Ở giữa làng Hà Vĩ có một cái đầm sen to.
Giữa đầm sen là một khoảng nước xanh đen, rìa nước cạnh bờ mọc rất nhiều sen. Về mùa hạ, sen nở đỏ, thơm ngát xung quanh. Cả làng hái mang về ướp trà đãi khách. Bọn trẻ con lội xuống đầm, đào lên những cái ngó sen trắng muốt, giòn tan, ngọt thanh khi bỏ vào mồm nhai rau ráu.
Quanh đầm là nơi cư ngụ của bốn họ trong làng: Họ Trần, họ Đặng, họ Lý, họ Dương. Làng cũng chỉ có bốn họ. Kẹt trong đó, ở cái doi đất nhô hẳn ra khỏi bờ đầm là nhà của mõ Tú, giữa khu nhà họ Trần và họ Đặng. Chuyện mõ Tú làm nhà trên rẻo bờ tre, cạnh đầm sen nguyên do là bởi cụ Trần. Hồi cụ làm lý trưởng thì vợ chồng nhà Tú ở đâu lang bạt đến làng, xin cụ chân làm mõ, đúng lúc làng khuyết chân này. Ở làng, mõ là cái chân hầu hạ, sai vặt của chức dịch, bị khinh thường nhất, nên những nhà bình thường chả ai nhận làm. Vợ chồng nhà Tú không biết ở đâu dắt díu nhau đến xin, cụ Trần ưng cho, cụ lại còn cắm cho cái rẻo bờ tre bên cạnh để vợ chồng nhà mõ Tú làm túp lều, có việc gì tiện gọi sai bảo. Chuyện này mới đầu cũng không sao, không thấy ai trong làng nói gì, nhưng sau đó cũng thành ra thị phi. Là vì con Tuyết, vợ mõ Tú hồi mới theo chồng đến làng thì đang có chửa, xanh xao gầy guộc, người dài như cây cau. Nhưng sau khi đẻ con xong, nó lại béo tốt mỡ màng, đẹp hẳn ra. Chiều đến nó điềm nhiên ngồi trên cái cầu bằng tre bắc nhô ra mặt đầm sen, cởi trần dội nước. Mà nó thì trắng, trắng nhễ trắng nhại. Bộ ngực đàn bà đang cho con bú của thị rung rinh, rung rinh theo nhịp khoát nước. Cái chuyện đàn bà tắm trần ở đầm sen thì có gì lạ đâu, cả làng đều thế cả. Nhưng mà sao những lúc con mẹ Tuyết tắm thì cụ Trần, cụ Đặng, cụ Lý, cụ Dương, cụ nào cũng bắc ghế ra ngồi ngoài sân thưởng trà sen, nhưng mắt thì xéo hết cả về bên cầu ao nhà mõ…
Cái đầm sen ấy không bao giờ cạn nước.
Theo như người làng Hà Vĩ nói, đầm có mạch nước thông với ngoài sông cái, nên không tát cạn được. Một năm cánh bên họ Dương nắm chức lý trưởng, huy động cả làng bắc gầu sòng, gầu giai ra tát, nói bắt cá bán lấy tiền sửa đình. Tát đến đâu thì cái khoảng nước xanh đen giữa đầm lại sủi bọt đùn nước lên đến đấy. Làng tát ròng rã cả tháng trời mà không thấy hao đi phân nước nào, đành bỏ cuộc. Từ lâu, trong vùng vẫn âm thầm có một tin đồn nói rằng, cái đầm sen ấy chính là miệng của long thần. Nhà nào mà chiếm được, đưa mả tổ vào đặt thì thế nào cũng phát nghiệp đế vương.
Khoảng nước xanh đen giữa đầm ấy không có sen.
