Phạm Ngũ Lão: từ chàng trai làng Phù Ủng đến danh tướng bách chiến bách thắng.
Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão (1255-1320), người làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Câu chuyện chàng trai đan sọt làng Phù Ủng ra mắt Đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn truyền mãi đến ngày nay: ngồi bên đường, vừa đan sọt vừa nghĩ việc nước, mải đến nỗi quân lính dẹp đường chọc mũi giáo vào đùi chảy máu cũng không hay biết. Từ cuộc gặp kỳ lạ đó, Đức ông Trần Quốc Tuấn đã đem lòng yêu mến chàng trai quê kỳ tài, đem về phủ đệ dạy bảo thêm. Thậm chí trong dã sử còn kể, vị vương gia này yêu mến Phạm Ngũ Lão đến mức, nói thác với hoàng gia, cô con gái yêu quận chúa Anh Nguyên của mình chỉ là con nuôi để gả cho Phạm Ngũ Lão. Bởi khi đó lệ nhà Trần cấm người ngoài không được hôn nhân với người trong hoàng tộc. Rồi ông bố vợ vĩ đại đó đã tiến cử con rể mình vào triều đình lĩnh trọng trách. Trong sử còn lưu truyền câu chuyện, khi thấy Phạm Ngũ Lão xuất thân làng quê lại đứng đầu cấm vệ cai quản võ sĩ, nhiều kẻ không phục, bèn đòi đấu võ. Kết quả, Phạm Ngũ Lão đã thắng tất cả, khiến cho mọi người đều phải tâm phục khẩu phục. Đến cuối đời, Phạm Ngũ Lão được thăng đến Điện súy Thượng tướng quân. Khi ông mất, vua Trần Minh Tông ra lệnh nghỉ thiết triều 5 ngày. Một ân điển đặc biệt với đại công thần có công lao lớn phò vua giúp nước.
Sinh thời, Phạm Ngũ Lão là một vị tướng quân lừng danh bách chiến bách thắng. Trong cuộc đời cầm quân ra trận, chiến đấu ngoài sa trường của mình, ông chỉ có thắng mà không hề thua trong bất cứ trận chiến nào được giao phó. Tại cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, năm 1285 ông là tướng dưới quyền chỉ huy của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Đầu tiên, ông được giao giữ ải Chi Lăng cản bước quân giặc. Tại đây sau nhiều trận công phá không nổi, toàn thua. Bọn giặc Nguyên đã phải tìm đường vòng qua ải để tiến sang Nội Bàng giao chiến với quân của Đức ông Trần Quốc Tuấn, rồi mới đánh về Thăng Long. Phạm Ngũ Lão cũng lập tức mang quân về trợ chiến, cùng với các tướng khác hộ giá hai vua thoát khỏi vòng vây kẻ địch. Vào Thanh- Nghệ chiêu tập binh sĩ, chuẩn bị phản công. Ở giai đoạn cuối cuộc chiến này, ông cùng với Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải đánh trận Chương Dương- Hàm Tử, tiêu diệt sạch thủy quân Nguyên tại đây, khiến cho bọn chúng lâm vào hoảng loạn bế tắc, thua trận triền miên rồi cùng đường tháo chạy về bên kia biên giới.
Đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3, ông lại được Quốc Công Tiết Chế giao cho chặn giặc ở ải Chi Lăng một lần nữa. Nhưng biết danh tiếng ông nên bọn Thoát Hoan đã tránh đối đầu, xua quân đi theo lối ải Tư Minh (Đình Lập hiện nay) đánh về Vạn Kiếp, mưu diệt quân chủ lực của ta đóng tại đây. Xong nhiệm vụ chặn giặc tại ải Chi Lăng, ông lại mang quân về Thăng Long cùng đại quân chiến đấu. Tại cuộc chiến này, dưới sự quyền chỉ huy của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, ông đã tham gia nhiều trận đánh và đều giành chiến thắng. Đỉnh cao là dưới quyền Hưng Đạo Đại Vương, ông tham gia trận chiến Bạch Đằng, dìm toàn bộ hạm đội quân Nguyên xuống sông sâu.
Sau khi đánh đuổi quân Nguyên cút khỏi Đại Việt, Phạm Ngũ Lão vẫn là một võ quan cầm quân chủ chốt của triều đình nhà Trần. Rất nhiều cuộc chinh phạt do ông mang quân đi theo lệnh của nhà vua, và đều giành thắng lợi trở về.
Ông ba lần đem quân chinh phạt Ai Lao vào các năm 1294, 1297, 1301 đều khiến cho triều đình Ai Lao phải thần phục.
Năm 1312 ông vâng mệnh vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt sống vua của họ là Chế Chí đem về Thăng Long.
Đến năm 1318, người Chiêm Thành lại làm phản, xâm phạm nước ta, vua Trần Minh Tông khi đó sai ông cầm quân đánh dẹp. Thắng to đến nỗi vua Chiêm là Chế Năng phải nhảy xuống thuyền chạy trốn sang Java (Indonesia ngày nay).
