“Tết xưa theo mẹ sang bà
Tết nay theo đảng con ra chiến trường…”
Đó là hai câu thơ mà mãi sau này khi đổ đốn ra đi viết văn, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh được ông đọc cho nghe. Bài thơ “Tết xưa”. Tôi bỗng nhớ da diết đến cái tết năm xưa trên miền biên viễn. Tết lính. Lính trơn đúng nghĩa. Đói. Rét. Thèm khát đủ thứ. Và mông lung vô định với tương lai. Đó là dịp tết năm mới 1985, đón xuân Ất Sửu. Cái năm mà các nhà gì đó sau này của nước ta, hay gọi là “đêm trước của sự nghiệp đổi mới”. Một cụm từ rất bí hiểm. Đêm trước khi trời sáng, thường rất tối. Tối đen. Tối mò. Người vật, trời đất như trong cõi hỗn mang mờ mờ nhân ảnh…
Đầu năm 1984, tôi có quyết định xuống đơn vị chiến đấu. Tuy có hơi lo lắng, bởi từ khi vào lính đến cho lúc đó, tôi vốn chỉ ở trên cơ quan trung đoàn bộ, ban quân y. Thế nhưng vì không muốn vào biên chế sĩ quan ở lại phục vụ quân đội lâu dài nên tôi vui vẻ xuống đơn vị. Bụng bảo dạ, cũng chỉ là vài tháng trước khi ra quân mà thôi. Đi cho biết sự thật đời lính chiến trên chốt nó như thế nào, chứ đi lính biên giới phía Bắc mà cứ quanh quẩn trên cơ quan làm lính cậu mãi, cũng chán. Nghĩ thế nên tôi hăm hở khoác ba lô xuống đơn vị mới. Là một đại đội độc lập trực thuộc trung đoàn bộ nằm tít mãi sâu trong rừng. Xuống đơn vị vài hôm, tôi được điều xuống cùng một tiểu đội đi lập điểm đóng quân tiền phương trong cánh rừng già mãi giáp phía bản Suối Mi, Khuổi Thông bên Lộc Bình gì đó, dưới chân cao điểm 1005, vốn là ngọn núi cao nhất vùng đó. Lập chốt ở sườn bắc của cao điểm. Cả tiểu đội mang theo súng ống, dụng cụ quân tư trang cá nhân hành quân theo đường mòn trong rừng, men theo bờ suối để đến điểm đóng quân dự định. Bọn tôi đi miên man cả buổi hết rừng lại suối, hết trèo đèo lại đổ dốc. Thẳng về hướng Bắc. Núi ngày càng cao hơn. Có lúc tôi hoang mang quay sang hỏi tay tiểu đội trưởng: “sắp đến nơi chưa?”. Tay này biết tôi vốn là lính cậu nên nhếch mép cười đểu, bảo: “ông cứ đi đến khi nào thấy nước khe suối đá chỉ còn nhỏ tong tong như nấu rượu là tới!”. Mà dòng suối trong vắt, la liệt những hòn đá cuội đủ màu vẫn đang chảy ồn ã rì rào dưới chân. Bao giờ thì tới đây? Lòng tan nát, nhưng tôi nghiến răng xốc ba lô bước tiếp. Người ta đi được mình cũng đi được. Tôi tự nhủ thầm mình như thế.
Mãi rồi cũng tới nơi.
Nơi đóng quân trong một cánh rừng già lưng chừng cao điểm 1005. Phong cảnh tuyệt đẹp. Có lẽ nơi đây cách xa cả hai con đường chiến lược 279 phía sau, quốc lộ 4B phía trước nên rừng khi ấy vẫn còn nguyên. Gần như là rừng nguyên sinh. Những cây to vài người ôm đứng thẳng tắp. Dây rừng, cây bụi quấn quýt chằng chịt không có lối đi. Muốn tiến lên, chỉ có mỗi cách thay nhau dùng dao phát lá mở đường. Hoặc tiến dần theo lòng suối cạn, luồn lách qua những tảng đá, những cây chết đổ ngổn ngang vắt từ bờ nọ sang bờ kia của khe đá.
