Trần Khâm, tức Trần Nhân Tông lên ngôi hoàng đế ngày 22 tháng 10 năm 1278.Vua sinh năm 1258, lúc lên ngôi đã 21 tuổi, đủ sức cầm quyền luôn. Về vị vua thứ 3 của nhà Trần, “Đại Việt Sử Ký toàn thư” đã viết: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.”
Vua được kế nghiệp ông, cha là những bậc minh quân đã xây lên rường cột nền móng cho nước nhà, ngài lại được dạy dỗ chu đáo từ nhỏ nên khi cầm quyền đã có các quyết sách sáng suốt nghiêm minh trong việc trị nước. Năm 1280 vua lệnh cho Kiểm pháp quan xử lại vụ Đỗ Thiên Thư là em quan lớn trong triều Đỗ Khắc Chung đã được Hình quan xử thắng dân, xử lại cho dân thắng là một ví dụ tiêu biểu. Đặc biệt tại lễ định công ban thưởng sau hai lần đánh thắng quân Nguyên, ngài nói khi có người chưa bằng lòng: “Nếu các khanh biết chắc giặc Hồ không sang nữa thì nói rõ cho trẫm biết, dù có thăng đến cực phẩm trẫm cũng không tiếc. Nếu không thế mà đã vội thưởng hậu, vạn nhất giặc Hồ trở lại, và các khanh lại lập công nữa thì trẫm lấy gì mà thưởng để khuyến khích thiên hạ”.Trong phép trị nước từ xưa đến nay, hình phạt nghiêm minh và trọng thưởng đúng mức luôn là cơ bản vậy.Có vậy, nước sẽ yên.
Thời vua Trần Nhân Tông có thể tóm tắt trong mấy từ ngắn gọn “vẻ vang thịnh trị”. Được vậy là do có vua sáng tôi hiền. Trần Nhân Tông ngồi trên ngôi báu nhưng đã có biệt nhãn nhìn thấu nhân gian, lòng người để tuyển dụng nhân tài về quanh mình làm việc nước. Các tài năng quân sự chói lọi của Đại Việt đã phát sáng rực rỡ dưới thời đại này: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Bình Trọng. Ngài cũng vượt qua những thói thường để bổ nhiệm Trần Khánh Dư, khuyến khích Trần Quốc Toản, để sau này hai vị tướng ấy đều ghi công lớn. Mưu kế dùng người của ngài ở tầm đỉnh cao trí tuệ Đại Việt: trước họa xâm lăng ngài đã cho tổ chức Hội nghị Bình Than để cùng các vương hầu, tướng soái bàn mưu kế đánh giặc. Cho tổ chức Hội nghị Diên Hồng để cố kết khích lệ dân cả nước một lòng chống giặc dữ. Trong lúc nguy nan, dám hy sinh tình thân: đưa Công chúa An Tư cống cho Thoát Hoan làm vợ, thực thi “Mỹ nhân kế”, kéo dài thời gian để quân ta củng cố lực lượng phản công lại kẻ thù. Bởi thế, trong nguy nan ngài vẫn ung dung ngâm ngợi:
“Cối Kê hữu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.”
(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ/ Thanh Nghệ vẫn còn mười vạn binh.)
Thực thi các phép trị nước hợp lòng dân, vận dụng các mưu kế đỉnh cao thu phục được nhân tài của đất nước nên trong thời gian Đức vua Trần Nhân Tông trị vì Đại Việt, nhà Nguyên bên Trung Quốc cũng đang ở sức mạnh đỉnh cao. Một đế quốc khổng lồ lớn nhất thế giới khi ấy, lãnh thổ trải dài từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây với một sức mạnh quân sự khủng khiếp và sự tàn bạo không sách bút nào tả được. “Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu cỏ nơi đó không mọc nổi”! Thế nhưng dưới triều vua Nhân Tông, bọn chúng đã hai lần xua quân xâm chiếm nước ta: 1284- 1285 và 1286-1288, đều thất bại thảm hại! Mà tiêu biểu nhất là trận chiến cuối cùng trên sông Bạch Đằng, tướng giặc kẻ bị chém đầu, kẻ bị bắt sống lôi đến quỳ gối tạ tội trước Chiêu Lăng. Huyền thoại về sức mạnh quân sự của Nguyên- Mông đã bị quân dân Đại Việt chôn vùi vĩnh viễn với ba lần đánh cho tan tành.
