Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh
BẢY
Con người không phải là một loài được tạo hóa ban cho nhiều ưu đãi nhất.
Thế nhưng loài người vẫn trở thành chúa tể của thế giới. Là bởi vì họ được Chúa Trời cho hai đặc ân: Bộ não thông minh và bản năng tính dục mãnh liệt. Đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng, người nào càng thông minh thì bản năng tính dục của người đó càng mạnh mẽ. Bằng trí thông minh của mình, con người đã khuất phục thú dữ, bạt núi lấp bể xây dựng nên nhà cửa, lâu đài, thành quách nguy nga tráng lệ làm nơi cư ngụ của mình. Còn các loài khác vĩnh viễn phụ thuộc thiên nhiên. Con người đã khẳng định địa vị thống soái tuyệt đối của mình với tự nhiên.
Còn bản năng tính dục?
Với đa số loài vật, chúng chỉ giao hoan với nhau vào mùa động dục. Còn với con người, không có mùa nào cả. Hoạt động tính dục của người nam với người nữ diễn ra mọi nơi mọi lúc. Nếu chỉ là bảo toàn nòi giống, con người hoàn toàn không cần thiết phải để nhiều thời gian sức lực trí tuệ vào cái việc ấy đến như vậy. Mà đây hình như là một món quà của Chúa Trời ngầm thưởng cho con người vì một lẽ nào đó. Việc này chắc chỉ có hỏi ngài ấy mới rõ được. Nhưng loài người khôn ngoan và láu cá đã khoác lên cái hành động bản năng kia một loạt những mỹ từ như: tình yêu, ái ân, đôi lứa, rung động, tâm hồn, sâu thẳm, trời cho, bất diệt, vĩnh cửu vân vân và vân vân.
Hồi đầu thế kỷ thứ hai mươi, quý ông Sigmund Freud sau khi bỏ cả đời nghiên cứu hành vi bản năng tính dục của con người đã đi đến kết luận, con người là chúa tể của dâm dê! Mọi hoạt động của con người hầu như đều loanh quanh việc để làm sao thỏa mãn bản chất dâm dê ấy. Chiến tranh và hòa bình. Chinh phục và chém giết. Tranh giành cướp giật lãnh thổ đất đai hay mưu đồ lật đổ chiếm đoạt chức quyền của cải. Thể thao hay sáng tạo. Thậm chí cả việc đấu đá tranh giành không khoan nhượng của các học thuyết, tôn giáo…, tất cả đều bắt nguồn từ khao khát thỏa mãn cái lòng ham muốn tính dục của con người. Một cái niềm khao khát lạ lùng, vô hạn độ và không có điểm dừng. Và càng không có khái niệm đủ. Càng ăn càng đói, càng uống càng khát. Nhưng dường như nó lại song hành với khả năng sáng tạo vô biên của con người. Thật lạ nhưng đó lại là sự thật. Thế nên để cho cái ham muốn tính dục trong con người luôn sục sôi, đốt nóng khả năng trí tuệ của con người, hướng đến những khát khao mới lạ, thì Chúa Trời bèn ban kèm cho họ một đức tính mà theo chuẩn mực đạo đức nào đó là khá khốn nạn: nhanh quên! Thỏa mãn rồi là lập tức quên béng thành quả vừa đạt được, hướng mắt ngay đến mục tiêu mới. Nhất là bọn đàn ông. Những kẻ được giao làm chủ cuộc chơi. Nhưng suy xét một cách kỹ lưỡng thì đó cũng là một đặc ân mà tạo hóa đã ban cho con người. Bởi xét cho cùng, cuộc sống là cả một sự đấu tranh gay gắt quyết liệt và không khoan nhượng. Đời là đau khổ. Đời là nước mắt. Đời không chỉ có hoa hồng. Có một ông nhà văn nào đó còn viết, đời cơ bản là buồn. Sự thật là con người kể từ khi oe oe cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay sẽ phải trải qua vô vàn những đau đớn, khốn nạn. Đấng tạo hóa bèn cho sẵn chúng sinh một thứ rất hay ho là nước mắt và cái tính nhanh quên để gột rửa ký ức. Bởi nếu không quên được, nếu những nỗi đớn đau cứ chất chồng trong óc trong tim, không được gột rửa, không quên đi để mà sống tiếp thì con người sẽ bị đè bẹp, bị hủy hoại trong niềm đau đớn khôn nguôi. Nên dù họ phải gặp những trái ngang khổ nạn tưởng như là cùng cực trên đời, nhưng rồi họ vẫn vượt qua để sống tốt, sống mạnh mẽ hơn…