Tôi không kể về cuộc sống của đời lính ở trong rừng già năm ấy, xin khất một dịp khác. Bởi tuy ở trong những cái lán tự tạo, hầm hố khá chật chội kham khổ nhưng cũng không thiếu niềm vui. Ví dụ như bọn tôi đi khuân đá, ngắm địa thế đắp chặn một quãng suối thành cái đập nhỏ, chặt vài thân nứa ngộ (là giống nứa khá to, thân bằng cây tre dưới xuôi) đặt vào giữa thân đập, thế là có vòi nước trong mát ngọt lừ chảy suốt ngày đêm. Lúc nào muốn tắm, chỉ việc cởi hết ra ngồi dưới tảng đá to bên dưới vòi nước chảy. Sướng mê. Nhất là những buổi mùa hè sau một ngày lội rừng, đào hào, vác đá, chặt cây, xẻ gỗ, chiều về ngồi dưới vòi nước mát tự tạo kia mới sướng làm sao. Thằng Hải Toác, vốn cùng hay đá bóng với tôi tại đội tuyển trung đoàn, người phố Hòe Nhai bảo: “Còn sướng hơn tắm nước máy Hà Nội.”
Bọn tôi cứ ở miên man trong rừng như thế gần cả năm trời. Ngày đi khoảng 15 cây số đường rừng về tuyến sau vác bê tông lên. Hoặc là vác gỗ nứa khai thác trong rừng về cho trung đoàn xây trụ sở, lán trại. Thỉnh thoảng vào những hôm nghỉ rỗi rãi, bọn tôi lần mò vào chơi trong bản Suối Mi, cách đó vài cây số. Đó là một bản người Tày vô cùng đẹp đẽ nằm cách cao điểm 1005 khoảng vài cây số, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Cuộc chiến năm 1979 khi ấy chưa với tới chỗ này dù cách đường biên không xa. Có lẽ do núi non hiểm trở không có đường tiến quân nên bọn Tàu đằng Lộc Bình chỉ đánh đến loanh quanh đường 4B và mỏ than Na Dương rồi rút. Chúng cũng sợ phục binh của ta vốn đang nằm bên trường bắn TB1 gần đấy, toàn cachiusa 40 nòng đợi sẵn.
Nếu ai chưa từng biết, hay là đến ở một ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày vùng Lộc Bình, thật là một thiệt thòi lớn. Sau mấy chục năm vật đổi sao dời, nay không biết những ngôi nhà sàn của cái bản nhỏ ven suối hồi xưa nay có còn không, nếu đã mất đi cùng với cuộc sống hiện đại hóa thì thật tiếc. Những ngôi nhà sàn này thường có bộ khung bằng các loại gỗ rừng rất chắc chắn. Dưới sàn là nơi để dụng cụ làm nông, chỗ ở của chó, lợn, gà. Còn các loại gia súc lớn như trâu bò, nơi đây bà con nhốt riêng và thả tự do trong rừng nếu chưa đến mùa cày nương. Hàng năm đến tháng ba mưa xuống là mùa cày nương, dân nơi đây mới bắt trâu trong rừng về. Hết mùa cày nương, xong tết cơm mới mùng 10 tháng 10 âm lịch, trâu bò lại được thả vào rừng tự do kiếm sống với nhau. Trên sàn là nơi ở của cả gia đình. Sàn thường được lát bằng những ống tre bương chẻ đôi, đập giập, nhẵn bóng theo thời gian. Trên nóc nhà thường lợp ngói âm dương, chứ ít khi lợp cỏ tranh vốn bạt ngàn trên các ngọn đồi, núi đất quanh vùng. Nhà nào lợp cỏ tranh thường chỉ là vợ chồng mới ra ở riêng, sau vài năm làm ăn tích lũy, cộng với sự giúp đỡ của bà con họ hàng trong bản, họ cũng sẽ thay mái ngói cho chắc chắn. Thế nên vào những ngôi nhà trong bản người Tày này, tôi thấy thật sự ấm áp và tiện dụng, khá văn minh so với đồng bằng miền xuôi khi ấy. Thật là một nơi trú ngụ xứng đáng cho một gia đình.