Là vì sâu quá, sen không mọc nổi. Làng bên sông lớn, có nhiều tay bơi lặn giỏi nhưng cũng chưa có tay nào lặn được xuống đáy. Những buổi sớm mai, hơi nước bốc lên mờ mịt ở giữa đầm. Theo như các cụ cao niên nói thì đấy là hơi thở của một ngài thần ngư, ngài ngự ở sâu đáy đầm. Thỉnh thoảng, ngài theo long mạch ra ngoài sông cái du ngoạn, chán rồi ngài lại về ngụ dưới đáy đầm cho yên tĩnh. Buổi sáng tinh sương ngài hay trỗi dậy, lên mặt nước hít thở cho khoan khoái, hơi nước từ miệng ngài toả ra trắng như mây, phủ kín mặt đầm. Những đêm trăng tròn, ngài ngư hay lượn lờ ngắm trăng, ánh trăng vàng chiếu vào đôi mắt của ngài, phát sáng rực như hai vì tinh tú, sáng rỡ cả khoảng nước ngày thường vẫn xanh đen. Nhưng mấy tay đàn ông đang thời sung mãn trong làng không tin lời các cụ. Bọn họ hay nói với nhau là, nước sâu thì sẽ có cá lớn, nếu mà vớ được cụ ngư ấy là đổi đời, xả ra bán được đống bạc. Còn cái bộ lòng mề, bong bóng, xào lên uống rượu thì đã đời. Một tay thuyền chài bên họ Lý, buổi sớm mai dong thuyền, lách sen ra giữa đầm buông lưới. Đang mải mê, bỗng thấy từng bong bóng nước to như cái bát đại theo nhau sủi ùng ục. Rồi một đầu cụ cá chép đen bóng, lớn như cái thúng, mắt đỏ đọc, râu ria dài, nhô lên, miệng ngáp ngáp như muốn hỏi tay chài thích gì. Tay này sợ quá, đái tồ tồ ra thuyền. Cả cuộc đời đánh cá khắp sông hồ trong vùng, chưa từng thấy một cụ cá chép nào uy nghi như thế. Y mất vía, vội vàng đánh thuyền vào bờ, bỏ cả lưới. Từ đấy trở đi, không ai dám nghĩ đến việc ra giữa đầm bắt cá nữa.
Làng Hà Vĩ này bốn họ thay phiên nhau làm lý trưởng.
Hồi đến phiên họ Đặng, không biết cụ lý Đặng lấy đâu ra được cái văn tự cổ, đọc lên ở đình làng cho chức dịch nghe là đầm sen thuộc quyền cai quản của cánh nhà họ Đặng. Các cụ cao niên bên cánh họ Trần, họ Dương, họ Lý dứt khoát không chịu. Họ nói từ ngàn đời nay, cái đầm sen vẫn là của chung cả làng. Sen cả làng cùng lấy ướp trà. Cùng câu con rô con giếc kiếm thêm. Cùng tắm nước đầm thơm mát. Tự cổ xưa đã thế. Nay cũng thế. Không cớ gì mà ai chiếm làm của riêng được. Cãi nhau ỏm tỏi cả buổi mà chả đâu vào đâu. Đến lúc mõ Tú làm cỗ xong, ngồi đuổi ruồi mãi đâm chán, phát khùng lên: “Các cụ cứ cãi nhau mãi, bỏ cỗ không ăn thì để nhà cháu mang tất về cho chó nó xơi nhé”. Thế mới tạm hoãn cãi nhau, quay ra uống rượu. Nhưng trước khi ngồi xuống chiếu, các cụ cũng lừ mắt với mõ Tú: “Mày đừng có láo quen”
Thật ra, mới đầu mõ Tú rất ngoan, không láo thế.