Bút, trong cái đêm rừng hoang lạnh bên người đàn anh đang hấp hối, hắn đã không thể cầm được nước mắt. Hắn không khóc thành tiếng, nhưng dường như nước mắt hắn chảy suốt thành dòng trên mặt, từ lúc cảm thấy Tĩnh Khùng không thể qua khỏi, cho đến khi hắn chôn cất những mảnh thân xác còn lại của người đàn anh. Khấn xong một câu như là lời thề hứa trước vong linh, thì nước mắt Bút tạnh hẳn. Hắn đã xác định xong con đường đời đi tới. Đầu óc hắn lạnh băng bắt đầu tính toán cho đường đi nước bước mà Tĩnh Khùng đã dạy hắn. Và từ đó trở đi, Bút đã trở thành một con người khác. Hắn không bao giờ khóc nữa. Hắn đã hết nước mắt. Còn Ly, khi thấy Bút chạy về báo tin Tĩnh Khùng đã bỏ xác trong rừng sâu thì Ly gần như khóc ngất. Ly thương Tĩnh Khùng, người đàn ông đầu tiên của mình.
Người đã đưa Ly vào đời, cho Ly biết thế nào là niềm vui sướng của ái ân trai gái. Là cha của con mình, Tĩnh Khùng rất có trách nhiệm với mẹ con Ly. Dù không giầu có gì, nhưng Tĩnh Khùng luôn bao bọc chu đáo hai mẹ con. Nay Tĩnh Khùng chết, ai là người che chở mẹ con Ly. Ai sẽ là người chặt gỗ làm nhà, phá nương đốt rẫy. Ai sẽ gặt lúa bẻ ngô dỡ sắn về cho nhà. Bếp lửa hàng ngày ai sẽ nhen. Và ai sẽ là người đêm đêm đưa Ly tới miền thiên thai cực lạc…
Nên khi Bút ôm vai Ly thương cảm bảo, hắn sẽ lo cho mẹ con Ly thì dòng nước mắt đang tuôn chảy như suối của góa phụ trẻ, tuy không dứt ngay nhưng đã như gặp phải một con đập. Nó ngập ngừng dừng bớt lại. Linh cảm đàn bà trong Ly đã lại đánh hơi được một nơi tin cậy có thể gửi gắm đời mình. Dòng nước mắt khóc thương Tĩnh Khùng từ từ cạn. Mà thực ra là cạn khá nhanh, bởi Ly vốn là một người đàn bà đơn giản. Ly cần nhà để ở, cơm để cho con ăn. Và cần mỗi tối có một người đàn ông khỏe mạnh tới vần vò phần đàn bà của mình. Làm cho được thỏa thuê. Thế thôi. Với Ly đời thế là ổn.
Bút nói đi làm nhà, cả tháng không thấy về thăm, Ly bứt dứt lắm. Ly còn trẻ. Quá trẻ. Người chết thì đã chết rồi. Người sống vẫn phải sống. Mà thân thể đàn bà trẻ trung của Ly đêm đêm cứ nổi lên rừng rực, nó chả biết đến vòng khăn tang vẫn còn đang mới trên đầu Ly. Trải qua vài đêm mất ngủ, Ly gửi con lại cho ông bà ngoại, tắt rừng vào trong bản Nùng.
Sau tối hôm đó, Bút và Ly, không ai nhắc đến Tĩnh Khùng nữa. Cú ái ân trong lều do Ly chủ động khai mào, không khác gì bát cháo lú mà những hồn ma uống bên cầu Nại Hà dưới âm phủ, trước khi vượt qua dòng sông Mê để đến với vòng đời mới. Họ đã quên hẳn mọi chuyện của quá khứ. Con bé Ly Lan thì còn quá bé để mà nhớ nhắc về cha. Họ về sống với nhau như cái lẽ đời phải vậy. Cũng chả ai có ý kiến gì. Cái vùng rừng Tây Nguyên sâu mãi về phía biên giới này khi đó cuộc sống cực kỳ gian khó nên cũng chả ai hơi đâu mà để ý đến những cái chuyện đại loại như của Bút và Ly. Trai chưa vợ, gái không chồng thì về với nhau thành cặp thành đôi. Rồi dựng nhà, phát nương làm rẫy. Rồi lại sinh con đẻ cái.
