Mùng mười tháng hai âm lịch.
Làng Ngọc, quê Hằng, vào đám, mở hội.
Tiết xuân phân, mưa giăng giăng bay, đào tàn lâu rồi, xoan mới nhu nhú vài giọt tím mờ, rặng tre, cây mít, cây ổi búp lá mới rón rén xanh mơ như vẫn đương ngại ngùng cơn rét lộc… Chỉ có nàng bưởi, mạnh mẽ, nồng nàn tràn lấp cả ngày xuân xanh xám bằng hương thơm thanh tao và màu xanh mỡn óng ả trong gió bắc.
Hằng lấy chồng xa, lâu lắm nàng không về thăm quê.
Chồng nàng, quê mãi miền Nam, cưới xong, theo chồng về Nam lập nghiệp, sinh con, nuôi con… Mải mấy chục năm, Hằng chả có Tết. Tết Nam không có hoa đào, không có mưa xuân giăng bụi ngoài trời, không có rét. Mấy chục năm Hằng không biết Tết.
Làng Ngọc, quê Hằng, vẫn vậy, như xưa.
Nàng bước chân trên dải đê ngày xưa đi học mà như đi trên ruộng nước, thập thõm, thấp cao, thổn thức… Vẫn cây đa, bến nước, sân đình, vẫn con đường làng lát gạch nghiêng, khách thập phương về dự hội vẫn trẹo trọ bước đi run rẩy ướt át… Năm nay, chồng nàng bận chuyến công du trời xa, con nàng du học hết, chả ai theo lời đưa nàng về dự hội một chuyến.
Mẹ cha mất sớm, nàng ở với anh trai. Học hết cấp ba, vừa tròn mười tám. Nàng xuất giá theo chồng. Anh trai nàng bảo: Đàn bà con gái, học lắm chả để làm gì, lấy chồng, sinh con, hết một đời xuân. Chồng nàng, kỹ sư công trình thủy lợi về làm trạm bơm chống úng đầu làng, biết nàng xuân sắc nhất làng, biếu anh trai nàng năm tạ xi măng, đủ cho anh đổ gian mái bằng… Thế là nàng theo chồng, đồ dẫn cưới là năm tạ xi măng…
Thân em như hạt mưa sa, hạt rơi giếng ngọc hạt ra ruộng cày. Nàng óng ả nền nã. Gái Kinh Bắc quê xưa, thắt đáy lưng ong, mắt phượng mày ngài, da trắng thơm mịn như bột gạo nếp làm bánh trôi… Hằng ở với anh. Yêu anh như bố. Anh bảo lấy chồng, chỗ ấm êm, nàng vâng anh theo chồng. Ngày đón dâu, nhìn sang nhà hàng xóm, cửa đóng then cài, đèn tắt bếp lạnh, đã lâu chả nhìn thấy mặt người ấy đâu.
Anh nàng, chẳng hổ người tinh. Nàng, vài năm sau, lên xe xuống ngựa, hàng phu nhân. Nàng sinh đôi quý tử, chồng nàng công danh tấn tới, yêu chiều vợ con, năm nào cũng đưa vợ con đi du lịch nước ngoài nhưng tịnh không đả động chuyện về Kinh Bắc. Chỉ âm thầm gửi tiền về cho anh nàng nhang khói song thân. Mấy lần nàng ngỏ ý muốn về Tết hay dịp hội làng, chồng nàng đều mượn cớ lờ đi.
Làng Ngọc, quê Hằng, thờ Bà Cái là thành hoàng.