Thế nhưng ấn tượng sâu sắc nhất của tôi đến tận bây giờ, về những ngôi nhà đó, không phải là ở những cô thiếu nữ Tày xinh đến ngẩn ngơ trong bản. Mà là… bọ chó và rắn bắt chuột. Rất nhiều bọ chó. Không hiểu sao bọn côn trùng muỗi mòng các kiểu và bọ chó nói riêng, rất thích đốt tôi. Bọn bạn lính bảo, có lẽ do tôi máu ngọt! Sau này đọc một tài liệu nước ngoài có nói, người nhóm máu O rất được bọn muỗi chiếu cố. Có lẽ đúng. Hồi ấy mỗi khi vào nhà dân chơi, là tôi phải quần chùng áo dài, đóng kín nhất có thể. Thậm chí ngay cả hôm nóng nực nhất tôi cũng vẫn quần áo dài và đi giày vải bộ đội. Bởi chỉ hở tí da thịt nào là hàng đàn bọ chó, muỗi rĩn rủ nhau luồn lách vào tổ chức tiệc tùng trên thân thể tôi ngay. Hôm đầu tiên vào chơi nhà một ông “bố bản”- từ bộ đội chỉ các ông bố có con gái lớn trong các bản làng. Đang ngồi uống nước, bỗng thấy loạt xoạt trên nóc nhà. Tôi ngẩng lên nhìn. Chết khiếp. Thấy một con rắn trắng ngà, dài độ 2m, to cỡ bắp tay người lớn, đang điềm nhiên trườn vắt qua lại các xà rui trên đó. Tôi vốn sợ và ghét rắn, không nói lên lời. Túm vai ông “bố bản” chỉ. Ông cười. Nói đấy là con rắn bắt chuột, nhà nuôi. Quả thật trần đời cho đến giờ này tôi cũng vẫn chưa từng thấy ở nơi đâu trên nước Việt, người ta lại nuôi một con thú cưng khủng khiếp vậy. Con rắn được coi như thành viên trong nhà. Nó săn chuột và nghỉ ngơi chĩnh chiện ngay dưới mái ngôi nhà sàn xinh đẹp ấm áp kia.
Cái số tôi hình như khá long đong lận đận nên dịp ấy, đợi đến cuối năm 1984 cũng chẳng có quyết định ra quân, chứ thay vì tôi đã nghĩ độ ba tháng là cùng khi xuống đơn vị. Nhưng đâm lao rồi thì phải theo thôi. Mà không theo cũng chả biết làm gì hơn, chả nhẽ đào ngũ? Tôi đành nghiến răng sống đời lính chốt. Thấm thoắt gần năm trôi qua, lại chuẩn bị đến tết âm lịch. Năm ấy biên giới phía bắc đằng Lạng Sơn cũng không căng lắm, nên trên chủ trương cho một nửa số lính các đơn vị về quê ăn tết. Biết là có xin cũng chả đến lượt nên tôi xung phong ở lại luôn cho xong chuyện. Thế là mấy thằng lính ở lại ăn tết với nhau. Ở rừng cơ bản chả thú vị gì. Nhất là với một kẻ sinh ra lớn lên ở đồng bằng như tôi. Thế nhưng cũng có vài cái sự hay ho, như tôi đã nói ở phần trên. Ngay dưới chân cao điểm bọn tôi đóng quân là một khoảng rừng cổ thụ toàn cây sau sau rất đẹp. Những cây sau sau to cỡ vài người ôm mới xuể đứng bên nhau đều tăm tắp, làm nên một quang cảnh đẹp như trong phim về những cánh rừng bên châu Âu. Mùa đông đến, lá cây sau sau chuyển sang đỏ rực rồi trút ào ạt xuống đất rừng, tạo nên một lớp thảm đẹp đến khó tin. Mãi gần đây, sự phát triển của thông tin tôi mới được chiêm ngưỡng những cánh