Người Nùng vốn nổi tiếng là trung thành. Hồi chế độ Việt Nam Cộng Hòa, lính bảo vệ phủ tổng thống thường được chọn từ sắc dân này. Bút ở bản Nùng rất yên ổn. Hắn bái già bản làm cha nuôi và bỏ tiền ra bao bọc tốp thanh niên đã làm nhà cho mình. Lại còn kết nghĩa anh em. Tốp này có cả súng kíp tự chế luôn kè kè bên người. Chưa bắn ai, lâu lâu lên nương rẫy nổ vài phát đuổi thú, nhìn cũng ớn. Thế nhưng Bút cũng không có ý định ở lại mãi nơi đây. Ở nơi núi rừng âm u thì cho dù có nhiều tiền cũng chả để làm gì. Người ta kiếm ra nhiều tiền là để về nơi đô hội hưởng thụ. Và đập vào mặt những kẻ đã từng khinh rẻ mình nghèo hèn. Ly đã đẻ cho hắn thằng con trai, hắn dự định đợi cho cả mẹ và con cứng cáp rồi sẽ tính đường xuôi.
Cánh Tào Kê, xuất thân là người Hoa dưới Chợ Lớn thì lại nổi tiếng về độ thính nhạy trong làm ăn và chữ tín. Sau khi mua được của Bút một số kỳ nhỏ, họ đoán rằng Bút vẫn còn nên giữ mối quan hệ thân tình với hắn và âm thầm đợi. Bởi nếu có kỳ, kiểu gì Bút cũng phải bán đi để chuyển thành tiền vàng. Và chỉ có thể bán qua họ, đó sẽ hứa hẹn một thương vụ lớn.
Bút âm thầm tính toán.
Bút là người Kinh thuần chủng. Tuy còn trẻ nhưng từ trong máu, hắn đã mang bản chất điển hình của người Việt. Hắn có đủ sự tinh khôn ma mãnh và cũng không thiếu cái suy nghĩ lật lọng nhanh như chớp trong đầu.
Năm thằng cu con hắn được hai tuổi, khá khỏe mạnh cứng cáp, Hắn làm một chuyến xuống tận đại bản doanh của cánh Tào Kê dưới quận Năm, Sài Gòn đàm phán. Sau khi thống nhất giá cả xong xuôi, bên mua phấn chấn vì một thương vụ hứa hẹn lợi nhuận khổng lồ nếu trót lọt, đồng ý tổ chức một chuyến xe đặc biệt đưa cả nhà Bút ra khỏi rừng, về xuôi, ngược luôn ra Bắc. Và sẽ trao đổi kỳ – vàng ngay tại đầu làng Cùng.
Đầu mùa khô năm 1983, một chiếc xe ô tô đặc chủng mang biển đỏ ghé vào bản Nùng đón cả gia đình Bút. Danh nghĩa là mang con trai về thăm quê nên Bút chỉ mang theo vài chiếc hòm gỗ, va li đựng quần áo còn nhà cửa đồ dùng để nguyên, nhờ ông bố bản trông nom. Ra khỏi cửa rừng thì có thêm một chiếc xe nữa cũng biển đỏ đi cùng. Hồi ấy nước mình nơi nơi ngăn sông cấm chợ, trạm kiểm soát dựng lên khắp nơi, thế nhưng hai chiếc xe biển đỏ với quân lệnh đặc biệt lao vun vút qua mọi trạm kiểm soát dân sự, quân sự mà không phải dừng lại bất cứ đâu. Bút thầm phục cánh Tào Kê quá tài. Ra ngoài quốc lộ, hắn ghé vào trạm bưu điện bên đường, gửi một lá thư về bản cho cha nuôi, bái biệt và nói tặng lại ông già căn nhà sàn to nhất bản. Bút cũng không quên gửi lời cám ơn đến những người anh em Nùng của mình, hẹn dịp tái ngộ.
Đúng hợp đồng, về đến đầu làng Cùng, hai xe dừng lại. Hòm đựng kỳ chuyển sang, hòm đựng vàng đưa lại.