Hậu cung đình làng có tượng bà tạc bằng gỗ thơm to lắm, gấp đôi người thực, khỏa thân, xống áo mớ ba mớ bảy như người. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, làng sai mười hai cô trinh nữ nấu nước thơm tắm rửa, giặt giũ xống áo cho bà. Quanh năm bà ngự ở hậu cung, trước mặt là một cái khán nhỏ, sơn son thếp vàng, khóa kỹ. Các cụ cao niên dạy đám trẻ, đấy là cái vật thiêng sinh thực khí, bất ly thân của bà. Tương truyền, năm đói kém, có thằng trộm liều, mò vào hậu cung, ôm cái khán đi, nghĩ là vớ được một món, qua đỡ được dịp tháng ba ngày tám… Thế là bà đổ nghiêng đổ ngả, làng huy động trai tráng ra không sao dựng được bà lên. Cứ dựng lên, buông tay ra là bà lại quay tít, đổ kềnh. Làng phải cho người đi rao các nơi các sở, chuộc được của quý của bà về mới yên.
Ngày bé, Hằng hay được anh cõng đi xem hội, vui nhất là đêm mở xiêm y làm lễ. Nàng nhong nhong trên cổ anh trai, tay cầm một cái đèn dầu tí xíu, đợi cái giây phút cụ từ hô: Tắt đăng! Nàng cười ngặt nghẽo trên cổ anh, và thổi phụt ngọn đèn dầu trên tay.
Sau này, lớn lên một tý, anh nàng cấm không cho nàng ra đình vào đêm hội nữa. Anh nàng bảo: Mày ra đấy vào lúc tháo khoán, chạy không kịp, ễnh bụng ra thì chó nó lấy.
Làng Ngọc, quê Hằng, thờ Bà Cái và vật thiêng sinh thực khí của bà, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh, con đàn cháu đống… Làng có lệ, đêm hội làng làm lễ trút xiêm y cho bà. Mở khán lấy sinh thực khí, hai trai chưa vợ cầm chắc trong tay, theo nhịp hô của cụ từ: Tình xòe tình phập, tình xòe tình phập. Mỗi lần phập lại đưa sinh thực khí vào nường bà. Cứ thế ba lần, sau đó, tắt đèn đuốc “tháo khoán”. Nam nữ, gái trai tha hồ mò mẫm tình tự đến sáng thì thôi.
Bọn trai các làng bên còn kháo nhau, muốn tán được gái làng Ngọc cứ đến cái giếng đầu làng. Có tảng đá xanh hình cái bướm, lấy cây gậy, chọc vào khe ở giữa tảng đá, nước trào ra. Rồi vào làng, thế nào cũng thành công.
Thực hư chả biết, nhưng gái làng Ngọc có tiếng là xinh và lẳng nhất vùng Kinh Bắc.
Hằng, gái làng Ngọc, xinh từ bé, mấy bà hàng xóm, lúc mới đẻ ra, nhìn thấy đã bảo: Con bé này rồi một rổ đàn ông khốn khổ vì nó đây.
Hồi học cấp hai, bọn con trai cùng lớp đã phải tổ chức một trận đấu vật tay bo đêm sáng trăng ở sườn đê, để thằng nào thắng thì được ngồi cạnh nàng. Kết quả là thằng Tâm xóm Nam thắng tuyệt đối. Thằng này hôi nách khủng khiếp, nó đã ăn cắp của mẹ hai lọ dầu con hổ để trát vào nhưng vẫn không ăn thua. Đến nỗi nàng phải thưa với cô giáo chủ nhiệm: Nếu cô không đổi bạn Tâm đi chỗ khác là em bỏ học.
Lên cấp ba, tình hình còn căng thẳng hơn nhiều. Ngồi trong lớp mà bọn con trai lớp trên lớp dưới cứ lượn lờ xung quanh, rồi thì thư tay ném vào, thư nhét vào cặp, theo về nhà… Nàng chả còn thời gian mà học, suốt ngày lo tránh né đón đưa. Anh nàng lo lắm, tính nước gả chồng sớm cho thoát nợ. Lúc ấy, người sẽ thành chồng nàng về xây trạm bơm.
Làng Ngọc, quê Hằng, rất hay trồng cây cúc tần làm hàng rào.
Hàng xóm nhà Hằng, cậu Tuấn, cùng lớp, cũng cách nhau cái dậu cúc tần.
