Điều này thực ra chả có gì mới mẻ. Ngay sau khi dịch covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan nhanh ra toàn thế giới, các nhà khoa học đã nói ngay như vậy. Nhưng từ biết đến thực hiện được là cả một quãng đường khá xa, bởi con virus corona mới này là một cái dạng “bên rìa sự sống” nhưng lại khá hiểm hóc với sự hiểu biết của khoa học lúc đó. Nó đặt ra một sự thách thức với toàn bộ loài người, và đặc biệt là giới khoa học y học, cần phải chinh phục. Thật may, có một nguyên lý của cuộc sống cho đến giờ này vẫn tuyệt đối đúng là, mọi chướng ngại của cuộc đời sinh ra chỉ để cho chúng ta tìm cách vượt qua. Không gì là không thể. Bằng các phương pháp khác nhau, rất nhiều hãng dược phẩm trên thế giới đã lao vào nghiên cứu và sản xuất vaccine chống covid-19. Đến nay đã thu được những thành tựu ban đầu: Tổ chức y tế thế giới WHO, đã cấp phép cho 7 loại vaccine được phép dùng trong điều kiện khẩn cấp. Có thể kể ra các tên như: vaccine của hãng Pfizer, Moderna, Johson & Johson, AstraZeneca, Sputnik V, Sinopharm, SinoVac. Riêng Hoa Kỳ mới chỉ phê duyệt và cho phép 3 loại được sử dụng cho người dân họ là Pfizer, Moderna và Johson & Johson.
Nhưng chúng ta nên ghi nhớ, WHO chỉ phê duyệt cho các vaccine kia dùng “trong điều kiện chống dịch khẩn cấp” thôi nhé. Tại sao vậy? Bởi vaccine cũng như các loại thuốc mới để được phép đưa vào sử dụng, lưu hành rộng rãi như một thương phẩm trên phạm vi toàn cầu nó đòi hỏi một quá trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ phòng thí nghiệm cho đến trên cơ thể con người. “in vitro” đến “in vivo”. Bây giờ trong khoa học còn có khái niệm nghiên cứu tác dụng của thuốc trên hình mô phỏng cơ thể con người, gọi là “in silico”. Thế nhưng bước cuối cùng là nghiên cứu quá trình hấp thu, phân bố, thải trừ, tác dụng chữa bệnh, các tác dụng phụ có thể xảy ra trên cơ thể con người vẫn tuyệt đối không được bỏ qua. Mà để nghiên cứu rõ các vấn đề trên đòi hỏi phải có thời gian khá lâu và thử nghiệm trên diện rộng. Theo dõi đủ thời gian. Trong khi đó dịch covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, gây ra những hậu quả khôn lường. Chính vì vậy mà WHO đã phải cấp phép khẩn cấp cho các vaccine vừa “ra lò”, nhưng chưa có đủ thời gian đánh giá nói trên. Chỉ được cấp phép dùng trong “điều kiện khẩn cấp” do chưa có gì đảm bảo là đã nghiên cứu hết các tác dụng phụ có thể xảy ra, nhất là trên nhóm cư dân có những bệnh lý riêng biệt. Nên khi bán vaccine cho các nhà nước- cho đến giờ phút này, các hãng dược phẩm chỉ bán cho các tổ chức đa phương và chính phủ các nước. Các hãng này luôn đòi hỏi một điều khoản: miễn trừ trách nhiệm với tất cả các vấn đề có thể phát sinh do tiêm vaccine gây ra. Như vậy, tiêm vaccine phòng covid-19 của họ, nếu chẳng may bị tai biến, chúng ta ráng chịu, coi như đó là sự đỏ đen, may rủi trong cuộc đời, chứ không được phép khiếu kiện đòi bồi hoàn ở bất cứ cấp độ nào.
Dịch covid-19 do một loại virus có định danh là Sars- cov-2 gây ra. Đây là loại virus vốn có họ hàng gần gũi với virus cúm. Bởi thế các nhà khoa học cũng cho rằng, virus này sẽ tồn tại vĩnh viễn cùng với đời sống loài người, không có cách gì loại bỏ hết chúng ra khỏi đời sống. Chỉ còn cách chung sống với chúng. Và thậm chí chúng đang biến đổi hàng ngày. Và không lấy gì đảm bảo rằng trong tương lai sẽ không thành những đại dịch khác còn nguy hiểm hơn covid-19. Nhưng ở chiều ngược lại, ta cũng hy vọng quá trình biến chủng của virus này dẫn đến chúng suy yếu độc lực đi, khiến chúng chỉ còn như một loại virus cảm cúm thông thường vô số kể vốn lúc nào cũng “thường trực” trong cơ thể con người, chỉ đợi thời cơ thuận lợi là bùng phát thành bệnh. Vậy thì ta phải làm sao?