Đội Tào Kê, bảo vệ lên một xe quay lui. Xe còn lại chở Bút và vợ con vào thẳng trong xóm Dâu, nhà ông Thống Nghiên.
Câu chuyện diễn ra sau đó thì mọi người cả làng đều đã rõ.
Chỉ có một điều không ai được biết rõ là Bút có bao nhiêu tiền. Chỉ biết là hắn có rất nhiều tiền. Khi mà bố mẹ theo nhau chết cả, Bút nổi lên làm thày. Hắn ngẫm nghĩ thấy bố hắn nói phải, làm thày cúng là một nghề hay ho. Con người ta lúc bình thường thì ít người nghĩ đến thánh thần. Thế nhưng khi gặp bước hoạn nạn tai ương, mất hết niềm tin trong cuộc đời thì bắt đầu hoảng sợ kêu van thánh thần cứu giúp. Và lúc đó họ cần đến thày cúng, như một người có thể trình bày cầu xin trực tiếp mọi điều với thần linh. Bởi thánh thần có ngôn ngữ riêng của mình. Bút tự động lĩnh ngay cái vị trí thày cúng của gia đình. Và hơn hẳn ông cha, Bút tuyên bố mình là thày tâm linh. Hắn bắt đầu thi triển những mánh mung học lỏm được trên bước đường giang hồ.
Đầu tiên hắn gọi bốn bà chị gái đến, cho tiền và sai đi tung tin khắp trong làng ngoài xã, cả vùng Kinh Bắc, rồi ra tận Hà Thành là thày Bút mới được Thánh Mẫu cho ăn lộc, xem bói, cúng tế rất thần. Lại sai các bà tiện thể hóng hớt, nhà nào trong vùng có sự từ chó chết gà toi cho đến con gái tự dưng mà chửa cũng về kể tất tật với cậu em. Sau này có điện thoại di động, các bà chị gái của Bút còn đặt đại lý tin tức ở các chợ, quán nước vỉa hè, có gì hơi lạ đều báo về cả. Thày Bút có nhiều thông tin nên phán đâu trúng đấy, điện thờ càng linh.
Rồi hắn cho nâng cấp, sắm sanh rất nhiều đồ cúng tế điện thờ Thánh Mẫu xưa của nhà thành phủ thờ. Hắn nói nhà hắn thờ Tam Phủ cùng tất cả các vị thần linh hiển hiện trên đất Việt này nên ai đến cầu cúng cũng linh. Kể cả tín đồ Thiên chúa, Phật giáo cho đến Hồi giáo cũng không sao, cứ lòng thành là thánh các ngài chứng hết. Cứ tới phủ hầu vài giá đồng, lễ hậu, voi giấy ngựa giấy vàng mã đốt rực trời là thỉnh thánh nào cũng lên, phán xoen xoét.
Nhưng sự làm nên danh tiếng lẫy lừng cho thày Bút chính là đám con buôn tỉnh Bắc.
Chả là hồi ấy nước ta và Tàu, quyết định giảng hòa, thôi không chơi trò chửi đổng, ném đá vào nhà nhau nữa. Các quan chức hai bên đi lại đằm thắm, dân vùng biên trở lại thăm nhau. Bên kia biên giới họ đã mở cửa trước ta, lại được một tay dị tướng chủ thuyết mèo trắng mèo đen cứ hay chuột là tốt đứng đầu nên kinh tế phát triển, hàng hóa dồi dào. Trong khi đó bên mình vẫn bị bao vây cấm vận nên cái gì cũng thiếu thốn đắt đỏ. Thế là tự dưng sinh ra một đoàn quân đi buôn hàng Tàu từ biên giới về. Nếu mang hàng theo đường chính ngạch qua cửa khẩu thì phải có hóa đơn chứng từ, rồi hải quan phòng thuế thu nộp lôi thôi. Đằng này đường biên hai nước cả nghìn cây số, núi liền núi sông liền sông, qua chỗ chó nào chả được mà cứ phải cửa khẩu? Đỉnh đồi là Tàu, chân đồi là ta, đứng trên đỉnh đồi quăng uỵch bó hàng xuống cho người đón dưới là xong! Vả lại, hàng Tàu đểu sang bên đó đặt làm trong các thôn trang của họ thì lấy đâu ra hóa đơn chứng từ mà khai thuế? Thôi cứ đường tiểu ngạch thuê cửu vạn khuân hàng, tập kết lại tại một địa điểm rồi đánh xe về xuôi đến tận thủ đô tiêu thụ. Thế nhưng cả đoàn xe chở hàng Tàu đểu vượt mấy trăm ki lô mét về xuôi thì chỉ có mù mới không thấy, chứ ai chả biết. Đội liên ngành gồm công an, hải quan truy bắt dữ lắm. Có thời kỳ dân đánh hàng Tàu mất vãn, tưởng sạt nghiệp ráo.