Tuấn đẹp trai, học giỏi, gầy, nhút nhát nhưng nàng hay phải hỏi bài Tuấn. Cậu ấy học giỏi toán nhất trường. Nhiều hôm bài tập về nhà, nghĩ mãi chả ra. Lại hàng rào cúc tần để hỏi, đã thấy cậu ấy thơ thẩn bên dậu cúc tần tự lúc nào.
Cái dậu cúc tần giữa hai nhà một màu xanh nhàn nhạt, thơm hăng hắc, quanh năm chả bao giờ lụi. Trên cái bờ rào xanh thỉnh thoảng lũ dây tơ hồng vàng tươi bò la liệt, trùm lên, cơ hồ muốn ngạt cả cúc tần… Hôm đầu năm học lớp mười hai, lúc ới Tuấn ra hỏi bài khảo sát đồ thị, hai đứa rủ nhau đứng gỡ bớt tơ hồng cho cúc tần lên. Tuấn nhặt mấy sợi tơ hồng, bện thành một cái vòng đeo vào cổ nàng, bảo: Sau này có tiền, tớ mua cho cái Hằng cái vòng vàng to như thế này, đeo vào xinh lắm.
Hội làng năm ấy, nàng ra dậu cúc tần rủ:
Tối, anh trai nàng hạ cái cổng tre từ sớm, buộc chặt.
Nàng chong đèn học bài một lát rồi đợi ông anh rượu say ở hội làng, lên giường ngáy. Nàng lẻn ra sau vườn, rẽ dậu cúc tần. Tuấn đã đợi sẵn, hai đứa chạy ra đình.
Nàng và Tuấn đứng xa xa ngoài sân nhìn vào làng đang làm lễ. Đến cảnh diễn trò, hai đứa nóng bừng mặt, nắm chặt tay nhau. Nàng thì thào bảo Tuấn: Đến lúc tháo khoán thì mình về luôn nhé.
Cụ từ vừa hô: Tắt đăng!
Màn đêm đặc quánh, nồng ẩm, thơm nức hương xuân chợt trùm xuống như vừa có cái chăn khổng lồ chụp lên cả làng Ngọc. Tiếng chân người chạy cuống quýt. Tiếng gọi nhau âu yếm của bạn tình. Tiếng gắt yêu của những bàn tay nhầm chỗ… Rồi dần dần những âm thanh rạo rực huê tình tản ra khắp ngõ xóm, đầu sông, bến bãi. Nàng và Tuấn cứ nắm tay nhau đi dọc con đường làng. Trong cái đêm xuân tình thần thánh, hai trái tim non trẻ đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cả hai, chả ai nói được lời nào. Chỉ có hai bàn tay trong nhau xoắn xuýt không rời và đôi chân thì cứ ngập ngừng muốn đi, muốn rẽ, muốn về. Đến bờ dậu cúc tần, Tuấn dang cả hai tay rẽ cho nàng một lối đề vào trong nhà. Nàng luồn dưới người Tuấn để sang bên kia. Thân thể nóng rực của hai đứa chạm nhau gần gũi, nàng ngừng lại mấy phút như đợi chờ. Tuấn sững như bức tượng, thở hừng hực. Không thể chịu đựng được, nàng xoay người kéo Tuấn xuống. Tuấn buông hai tay đang vén cúc tần, xiết chặt lấy nàng. Cả dậu cúc tần, tơ hồng quấn quýt bao trùm phủ lấp che đi tất cả.
Sáng hôm sau, anh trai nàng ra vườn, nhìn dậu cúc tần. Vào nhà, nhìn mặt em gái… chợt hiểu tất cả. Anh ngồi thở dài. Nhà Tuấn nghèo lắm, đến cơm mà nhiều lúc còn chả đủ ăn.
Hè năm ấy, thi tốt nghiệp cấp ba xong, anh kỹ sư chồng nàng bây giờ đến hỏi.