rừng phong lá đỏ tận bên Canada, xứ xở đã lấy hình lá cây phong làm quốc kỳ, tôi chợt nhớ ra, lá sau sau y hệt lá phong. Hay chúng cũng chính là một loài? Sau này ra quân đi làm, có vài dịp lên miền núi phía Bắc, tôi được người ta đãi món trứng kiến xào cuộn lá sau sau non, ăn rất ngon. Tôi hỏi mọi người là có khoảng rừng sau sau nào còn sót lại không? Không. Tôi bảo sao các ông không nghĩ đến việc trồng một rừng hay một hàng cây sau sau tại các khu di tích, du lịch gì đó mình đang cần quảng bá ấy. Đảm bảo đến mùa sau sau thay lá, nam thanh nữ tú cả nước sẽ kéo nhau về check in, quảng cáo rầm rộ mà chả cần tốn tiền thuê. Nghe có vẻ cũng hay, cũng gật gù như là tâm đắc. Thế nhưng mấy năm sau tôi trở lại, họ lại lên rừng tìm bứt từng cái lá sau sau non mọc rải rác đâu đó về ăn với món trứng kiến đặc sản. Cũng không trách được, bởi hầu hết có ai đã được chứng kiến cảnh cả một khoảng rừng sau sau mùa xuân, sau một đêm bỗng bừng lên sáng rỡ. Những búp lá non mỡn xanh mơ màng vừa chồi ra đêm qua lớn nhanh như thần thoại. Cả khu rừng thốt nhiên trở lên lung linh khó tả. Như có một hào quang huyền bí nào đó bao phủ khắp không gian. Tôi đi qua khoảng rừng đó để vào bản chúc tết. Ngẩn ngơ. Không bước nổi chân đi nữa. Đứng ngửa mặt lên tán cây. Ngắm. Mấy thằng bạn bộ đội của tôi bỏ mặc, chúng kéo nhau vào bản ngắm gái và uống rượu. Mà tôi cũng đang thèm rượu…
Tiêu chuẩn lính tráng tết chỉ có năm lạng thịt và hai cái bánh chưng. Thêm vài điếu thuốc. Hết. Dĩ nhiên là không có rượu. Đời lính kể từ khi tôi nhập ngũ năm 1982, lúc ấy cả nước đang sôi sục vì bài thơ “Điểm tựa” của ông lớn Lê Đức Thọ, với những câu mô tả bữa ăn của lính chốt: “nước mắm đại dương và bát canh toàn quốc…”. Thế mà cho đến cuối năm 1984 ấy, vẫn không có gì khá khẩm hơn. Vẫn gạo hẩm và cá khô mục. Muối rang là món chính. Ở rừng thì khá hơn, kiếm thêm được rau rừng, cá suối, cua đá nên cũng đỡ. Nhưng ngày tết, nhớ da diết những món ăn ở làng quê xưa. Nhớ cảnh nhộn nhịp đụng lợn gói bánh. Nhớ đến cả mùi nước xuýt thơm lừng trưa ba mươi mổ lợn, chén lòng sốt… Mà tết ấy, năm thằng canh điểm tựa, được hai cân rưỡi thịt tươi vừa mổ, về tận trung đoàn bộ cách đó gần hai mươi cây số lấy lên. Luộc. Ăn ngay một bữa sạch bách cho bõ thèm. Thực ra là chưa bõ thèm, bởi sức trai lúc ấy chúng tôi mỗi thằng phải xơi hết một ki lô gam mới đã. Bữa cơm trưa ba mươi tết của lính có thịt lợn luộc chấm muối dầm ớt rừng, ngon lạ. Có lẽ đời tôi trước và sau này chưa từng được ăn miếng thịt lợn nào ngon ngọt đến vậy. Tôi nhâm nhi cái vị thịt lợn luộc vừa chín tới mà suýt ứa nước mắt. Đã lâu rồi tôi không được nếm miếng thịt tươi nào.
