Đó là một câu thơ trong bài “Cảm hoài” của danh tướng Đặng Dung thời hậu Trần, bài thơ duy nhất của ngài để lại cho chúng ta đến ngày nay. Đặng Dung (1373- 1414) quê Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông sinh ra lớn lên khi đất nước Đại Việt lúc ấy đã rơi vào tay nhà Minh. Quốc thống bị dứt, đất nước bị chia thành quận huyện nội thuộc triều đình Yên Kinh, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than rên xiết dưới ách đô hộ tàn bạo của quân phong kiến phương Bắc: “nướng dân đen trên lửa hung tàn/ vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” (Đại Cáo Bình Ngô- Nguyễn Trãi). Xuất thân trong một gia đình thức giả, đau đớn trước vận nước và tình cảnh dân Việt, không còn con đường nào khác, ông theo cha mình là danh tướng Đặng Tất chiến đấu dưới cờ nhà hậu Trần, mưu khôi phục quốc thống Đại Việt, kéo dân ra khỏi họa diệt chủng.
Dân tộc ta vốn là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Lịch sử đã cho thấy dân ta luôn bị kẻ cừu thù hung ác ép phải cầm vũ khí chiến đấu chống lại chúng. Dù lịch sử dựng nước của chúng ta dằng dặc là những cuộc chiến tranh, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn Việt vẫn là những mong mỏi khát khao về cuộc sống thanh bình, không phải đụng gươm đao. Trong nhân gian từ lâu đời đã truyền thuyết rằng, để chấm dứt nạn binh đao triền miên gây ra không biết bao đau thương tang tóc, thì phải kéo được nước từ dải Ngân Hà trên trời cao xuống rửa giáp binh, cất đi, khi đó nạn binh đao sẽ chấm dứt và khắp thế gian chỉ còn hoan ca. Nhưng điều đó hầu như là vô vọng. Khi định mệnh đã an bài cho dân ta phải ở bên một kẻ luôn mang dã tâm xâm chiếm và đồng hóa. Để chống lại nguy cơ diệt vong đó, chỉ còn cách duy nhất là rút gươm ra, chiến đấu. Đặng Dung hiểu rất rõ điều đó. Ông mài gươm theo phò Trùng Quang Đế đánh bọn giặc hung tàn, mong cứu dân giúp nước.
Hồi bấy giờ cầm đầu bọn giặc Minh sang xâm chiếm nước ta là tên đồ tể khét tiếng: Tổng binh Trương Phụ. Quân của nhà Hậu Trần đã chiến đấu với y nhiều trận, có bại có thắng, nhưng Trương Phụ có vẻ nống thế hơn. Đặng Dung lập mưu quyết đánh một trận diệt Trương Phụ, giập đầu quân giặc. Ông bày trận phục kích tại Sái Già tháng 9/1413, nửa đêm đánh úp quân Trương Phụ trên sông Thái Gia. Thật tiếc, khi đó Đặng Dung đã cầm gươm nhảy lên thuyền Trương Phụ quát hỏi: “Trương Phụ là thằng nào?”. Phụ biết mình không địch nổi, bèn nhảy xuống thuyền con chạy trốn mất. Sau Phụ đã huy động tổng binh quay lại đánh cho quân Hậu Trần thua chạy. Nhiều người đọc lại chuyện này nói tiếc, giá mà Đặng Dung bắt giết được Trương Phụ khi ấy, cuộc kháng chiến chống quân Minh của Đại Việt đã kết thúc sớm. Nhưng lịch sử không có chỗ cho giá như…
Về trận này, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè khí giới của chúng, không phải người có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang, vì sao vậy? Bọn Dung vì nghĩa không thể sống với giặc, phải tiêu diệt bọn chúng mới nghe, cho nên mới hết lòng, hết sức giúp đỡ Trùng Quang để mưu khôi phục. Trong khoảng 5 năm kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau còn tưởng thấy được!”
Quân Hậu Trần thất bại, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng và Đặng Dung bị bắt, giải sang Yên Kinh. Trên đường đi, hai ông đều nhảy xuống biển tự tử để giữ khí tiết. Trước khi nhảy xuống biển, Đặng Dung đã làm bài thơ “Cảm hoài”, khắc lại ở ván thuyền sau này được nhiều người truyền tụng. Bài thơ nguyên âm Hán Việt như sau:
“Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo tiên đầu bạch
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.”