Mấy tay buôn hàng Tàu nằm im đợi thời. Nhân lúc rỗi rãi đến điện thày Bút hầu vài giá đồng cho nó thư giãn xem sao, lòng thành, biết đâu rồi thánh lại cho ăn lộc.
Hầu xong, ngồi rượu với thày Bút. Rượu vào lời ra. Tay buôn hàng Tàu than thở:
- Đen quá thày ạ. Mất liền mấy chuyến thế này thì có khi vỡ nợ.
- Bọn nào mà trấn ghê thế?
- Thì bọn Đội liên ngành số 4 chứ còn đâu nữa.
- Sao không “bắn” cho gục đi?
- Cũng định thế, cơ mà tay Hòa Đen, đội trưởng rắn quá! Nó đang muốn lên chức nên lập thành tích.
- Có phải tay Hòa Đen người trên phố Tiền An không?
- Chính y! Bọn tôi muốn cho cả nhà nó năm cân bộc phá quá!
- Đừng làm liều, việc này dễ. Để tôi giải cho.
- Được thày giải cho thì còn gì bằng nữa. Thày tính nhanh nhé, sắp tết đến nơi rồi, mùa kiếm ăn đấy thày biết không?
- Khỏi lo. Tối mai lại đây.
Hòa Đen chính là người quen của thày Bút. Khi xưa là trạm trưởng ngoại thương đã bán cho Bút cái xe máy Honda Super Cup Deluxe sang nhất tỉnh. Vụ ấy Hòa Đen kiếm được một mớ khá, lại được mời thêm bữa rượu túy lúy, nên vẫn âm thầm phục Bút là tay nhiều tiền, chơi được. Hết thời đổi hàng nông sản xuất khẩu đi Đông Âu, Hòa Đen xin chuyển được sang Hải Quan, xuống Đội liên ngành số 4. Hắn làm hăng lắm. Dân buôn lậu hàng Tàu dọc đường từ biên giới về khét tiếng hắn. Bút lên chơi. Gặp. Rủ đi uống rượu thịt chó trên ngã ba Quán Thành, bảo:
- Tôi có mấy thằng em chuyên đánh hàng Tàu về, qua địa bàn ông lơi tay cho chúng cái. Làm ăn được chúng nó hậu tạ đầy đủ.
- Ông đã có lời thì xong ngay. Cơ mà tôi với ông hợp đồng thế này: Thằng nào đi chuyến nào, lúc nào thì ông a lô tôi, báo cả số xe. Tôi gọi vào đóng ít tiền làm phép, cấp cho cái giấy thoải mái chở hàng về Hà Nội mà bán.
Nghe Hòa Đen nói, Bút chợt nảy ra một ý. Tối hôm ấy, tay buôn xuống. Thày Bút bảo hắn:
- Xong rồi. Mỗi chuyến cứ gặp Hòa Đen nộp cho đủ. Ta cấp cho một cái “lệnh”, đốt đúng giờ mới linh. Đốt xong xuất phát ngay. Sẽ có cả thiên tướng âm binh đi theo phò trợ. Mọi việc sẽ thông đồng bén giọt. Nhất bản vạn lợi.
Nói rồi thày Bút lấy trong ngăn kéo ra một tờ giấy dó mua trên làng Đông Hồ, có in hoa văn rồng phượng và một cái hình bát quái ở giữa. Thày múa bút vẽ nhoằng nhoằng năm cái hình trông như năm con nòng nọc đang bơi, rồi chú bên dưới dòng chữ: Đốt lúc 0h5’ đêm, ngày… tháng… năm…, hướng nam. Xong xuất phát ngay. Thày còn cẩn thận mở một cuốn sổ ghi chép lại.
