CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM: người Việt có cần DÂN CHỦ không?
(Bình luận về báo cáo của Viện IDEA)
Rất tiếc, ta phải nhận thấy một sự thực là, với đa số người Việt, dân chủ, hiện giờ như là một cái gì đó phiêu lưu và không cần thiết! Tuyệt đại đa số dân chúng hầu như không quan tâm đến cái khái niệm nguyên thủy: DÂN CHỦ- DEMOCRACY: quyền quyết định, quyền định đoạt của người dân với mọi công việc và tài sản của nước nhà. Dân, là chủ của nước. Bộ máy nhà nước cùng các cơ quan công quyền, các quan chức...chỉ là những người được dân chúng "ủy quyền, thuê", thay mặt dân làm những công việc quản lý đất nước, đảm bảo cho bộ máy xã hội vận hành hoàn chỉnh vì mục tiêu cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn. Dân chủ, đúng nghĩa là vậy. Là quyền quyết định tối cao của người dân trong mọi việc của quốc gia, không có ngoại lệ. Mọi diễn giải khác đi đều là sai trái, hoặc chỉ là trò ngụy biện, lập lờ đánh lận con đen!
Dân chủ quan trọng như vậy, tại sao dân nước ta lại có vẻ không mặn mà lắm với vấn đề này? Thậm chí, bây giờ có tình trạng nhiều khi chỉ nói đến từ "dân chủ", nhiều người đã bày tỏ tâm tư rụt rè e ngại có khi đến mức sợ hãi...
Từ thời La Mã cổ đại, người ta đã đúc kết thuật cầm quyền là: để phỉnh phờ dắt mũi, cai trị đám đông dân chúng, chỉ cần cho họ đủ bánh mì và một gánh xiếc rong! Dân chúng nông nổi chỉ cần có vậy: no bụng và được giải trí! Xong! Bảo gì họ cũng sẽ nghe theo.
Nhưng từ thời La Mã đến nay là mấy ngàn năm rồi, nhân loại đã trải qua một con đường nhận thức dài thăm thẳm, được lát bằng vô vàn ức triệu các sinh mệnh vô tội, các cuộc chiến tàn khốc, các âm mưu rùng rợn, các cuộc tàn sát vô luân, những ký ức đau thương...Tuyệt đại đa số nhân loại đã dần nhận thức và đúc rút ra chân lý: phải thực hành một xã hội dân chủ tuyệt đối cho mọi quốc gia! Đó chính là phép thần thông chống lại các cuộc chiến tranh giành quyền lực đổ máu vô nghĩa! Thiết chế dân chủ sẽ sửa sai tức khắc các sai lầm chính trị xã hội, bằng các cuộc bầu cử thực sự dân chủ, nơi người dân dùng lá phiếu của mình làm các cuộc "cách mạng": thay đổi các chính quyền tha hóa, hư hỏng, thối nát trong hòa bình mà không phải dùng đến bạo lực. Bởi kinh nghiệm lịch sử đã chỉ rõ cho nhân loại thấy, "bạo lực cách mạng", chỉ mang lại đau thương chồng chất và thù hận, đổ vỡ khôn nguôi mà thôi...
Trong năm 2022, tôi có dịp ngồi với khá nhiều nhân vật, thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội nước ta. Với dân thường, như đã nói ở trên, hầu hết không quan tâm, không biết đến cái sự gọi là TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ là gì.
Nước ta giờ đây, dù ai có cố nhắm mắt lại cũng không thể phủ nhận được một thực tế là đời sống kinh tế đã có những bước tiến lớn so với thời bao cấp nghèo đói chưa xa. Chính quyền, về cơ bản đã cung cấp đủ "bánh mì" cho dân chúng. Còn các gánh "xiếc rong", cũng đã và đang có nhiều. Thậm chí là rộn ràng, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin này. Suy nghĩ sâu một chút, quan sát kỹ một chút, ta sẽ thấy ngay cả cái gọi là công cuộc gì đó tưởng đang rất nóng bỏng và được tung hô trong xã hội, chẳng phải tính chất "tạp kỹ, giải trí" của nó cũng lồ lộ ra đó sao? Nhưng không sao, như đã nói, với đa số dân chúng "bánh mì và xiếc rong" là đủ...
Đa số dân chúng là vậy, nhưng còn tầng lớp tạm gọi là "trên" trong xã hội: các trí thức, công chức tử tế, doanh nhân, văn nghệ sĩ...thì sao? Họ có quan tâm đến TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA XÃ HỘI không?
