TRẦN THANH CẢNH VÀ BỘ BA TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
(Vài cảm nhận ban đầu) - Facebook Lao Ta
1-TRẦN QUỐC TUẤN-TÁC GIẢ KỂ LẠI LỊCH SỬ
Trần Thanh Cảnh có ý thức rõ ràng mình lạ hậu duệ-dù xa lắc-của họ Trần. Vì thế, ngoài nghĩa vụ của một nhà văn trước lịch sử, ông còn tự gắn cho mình nhiệm vụ góp thêm một tiếng nói “Vinh danh các đấng tổ phụ”. Không phải vô cớ mà ông chọn bắt đầu từ nhân vật lừng lẫy nhất: Trần Quốc Tuấn.
Nhưng chính ông đã tự làm khó mình ngay từ đầu: Bóng của nhân vật quá lớn khiến tác giả-hậu duệ có phần bị “cớm”. Đọc Trần Quốc Tuấn, nhận ra cái tâm của người viết không chỉ với một nhân vật tổ phụ khổng lồ, mà còn với lịch sử đất nước nói chung. Nhưng như đã nói, vì cái bóng của nhân vật quá trùm lấp, thành thử nhà văn chỉ dám “rón rén” tiếp cận theo cách ngưỡng lên, thủ thỉ kể những chuyện đã thành huyền thoại, giai thoại với một thái độ thành kính quen thuộc của con dân Đại Việt chịu ơn một vị tướng lẫy lừng đã được “thánh hóa”. Nói cách khác, Trần Quốc Tuấn của Trần Thanh Cảnh, về cơ bản vẫn chỉ là một nhân vật lịch sử thuần túy, hiện lên theo cách của tác giả, chứ chưa chuyển thành nhân vật tiểu thuyết là sản phẩm độc quyền của tác giả.
2-TRẦN THỦ ĐỘ-LỊCH SỬ CHỈ LÀ CÁI ĐINH…
Hình như Duma (?) nói rằng, “Lịch sử chỉ là cái đinh, để tôi treo lên đó những bức tranh”. Diễn giải điều này đã thành quen thuộc đến mức ai cũng hiểu. Tuy nhiên, để tư duy theo chiều hướng “Lịch sử chỉ là cái đinh…” thì vẫn là vấn đề với đa số các nhà văn Việt khai thác đề tài lịch sử. Áp lực của thói quen lịch sử bị chính trị hóa, những ngộ nhân về cái “đạo” của văn chương cộng với thói vụ lợi cố hữu… luôn “định hướng” ngòi bút (và cách đọc) của đa số (Chính thể khen, thậm chí lợi dụng nhân vật lịch sử nào, thì nhà văn cũng sẽ a dua nhìn nhân vật ấy theo cách tương tự).
Con người thật của Trần Thủ Độ, chỉ cứ nguyên như những ghi chép lịch sử, đã đủ là một nhân vật tiểu thuyết. Những luận giải về công và tội, về những việc làm của ông kéo dài cho đến ngày nay và sẽ còn tiếp tục. Một thời ông bị chính thể từ chối, vì thế tên tuổi của ông ít được nhắc đến. Khác với người cháu họ Trần Quốc Tuấn có cả ức triệu trang của hậu thế tô vẽ hết mực, cái tên Trần Thủ Độ thậm chí vẫn còn đồng nghĩa với sự "xúc phạm" về đạo đức trong tâm thức không ít học giả.
Với người viết, điều đó đôi khi là một thuận lợi. Bởi nhà văn có thể “nhờn” thoải mái với tiền bối, có thể phóng bút vẽ chân dung ông từ nhiều chiều, kéo ông xuống cùng hàng, cùng thời cùng trang lứa với mình, để, nói như Bakhtin, vỗ vai, suồng sã, đối thoại, chất vấn, nhồm nhoàm ăn uống cùng … mà không sợ bị vu tội bất kính! (Đôi khi bất kính với loại nhân vật lịch sử như ông lại còn được trọng thưởng, như chúng ta vẫn đang thấy!) Với tư duy này, nhân vật vua chúa hay gã ăn xin, kẻ đánh dậm mặc quần thủng đít đều có cùng thân phận là làm kẻ đầu sai, là cửu vạn cho người viết.