Tay buôn cầm tờ lệnh của thày Bút về, lòng khấp khởi. Y như rằng, hắn thắng một quả lớn. Nộp tô thuế cho Hòa Đen đầy đủ. Lại về phủ thày Bút làm lễ tạ hậu hĩ. Chuyện này tức khắc lan truyền trong giới đánh hàng Tàu từ biên giới về. Các tay buôn nô nức đến phủ nhà thày Bút làm lễ xin “lệnh”.
Một đồn mười, mười đồn trăm. Không những cánh buôn tỉnh Bắc mà cánh đánh hàng Tàu cả nước đều đổ về xin lệnh. Xe lớn xe bé đỗ kín đường Làng Cùng. Thày Bút và cánh Hòa Đen tha hồ thu hoạch. Thế rồi các tay buôn lại kéo theo cánh quan chức đến hầu lễ tại phủ thày Bút và cũng xin “lệnh”. Thì ở nước mình thời ấy kinh tế đang mới mở cửa, nhiều sự nhập nhèm, pháp luật chưa có. Nhiều sự chỉ dựa vào “nghị quyết” và “chỉ đạo” cảm tính của quan chức. Cánh kinh doanh buôn bán vốn thính nhạy, cảm ngay thấy được cần phải đầu tư vào mối quan hệ với các quan chức đương thời. Còn cánh quan chức thì danh nghĩa lương ba cọc ba đồng chả đủ ăn nói gì đến ăn chơi nhảy múa nên rất cần tiền. Nhưng mà không thể thò tay vào công quỹ mà lấy ra tiêu được. Bèn kết hợp cùng với cánh kinh doanh “đánh quả”, lời lãi cùng chia. Thế là quan chức gắn với cánh kinh doanh như hình với bóng. Thành một đội thân thiết lắm. Đi ăn đi chơi đều có nhau cả. Đến đi lễ ở phủ điện thày Bút cũng rủ nhau, vì lễ xong, xin “lệnh” xong là rượu chè xả láng. Vui. Thế quái nào mà mấy tay quan chức làng nhàng sau khi xin được “lệnh” của thày Bút về thì bỗng lên vùn vụt. Có tay còn vào thẳng nhà đỏ, chân đầu lĩnh.
Tin đồn phủ của thày Bút linh thiêng, tài thông thiên địa, huy động được cả thiên binh thiên tướng cùng ma vương quỷ sứ lan ra khắp nước. Lộc thánh tự đâu bỗng nhiên đổ về như nước, khiến lắm lúc thày Bút cũng thấy hơi bàng hoàng. Đêm nằm, tự trấn tĩnh mình và nghĩ kế sao cho toàn vẹn lâu dài. Thày Bút biết rằng cái đống lộc thánh kia nó cũng như là một cơ may không giải thích nổi trong cuộc đời, y như năm xưa cú ngã định mệnh của Tĩnh Khùng đã mang lại vận may cho mình. Tự dưng đang là chủ một phủ điện thờ mẫu nhỏ, chưa có tiếng tăm gì, bỗng chốc danh tiếng nổi như cồn, vút lên tầng cao. Lừng danh là thày tâm linh cao tay nhất vùng. Hơi choáng. Nhưng vốn là người thính nhạy, thày Bút thích ứng được ngay. Thày Bút bắt đầu chiêu tập đồ đệ. Gồm các nam nhân và nữ tử. Thày nói với đồ đệ rằng, phàm những người làm thày, đều có căn số từ kiếp trước, nhưng phải đến thời ấy, khắc ấy mới hiển. Cũng có người do tu tập mà nên. Có người từ lúc sinh ra đã mang trong mình sứ mệnh, kiểu như là căn quả từ kiếp trước… nên tự khắc đến lúc nào đó giác ngộ thành đạo. Đạo Phật thì gọi là Sát na, ấy là sự đốn ngộ. Ta chính là người như thế. Thời buổi bây giờ nhiễu nhương loạn xạ, trắng đen thật giả lẫn lộn nên phải có một bậc chân nhân thiên giáng xuống để dẫn dắt chúng sinh qua cõi mê loạn của thế giới hiện thời. Thế giới hỗn mang này vốn gồm ba thứ loài: Thần tiên, con người và ma quỷ trộn lẫn với nhau, hầu như không có ranh giới. Thần tiên phạm lỗi thì thành con người. Con người phạm lỗi thì thành ma quỷ. Ma quỷ tạo phúc cho thế gian thì lại thành con người. Vòng tuần hoàn cứ thế, quỷ bắt chước người, người bắt chước thần tiên. Mọi sự hỗn mang không phân biệt được. Chỉ một bậc chân nhân tuân theo Thiên Đạo, hiểu được ý tứ của Đức Thượng Thiên mới dẫn dắt chúng sinh ra khỏi cái mớ hỗn mang đó mà hưởng kiếp thần tiên mãi mãi. “Ta đây chính là Chân Nhân Tiên Sinh. Chân Nhân của làng Cùng từ ngàn xưa nay tái sinh. Các ngươi theo ta phụng thờ Đức Thượng Thiên, tìm lại Thiên Đạo sẽ được ngài ban cho an lành cực lạc ngay nơi trần thế” .
Trong một buổi thuyết pháp tại phủ điện thờ mẫu, thày Bút đã tuyên vậy.
Phủ thờ thánh mẫu của thày Bút bỗng dưng nườm nượp con nhang đệ tử đến theo hầu. Không cứ tuần rằm mùng một, mà hầu như ngày nào cũng có vài giá đồng tại điện. Voi giấy, ngựa giấy, vàng mã từ trên Đông Hồ chở xuống liên tục. Lò đốt mã mà thày đã sai xây riêng ra góc vườn đỏ lửa suốt ngày, khói nghi ngút như lò gạch hợp tác xã ngày xưa.
Thày Bút bỗng tự thấy mình tài giỏi thật. Thày nghĩ mình đúng là sứ giả nhà trời chọn để truyền ý đấng tối cao cho chúng sinh. Thày bắt đầu ăn mặc đi đứng nói năng như thần nhân. Thày bắt người nhà, từ kẻ ăn người ở, đến bốn bà chị cùng vợ là cô Ly và vợ không chính thức, bà Hạnh Thục cho đến cả con nhang đệ tử xưa nay vẫn theo hầu Mẫu tại phủ điện của nhà, phải thưa bẩm với thày như là đang lên đồng hầu thánh Mẫu. Một điều “Bẩm thày” hai điều “Bẩm thày”, cung kính hết mực.
Thày Bút cho đập ngôi nhà gỗ nhỏ cũ bên nhà bà Hạnh Thục đi, xây lên tại đó một ngôi biệt thự ba tầng, mỗi sàn hơn trăm mét vuông, to nhất làng Cùng. Ngôi nhà cổ năm gian của các cụ để lại, chỉ để làm phủ thờ thánh mẫu và tiếp khách thập phương.
Hai tầng dưới nhà rộng mênh mông được thày Bút thuê thiết kế thành nơi ăn ở hết sức tiện nghi hiện đại cho bốn người, người nào cũng có phòng riêng: Phòng Thày Bút, phòng Ly, phòng bà Hạnh Thục và phòng riêng của quí tử Văn Vở. Cô con gái Ly Lan là con riêng của Ly với chồng trước thì đã được thày Bút gửi sang du học bên Anh từ lâu. Bút vốn vẫn yêu chiều Ly Lan từ bé coi như con đẻ. Thậm chí còn hơn cả con đẻ. Bất kỳ điều gì Ly Lan yêu cầu đều được đáp ứng vô điều kiện. Có lúc Ly đã lấy làm khó chịu, nói: “Em không hiểu tại sao anh lại chiều nó như vậy, không cẩn thận sinh hư”. Bút bảo: “Anh đã hứa với cha đẻ nó, không thể làm khác. Anh không muốn nó cảm thấy thiệt thòi”. Nên khi Ly Lan đòi đi du học nước ngoài, Bút chiều ngay.
Trên tầng ba của ngôi biệt thự, thày Bút cho làm một cái sảnh rộng, thiết kế một cái vườn treo. Rồi thày cho mua rất nhiều phong lan về bày. Lại cho làm một giàn tưới phun sương tối tân để tiện chăm sóc. Hàng ngày thày mặc quần áo lụa đặt may mãi Hà Đông, cầm một chiếc kéo nhỏ đi loanh quanh tỉa tót, trông rất là tao nhã và cao sang, đúng như phong cách của các bậc tiên nhân đắc đạo. Việc ấy chỉ do tự tay thày Bút làm, rất ít người được cho phép lên tầng ba.