Nhân đây, tôi phải nói rõ quan điểm của mình một lần nữa: về nước Việt hiện thời, gọi là độc tài chuyên chế là không thỏa đáng. Nhưng cũng chưa phải là một xã hội dân chủ. Đang trong một tình trạng "sương mù", rất khó định nghĩa. Mà con đường đi đến một đất nước có thiết chế xã hội dân chủ là con đường tất yếu. Bởi đó là sự vận động tiến về phía trước của cả nền văn minh nhân loại: ai, thế lực nào, quốc gia nào cưỡng lại được tiến trình văn minh hóa theo dòng chảy thời gian này?
Chỉ là cách đi về phía ánh sáng văn minh dân chủ cho nước ta thế nào, sao cho dân ta phải trả cái giá thấp nhất. Và nhất là xin đừng bắt dân Việt phải trả bằng giá máu là những cuộc chiến tranh giành quyền lực vô nghĩa như đã từng xảy ra trong lịch sử gần đây! Tiến trình dân chủ hóa xã hội nên chủ yếu là sự vận động nội tại trong mỗi nước mà thôi. Bản thân từng thành viên trong xã hội phải có nhu cầu và khát khao về một đất nước dân chủ, về moitj cuộc sống văn minh. Có vậy, tiến trình đó mới trở nên hiện hữu. Còn tác động của các thế lực bên ngoài, thực sự rất có ít giá trị, nếu có nó chỉ mang tính cổ vũ động viên nào đó mà thôi...
Trở lại câu chuyện của tôi với những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội, từ các doanh nhân tỷ phú đô la, quan chức cấp cao cho đến các trí thức không chức quyền vai vế. Trả lời câu hỏi của tôi: LÀM GÌ ĐỂ THÚC ĐẨY TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ HÓA XÃ HỘI?
Hầu như tất cả đều buông một câu: KHÓ!
Theo họ, hạ tầng xã hội (mặt bằng dân trí chung) hiện không phù hợp với một thiết chế xã hội dân chủ đúng nghĩa. Thậm chí nếu không khéo, có thể dẫn đến hỗn loạn và đổ vỡ lớn. Lợi bất cập hại. Và điều quan trọng nhất, quyền lợi (đặc quyền) của tầng lớp trên như các quan chức, doanh nhân, tầng lớp trung lưu gắn rất chặt với cơ chế xã hội nửa dơi nửa chuột hiện hành, nên hầu như không có ai sẵn sàng thay đổi: sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của chính mình! Còn tầng lớp trí thức dấn thân, rất tiếc là ở ta chưa có. Mới chỉ là những cá nhân lẻ loi...
Như vậy, câu chuyện vận động để cho nước Việt tiến về phía ánh sáng của xã hội văn minh, tự do, dân chủ thời điểm này có vẻ vô cùng mờ mịt! Thế nhưng, đây lại là một điều tất yếu chúng ta sẽ phải đi đến, chỉ là sớm hay muộn. Và đi đến như thế nào thôi, như đã trình bày ở trên. Vậy thì ai là những người chịu trách nhiệm thúc đẩy tiến trình DÂN CHỦ HÓA ĐẤT NƯỚC? Và bằng cách nào?
Không ai khác, là giới trí thức. Và duy nhất chỉ có một con đường đúng đắn mà rất nhiều tiền nhân xưa, tiêu biểu là cụ PHAN CHÂU TRINH đã vạch ra: KHAI DÂN TRÍ!
Một khi nền dân trí chung của cả nước được đưa lên tầm mới, khi người dân đã hiểu biết về quyền của mình, họ sẽ có đủ dũng khí để đòi hỏi quyền lợi chính đáng. DÂN KHÍ từ đó sẽ tăng cao. Dân trí và dân khí được nâng tầm, câu chuyện DÂN SINH chỉ là hệ quả tất yếu đến sau mà thôi...
Quay trở lại câu chuyện Viện IDEA đánh giá về tình hình dân chủ ở Việt Nam, ta cũng không có gì khó hiểu lắm, khi họ kết luận, hiện ở nước ta :"người dân có thể cảm thấy tiến trình dân chủ hiện nay là không khả thi hoặc quá nhiều rủi ro"!
Đó là một kết luận chính xác, phản ánh đúng tình trạng phức cảm của xã hội nước Việt. Một tình trạng như trên đã nói, cực kỳ khó định nghĩa. Thế nhưng vì quyền lợi của dân tộc, chúng ta phải thoát ra khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt! Phải gióng lên những tiếng "chuông gọi hồn" để thức tỉnh u mê! Mà gióng lên những tiếng chuông cho mọi người tỉnh thức, không ai khác là các trí thức. Chúng ta phải cùng nhau gõ cái chuông có tên KHAI DÂN TRÍ lên đầu tiên. Có vậy rồi tiến trình dân chủ hóa đời sống chính trị xã hội của nước ta mới có cơ may tiến bước!