Theo như Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Ngũ Lão xuất thân trong hàng quân ngũ, nhưng rất thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí lớn, thích ngâm thơ, tựa như không để ý đến việc võ bị. Nhưng quân ông chỉ huy, thực là một đội quân phụ tử, hễ đánh là thắng…
Ông huấn luyện quân đội rất có kỷ luật, đối đãi tướng hiệu tựa như người nhà, cùng đồng cam cộng khổ với binh sĩ, cho nên quân đi tới đâu, không ai dám chống. Tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, coi của cải như không, là bậc danh tướng của một thời vậy.”*
Đương thời, uy danh của tướng quân Phạm Ngũ Lão rất lớn. Chỉ đứng sau Đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Khi ông chết, được phong làm phúc thần của làng Phù Ủng, miếu thờ nay vẫn còn, chính tại nền nhà cũ của ông xưa. Ông còn được phối thờ tại đền Kiếp Bạc là nơi thờ tự chính của Đức Thánh Trần.
Không những là một vị tướng tài năng, ông là một người có tâm hồn văn học, yêu thích ngâm ngợi thơ phú. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông còn truyền đến ngày nay là bài “Thuật Hoài”, nguyên văn tiếng Hán như sau:
“Hành sáo giang sơn cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị hữu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.”
Dịch thơ:
“Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân tựa hổ nuốt trôi trâu
Trai chưa trả nợ công danh được
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu.”*
Ngày nay hậu thế đọc lại bài thơ của danh tướng Phạm Ngũ Lão vẫn thấy trào lên cái hùng khí ngất trời của một đấng nam nhi ngang dọc, chọc trời khuấy nước, sẵn sàng vì nghĩa quên thân đền nợ nước, lập công danh ghi tên tuổi với sử xanh. Ông may mắn được sinh ra ở thời thịnh trị của nhà Trần, vua sáng tôi hiền nên dù gặp buổi nhiều chiến chinh vất vả nhưng đã lập nhiều chiến công, để lại danh tiếng là một vị tướng cầm quân lỗi lạc, bách chiến bách thắng. Trong tất cả các bộ sử của nước ta còn lại đến ngày nay, đều chép về Phạm Ngũ Lão như một tướng quân chưa hề thất bại một trận nào trên chiến trường. Ông còn có một may mắn nữa, đó là được lọt vào con mắt xanh của Hưng Đạo Đại Vương thiên tài, ngay khi mới chỉ là một trai làng Phù Ủng. Và rồi kể từ khi đứng dưới quyền của bậc thánh tướng này, tài năng cầm quân đánh trận của ông đã được phát huy hết. Chả thế mà sử gia lừng danh Ngô Sĩ Liên đã bàn: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm điện súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyên về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hễ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai vượt nổi các ông.”*
Trong lịch sử nước nhà, Trần Quốc Tuấn- Phạm Ngũ Lão có lẽ là một cặp nhân vật độc đáo duy nhất. Giữa họ vừa có tình bố vợ và con rể. Vừa là tướng tư lệnh tối cao thiên tài và tướng cầm quân chiến trường xuất sắc. Họ giống nhau ở lòng tận trung báo quốc, không màng đến của cải danh vị. Và họ cùng còn là những vị nhân tướng thương yêu binh lính và con người. Dường như trời đã sinh ra thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn cho nước Việt nên cũng đã đưa cả Phạm Ngũ Lão xuống làm “vây cánh” cho ngài. Ngày nay ngồi đọc lịch sử cuộc đời và ngâm lại những vần thơ văn hào sảng của ông, chúng ta thật tự hào khi đất nước Việt Nam đã sinh ra vị tướng tài cầm quân bách chiến bách thắng Phạm Ngũ Lão.
9/2021. TTC
*trong ngoặc kép là phần trích văn bản của Đại Việt Sử Ký toàn thư, kỷ nhà Trần.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Câu chuyện chàng trai đan sọt làng Phù Ủng ra mắt Đức ông Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn còn truyền mãi đến ngày nay: ngồi bên đường, vừa đan sọt vừa nghĩ việc nước, mải đến nỗi quân lính dẹp đường chọc mũi giáo vào đùi chảy máu cũng không hay biết. Từ cuộc gặp kỳ lạ đó, Đức ông Trần Quốc Tuấn đã đem lòng yêu mến chàng trai quê kỳ tài,..
Người gửi / điện thoại
Về tình trạng hiện nay ở một số nơi trên nước ta, nhiều người đã được tiêm vaccine mũi 1 là moderna, đến kỳ tiêm mũi 2 nhưng không có moderna nữa. Vậy phải làm sao?
Cây ba kích còn có tên gọi là cây ruột gà, bởi rễ củ của nó có hình dáng màu sắc giống như ruột của con gà. Tên khoa học của cây ba kích là: Morinda officinalis. Họ cà phê: Rubiaceae.
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...