Trần Vượng- Trần Hiến Tông lên ngôi năm 11 tuổi (sinh 1319, lên ngôi năm 1329). Ở tuổi đó thì chắc chắn là công việc triều chính không thể nào nắm được. Nhưng khi ấy, cha Thái thượng hoàng Trần Minh Tông mới chỉ 30 tuổi, đương nhiên ngài sẽ nắm hết chính sự.
Không ai biết Trần Minh Tông có suy tính gì khi trao ngôi vua cho đứa con thơ bấy của mình như vậy. Thông lệ các triều vua trước từ Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông cho đến Anh Tông cũng chỉ trao ngôi vua cho con khi họ đã trưởng thành, đủ khả năng điều hành chính sự. Vua cha lui lại làm Thái thượng hoàng chỉ can thiệp vào những việc lớn, hoặc răn đe nếu thấy ông vua con quá đà. Rồi nghỉ hẳn, thậm chí đi tu như đức ông Trần Nhân Tông. Vua Trần Hiến Tông mới 11 tuổi không thể nào cai quản triều đình lúc đó còn cả các đại công thần như Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu... Nên ngay trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, kỷ nhà Trần, phần về vua Trần Hiến Tông cũng hầu như chỉ chép công việc của Thái thượng hoàng. Ta có thể nói rằng, triều vua thứ 6 của nhà Trần: Trần Vượng- Trần Hiến Tông là cái bóng kéo dài của triều vua Trần Minh Tông mà thôi! Trần Hiến Tông thực sự không có dấu ấn nào dù là mờ nhạt trong sử sách. Có lẽ do thể chất của vua quá yếu, không được như các bậc tiền tổ nhà Trần, xuất thân trên sông nước nên mạnh mẽ và hào sảng. Hậu duệ của Trần Hiến Tông chỉ là một cô công chúa, không thấy sử sách nói gì đến.
Nhưng Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thì khác! Ngoài hai con trai đã có khi đang làm vua (Trần Vượng, Trần Phủ), đến khi nhường ngôi cho con, năm 1336 Thái thượng hoàng còn sinh Trần Hạo. Và năm 1337 ngài lại sinh Trần Kính.
Các sử gia sau này đều thống nhất cho rằng, sự suy vi của nhà Trần bắt đầu từ thời Trần Minh Tông nắm quyền! Thật đáng tiếc, một ông vua có chữ “Minh”, nghĩa là “Sáng” trong tên lại không được sáng suốt trong việc điều hành chính sự, tạo nên những mầm mống đầu tiên cho một quá trình suy sụp triều đại không cưỡng nổi.
Trong thời vua Hiến Tông, một loạt các đại công thần của nhà Trần từ giã cõi đời. Năm 1330, Tá thánh Thái sư Trần Nhật Duật mất, thọ 77 tuổi. Đây là một đại công thần văn võ toàn tài tham gia chính sự suốt mấy triều vua, lại có công nuôi nấng Minh Tông lúc thơ trẻ nên được đặc biệt sủng ái. Công đức, tài năngcủa Trần Nhật Duật được Đại Việt Sử Ký toàn thư chép khá nhiều. Ông lại là người quảng giao, hòa nhã độ lượng. Đặc biệt giỏi rất nhiều môn: thông thạo nhiều tiếng nước ngoài, sáng tác thơ văn, nhạc, múa...Đức ông Trần Nhật Duật thực sự là một bậc kỳ tài của nước Đại Việt thời đó.
Trái lại với Trần Nhật Duật, Trần Khắc Chung (tức Đỗ Khắc Chung) lại bị sử gia Ngô Sĩ Liên dành cho những phán xét khá nghiêm khắc. Khắc Chung chết cùng năm 1330, dù khi chết được tặng chức Thiếu sư, có nhiều công lao trong việc triều chính. Chiến tích đi sứ sang trại giặc hồi chống Nguyên đã khiến ông được ban quốc tính (đổi từ họ Đỗ sang họ Trần). Nhưng việc vào hùa với gian thần để hãm hại tôn thất Trần Quốc Chẩn. Việc đi đón công chúa Huyền Trân cả năm mới về bị triều đình hặc tội “tư thông”. Việc ham mê bài bạc, tề gia kém... Đã khiến Trần Khắc Chung lưu lại nhiều tiếng xấu hơn là tiếng tốt. Nên dù người đời khen là giỏi, nhưng khi chết chôn ở núi Giáp Sơn, bị gia nô của đối thủ đến bật mả băm xác ra. Đến năm 1341, khi Nhân huệ vương Trần Khánh Dư chết nữa là hầu như các đại công thần có công lớn trong chống quân Nguyên đều đã khuất bóng.
Năm 1335, Thái thượng hoàng thân cầm quân đi đánh Ai Lao, Đoàn Nhữ Hài là trọng thần của triều đình lại kiêm chức Kinh lược sứ Nghệ An làm đốc tướng, dẫn quân đi đánh bị sa vào phục kích, thua trận chết đuối.
Như vậy dưới thời cầm quyền của Thái thượng hoàng và vua Trần Hiến Tông, bốn đại công thần: Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư, Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài đều chết. Phải chăng cái chết của họ như một điềm báo cho một thời vẻ vang sắp hết?
Nhưng dưới thời điều hành chính sự của Thái thượng hoàng, ngài cũng trọng dụng được hai văn thần nổi tiếng là Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn. Hai ông này đã làm được khá nhiều việc có ích cho nước. Đặc biệt năm 1341 hai ông theo lệnh Thái thượng hoàng đã soạn bộ “Hoàng triều đại điển” và bộ “Hình thư” để ban hành trong cả nước.
Ngày 11 tháng 6 năm 1341, vua Trần Hiến Tông chết khi mới 23 tuổi. Di hài táng ở lăng Xương An thuộc Kiến Xương, Thái Bình sau di về chỗ gọi là Ngải Sơn lăng, tại thôn Trại Lốc, An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh. Về vị vua này, ĐVSKTT đánh giá: “Chưa thấy làm được gì, đáng tiếc thay!”.