Mõ Tú là dân ngụ cư, nghe nói vì cái chuyện tình duyên ngang trái gì đấy mà phải từ tít Sơn Nam hạ dạt lên đất này. Hồi đầu nhà mõ ngoan lắm, lý trưởng, kỳ hào chức dịch trong làng có công to việc lớn, vợ chồng mõ đến hầu hạ từ sớm. Nhà chả có tấc đất cắm dùi, không làm thuê làm mướn, không hầu hạ người ta lấy miếng đút miệng thì làm cái gì? Được cái dân làng Hà Vĩ cũng phóng khoáng, vợ chồng mõ cứ hầu hạ cơm rượu cho các cụ xong xuôi là được cho nguyên mâm cỗ ngồi một góc mà chén. Xong không ăn hết thì cho vào bị mang về, mai vợ chồng con cái bỏ ra chén tiếp. Rồi thành lệ, cứ mõ là một mình một cỗ, không chung với ai. Mà thật sự cũng chả có ai trong làng hạ cố ngồi chung mâm với mõ. Dù trong bụng nhiều ông thèm rỏ rãi khi thấy thằng mõ một mình một mâm, còn mình, bốn cụ mới có một cỗ. Các cụ đành nuốt nước bọt, rủa thầm trong bụng “thật đúng là cái đồ tham như mõ”. Thế nhưng cũng oan cho nhà mõ, là cái lệ làng, mõ một cỗ riêng chứ có phải mõ dám đòi đâu…
Thấm thoắt mõ Tú đã đến ở làng Hà Vĩ đủ cả bốn đời lý trưởng, của bốn họ. Ở gần hầu hạ các cụ nên nhiều khi đâm ra hỗn. Thì gần chùa gọi bụt là anh mà lại. Nhưng các cụ thường không chấp thằng mõ. Chấp nó thì chẳng hoá ra mình ngang với nó à? Nghe dân làng nói thì cụ nào cũng nhằm hôm trăng thanh gió mát, thằng bố mõ đi làm thuê chưa về, sang nhà gửi gắm con mẹ Tuyết một tí. Thế nhưng cũng chả thấy con mẹ Tuyết chửa đẻ thêm lần nào nữa, chỉ có mỗi đứa con gái. Mà con bé ấy, năm nay có khi cũng tới kỳ cập kê, giống mẹ nước da trắng bóc, giống bố cái đôi mắt to. Mái tóc thì mềm mượt đen nhánh. Con nhà mõ mà đẹp lạ, dáng vẻ yêu kiều như công chúa trong cung cấm. Nó cũng hay tắm trần trên cầu tre bắc ra đầm sen, nhưng nó chỉ tắm đêm. Những đêm tối trời, mỗi khi Hoàng My ra cầu ao dội nước - tên con bé ấy là My, còn họ Hoàng thì thực ra bố nó cũng không biết là có đúng không. Chỉ vì khi vào sổ làng cho nó, cụ lý hỏi họ gì, bố nó nhớ mang máng hình như mình họ Hoàng, nên khai thế - Thì cả cái rẻo bờ tre xen giữa nhà họ Trần và nhà họ Đặng ấy dường như bừng lên, có một vầng sáng hư ảo lung linh toả ra từ bờ đầm, và hương sen thì dậy lên thơm ngát cả làng. Những đêm trăng sáng, ánh trăng hoà vào trong nước đầm sen, thành như một dòng suối bạc chảy tràn trề, chảy giãi dề từ đầu tóc, xuống ngực, xuống bụng, xuống hông. Dòng nước bạc lấp lánh vuốt ve cặp đùi thon thả trắng loá của My. Bọn trai trẻ trong làng nhìn thấy, thằng nào cũng mê mẩn. Chúng bảo Hoàng My đẹp như bức tượng Ngọc Nữ bên chùa Dâu vậy. Nghe bọn trai ngồi kháo nhau ở sân đình, các cụ mắng cho là bọn hư thân mất nết, con nhà mõ danh giá gì mà dám đem so với tiên với phật. Các cụ gọi mõ Tú ra đuổi bọn ấy về, đóng cổng đình lại để cho các cụ còn bàn việc làng. Việc làng đang kỳ khẩn cấp.
Là có chuyện thế này.
Sau cái hôm họp làng mà lý Đặng đứng ra dõng dạc tuyên bố đầm sen là của nhà họ Đặng, có văn bằng chiếu chỉ hẳn hoi. Thì mấy hôm sau, cụ Trần cũng lôi ra ở đâu một bản văn tự cổ, có cả triện vuông áp vào, viết rõ ràng là đầm sen thuộc về họ nhà Trần. Nhưng mà bên họ Lý họ Dương cũng không kém cạnh, cũng lấy đâu ra một đống giấy tờ, lại kèm cả bản đồ địa bạ vẽ rõ đầm sen là của bên nhà họ. Mọi việc rối tinh, các cụ trong làng họp ngoài đình suốt đêm, cãi nhau quá mổ bò mà rồi cũng không đâu vào đâu cả.
Cánh trẻ trong làng thì bảo, các cụ làm gì phải cãi nhau là của họ này hay của họ kia. Cái đầm sen có từ thời thượng cổ, từ lúc chưa có làng Hà Vĩ, chưa có họ Trần, họ Lý, họ Đặng, họ Dương. Lúc đấy thì có văn bằng chiếu chỉ nào mà bảo của ai? Thôi cứ để đấy làm của chung, sen cùng ngửi, cá cùng bắt, nước cùng tắm, sao cứ phải cãi nhau của ai của ai.