Trần Nhân Tông là một vị vua nổi tiếng nhân từ độ lượng. Có lẽ do ngài có căn tính Phật. Năm xưa khi mới 17 tuổi ngài đã định lên núi Yên Tử tu nhưng không thành. Nên khi phải cầm quyền, ngài luôn có những quyết định sáng suốt vị tha. Xử tội dân hai hương Bà Điểm, Bàng Hà hàng giặc cũng chỉ là không cho làm quan, chỉ làm nô tỳ để sai khiến. Với các vương hầu hèn nhát như Trần Ích Tắc cũng chỉ gọi là “Ả Trần”, hay bắt đổi sang họ Mai như Trần Kiện, với ý khinh thường. Đặc biệt, ngài còn cho đốt cả một hòm biểu xin hàng giặc Nguyên của vương hầu quan lại, bởi ngài biết lúc đó thế giặc quá lớn, lòng người dao động là lẽ thường tình, nên đốt đi cho những người đó yên lòng phụng sự đất nước. Tuy nhiên với những kẻ đã chạy sang hàng ngũ kẻ thù, lại có hành động chống lại nước, hại dân đều bị trùng trị thích đáng: kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu gian sản, tước bỏ quốc tính.
Đức ông Trần Khâm- Trần Nhân Tông sinh ra trong cung cấm nhưng được các thầy dạy tài năng rèn cặp, nên ngài thực sự là một ông vua văn- võ song toàn. Võ công đánh bại quân Nguyên hai lần đã chói lọi, nhưng sự nghiệp văn thơ ngài để lại cho hậu thế cũng rực rỡ không kém. Để tìm hiểu về sự nghiệp văn học của ngài cần phải có nhiều thời gian, ai có điều kiện nên tìm đọc và suy ngẫm về lẽ nhân sinh trong đó. Ở đây ta chỉ điểm ở đây một bài thơ tiêu biểu của ngài:
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
“Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”
Dịch thơ:
• Ở ĐỜI VUI ĐẠO
“Ở đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói hãy ăn buồn ngủ, ngủ liền
Trong nhà có báu đừng tìm kiếm
Trước cảnh vô tâm chớ nói thiền.”
Đức vua Trần Nhân Tông ở trên ngôi báu 14 năm, lui về làm Thái Thượng Hoàng 5 năm sau đó ngài xuất gia, lên núi Yên Tử tu với hiệu là “Trúc Lâm đại sĩ” và lập ra “Thiền phái Trúc Lâm”. Ngài mất ngày 01 tháng 11 năm 1308, thọ 51 tuổi, tại nơi tu hành là am Ngọa Vân trên núi Yên Tử. Xác được thiêu thành 3 ngàn hạt xá lỵ được lưu giữ ở nhiều nơi: bảo tháp trên am Ngoạ Vân, Yên Tử. Tại Đức Lăng, Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình. Tại An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh và một số chùa tháp trong kinh thành Thăng Long như chùa Tư Phúc xưa, nay đã mất dấu.
Về “Thiền phái Trúc Lâm” do đức ông Trần Nhân Tông lập ra nay còn lưu giữ được rất nhiều mộc bản kinh kệ tại chùa Vĩnh Nghiêm (làng Đức La, xã Trí Yên,Yên Dũng, Bắc Giang). Mộc bản này đã được UNESCO công nhận là “di sản tư liệu thế giới”. Ngày nay xung quanh núi Yên Tử (phía đông bên Quảng Ninh và phía tây bên Bắc Giang), còn rất nhiều di tích chùa chiền liên quan đến sự tu tập của Trần Nhân Tông và “Thiền phái Trúc Lâm”. Đặc biệt những kẻ hậu sinh có thể đi theo con đường “hoằng dương đạo pháp” cả từ hướng tây và hướng đông lên đến đỉnh non thiêng Yên Tử, vào chùa Đồng thỉnh chuông kính cẩn tưởng nhớ ngài, Đức ông Trần Nhân Tông đã được người đời tôn xưng là PHẬT HOÀNG!
Có thể nói, Trần Khâm- Trần Nhân Tông là một ông vua vĩ đại nhất trong số các ông vua đã từng trị vì trên mảnh đất Việt Nam. Võ công oanh liệt.Văn học rực rỡ. Đạo pháp sáng ngời. Và trên tất cả là lòng nhân từ yêu nước thương dân của vị Phật hoàng, một trong Tam tổ Trúc Lâm thiền phái. Một thiền phái thuần Việt, đặc sắc mà nếu chúng ta đi sâu tìm hiểu sẽ còn thấy nhiều điều hay hơn nữa.