TẾT đọc tác phẩm hay: Tiểu thuyết "TRẦN NGUYÊN HÃN" của TRẦN THANH CẢNH- SỰ MINH GIẢI HẤP DẪN VỀ MỘT DANH TƯỚNG LỊCH SỬ
Tôi quê Lập Thạch- Vĩnh Phúc. Nơi đây, mọi người thường gọi vui là “Lập Thụt- Vĩnh Toét”. Đất lọt thỏm giữa vòng rào sông núi- như một ốc đảo cách biệt với tứ bề. Truyền thống là lụt và nghèo. Lạ là làng xóm của vùng đất này ngoài rất ít những cái tên không hiểu nghĩa là gì như Móc Lép, núi Bục, Kẻ Lối ..., còn lại chủ yếu là nhũng cái tên rất thơ mộng: Tiên Định, Tiên Du, Tử Du, Đồng Ích, Tứ Yên, Song Vân, Vân Hội... Lạ hơn nữa là các di tích lịch sử cũng ra gì: tháp Bình Sơn – từ thời Trần (nghe nói, bóng tháp chỉ hướng kho vàng mà giờ chưa ai đủ “duyên” để biết vàng ở nơi đâu!), núi Sáng (gắn với cuộc khởi nghĩa của Đề Thám) và đặc biệt là đền thờ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn... Bao lần tôi tự hỏi “Lập Thụt” cũng là đất có long mạch ư, là đất thế rồng phượng ư... để một danh tướng nhà Trần chọn làm nơi ở ẩn? Khúc sông Lô nào là nơi Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn hòa thân vào dòng nước? Ông ấy có trở thành thần sông quê tôi hay không?
Người dân Lập Thạch tôi yêu Trần Nguyên Hãn. Có hẳn một trường PTTH mang tên ông: Trường PTTH Trần Nguyên Hãn. Tôi đọc khá nhiều về ông, cả chính sử lẫn những lời nghị bàn. Tôi cũng đã đọc đến lời bàn: Trần Nguyên Hãn biết rõ vua Lê Thái Tổ. Ông hiểu rõ vua Lê Thái Tổ như Phạm Lãi tường tận con người Việt Vương Câu Tiễn: tướng cổ dài, miệng diều hâu- chỉ chia sẻ được khi hoạn nạn chứ không thể cùng hưởng phúc. Thế nên ông đã học Phạm Lãi: sau “công thành” thì tìm cách “thân thoái” để bảo toàn tính mạng. Phạm Lãi ngao du dọc Ngũ hồ với nàng Tây Thi. Còn Trần Nguyên Hãn trở về Sơn Đông- Lập Thạch, nơi vốn là phủ đệ củ cha mình: quan trấn thủ Tam Đái (phủ Vĩnh Tường) Trần Thúc Giao. Học Phạm Lãi, hà cớ gì Phạm Lãi được hưởng phúc, còn Trần Nguyên Hãn phải gieo mình xuồng dòng sông tự tận? Bởi Phạm Lãi chỉ lo “chơi”, làm giàu cho bản thân. Còn Trần Nguyên Hãn lại lo cải thiện đời sống cho dân, rồi lại tuyển binh, tập lính... Ông ấy được dân xem như chúa một vùng đất. Thế thì sao vị vua đầu họ Lê lại không lo dòng dõi tôn thất họ Trần có ý đồ khôi phục cơ đồ? Đọc vậy, biết vậy. Bao lâu nay, tôi không dám xem mình hiểu được chút gì đó của các đấng bậc, của lịch sử.
Tiểu thuyết Trần Nguyễn Hãn của nhà văn Trần Thanh Cảnh đem đến một hướng minh giải. Nhà văn nghiêng hẳn về sự bênh vực Trần Nguyên Hãn. Tác phẩm khẳng định: Trần Nguyên Hãn vừa là một vị anh hùng kinh bang tế thế vừa là một trang nam nhi luyến ái, đa tình. Tri bỉ tri kỉ, sau đóng góp công lao làm nên thắng lợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Trần Nguyên Hãn chỉ muốn sống yên vui với những năm tháng cuối của cuộc đời và chăm lo cho dân chúng vùng Sơn Đông- nơi cha ông đã lập nghiệp và cũng là nơi gắn bó, chở che cho ông những ngày gian khó. Vậy mà, ông vẫn phải chết- một cái chết bi kịch, biết trước mà không thể tránh!