Nhưng ý kiến của cánh trẻ trong làng bị các cụ bô lão mắng át đi ngay. Rằng cứ như chúng mày thì đến mồ mả tổ tiên cũng mất nốt không chừng. Bọn trẻ chả tiếp lời các cụ nữa. Chúng lại rủ nhau tảo quanh bờ đầm trêu lũ con gái trong làng ra tắm trần bên đầm sen vui hơn. Chúng rình cô nào hớ hênh, để áo váy xa người, lấy cành tre khều trộm chạy mang đi mất. Có hôm tối trời, không may vơ ngay áo váy của bà nạ dòng, bà ấy điên lên, cứ thế đứng nồng nỗng, vỗ đen đét bên bờ đầm chửi vắt nóc cả lũ. Khiếp vía. Nhưng mà vẫn vui. Thế nhưng cũng chả vui được lâu. Kỳ hào chức dịch trong làng cãi nhau bất phân thắng bại, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Họ nhà nào cũng khăng khăng đầm sen là thuộc về họ nhà tao. Hết đấu khẩu sang luôn cả đấu võ, bát đĩa, cốc chén bay vèo vèo trong đình ngoài sân. Khổ thân nhà mõ, vợ chồng con cái dọn một ngày đẫy mới xong.
Họ Đặng về họp họ. Nói quyết phải lấy cái đầm sen làm hương hoả họ mình.
Họ Dương cũng họp. Cũng nói nhất quyết cái đầm sen là phải thuộc họ mình.
Họ Trần, họ Lý còn ghê hơn, triệu tất cả trai đinh lại tuyên bố, bằng mọi giá, kể cả đổ máu, cũng phải chiếm cái đầm làm của riêng họ mình.
Họ nào cũng cử người có chữ đi kiện quan trên. Còn bọn trai tráng ở nhà, bị gọi đến nhà thờ họ ngồi nghe các cụ giảng cách bày trận, dụng võ. Có cụ còn dẫn cả thế quay lưng ra sông, thế ỷ dốc của ông Gia Cát Khổng Minh bên nước Tàu để dạy bọn tráng đinh.
Cả làng chả ai lo làm ăn gì. Lúa chín đổ rạp ngoài đồng không ai gặt. Ngô chín già bên bãi để chuột gặm, chả buồn đi thu. Họ nào cũng nói, chiếm xong cái đầm sen về cho họ mình thì không ăn cũng no.
Quan trên tiếp bốn cái đơn kiện của bốn họ trong làng. Ngài cưỡi ngựa về, đi rảo một vòng, chọc cái gậy tõm tõm xuống đầm. Rồi vào nhà thờ của cả bốn họ, đánh chén bốn hôm liền, nhận bạc, đi. Không thấy nói gì. Đợi mãi cũng chả thấy quan phán gì. Dân làng bảo quan chén cả bốn cục một lúc nên chật mồm, không há ra phán được câu nào đâu, thôi, việc mình mình lo. Thế là họ nhà nào cũng ra sức bắt trai đinh tập võ, rồi ngấm ngầm chuẩn bị giáo mác, gậy gộc. Họ nào cũng mang hết cả vũ khí của thập bát ban võ nghệ, bày trên bàn thờ tổ ra lau lại sáng bóng, phòng khi dùng đến. Cả làng nhà nào cũng âm thầm lo lắng, cứ thế này thì đánh nhau to đến nơi chứ chả bỡn được. Làng cũng có vài tay đi ra ngoài kiếm ăn, về qua làng, thấy thế bèn hỏi tình đầu. Nghe các cụ nói, mấy tay ấy gật gù ra vẻ hiểu biết của người đi ăn cơm thiên hạ, bảo rằng, đúng là nên giành lại cái đầm. Vì cái việc này nó liên quan đến thể diện của họ nhà ta. Mà họ ta vốn rất vẻ vang, xa xưa có rất nhiều người hiển hách. Cho nên kể cả chỉ là một gáo nước lã ở đầm cũng phải giữ lấy. Mấy tay ấy lại bàn, muốn thắng được thì phải chuẩn bị vũ khí. Ngoài kinh thành, chỗ phố Sinh Từ là nơi chuyên rèn đao kiếm. Triều đình vốn cấm buôn bán hàng này, nhưng vì họ nhà mình con xin liều một chuyến. Thế là các cụ lại đổ bạc ra giao cho mấy tay ấy sắm thêm đao kiếm. Chuyện bốn họ sống mái với nhau một trận chắc chỉ còn đợi giờ khai đao. Nhưng mấy tay buôn đao kiếm ấy không ở lại làng, đi lúc nào cũng không ai biết. Người làng có việc qua kinh thành, thấy dân tình trên đó nói là mấy tay quê gốc làng Hà Vĩ, vừa vớ được món bẫm, mua thêm mấy cái nhà ở cửa Đông.
