KHÁNG KHÁNG SINH: nhìn từ một góc. Kể từ khi tìm ra kháng sinh (1928), với việc quý ngài Alexander Fleming chiết suất được Penicillin, nền y học của nhân loại đã có một bước nhảy khổng lồ. Rất nhiều căn bệnh nan y, gây chết người trước kia đã được giải quyết. Tuổi thọ và chất lượng cuộc sống loài người đã tăng lên rõ rệt. Kháng sinh trở thành một loại thuốc thiết yếu, không thể thiếu của y khoa hiện nay...
Nhưng bên cạnh việc sử dụng kháng sinh đúng đắn cho điều trị, cũng ngay lập tức xuất hiện tình trạng lạm dụng kháng sinh quá mức, dùng sai, dùng không đúng...Điều này đã dẫn đến tình trạng KHÁNG KHÁNG SINH mà Tổ chức y tế thế giới những năm gần đây liên tục phải lên tiếng báo động. Tình trạng kháng lại kháng sinh sẽ dẫn đến một lúc nào đó, mọi loại kháng sinh hiện có không còn tác dụng với vi khuẩn, ngành công nghiệp dược phẩm không chế tạo kịp kháng sinh mới để điều trị. Và thế là thảm họa xảy ra, bệnh tật lại hoành hành trên khắp trái đất như thời trung cổ... Tại Việt Nam ta, tình trạng kháng lại kháng sinh thậm chí còn trầm trọng hơn thế giới. Sở dĩ vậy, người ta chỉ ra có 3 nguyên nhân chính:
1, Tình trạng bán kháng sinh không đơn rất phổ biến: cái này bạn có thể kiểm nghiệm ngay tại nhà thuốc.
2, Lạm dụng quá mức trong điều trị: có đến trên 50% trong tổng lượng thuốc điều trị là kháng sinh.
3, Sử dụng kháng sinh không phù hợp với căn bệnh: điều này dẫn đến việc vi khuẩn kháng lại kháng sinh rất nhanh. Thật tình cờ, trong dịp này tôi được một người bạn gửi cho những đơn thuốc của hai bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có kèm nhiễm khuẩn Hp (helicobacter pylori).
Hai đơn này đều do những thày thuốc có học hàm học vị cao ngất kê. Vậy tôi sẽ soi chiếu ở góc thứ 3, sử dụng kháng sinh không đúng trong điều trị xem sao. Đơn thứ nhất: ngoài hàng loạt những thuốc về thần kinh, xương khớp (Duckeys, Dasbrain, Bone-glu, NeurogesicM, Sedanxio) thì chỉ có 2 loại thuốc trị dạ dày Hp+ đó là: - Esomix 40mg (Esomeprazol) là thuốc giảm tiết dịch thuộc nhóm ức chế bơm proton. - Ornisid 500mg (Ornidazol) kháng sinh tổng hợp nhóm Imidazol có tác dụng trị amip, ký sinh trùng và vi khuẩn kỵ khí.
Đơn thuốc này đã phạm phải sai lầm cơ bản khi điều trị viêm loét dạ dày Hp+. Khi bệnh nhân có Hp+ trong ổ loét, không bao giờ dùng 1 loại kháng sinh riêng biệt có thể diệt được. Y học thế giới đã đề ra phác đồ diệt Hp từ lâu: luôn phối hợp từ 3 đến 4 loại kháng sinh mới trị nổi con vi khuẩn quái ác này! Nên vị bác sĩ Ck2 kia cho bệnh nhân dùng 1 loại kháng sinh thì không thể nào có tác dụng gì. Kết quả, bệnh nhân uống hết thuốc, mệt người mà bệnh còn nguyên, con Hp có khi nó được tập dượt, còn mạnh lên kia...
Đơn thứ hai, rất kinh điển (các bạn tham khảo dưới ảnh). Để trị loét dạ dày Hp+, thày thuốc này đã kê đơn đúng phác đồ hiện nay: gồm 4 loại kháng sinh phối hợp diệt Hp (Ospamox- Amoxyclin, Tetracyclin, Flagyl, Trymo), một loại thuốc giảm tiết dịch vị (Nexium mups), và một loại men vi sinh lợi khuẩn đường ruột sau khi sử dụng kháng sinh (Cerebio). Nhưng cái sai lầm trầm trọng của đơn này là: phác đồ điều trị mà vị thầy thuốc kia áp dụng cho bệnh nhân là phác đồ điều trị viêm loét dạ dày Hp+ thế hệ 1, đã được thế giới áp dụng từ những năm 90 thế kỷ trước. Nay họ đã bỏ, vì vi khuẩn Hp đã kháng lại từ lâu, không còn tác dụng.
Với Việt Nam, phác đồ này càng vô tác dụng 100% vì tình trạng kháng kháng sinh của chúng ta còn cao hơn thế giới! Ngày nay, để điều trị viêm loét dạ dày Hp+ người ta đã dùng đến phác đồ điều trị thế hệ 4, thế hệ 5 với các loại thuốc kháng sinh mới, mạnh... Có thế mới diệt được Hp! Vị thày thuốc kia hình như không cập nhật kiến thức mới, vẫn kê đơn cho bệnh nhân theo phác đồ cũ với các loại kháng sinh mà hầu như đã bị vi khuẩn kháng lại hết rồi, dĩ nhiên bệnh nhân không thể khỏi được...
Tôi đã từng nói đùa với nhiều bệnh nhân khi họ đưa đơn kiểu này ra mua: "bác có uống cả tấn thuốc này vào người thì con vi khuẩn Helicobacter pylori kia nó vẫn cười khành khạch trong dạ dày!" Dẫn hai đơn thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày Hp+ kia để làm ví dụ cho trường hợp dẫn đến kháng kháng sinh do sử dụng không đúng, không phù hợp trong điều trị. Vậy nên sự chỉ định đúng của thầy thuốc trong sử dụng kháng sinh là cực kỳ quan trọng. Chỉ định đúng, bệnh sẽ cực nhanh khỏi, với viêm loét dạ dày Hp+, chỉ một liệu trình kháng sinh 7 ngày là ổn. Để chỉ định cho đúng người thầy thuốc phụ thuộc rất nhiều yếu tố đặc biệt là thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng. Nhưng có một yếu tố cực kỳ quan trọng tự thân đó là, phải cập nhật kiến thức thường xuyên, bởi hơn các ngành nào khác, trong y khoa các kiến thức mới được bổ sung liên tục. Có những cái trước là âm, nay thay đổi thậm chí trở thành dương luôn kia... Nên nhân ngày KHÁNG KHÁNG SINH THẾ GIỚI có đôi dòng về chủ đề này cùng các bạn. Hy vọng mang lại điều gì đó có ích.