Ngày 18 tháng 10 năm 1314 Trần Mạnh- Trần Minh Tông chính thức lên ngôi, kế vị cha. “Sứ nhà Nguyên sang, làm lễ đọc quốc thư xong, hôm sau ban yến. Vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen vua là ‘thanh thoát như thần tiên’.Đến khi về nước, sứ giả thường nói đến vẻ người thanh tú của vua. Sau này sứ ta sang Nguyên, có người hỏi rằng: ‘Tôi nghe nói thế tử vẻ người thanh tú nhẹ nhõm như thần tiên có đúng không?’. Sứ ta trả lời: ‘Đúng như thế, song cũng tiêu biểu cho phong thái cả nước”. Đất nước hòa bình, giàu mạnh, cường thịnh nên con người từ vua cho đến thứ dân nhàn tản ung dung tự tại đã tạo ra cho vua phong cách dáng vẻ thần tiên vậy!
Trần Minh Tông sinh năm 1300, lên ngôi khi mới 15 tuổi nhưng trong cảnh thái bình thịnh trị và Thái thượng hoàng Trần Anh Tông anh minh sáng suốt nên việc trị nước cũng dễ dàng.
Một trong những điều căn bản làm nên một thủa thái bình thịnh trị của Đại Việt hầu như xuyên suốt hai triều đại Lý- Trần, mà đỉnh cao ở triều Trần là hai triều vua này dùng phép trị nước trên cơ sở vận dụng “tam giáo đồng nguyên”. Các tư tưởng của Nho, Phật, Lão hòa quyện làm xương sống cho đời sống tinh thần quân dân Đại Việt.Nho giáo giúp cho việc dùng hình pháp trị quốc, Phật giáo làm cho con người hướng thiện. Và Lão giáo khiến cho con người sống thuận với lẽ tự nhiên. Ba đạo lớn đó hòa vào nhau trong đời sống Đại Việt suốt mấy thế kỷ.Đến thời Trần Minh Tông trị vì, sau nhiều khoa thi cử đã xuất hiện nhiều vị quan trong triều thiên về muốn áp dụng thuyết của Khổng Nho cho việc trị nước. Họ gây khá nhiều sức ép lên vua, muốn thay đổi chế độ, học theo Trung Quốc, đều bị vua bác bỏ. Vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe theo kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì loạn ngay”. Vua dùng bọn Lê Quát, Phạm Sư Mạnh vào công việc điều hành, nhưng không nghe theo họ về đường lối trị nước, đó là một điều sáng suốt của Trần Minh Tông.
Vua Trần Minh Tông lên ngôi trong cảnh thái bình thịnh trị. Suốt thời kỳ ông trị vì hầu như không có các cuộc ra quân đánh dẹp nào đáng kể. Chỉ có năm 1318 là sai Trần Quốc Chẩn cùng Phạm Ngũ Lão đi đánh Chiêm Thành, thắng to. Đáng chú ý trong trận này Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Tộc tướng nhà Lý là Hiếu túc hầu Lý Tất Kiến chết tại trận.”. Đây là một ví dụ nữa minh chứng hùng hồn bác bỏ cái tin đồn trong dân gian bấy lâu là, Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý. Giết hết rồi mà tại sao vẫn còn Lý Tất Kiến hy sinh trên chiến trường? Ngô Sĩ Liên có lý của mình khi viết: “Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây”. Người họ Lý làm tướng từ thời Trần Anh Tông là vua, đến thời vua Trần Minh Tông thì hy sinh ngoài chiến trường chính là Lý Tất Kiến. Và Phan Phu Tiên là sử gia sống xuyên suốt hai triều Trần- Lê, người chép “Đại Việt Sử Ký tục biên”, làm cơ sở cho Ngô Sĩ Liên chép “Đại Việt Sử Ký toàn thư”, bộ cổ sử nước Việt duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay cho chúng ta đọc, hẳn biết rõ Trần Thủ Độ có giết tôn thất nhà Lý hay không. Vả lại, cũng tại triều vua Trần Anh Tông mà chúng ta vừa khảo bên trên, ngài đã xuống chiếu bắt kiêng húy tám chữ tên các vua Lý, đây là một hành động thể hiện sự kính trọng các bậc tiền triều của nhà Trần. Tổ hợp những điều đó để xem xét bằng con mắt khách quan, khoa học, với tư duy logic ta có thể kết luận: Trần Thủ Độ hoàn toàn không giết các vương hầu nhà Lý!