Nghĩa tiếng Việt: Việc đời trôi qua trước mắt mà ta đã già mất rồi. Đang lúc đất trời hỗn loạn như trong một cuộc say. Gặp thời thì những kẻ làm nghề thịt lợn, câu cá cũng có thể thành công lớn. Nhưng không gặp thời thì kẻ anh hùng lừng lẫy cũng thất bại mà thôi. Lòng phò chúa những mong gánh cả trái đất mà xoay chuyển. Nhưng cũng đành, bởi làm sao kéo được nước thiên hà xuống mà rửa gươm. Nên thù nước chưa trả được thì đầu đã bạc. Mấy độ mài gươm Long Tuyền ánh lên át cả bóng trăng…
Đây là một trong những bài thơ cổ thể “thất ngôn bát cú” hay nhất của nước Việt còn lưu truyền đến ngày nay. Từ xưa đã nhiều người đánh giá, nếu người viết bài thơ này không là chí sĩ, không có hùng tâm tráng khí không thể viết nổi. Ngày nay chúng ta đọc vẫn thấy rưng rưng trong lòng. Thế nhưng thật tiếc, cho đến giờ dù đã có nhiều người dịch ra tiếng Việt, nhưng hầu như đọc lên so với bản âm nguyên ngữ Hán Việt vẫn không tải hết được cái hùng khí của danh tướng Đặng Dung. Các bạn đọc thử bản dịch được nhiều người dùng, của học giả Phan Kế Bính:
“Việc đời bối rối tuổi già vay
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.”
Trong bài thơ nguyên âm Hán Việt có nói đến hai tích: người ta truyền rằng, để hết sạch nạn binh đao của một nước, xong chiến trận phải kéo được nước từ sông Ngân Hà trên trời cao xuống rửa giáp binh gươm giáo, cất vào kho thì từ đó trở đi nước ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ phải dụng binh nữa. Sẽ sống đời hòa bình thịnh trị muôn đời. Thật là một ước mơ đẹp đẽ của cả nhân loại chứ không một dân tộc nào. Thế nhưng trong lịch sử, từ tối cổ cho đến ngày nay hầu như chưa từng ngày nào dứt chiến tranh đổ máu. Chưa từng có một dòng nước thần kỳ nào trong truyền thuyết đổ xuống rửa giáp binh cho nhân loại. Nên chiến tranh vẫn đang diễn hàng ngày trên thế giới: Libya, Iraq, Afghanistan... Còn những kẻ cừu thù của hòa bình, cừu thù của đất nước ta vẫn lăm le nhòm ngó biển đảo, biên cương lãnh thổ. Chúng ta vẫn cứ phải sẵn sàng “giáp binh” thôi.
Tích thứ hai là câu chuyện truyền thuyết về thanh gươm cổ có tên “Long Tuyền” chém sắt như chém bùn. Truyền rằng ai được thanh gươm đó, chắc chắn thành công quả. Thanh gươm thần thoại mà khi mài nó sáng lên, ánh sáng ấy hắt lên trời đêm khiến trăng sao phải mờ hết.
Nên những người hiểu nghĩa Hán Việt, và biết tích mà Đặng Dung dùng trong thơ ngài khi đọc bản dịch sẽ thấy nông cạn làm sao. Họ thích đọc nguyên âm Hán Việt và ngẫm ngợi về cuộc đời bi tráng của một vị anh hùng dân tộc, sâu sắc và thú vị hơn. Thế mới biết dịch thơ là một việc cực kỳ gian nan, nhiều lúc hầu như không thể. Nên có người đã nói, dịch là phản bội!
Cuộc đời Đặng Dung dù cuối cùng thất bại, phải trầm mình xuống biển để bảo toàn khí tiết thế nhưng đã để lại cho hậu thế nước Việt một bài thơ hay tuyệt tác. Thế mới biết câu “Đừng đem thành bại luận anh hùng”, đúng đắn và cũng vô cùng đau đớn làm sao…
Để hơn bảy trăm năm sau, hậu thế đọc “Cảm hoài” rưng rưng nhớ đến người xưa, vị danh tướng, nhà thơ người anh hùng nước Việt, ngài Đặng Dung.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Đó là một câu thơ trong bài “Cảm hoài” của danh tướng Đặng Dung thời hậu Trần, bài thơ duy nhất của ngài để lại cho chúng ta đến ngày nay. Đặng Dung (1373- 1414) quê Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông sinh ra lớn lên khi đất nước Đại Việt lúc ấy đã rơi vào tay nhà Minh. Quốc thống bị dứt, đất nước bị chia thành quận huyện nội thuộc triều đình Yên Kinh, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than rên xiết dưới ách đô hộ tàn bạo của quân phong kiến phương Bắc: “nướng dân đen trên lửa hung tàn/ vùi con đỏ dưới hầm tai vạ” (Đại Cáo Bình Ngô- Nguyễn Trãi).
Người gửi / điện thoại
Lâu nay đọc báo nghe đài xem phim, thấy cứ nói suốt đến bản lĩnh đàn ông! Nào là đàn ông phải có bản lĩnh, dám làm dám chịu. Nói được làm được. Nhiều phim cổ trang còn dựng lên những tay anh hùng hảo hán, bản lĩnh đàn ông ngút trời. Chọc trời khuấy nước, coi cái chết tựa lông hồng.
Giải Nobel y học năm 2018 được trao cho hai giáo sư: Ngài James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản). Cho những phát kiến của họ về vai trò của hệ miễn dịch cơ thể trong việc điều trị căn bệnh ung thư.
Nào là đàn ông có bản lĩnh là phải có ước mơ, lý tưởng(!) Rồi từ đó phải thành đạt- cơ mà thành đạt nghĩa là thế nào thì không thấy nói rõ. Rồi phải bảo vệ được gia đình...
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...