Hai cái bánh chưng tiêu chuẩn, sức trai lính tráng đang thèm nhạt đủ thứ, chỉ cần hai bữa là gọn sạch. Bọn tôi cố dằn lòng chia làm hai ngày, mùng một và mùng hai, mỗi ngày một cái. Coi như đã có đầy đủ hương vị ba ngày tết. Các buổi tối, chúng tôi cắt cử nhau trông chốt, còn thì la cà xuống bản chúc tết và uống rượu. Rượu ở vùng này nấu bằng sắn vốn đầy rẫy trên nương, ủ men lá rừng. Hơi nhạt so với rượu gạo dưới xuôi. Nhưng rượu nhạt uống mãi cũng say. Vào chúc tết “bố bản”, cả mâm có năm, bảy, mười người… bọn tôi cứ chúc đều mỗi người một bát. Thôi thì lời hoa mỹ chúc tụng vốn sẵn trong đầu được dịp xổ ra: chúc bố mạnh khỏe như con trâu rừng, chúc mế dẻo dai như dây mây, chúc em xinh đẹp như hoa đào bên suối…và cạn bát. Bởi trên này uống rượu bằng bát, không dùng chén như dưới xuôi. Mất công rót! Uống cấp tập. Đến chừng đầy đầy bụng, bèn ra đầu sàn móc họng. Rượu sắn chưa kịp ngấm tuôn ra ào ào, trả xuống đất gia chủ. Cũng may người dân vùng ấy vốn không đánh giá gì chuyện uống rượu say. Với họ, rượu là phải say mới thật lòng. Say quá ngủ lại cũng chả sao, càng quý. Thế nhưng sau cú móc họng cho rượu ra như vậy, vào mâm ngồi uống tiếp thì lại thấy hình như uống khỏe hơn, không biết say nữa. Sau này có tuổi, nhớ lại những trận rượu trong nhà sàn của “bố bản” thật kinh hoàng. Kinh hoàng hơn nữa, say sưa rồi, lâng lâng, chào “bố bản” để về đơn vị. Mà đơn vị cách đó cũng xa, bởi có hôm mò vào tận Suối Am hay lần vào Khuổi Thông uống rượu kia. Có khi đến gần chục cây số đường rừng chứ ít gì. Đi bộ trong đêm một lúc, thấy buồn ngủ quá, bèn bảo nhau, thôi chốt đã có người trông, ta lên đồi ngủ béng cho khỏe, sáng mai về sớm. Thế là lên đồi, chui xuống dưới những bụi sim mua ôm nhau ngủ. Trên có tán cây che, dưới có cỏ mọc dày làm đệm. Cũng êm. Đêm mùa xuân không lạnh lắm. Vả lại khi xuống bản thằng nào cũng nai nịt đầy đủ, mũ bông bịt tai, giày tất, quần dài cài khuy cổ chân, áo bông chiến sĩ. Và hơi trai trẻ truyền cho nhau ấm thêm. Nên ngủ đồi cũng vẫn ngon như ngủ ở đâu đó mà thôi.
Giờ nghĩ lại thấy thật liều lĩnh, thế nhưng lúc đó là sự thường. Tuổi trẻ mà. Mấy ngày tết cứ la đà rượu chè thế thôi, dù trong túi chả có đồng nào. Đi loanh quanh trong rừng, ra bản nọ bản kia, gặp dân, cất vài câu chào mừng chúc tết gì đó, thế nào cũng được kéo vào mâm rượu ê hề thịt gà lợn. Tôi chưa kể dân vùng này chăn nuôi rất nhiều, lợn cả đàn dưới sàn, gà vàng đồi, trâu dê bò ngựa đầy trong núi. Nhưng rất ít khi bán được, vì hồi ấy đường giao thông cực kỳ kém, muốn ra đến đường lớn phải đi bộ mất vài chục cây số toàn đường mòn trong rừng băng suối trèo đèo. Nên họ trồng trọt chăn nuôi chủ yếu là tự sản tự tiêu. Những dịp lễ tết của họ thì thôi rồi là mổ lợn gà các kiểu. Lính tráng bọn tôi vốn thạo nghề gì cũng biết, hay ghé vào làm giúp. Chỉ nhoáng nhoàng là đâu ra đấy, xong là rượu luôn. Thế nhưng do tạng người sao đó, dù lâu không được chén thịt cho thỏa thích, nhưng cũng chỉ một bữa vào bản ăn tết ké là tôi đã ớn. Mỗi khi đến phiên được đi chơi, ghé vào nhà người quen làm vài bát rượu xong, là tôi hay lẳng lặng ra đầu sàn, tụt xuống đi lang thang ngắm cảnh ngắm người. Ngắm rừng xuân thay lá, như một bức tranh muôn màu mà mỗi