Nhưng đúng lúc ấy thì xảy ra một chuyện.
Chuyện liên quan đến Hoàng My. Như đã kể, My là con gái duy nhất của vợ chồng mõ Tú. Vì có mỗi đứa con nên vợ chồng nhà ấy cưng lắm, từ bé đến lớn chỉ ở nhà ngắm hoa sen ngoài đầm. Đi hầu người ta ở hội hè đám xá, vợ chồng đều gom góp cất giấu những miếng ngon mang về cho con. Hoàng My càng lớn càng xinh. Năm ấy My đã mười bảy tuổi, theo như lệ làng thì vào tuổi ấy, các cô gái đã yên bề gia thất từ lâu. Nhưng vì nàng là con nhà mõ, danh phận hèn hạ thấp kém, bị khinh ghét nhất làng, nên chả có nhà nào đến hỏi. Con trai cả làng đều thích Hoàng My. Tay trai nào nhìn thấy một lần cũng chạy về khăng khăng đòi bố mẹ đến hỏi My làm vợ. Tay nào cũng bị bố vác gậy nện, bị mẹ chửi cho là “con gái làng này chết hết rồi hay sao mà mày phải lấy con nhà mõ”, rồi túm tay lôi đi lấy ngay cho cô vợ, thế mới yên. My chả biết đến những việc như thế, ngày ở nhà, nàng quét dọn, trồng rau, nấu cơm đợi bố mẹ về ăn. Tối nàng ra tắm trên cái cầu bằng ba cây tre mà bố nàng chặt, rồi ghép lại, bắc chìa ra phía ngoài mặt nước. Nàng cứ vô tư dội nước rồi vào nhà đi ngủ. Nàng cũng chả để ý đến những ánh mắt khát thèm của lũ trai làng Hà Vĩ. Nàng lại càng không biết đến những lời đồn thổi về nhan sắc của mình đã lan xuống tận ấp Đông Bình…
Ấp Đông Bình cách làng Hà Vĩ một cánh đồng rộng.
Ấp này là của quan thượng thư bộ binh Lê Doãn, ngài vốn là người cùng với tiên đế dựng cờ khởi nghĩa. Thành công, ngài được tiên đế ban cho ba ngàn mẫu ruộng lập ấp, hưởng lộc. Ngài chỉ có một con trai duy nhất là cậu ấm Bình, năm ấy ngoài hai mươi, còn mải chơi chưa chịu lấy vợ. Cậu ấm Bình nghe đồn trên làng Hà Vĩ có cô gái xinh đẹp. Đẹp đến nỗi những đêm nàng ra tắm, trăng sao mờ hết cả. Ấm Bình một tối băng đồng lên làng Hà Vĩ, đứng bên kia bờ đầm nhìn sang, quả đúng như lời đồn. Thấy dường như có một khối bạch ngọc sáng rực trong đêm và một mùi hương thơm thanh khiết tỏa ra mê man cả vùng đầm rộng lớn. Cậu ấm ra về, ngẩn ngơ không thiết gì sự đời, một hai đòi bố lên làng Hà Vĩ hỏi Hoàng My về làm vợ. Ông binh bộ thượng thư nổi trận lôi đình. Không có cái chuyện ngược đời, rau ghém làm đình được nhé, nhà danh gia vọng tộc, có cờ biển vua ban mà lại đi thông gia với nhà cùng đinh trong thiên hạ là sao. Không. Nhưng Bình không quên được Hoàng My. Ám ảnh về ánh trăng rời rợi chảy tràn trề trên tấm thân ngà ngọc của nàng, khiến Bình hàng đêm không ngủ được. Cả trong những giấc mơ, Bình cũng chỉ mơ về Hoàng My. Đến hôm không thể chịu nổi nữa, Bình gọi hai tay trai trong ấp, vừa là bạn bè trang lứa, vừa là thủ túc, tối cùng mình băng đồng lên làng Hà Vĩ bắt cóc nàng về làm vợ, mặc mọi sự đời.
