngày càng lớn bên láng giềng phương Bắc: nhà Nam Tống sắp mất, lũ giặc man rợ Mông Thát sắp làm chủ Trung Nguyên.
Mùa xuân năm 1261, vua cho chọn trai trẻ khỏe mạnh các lộ vào làm lính của triều đình và các quân phục dịch ở các địa phương.Ngài còn cho tổ chức thi tuyển lại viên bằng chữ viết và làm tính để vào làm việc tại các cơ quan thuộc triều đình.Lại cho ty thái y khảo thí những người tinh thông nghề nghiệp để tuyển dụng bổ chức làm việc chữa bệnh cho dân.
Đến mùa đông năm 1266, tháng 10, Đức vua xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, thành lập điền trang. Đây là một chính sách khá hay của thời kỳ đó, an dân và tăng sản xuất của cải cho xã hội. Các vương hầu có thực ấp điền trang riêng bắt đầu từ thời kỳ này. Nhờ có nô tỳ, điền trang giàu có sau này trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, các vương hầu đã có nhiều đóng góp sức người và của cải vào thắng lợi chung. Hai nô tỳ nổi tiếng nhất thời Trần là của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: Yết Kiêu và Dã Tượng. Dù thân phận lúc đó chỉ là nô tỳ hầu cận chủ tướng, nhưng những chiến công hai ông lập được đã khiến cho tên tuổi lưu danh mãi mãi sử sách. Ngày nay trên rất nhiều thành phố lớn cả nước có nhiều đường phố mang tên hai ông.Tại thủ đô Hà Nội cũng có hai đường Dã Tượng và Yết Kiêu ở trung tâm thành phố, tiếp nối với con phố lớn mang tên chủ của mình.
Dù là một người rất hâm mộ đạo Phật, như Ngô Sĩ Liên đã viết trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư”: “Ưu du cõi tam muội, tìm dấu đạo nhất thừa.”, rất thông hiểu giáo lý nhà Phật. Nhưng Trần Thánh Tông cũng rất quan tâm đến Nho giáo, bởi ngài hiểu rằng Nho giáo có thể góp phần xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh. Năm 1267 bắt đầu chọn tuyển các nho sĩ giỏi chữ nghĩa văn học tham gia điều hành việc nước, cho giữ quyền bính.Lại thường xuyên cho mở các khoa thi trong cả nước. Tổ chức thi đình tuyển chọn Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên; chọn Thám hoa, Bảng nhãn và nhiều Thái học sinh (Tiến sĩ) dần bổ dụng làm quan chức, nhờ đó công việc triều chính ngày càng quy củ, ổn định, tốt đẹp.
Lúc này bên Trung Nguyên nhà Nguyên đang đà hùng mạnh, họ sắp nuốt chửng nốt Nam Tống. Đức vua Trần Thánh Tông và các vương hầu thân tín luận bàn, thế nào sau khi thống nhất Trung Nguyên họ cũng nhòm ngó nước ta. Vì vậy cùng với thực hiện chính sách bang giao: cứng rắn và mềm dẻo song hành. Năm 1272 nhà Nguyên sai sứ sang hỏi về cột đồng Mã Viện, vốn được coi là mốc giới giữa ta và họ. Nhưng vua cho Lê Kính Phu tiếp và nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa. Và đồng thời cũng cử nhiều sứ đoàn sang giao hảo, thăm dò tình hình.
Triều đình cũng cho tuần phòng biên giới chặt chẽ, luyện tập quân sĩ thường xuyên và đóng tàu thuyền, chế tạo nhiều binh khí sẵn sàng khi có biến.Thậm chí cử người qua biên giới để nắm chắc động tĩnh phía bên họ. Còn đằng phía nam, ngài thân chinh dẫn quân đi đánh dẹp phản loạn ở động Nẫm Bà La, bắt sống cả bọn hơn 1000 người giải về kinh đô.
Bên cạnh đó nhà vua cũng không quên những việc để xây dựng cơ đồ thịnh trị truyền nối lâu dài: xuống chiếu khen ngợi Lê Văn Hưu năm 1272 đã soạn xong bộ “Đại Việt Sử Ký” chép từ thời Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) đến Lý Chiêu Hoàng.Nước Việt có bộ sử chính thống bắt đầu từ đây.Vua lại chọn người nho học có đức hạnh vào Đông cung“hầu văn sách” Thái tử kế nghiệp. Đặc biệt, sai tướng quốc văn võ toàn tài Lê Phụ Trần đích thân dạy dỗ. Bản thân còn tự làm thơ và viết hai quyển “Di hậu lục” để dạy con. Có lẽ nhờ được vua cha quan tâm dạy dỗ chu đáo như vậy nên sau này Thái tử Trần Khâm mới trở thành một ông vua vĩ đại bậc nhất trong lịch sử nước Việt.
Dù được sinh ra trong nhung lụa của cấm thành, nhưng đức vua Trần Thánh Tông hiểu sâu sắc thế thái nhân tình của xã hội Đại Việt lúc đó, nên ngài đã đưa ra những quyết sách đúng đắn để xây dựng nên một nhà nước Đại Việt đủ sức đứng vững trước sự đe dọa của phương Bắc. Cố kết lòng người thành một khối, đó là thành công lớn của Trần Thánh Tông. Ngài đã từng nói: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc.”
Năm 1268, ngài còn xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau.
Đức vua Trần Thánh Tông ở ngôi 21 năm, làm Thái thượng hoàng 13 năm, tham dự vào cả hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Là một đấng minh quân. Nhưng như truyền thống văn võ song toàn của hoàng gia nhà Trần, ngài còn là một nhà thơ. Ta hãy đọc bài thơ ngài làm năm 1289, khi về đến hành cung Thiên Trường sau hai lần đánh tan giặc dữ. Nguyên văn Hán Việt:
“Cảnh thanh u vật diệc thanh u
Thập nhất tiên châu, thử nhất châu.
Bách bộ sênh ca, cầm bách thiệt
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du.”
Dịch thơ:
“Cảnh thanh u vật cũng thanh u
Mười một tiên châu, đây một châu.
Trăm giọng chim ca trăm giọng sáo,
Ngàn hàng cây quýt, ngàn tên nô.
Trăng vô sự soi người vô sự,
Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu.
Bốn biển đã quang, trần đã lặng,
Chuyến đi này thắng chuyến đi xưa.”
Đức vua Trần Hoảng- Trần Thánh Tông băng ngày 25 tháng 5 năm 1290, thọ 51 tuổi. An táng ở Dụ Lăng nay thuộc xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình. Sau này Trần Nghệ Tông cũng đã đưa linh vị ngài về thờ tại An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Về vua, sử gia Ngô Sĩ Liên đã đánh giá: “Vua trung hiếu nhân thứ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau, cơ nghiệp nhà Trần được bền vững vậy!”