Anh trai nàng khóc: Bố mẹ mất sớm, anh mà không lo được cho em yên ấm thì anh không dám nhìn mặt bố mẹ dưới âm.
Nàng không cưỡng nổi nước mắt của người đàn ông mà nàng kính yêu như cha.
Vả lại, Nam, chồng nàng trân trọng nàng, anh bảo: Từ lâu, anh đã mong lấy được một người con gái Kinh Bắc về làm vợ. Con gái quê Hằng, nổi tiếng đảm đang, nhất mực thờ chồng nuôi con.
Tuấn còn trẻ quá, Tuấn chưa có gì. Tuấn thi đại học đỗ cao. Được đi du học nước ngoài.
Ngày nàng vu quy, bên kia rặng cúc tần im lặng như tờ. Nàng lã chã nước mắt theo chồng bước qua cái cổng tre nhà nàng. Qua ngõ. Rồi qua cái cổng làng cũ kỹ rêu phong. Cứ mỗi bước đi lại bước dừng, chỉ mong có người chạy theo lôi lại.
Hè năm vừa rồi, cả nhà nàng đi du lịch Thái Lan. Gặp Tuấn cũng đưa vợ đi, ở đảo san hô trên vịnh Pattaya. Nhân lúc vắng người Tuấn ghé tai bảo nhỏ: Hội làng năm tới về nhé, mình đợi…
Hội làng năm nay, chả có rặng cúc tần, chả có dây tơ hồng.
Chồng nàng sếp to bận lắm, công du nước ngoài không về. Vợ Tuấn, gái phố chả thích quê, không về.
Hội làng năm nay, có nhiều điện thoại di động và internet. Lúc cụ từ hô tắt đăng thì ngoài sân, ngoài đường, đèn điện vẫn sáng giăng giăng.
Tuấn và Hằng hẹn nhau ra bãi sông ngồi từ tối. Mai, cả hai lại đi rồi, nàng bay Nam còn Tuấn đi Hà Nội.
Vẫn bãi sông xưa, thuở học trò hay cùng nhau lang thang tha thẩn. Vẫn dòng sông cồn cào đỏ rực phù sa. Vẫn cây chuối, cây tre, cây xoan tím ngát, tả tơi mỗi độ xuân về. Những cánh bãi ngô non đang nhu nhú chuyển mình xanh mướt. Chả biết họ nói với nhau những gì sau mấy chục năm xa cách. Chả biết họ trao nhau những gì sau bao mùa hội làng không gặp.
Sáng hôm sau, nàng ôm anh, hôn cháu, mắt đỏ hoe sưng mọng. Ra sân bay chuyến sớm.
Tuấn lái xe về Hà Nội, qua cổng làng. Dừng lại, gục đầu vào vô lăng hồi lâu.
Cả làng Ngọc đều bảo họ đẹp đôi nhất làng, mà sao không lấy nhau.
Rồi làng bảo: Sang năm lại về chơi hội nhé, vui lắm.
TTC.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Tiết xuân phân, mưa giăng giăng bay, đào tàn lâu rồi, xoan mới nhu nhú vài giọt tím mờ, rặng tre, cây mít, cây ổi búp lá mới rón rén xanh mơ như vẫn đương ngại ngùng cơn rét lộc… Chỉ có nàng bưởi, mạnh mẽ, nồng nàn tràn lấp cả ngày xuân xanh xám bằng hương thơm thanh tao và màu xanh mỡn óng ả trong gió bắc.
Người gửi / điện thoại
Cho đến giờ phút này chúng ta cùng với cả nhân loại đã trải qua gần hai năm chống chọi với dịch Covid-19. Chúng ta đã nhận được nhiều bài học. Từ bài học chống dịch của các nước và của chính chúng ta.
Paracetamol có công thức hóa học là C8H9NO2. Tên khoa học khá rậm rì rắc rối nên tôi không đưa ra đây làm gì cho nhức đầu các bạn.
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...
Chuyện rằng...