So với tiểu thuyết Trần Quốc Tuấn, thì tiểu thuyết Trần Thủ Độ tiến một bước khá dài về thủ pháp, về vị thế nhà văn trong tương quan với lịch sử, về ngôn ngữ, những yếu tố thuộc về tư duy tiểu thuyết. Cái đáng nói của tiểu thuyết này, là cách mà Trần Thanh Cảnh dựng chân dung nhân vật. Cả một đoạn dài, ta chả thấy Trần Thủ Độ đâu. Thay vào đó là bối cảnh xã hội cuối Lý, với ngổn ngang những tao loạn, giết chóc, cát cứ...dự báo một thời kỳ đẫm máu ở phía trước, tạo ra một cái “nôi” để đặt nhân vật vào đó. Và rồi, chỉ một vài trang, một vài đoạn đạt đến độ tuyệt bút, nhân vật hiện lên đầy góc cạnh, sống động và cứ thế tự tìm những điểm khớp nối với hình dung sẵn có của bạn đọc, của nhân gian về con người đa diện này.
3-TRẦN NGUYÊN HÃN-LỊCH SỬ LÀ CÁI …ĐINH GỈ
Trên tư cách cá nhân thì tôi phải cảm ơn Trần Thanh Cảnh, đã cho tôi sự chú tâm cần thiết, dù muộn, đến nhân vật lịch sử lẫy lừng nhưng vẫn bị khuất lấp này.
Đọc lịch sử mới chỉ hình dung ra một phần công tích khá khiêm tốn của Trần Nguyên Hãn. Còn vì sao tên tuổi ông bị khuất lấp thì quá dễ hiểu: Ông bị vây bọc bởi quá nhiều nhân vật khổng lồ của lịch sử! Chính vì thế, tiểu thuyết Trần Nguyên Hãn có cái may mắn ngay từ đầu: Hậu thế tìm cách thỏa mãn sự tò mò về ông, về cái chết của ông, về lý do nào khiến ông phải chết.
Các nhà sử học phần lớn đều “bênh” Trần Nguyên Hãn, ghi nhận công lao của ông với triều Hậu Lê và với xã tắc. Nhưng vì lịch sử thành văn thường cứ phải lươn lẹo theo thời cuộc (người viết sử ở xứ sở này luôn yếm thế, cứ có xu hướng quy phục chính trị để yên thân), nên thân thế sự nghiệp cùng với cái chết của ông còn gây nhiều đồn đoán?
Trần Thanh Cảnh đã quyết định dựng lên một Trần Nguyên Hãn, theo tưởng tượng và suy tư của ông, không chỉ về lịch sử, mà về cả thời cuộc hiện nay. Chọn một trong những dị bản về nguyên nhân Trần Nguyên Hãn bị chết, nhà văn họ Trần coi lịch sử chỉ là cái đinh gỉ -vì nhiều khi bản thân nó đã cố tình như vậy- để nói những điều quan trọng hơn về bị kịch dân tộc, cảnh báo cái bị kịch ấy chưa khi nào chấm dứt, vẫn đang tiếp tục, vẫn đang được chính chúng ta tạo ra theo những cách thức vô tình hay cố ý.
Chuyện xảy ra cách nay gần 600 năm, y như chuyện vừa xảy ra cách nay vài chục năm, y như chuyện vẫn đang xảy ra quanh đâu đây và có thể sẽ tiếp tục xảy ra?
Đó là câu hỏi lớn tác giả cố tình ẩn đi nhưng mọi người đều nghe thấy, đều bị cật vấn. Nó gián tiếp lý giải vì sao dân tộc này cứ luẩn quẩn trong vòng nghèo đói, lạc hậu và tương tàn.
_______________________
(Nếu có ai định mắng mỏ tác giả “bất kính” với quá khứ, thì tôi xin nói thêm: Trần Thanh Cảnh không phải là người đi tiên phong trong cách nhìn này. Đã có một Phạm Lưu Vũ quái đản coi lịch sử còn thua xa cả cái đinh gỉ. Với họ Phạm, lịch sử chỉ là một mớ kí ức lộn xộn, vớ vẩn…)