Nhưng thật không may cho Bình, khi cùng hai thuộc hạ lần vào chỗ Hoàng My ngồi tắm, trùm lụa vào người nàng bó chặt lôi đi thì bị mấy tay trai trong làng nhìn thấy. Bọn ấy chạy ra kêu có người ăn cướp. Đám trai mang gậy gộc đuổi theo đến giữa cánh đồng thì bắt được. Một trận đòn hội đồng trong đêm thẳng tay giáng xuống ba thày trò ấm Bình. Lúc họ ngơi tay thì cả ba đã ra ma rồi. Nếu chỉ là mấy thằng trai làng đi ve gái rồi bị đánh chết thì quan nha cũng không làm to chuyện lắm. Chỉ cần làng đứng ra lo lót là xong. Đằng này, con một ông khai quốc công thần, lớn chuyện rồi. Dân làng Hà Vĩ sợ hãi, chưa biết tính sao thì chiều hôm sau quan quân, ngựa xe, cờ xí gươm giáo rợp trời, chiêng trống ầm ĩ vây kín làng. Một con ruồi cũng không bay lọt. Thì ra thấy cậu ấm con quan tứ trụ triều đình bị đánh chết, nha lại địa phương sợ bị tội lây, bèn làm sớ tâu lên là dân làng ấy định làm phản. Triều đình lập tức sai quân về trấn áp. Đích thân thái tử con vua lĩnh ấn tiên phong dẹp loạn. Quân lính xông vào làng bắt trói khám xét, thấy cơ man nào là giáo mác, gậy gộc. Lại còn vẽ cả địa đồ, đích thị là lập bè đảng mưu phản triều đình. Lập tức lệnh ban ra: huỷ diệt cả làng. Già trẻ gái trai làng Hà Vĩ hơn nghìn, bắt giết không để sót mống nào. Đàn ông chém đầu, đàn bà chém ngang lưng, trẻ con đập chết. Tất cả ném xác xuống đầm sen rồi phóng lửa đốt san phẳng làng cho tiệt mầm nghịch tặc. Lửa bùng lên trong ánh chiều nhập nhoạng. Cả làng chìm trong biển lửa. Lửa đỏ rực màu máu, điên cuồng, hung hãn. Lúc ngọn lửa cháy bùng từ mấy gian nhà gianh của vợ chồng mõ Tú sang cái đống rơm cạnh đấy thì có một bóng người con gái vùng chạy thẳng ra đầm sen. Thì ra là Hoàng My. Nàng bị bắt cóc hụt từ tối hôm qua, sáng nay, nàng chui vào đống rơm nằm khóc một mình rồi ngủ quên. Cái đống rơm mà cha mẹ nàng khi vào mùa gặt phải đi xin mỗi nhà trong làng một ít, vì nhà không có ruộng, để dành nấu cơm, dặm mái nhà. Cái đống rơm ấy là chỗ nàng vẫn tha thẩn ngồi chơi với con mèo, con chó mỗi khi cha mẹ vắng nhà, vì My không có bạn, nàng rất cô đơn. Chả nhà nào trong làng cho con chơi với con nhà mõ. Sáng sớm, cả bố và mẹ đã phải ra đình sớm hầu việc các cụ trên. Làng nháo nhác cả lên vì tai ương đang chực đổ đến. Nàng sợ hãi. Nàng ra chân đống rơm rúc vào nằm. Mùi rơm thơm thơm, những cọng rơm ram ráp mềm mại như vuốt ve an ủi nàng, ru nàng chìm vào trong giấc mộng. Hoàng My ngủ rất say. Cả đêm qua nàng nằm trong vòng tay mẹ mà cứ giật mình thổn thức, không ngủ nổi. Cứ nhắm mắt lại là nàng lại thấy dường như sắp có người đến bóp cổ mình, cho vào một cái bao, dìm xuống đầm sen, rồi vác, rồi lôi, rồi bùn đất sặc sụa… Nằm hai tay ôm đầu, khoanh tròn trong đống rơm, nàng thấy yên lành. Nàng không nghe thấy tiềng gào la rên xiết của cuộc tàn sát trong