Vì hầu như không có các cuộc đánh dẹp lớn mà nhà vua phải đích thân cầm quân nên ngài rất tập trung cho việc nội trị, an dân, thiết lập kỷ cương rường mối xã hội. Tháng 5 năm 1315 vua xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau. Điều này thậm chí còn giá trị đến ngày nay, khi các điều khoản luật hiện đại cũng không ủng hộ hay bắt lỗi người thân phải tố cáo nhau. Bởi trên cả pháp luật, đây thuộc về tính người.
Tháng 10/1320 vua lại xuống chiếu phán rằng, những người tranh chấp ruộng đất, mà xét không phải của mình, bị phạt đền gấp đôi. Những kẻ làm văn khế giả, bị chặt một đốt ngón tay bên trái. Hình pháp nghiêm minh nên trong đời vua Trần Minh Tông xuất hiện khá nhiều vị minh quan như Nguyễn Bính, Phí Trực, Trần Bang Cẩn đã được sử khen ngợi, thậm chí được vua làm thơ tặng. Là một ông vua giữ nghiêm phép nước nên ngài không ngại trách phạt cả những đại thần có công từ nhiều đời vua trước như Trần Khắc Chung, Trương Hán Siêu khi bị lỗi. Các quan đại thần có tài được trọng dụng nhưng cũng bị quở phạt khi sai lầm như Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hài. Bởi vậy, đất nước Đại Việt dưới thời Trần Minh Tông đúng là cảnh thái bình thịnh trị. Ta hãy đọc lại một đoạn trong Đại Việt Sử Ký toàn thư chép về điều này:
“Minh Tông có bản tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, theo phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Vua nói:
“Không như thế, thì sao có thể thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?”
Chỉ cần đọc và ngẫm kỹ đoạn cổ văn trên, ta sẽ thấy đất nước ta dưới thời vua Trần Minh Tông trị vì nhân dân được yên bình và sống thoải mái đến như thế nào!
Cũng như các bậc vua ông cha, Trần Minh Tông coi ngôi vua là nghĩa vụ phải làm vì trăm họ chứ không phải là mục đích sống của mình. Ngài vốn không phải là con của hoàng thái hậu, nhưng vì hoàng thái hậu khi đó chưa có con. Ngài lên ngôi lâu thì hoàng thái hậu (mẹ đích) mới sinh con trai. Theo phép nhà Trần, chỉ con do hoàng hậu (mẹ đích) mới được truyền ngôi. Ngài bèn cho làm lễ theo tư cách thế tử và bảo : “Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta ở tạm ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả ngôi vua chứ có khó gì.” Khi quần thần lo lắng sợ không yên, ngài nói thêm: “Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu đáng lo?”
Nhưng Trần Minh Tông dẫu sao cũng chỉ là người phàm. Nên trong thời gian trị vì, ông đã mắc phải một sai lầm khủng khiếp: tin lời gian thần mà giết Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn (năm 1328). Dù sau đó vài năm, Quốc Chẩn được minh oan, nhưng hành động giết chú (ông này là con thứ của Trần Nhân Tông) mà lại còn là bố vợ của mình, Trần Minh Tông đã phạm vào một trong những “kị húy” của hoàng gia nhà Trần: “người trong hoàng tộc không được giết lẫn nhau”! Điều đó đã giáng một đòn chí mạng vào khối đoàn kết một lòng trong hoàng tộc và lan ra cả xã hội Đại Việt khi đó. Mà đoàn kết một lòng, chính là sức mạnh lớn nhất của quân dân nhà Trần. Mất đi sức mạnh đó, triều Trần sẽ dần bước vào con đường suy vi...
Ngày 19 tháng 2 năm 1357 Thái thượng hoàng Trần Minh Tông mất, thọ 58 tuổi. Trước khi mất ngài dặn Thái hậu là hãy ở lại trong cung, đừng đi tu. Và sai Thị thần Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo tập thơ ngự chế đốt đi. Đến nay chỉ còn lưu lại bài thơ ngài ứng tác khi thầy thuốc khám bệnh có tên “Mạch muộn phiền”:
“Chuẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,
Trâu công lương tể yếu điều hòa.
Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,
Chỉ khủng trùng chiều phiền muộn gia.”
Dịch thơ:
“Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền,
Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên.
Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,
Chỉ sợ càng tăng phiền muộn lên.”
Trần Mạnh- Trần Minh Tông thực là một ông vua thấu suốt lẽ sinh tử ở đời. Mục Lăng, nơi an táng ngài hiện ở An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh.