Khi đại dịch Covid-19 nổ ra cuối năm 2019, cả thế giới bàng hoàng bởi tốc độ lây lan của nó, bởi những tàn phá của nó khi càn quét đến hầu khắp các vùng đất trên quả địa cầu. Choáng váng. Bởi nó là một con virus khá ‘bí hiểm’ với giới khoa học khi ấy. Họ cũng như tất cả nhân loại, hầu như chưa biết gì mấy về nó. Nhưng như thông lệ, sau những choáng váng đầu tiên, giới khoa học lập tức đóng vai trò của những ‘chiến sĩ tiên phong’ xông vào đối đầu con virus quái ác này: Họ tiến hành phân lập, nuôi cấy, giải mã bộ gen. Họ quan sát các triệu chứng bệnh, dự đoán và thực chứng con đường lây nhiễm. Họ nghiên cứu bệnh cảnh lâm sàng, thậm chí phải mổ cả xác chết của các bệnh nhân xấu số đầu tiên để tìm ra lới giải: con virus gây bệnh kia đã xâm nhập vào đâu, gây bệnh như thế nào, tàn hại các chức năng sống của cơ thể ra sao để dẫn đến sự tử vong nghiệt ngã của bệnh nhân…Tất cả những cố gắng không mệt mỏi của các nhà khoa học đã cho những hiểu biết cơ bản về con virus gây đại dịch Covid-19 có định danh là Sars-CoV-2 này. Và từ đó những loại vaccine được khởi động chế tạo, những phác đồ điều trị chứng bệnh này lần lượt được các thầy thuốc thực nghiệm để rút ra những phương pháp tối ưu nhất.
Các hãng dược phẩm sau một thời gian nghiên cứu sản xuất đã cho ra đời khá nhiều loại vaccine chống Covid. Sau những thực nghiệm cần thiết, chúng lập tức được phổ biến triển khai tiêm chủng trên phạm vi toàn cầu, đầu tiên là tại Isarel, Mỹ, Anh, châu Âu. Vừa tiêm vừa nghiên cứu quan sát những phản ứng của cơ thể với vaccine và khả năng chống lại virus có được như trong các kết quả thí nghiệm hay không.
Sau một thời gian nghiên cứu, điều trị và sử dụng vaccine mong khống chế được Covid, giới khoa học nhận ra rằng, không có cách gì hiện thời có thể diệt trừ, loại vĩnh viễn con virus gây bệnh kia ra khỏi đời sống loài người. Bởi cũng như vô số các loài virus gây cúm mùa, cảm lạnh, con virus quái quỷ kia từ đâu đó (mà nguồn gốc còn vẫn đang là điều tranh cãi) nhảy phắt xâm nhập vào cơ thể con người. Và từ đây, nó tìm ngay được một ‘vật chủ’ vô cùng thích hợp để sinh sôi nảy nở, phát tán giống loài. Nó xâm nhập vào tế bào phổi của người ta, sinh sôi nảy nở phá hoại ở trong đó. Rồi nó lại theo hơi thở của con người lây lan cho đồng loại nếu chẳng may tiếp xúc ở cự ly gần (dưới 2m và trong không gian khép kín) với người mang virus. Cứ thế nó lây lan trong cộng đồng mà hầu như không có cách gì ngăn cản nổi. Có chăng những biện pháp giãn cách, phong tỏa tạm thời chỉ để làm giảm tốc độ lây lan mà thôi. Và hơn nữa, các loại vaccine hiện thời cũng không khiến người ta miễn nhiễm hoàn toàn. Thậm chí, dù đã tiêm hai, ba mũi hay hơn nữa con người vẫn bị nhiễm virus. Vaccine mới chỉ cho những kết quả ban đầu là giảm thiểu nguy cơ nhiễm hơn và nếu có nhiễm cũng ít bị triệu chứng nặng nề dẫn đến tử vong hơn. Kỳ vọng về vaccine có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng chống lại virus đã chính thức phá sản. Con đường để tìm ra một loại vaccine hay một loại thuốc đặc hiệu làm ‘thần dược’ để chống lại Covid vẫn còn nhiều gian nan.