làng. Nàng không nghe thấy gì hết. Đến khi lửa cháy nóng quá, bén sang quần áo, nàng mới bừng tỉnh, nàng chạy thẳng ra phía đầm sen, bất chấp thân sen gai góc cào xước xé tan quần áo, bất chấp những thân thể người làng đang nằm chồng chất dưới đầm. Lửa nóng quá. Nàng vượt qua hết, lao ra khoảng nước xanh đen xưa nay đã chuyển sang màu bầm đỏ, trẫm mình xuống, chới với… Nhưng thật kỳ lạ, một cụ cá chép khổng lồ, đầu to đen bóng, mắt đỏ đọc, râu dài, nổi lên mặt nước đỡ nàng. Hoàng My nằm vắt ngang lưng ngư thần, hoàn toàn khỏa thân. Thân thể đẹp đẽ của nàng làm cho đám quan lính đang say máu sát nhân đờ đẫn buông đao đứng nhìn. Bỗng ở giữa đầm hiện ra một cái xoáy nước, mới đầu nhỏ, sau cứ to ra mãi thành một cái hố nước khổng lồ quay tít, quay tít. Cụ ngư thần cùng nàng Hoàng My trên lưng cứ lượn vòng, lượn vòng rồi biến xuống sâu đáy nước, mất tăm. Lát sau, mặt nước lại đầy trở lại, bình yên như chưa từng có sự gì sảy ra. Chứng kiến cảnh ấy, thái tử kinh sợ, vội hô quân lính rút về kinh thành, bỏ lại sau lưng cả một vùng khói lửa ngút trời.
Mùa lũ năm ấy, đê sông cái bị vỡ.
Dòng nước dữ quét ngang qua làng Hà Vĩ. Rồi nước lại ngâm mấy tháng liền. Khi nước rút, phù sa bồi lấp xóa nốt mọi dấu tích của xóm làng xưa. Không ai còn nhớ nơi đây đã từng có một ngôi làng trù phú. Nhưng đầm sen thì vẫn còn. Dường như dòng nước khi vỡ đê thúc vào, làm cho đầm sen ấy rộng ra và kéo dài vào sâu trong đồng. Vào mùa hạ, sen vẫn nở rộ đỏ chói chang, hương vẫn thơm ngát cả một vùng. Những đêm trăng sáng, người ta thấy một cụ ngư thần to lớn đen bóng, râu dài và một lý ngư trắng toát lượn lờ trên khoảng nước xanh đen giữa đầm. Ánh trăng chiếu vào đôi mắt lý ngư, phản lại một màu đỏ rực, trông như những giọt máu khổng lồ trôi miên man giữa đêm vắng…
7/2015.
TTC.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Quanh đầm là nơi cư ngụ của bốn họ trong làng: Họ Trần, họ Đặng, họ Lý, họ Dương. Làng cũng chỉ có bốn họ. Kẹt trong đó, ở cái doi đất nhô hẳn ra khỏi bờ đầm là nhà của mõ Tú, giữa khu nhà họ Trần và họ Đặng.
Người gửi / điện thoại
CocaCola là một loại nước giải khát phổ biến vào hàng thứ nhất trên toàn thế giới. Và trên thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng thời gian vừa rồi, ở Việt Nam xảy ra một vụ tranh cãi khá nực cười liên quan đến một câu trong slogan quảng cáo của hãng này.
Bộ Y tế vừa cho phép sử dụng xuyên tâm liên là một vị thuốc đông y để điều trị dịch Covid-19. Vậy cây xuyên tâm liên là gì?
Củ gừng là thân rễ của cây gừng, có tên khoa học Zingiber Officinale, họ Gừng: Zingiberaceae. Gừng là loại cây đã được dân ta trồng rất phổ biến từ xa xưa để làm thuốc và gia vị trong nấu ăn.
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Buông - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...