hôm, mỗi thời khắc lại biến đổi kỳ ảo không ngừng. Màu sắc của rừng xuân hoa lá đem lại cho thị giác con người những bữa tiệc no mắt. Những sườn đồi nở trắng hoa mận hay đỏ rực hoa đào, đẹp mê mẩn như không thực. Những cánh rừng hoa sở trắng toát như không thể trắng hơn. Nhưng thực lòng hồi ấy tôi lang thang trong bản là để ngắm gái đẹp là chính. Bởi không hiểu sao, gái vùng ấy ăn dù mặc khá giản dị, chỉ là quần áo chàm tự dệt thôi nhưng đẹp vô ngần. Cái màu áo chàm kia nó càng tôn nước da trắng hồng, đôi môi đỏ thắm và cặp mắt đen láy thơ ngây của họ. Hình như những cô gái trong rừng từ bé họ chỉ ngắm cỏ cây hoa lá, nước suối trong veo nên ánh mắt của họ mới ngây thơ trong sáng thế chăng? Khi ấy tôi đã những muốn tán tỉnh, tỏ tình với một cô, để được nhìn gần, nhìn thật sâu vào đôi mắt mê hồn đó. Nhưng thật tiếc, tôi không biết hát lượn sli, không biết nói tiếng dân tộc nên chả có cơ hội tán tỉnh. Tôi chỉ biết ngắm những cô thiếu nữ ríu rít đi chơi xuân bên nương đồi rừng rẫy. Họ như những bông hoa đẹp nhất của đất trời trong mùa xuân mới. Ngắm họ thấy bừng lên sức sống và niềm yêu đời. Tôi thầm tự nhủ mình bằng mọi giá phải sống để về với quê hương. Để sống đời trai của mình. Bởi hoa đang nở đẹp thế kia. Và các cô gái thì chả mùa xuân, bốn mùa vẫn cứ xinh tươi nõn nà thế…
Nhưng rồi mãi đến gần mùa xuân năm sau tôi mới được xuất ngũ. Trải qua mấy chục năm lăn lộn kiếm sống. Gần hết đời tôi đi viết văn, được gặp ông nhà thơ lừng lẫy đất Hà Thành. Nghe bài thơ của ông. Chợt thấy mình vẫn may mắn làm sao khi cùng lứa ấy, hàng ngàn trai trẻ đã bỏ xác trên Vị Xuyên, Bình Độ 400. Ngậm ngùi:
“…Bàn thờ thêm một bát hương
Mẹ tôi thêm tấm huân chương anh hùng.”
Đánh giá
Mục lục bài viết
“Tết xưa theo mẹ sang bà
Tết nay theo đảng con ra chiến trường…”
Đó là hai câu thơ mà mãi sau này khi đổ đốn ra đi viết văn, tôi gặp nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh được ông đọc cho nghe. Bài thơ “Tết xưa”. Tôi bỗng nhớ da diết đến cái tết năm xưa trên miền biên viễn. Tết lính. Lính trơn đúng nghĩa. Đói. Rét. Thèm khát đủ thứ. Và mông lung vô định với tương lai. Đó là dịp tết năm mới 1985, đón xuân Ất Sửu. Cái năm mà các nhà gì đó sau này của nước ta, hay gọi là “đêm trước của sự nghiệp đổi mới”. Một cụm từ rất bí hiểm. Đêm trước khi trời sáng, thường rất tối. Tối đen. Tối mò. Người vật, trời đất như trong cõi hỗn mang mờ mờ nhân ảnh…
Người gửi / điện thoại
Thực ra thì không phải đến thời hiện đại mới có bệnh đái tháo đường, mà căn bệnh này đã được y văn cổ đề cập đến từ lâu. Các sách “Hoàng đế nội kinh” hay “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đều đề cập đến chứng “tiêu khát”, một biểu hiện lâm sàng rõ rệt nhất của căn bệnh này. Nhưng chỉ đến thời hiện đại, có thể do thay đổi môi trường sống, do cường độ làm việc, lối sống sinh hoạt…, căn bệnh đái tháo đường dường như mới bùng phát dữ dội.
Collagen là một hợp chất Protein có nhiều trong cơ thể con người ta nói riêng và hệ động vật có vú nói chung. Nó chiếm từ 25% đến 35% lượng Protein trong toàn bộ các hợp chất loại này của cơ thể. Đặc biệt trong cấu trúc của da người, Collagen chiếm đến 70%.
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...