Viết về Trần Nguyên Hãn, Trần Thanh Cảnh đã sử dụng thành công lối viết kiểu “kịch tam duy nhất”: một không gian, một thời gian và một nhân vật. Thời gian mở đầu tác phẩm là giờ Tị ngày 26/2/1429. Thời gian kết thúc tác phẩm là giờ ngọ (12h trưa) của vẫn ngày tháng năm đó. Nghĩa là chỉ một nửa ngày. Nửa ngày cô lại bi kịch cuộc đời người anh hùng! Trong nửa ngày đó, thủ pháp đồng hiện được tác giả sử dụng hiệu quả. Quá khứ lần lượt xuất hiện như những thước phim qua sự hồi tưởng của danh tướng Trần Nguyên Hãn giữa gió mưa sấm sét của thực tại và cảnh quân lính trên thuyền áp giải ngài về kinh. Kịch tính mỗi lúc một căng thẳng, tăng tiến theo 39 mục của tác phẩm (được đánh số từ 1 đến 39). Từ mục 4 trở đi, tình huống truyện được đặt vào cảnh trời mưa gió. Bắt đầu mỗi mục đều có những câu tả cảnh mưa gió- đất trời như nổi giận. Cơn mưa bão mỗi lúc một mạnh như sự tức giận mỗi lúc một lớn của đất trời. Cùng với mưa bão gió giông là những lớp sóng dồn dập trong tâm trạng của Trần Nguyên Hãn. Ở đây, Trần Thanh Cảnh sử dụng lối tương phản rất sâu sắc giữa ngoại hình tâm trí, cảm xúc của người anh hùng. Vẻ bề ngoài, Trần Nguyên Hãn ngồi thiền, tĩnh tại, thản nhiên; nhưng trong lòng ông, lớp lớp những kỉ niệm đau thương, vàng son, hạnh phúc... lần lượt theo về. Cũng mối lúc một trào dâng, đau đớn, tái tê, uất hận. Để rồi, tâm trạng của ông hòa cùng nỗi niềm của đất trời, kết lại ở tiếng sét cuối cùng như tiếng gầm kinh thiên động địa và Trần Nguyên Hãn gieo mình xuống dòng sông. Đặt con người trong sự đối sánh, tương ứng với thiên nhiên như vậy, Trần Thanh Cảnh đã có bút pháp của văn chương trung đại khi tạc dựng kiểu nhân vật đấng bậc. Với bút pháp này, việc Trần Nguyên Hãn gieo mình xuống dòng sông không phải là hành động tự tử như những kẻ phàm trần, mà là trời đất, non sông đón ông về. Ông là vị thần thiêng và đi vào cõi bất tử với đất trời. Tác phẩm như là một bản anh hùng ca về Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn.
Cùng với thành công trong bút pháp đồng hiện, tăng tiến, kịch tính, Trần Thanh Cảnh còn giỏi trong việc chọn lựa chi tiết. Rất nhiều chi tiết hay khiến người đọc lập tức ấn tượng về nhân vật. Cái cười của Lê Lợi là một ví dụ. Tiếng cười to vang, sang sảng, nhưng lạnh và đột ngột tắt của Lê Lợi ám ảnh người đọc. Chỉ qua tiếng cười cũng đã đủ để khắc họa một Lê Lợi có chân mệnh đế vương, uy dũng, quyết đoán, lạnh lùng và hiểm ác. Đó là còn chưa kể đến ánh mắt, cử chỉ của nhân vật. Chân dung nhân vật trở nên sống động qua các chi tiết đắt.
Điều đáng nói thêm nữa là tiểu thuyết “Trần Nguyên Hãn” một lần nữa khẳng định thêm đặc điểm phong cách Trần Thanh Cảnh. Cũng như hai tác phẩm “Đức Thánh Trần” và “Trần Thủ Độ”, đến “Trần Nguyên Hãn”, Trần Thanh Cảnh lại có nhiều trang sex hiện đại, táo bạo: Nguyễn Trãi với Thị Lộ, Trần Nguyên Hãn với ba mối tính của ông: nàng Vi Thị Hoa, nàng Lê Thị Tuyển và hơn hết là nàng Tiểu Bích- “hiện thân của tình ân ái và nhan sắc diễm lệ” (trang 188). Tuy nhiên, theo tôi, bút lực chính của Trần Thanh Cảnh lại nằm ở các trang thể hiện cơ mưu, tài cầm quân của người anh hùng và miêu tả diễn biến chiến trận. Các tác phẩm cho thấy, nhà văn đã đọc rất kĩ “Đại Việt sử kí toàn thư” và cả các truyền thuyết dân gian. Tuy nhiên, để có được những trang tái hiện chiến trường như vậy, không biết có phải nhà văn đã được dòng dõi nhà Trần của mình kể lại chiến tích, để rồi, cứ thế nhà văn để con chữ tuôn chảy ra đầu ngòi bút và chiến trường oanh liệt, dữ dội cứ tự nhiên hiện lên trên trang giấy?
Viết về nhà Trần, Trần Thanh Cảnh đã có bộ ba tiểu thuyết: Đức Thánh Trần, Trần Thủ Độ, Trần Nguyên Hãn. Nhà văn chứng tỏ càng viết càng lên tay. Những khoảng trống, những điểm mờ... trong lịch sử nhà Trần được lấp đầy và làm sáng khá nhiều trong các tác phẩm của nhà văn.