Đám con nhang đệ tử nói rằng, trên tầng ba của ngôi biệt thự ấy còn có một gian “mật thất”, nơi thày tu luyện pháp thuật và chuyện trò giao lưu với thượng đế thần linh ma quỷ các kiểu. Chỗ ấy không ai vào được nếu không có thày dẫn. Tự tiện xông vào, âm binh quỷ sứ canh cửa xông ra vật bổ ngửa làm cho mê mẩn tâm thần ngay lập tức. Ngay các chiến hữu ngoài đời thân thiết nhất của thày cũng chưa từng được vào “mật thất”. Thày bảo đó là nơi chỉ dành cho những đệ tử được thánh chọn, cùng thày thực hành tu tập, lập phép thông thiên địa. Là nơi giao lưu của tam giới: Thần tiên – Con người – Ma quỷ.
Thế nhưng dân làng Cùng lại đồn rằng, gian “mật thất” ấy chẳng qua là nơi Thày Bút tu hú cùng với các nữ đệ tử, tránh mặt bà vợ chính thức và bà vợ không chính thức. Thực ra, có vài lần hai bà đã định nổi loạn, đòi lên “mật thất”. Thế nhưng thày lập tức ra tay, nghe nói xuất cả đòn “âm” nên hai bà chịu một phép, không dám ho he gì nữa.
Phủ điện thờ mẫu của nhà thày Bút vốn vẫn nổi tiếng từ thời cụ Đồ Sách, ông Thống Nghiên cho đến nay. Vốn đã có rất nhiều con nhang đệ tử theo hầu. Nay hình như càng đông hơn. Mà trong đó lại có rất nhiều cô nhiều bà còn xuân sắc nồng nàn. Thế mà không hiểu tại sao cứ tháng đôi lần lại phải ngưng cả việc chợ búa, làm ăn để đến phủ điện thày Bút hầu vài giá đồng rồi lại mới yên tâm được. Các bà các cô ấy bảo, họ có căn hầu thánh, nên khi gặp thày Bút, thật như cá gặp nước. Và nhất là khi các bà các cô ấy đong đưa xong với Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bé Bơ Thoải Phủ hay Ông Hoàng Bảy, Ông Hoàng Mười, được thày Bút mời lên gác ba, thưởng trà, thưởng lan. Cùng đàm đạo về phép thiền của Mật Tông rồi vào “mật thất” tu tập luôn. Xong bà nào cô nấy đều tươi hơn hớn, đi như bay trên chín tầng mây, về nhà mà hồn chỉ tơ tưởng đến “mật thất” và phép tu tiên tuyệt đỉnh của thày.
Về sau này có một cô đã từng tốt nghiệp đại học, người Hà Nội gốc, xong ở nhà mở sạp bán vải trong chợ Phùng Khắc Khoan, làm ăn rất tốt, gia đình chồng con đề huề, thế mà bỗng dưng năm ba mươi bảy tuổi, cô ấy theo mấy tay buôn hàng chuyến về phủ nhà thày Bút hầu mẫu. Thế rồi tháng nào cũng phải về hầu vài giá đồng. Suốt mấy năm ròng. Thế mà rồi bỗng dưng một hôm cô ấy lại bỏ đạo tu tiên với thày Bút. Cứ như người tỉnh giấc ngủ mê, cô ấy bảo: “Lạ làm sao có lúc mình lại mê muội thế cơ chứ. Bỏ bẵng cả chuyện làm ăn buôn bán. Bỏ bê cả con cái. Suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện tu tiên trong mật thất”. Cô ấy kể…
T.T.C.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Với đa số loài vật, chúng chỉ giao hoan với nhau vào mùa động dục. Còn với con người, không có mùa nào cả. Hoạt động tính dục của người nam với người nữ diễn ra mọi nơi mọi lúc.
Người gửi / điện thoại
Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine sulfat là một loại thuốc chống sốt rét có nhiều tác dụng phụ. Ngày xưa khi ngành Dược còn phân bảng, thì nó được xếp trong nhóm thuốc độc bảng B.
Bệnh thời khí, là bệnh phát sinh theo thời tiết khí hậu. Hoặc dân gian còn gọi đơn giản là bệnh theo mùa.
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...