Cho đến giờ chỉ có một cách đó là chúng ta coi covid-19 giống như một trong các dịch bệnh vốn có đầy trong cuộc sống loài người như sốt rét, tả, lao, sốt xuất huyết, cúm mùa … chẳng hạn. Ai bị thì vào viện điều trị. Và hàng năm chúng ta rủ nhau đi tiêm phòng vaccine, như một công việc định kỳ, thế thôi. Bởi các bạn lưu ý, các vaccine phòng covid-19 hiện nay đều chưa đủ thời gian để nghiên cứu kỹ. Nó sinh ra kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus, thế nhưng thời gian có tác dụng phòng bệnh là bao nhiêu, 6 tháng, 1 năm hay lâu hơn nữa là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Điều này chỉ có thời gian mới trả lời được. Mà dịch bệnh thì hoành hành gây đình trệ trên phạm vi toàn cầu, gấp gáp lắm rồi. Tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng nhanh, dẹp dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường rồi mọi chuyện tiếp tục nghiên cứu sau.
Như vậy rõ ràng là sau đây, vaccine phòng covid sẽ trở thành một loại dược phẩm “thiết yếu”. Việc chữa trị covid sẽ thành công việc thường quy của ngành y tế toàn cầu chứ không phải là những “chiến dịch” trống dong cờ mở ồn ào như đâu đó người ta hay dùng. Nên một vấn đề cấp thiết đặt ra, đó là phải nhanh chóng nghiên cứu kỹ lưỡng và thương mại hóa rộng rãi vaccine phòng covid. Đối với các quốc gia, muốn bảo vệ công dân, bảo vệ cuộc sống bình thường và nền sản xuất, thương mại không bị đình trệ cần phải chủ động được nguồn vaccine. Chủ động nghiên cứu sản xuất vaccine phòng covid là mọt hướng đi tuyệt đối đúng, mà mọi quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học đều hướng tới. Việt Nam ta cũng không là ngoại lệ. Vậy tình hình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng covid của Việt Nam đang ở đâu?
Theo công bố, có 3 nơi đang nghiên cứu sản xuất vaccine: Công ty Nanogen kết hợp với Học viện quân y với sản phẩm Nanovax. Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang với sản phẩm Covivac. Và Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm y tế số 1, thuộc Bộ y tế với sản phẩm Vabiotech. Ngoài ra một số doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực mạnh, cũng đang đàm phán với các đối tác nước ngoài để có thể mua được bản quyền sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA. Trong số các vaccine đang nghiên cứu và sản xuất trong nước thì Nanovax đã vượt qua giai đoạn thử nghiệm thứ hai, đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3, đây là giai đoạn quyết định để có thể được xem xét cấp phép sử dụng khẩn cấp hay không. Chúng ta hãy hy vọng, nhưng cũng đừng quá kỳ vọng, bởi kinh nghiệm cho thấy, rất nhiều vaccine thử nghiệm invitro (trong phòng thí nghiệm) tốt, nhưng ra đến giai đoạn invivo (thử nghiệm trên cơ thể người) bị thất bại ở giai đoạn 3 này. Một ông lớn trong ngành dược phẩm thế giới hầu như đứng đầu về sản xuất vaccine cũng đã thất bại khi thử nghiệm vaccine phòng covid ở giai đoạn 3. Chuyện này thì những người trong ngành dược phẩm ai cũng biết. Không thế lực nào, không một cá nhân nào được phép bước qua những quy định nghiêm ngặt liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người.
Chuyện tiêm một thứ vaccine vào cơ thể con người không phải là chuyện chơi như khi tiêm một ống thuốc bổ vô thưởng vô phạt nào đó. Bởi nếu bạn dùng vaccine theo công nghệ đời đầu như của Trung Quốc chẳng hạn, là bạn tiêm cả một lượng lớn virus dù đã được làm yếu hoặc bất hoạt vào cơ thể mình. Công nghệ vector như Nanogen đang áp dụng cũng tương đương với vaccine đang dùng phổ biến ở nước ta hiện nay là AstraZeneca. Tuy nhiên để chủ động nguồn vaccine chống covid cho lâu dài, nhà nước cần bật đèn xanh và hỗ trợ các doanh nghiệp liên doanh liên kết hoặc chuyển giao bản quyền với các điều kiện ưu đãi nhất, để có thể nhanh chóng xây dựng nhà máy sản xuất vaccine theo phương pháp tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới là mRNA.
Có như thế chúng ta sẽ chủ động được vaccine phục vụ tiêm phòng hàng năm cho nhân dân. Và covid sẽ không còn là mối ám ảnh.