Chẳng lẽ loài người đã bị một kẻ ‘bên rìa sự sống’ bắt làm con tin cho chúng: Chúng đã khiến cho cuộc sống trên trái đất này hầu như ngưng trệ. Sản xuất đình đốn. Du lịch sụp đổ. Đời sống xã hội bị hủy hoại ở mọi góc độ. Chẳng lẽ cái thuyết âm mưu về ‘sự thanh lọc loài người’ về ‘bàn tay của chúa’ đang âm thầm lan truyền là sự thật? Chẳng lẽ nền văn minh của con người lại bị hủy hoại bởi một sinh vật còn chưa hoàn chỉnh cấu tạo cũng như chức năng sống?
Nhưng cũng trong đại dịch hoành hành, những nhà khoa học và những nhà quản trị xã hội tỉnh táo đã nhìn vào các bảng thống kê và rút ra một số điều:
-Có đến 80% số ca dương tính với virus nhưng hoàn toàn không có triệu chứng gì. Tự mắc tự khỏi mà không cần đến sự hỗ trợ nào của y tế. Tập trung trong nhóm người trẻ khỏe, không có bệnh nền. Rõ ràng ở những người này sức đề kháng tự nhiên do cơ thể sinh ra đã đủ để xử lý gọn lũ virus.
-Số các ca bị bệnh nặng, dẫn đến tử vong chủ yếu là ở nhóm người có bệnh nền mãn tính liên quan đến suy giảm sức đề kháng và những người trên 65 tuổi.
-Với những người trẻ, bị chuyển bệnh nặng, nếu được hỗ trợ y tế kịp thời về điều trị triệu chứng và các chức năng sống, khả năng sống sót sẽ rất cao. Virus trong người cũng sẽ bị tiêu diệt. Như vậy ở đây vẫn là câu chuyện của kháng thể tự thân do cơ thể người bệnh tiết ra đóng một vai trò cực kỳ quyết định, bởi thực tế cho đến giờ phút này chưa một loại thuốc nào tỏ ra có tác dụng tiêu diệt virus một cách đặc hiệu.
Từ tất cả những dữ liệu trên đây, giới khoa học và quản lý xã hội của các nước đã thống nhất đưa ra một khái niệm mới: SỐNG CHUNG CÙNG COVID.
Đây là một chiến lược dựa trên các hiểu biết khoa học của các bộ óc siêu việt đưa ra sau nhưng hội luận, phản biện triệt để chứ không phải là một khẩu hiệu ngẫu hứng của ai đó nghĩ ra đâu. Nội hàm của chiến lược sống chung cùng Covid có thể hiểu khái quát như sau:
-Phổ cập vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt ít nhất 70%. Đặc biệt chú trọng tiêm trước cho những người có bệnh nền mãn tính, người trên 65 tuổi. Bởi đây là đối tượng nếu bị nhiễm bệnh rất dễ trở nặng và tử vong. Mục tiêu là giảm quá tải cho y tế, giảm số người chết.
-Tăng cường năng lực điều trị cho hệ thống y tế: trang thiết bị máy móc hồi sức cấp cứu, ô xi để thở, thuốc men hỗ trợ. Đào tạo huấn luyện phổ cập cho bác sĩ và nhân viên y tế các kiến thức chuyên môn về điều trị Covid.
-Không xét nghiệm diện rộng, chỉ xét nghiệm theo triệu chứng bệnh nếu có. Phổ cập test nhanh rộng rãi cho người dân có thể tự xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tại nhà để tự bảo vệ. Không quá quan tâm đến số các ca dương tính nữa.
-Cùng với việc thực hiện ‘hộ chiếu vaccine’, mở cửa lại các dịch vụ xã hội còn đang bị ngăn cấm. Tiến đến mở cửa biên giới với các nước cũng đã thực hiện như vậy.
-Chính thức coi Covid-19 từ là một đại dịch- Pandemic, trở thành một loại bệnh đặc hữu- Endemic. Ai bị bệnh có các triệu chứng nặng thì vào viện chữa trị. Ai bị nhiễm thì tự cách ly tại nhà, y tế hỗ trợ tư vấn khi cần thiết.
Những nước tiêu biểu cho việc chuyển nhanh, sớm từ chiến lược bao vây phong tỏa truy vết dập dịch sang chung sống cùng Covid trên thế giới có thể kể đến Israel, Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch… và rất nhiều nước khác đang từng bước đi theo hướng này, mở cửa hoàn toàn các hoạt động xã hội. Nếu bạn là người yêu thể thao, dịp vừa rồi xem những trận bóng đá trên các sân cỏ châu Âu, xem giải quần vợt US OPEN đang diễn ra ở New York sẽ thấy khán giả đến sân đông nghịt: không khẩu trang và không khoảng cách. Cuộc sống bình thường đã trở lại. Mặc cho với Mỹ mấy ngày gần đây vẫn có hàng trăm ngàn ca dương tính, với Anh là vài ba chục ngàn, với Israel cũng là con số hàng ngàn trên chỉ có khoảng 9 triệu dân cả nước. Họ đã coi con virus này như một loại bệnh như cúm mùa chẳng hạn, nên không vì thế mà phong tỏa tùm lum, làm cuộc sống chung của xã hội bị đình trệ, ngăn trở…
Tại Đông Nam Á, dù tình hình dịch Covid mà đặc biệt là làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta gây ra vẫn đang hoành hành dữ dội. Nhưng có hai nước là Thailand và Singapor đã chính thức tuyên bố thực hiện ‘sống chung cùng Covid”. Đây là hai nước có tỷ lệ phủ vaccine lớn và tiềm lực của y tế điều trị mạnh. Họ sẽ tiếp bước các nước Âu- Mỹ để hòa nhập. Thực tế cho thấy các ca nhiễm của hai nước này những ngày gần đây có vẫn ở mức cao, song tỷ lệ tử vong đã giảm hẳn, bởi họ cũng đã phủ vaccine lên một tỷ lệ lớn người dân. Các nước Đông Nam Á khác như Malaixia, Philippine… cũng đang chuyển chiến lược chống dịch theo hướng này.
Còn tại Việt Nam ta thì sao?
Gần đây nhất Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nói (đại ý) là, không thể tiêu diệt hết virus được và cần phải chuẩn bị chung sống cùng Covid. Đó là một quan điểm hết sức đúng đắn của người chịu trách nhiệm cao nhất về chống dịch Covid của nước ta hiện nay. Các bộ phận tham mưu cấp dưới cần tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, tham khảo cách chống dịch của các nước đã và đang có kết quả tốt theo hướng này để ngay lập tức xây dựng chiến lược chống dịch mới, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta. Đặc biệt là phù hợp với hoàn cảnh hiện chúng ta khi chưa chủ động được nguồn vaccine. Nhưng không vì thế mà cứ cố kéo dài cách chống dịch cũ đã tỏ ra vô cùng tốn kém, thiếu hiệu quả, gây tổn thương sâu sắc cho đời sống kinh tế xã hội. Có thể cần phải làm những việc sau đây:
-Về mặt đường lối, cần bỏ ngay chiến lược ‘CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC’, với khoang vùng truy vết cách ly xét nghiệm diện rộng, vét F0, phong tỏa cực đoan xã hội sang thành ‘SỐNG CHUNG CÙNG COVID’, với các biện pháp phù hợp.
-Bằng mọi cách đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân, trước hết là tiêm ngay cho ‘nhóm yếu thế’ trong cả nước: người bệnh nền mãn tính, người trên 65 tuổi và những người trực tiếp tham gia chống dịch.
-Áp dụng truy quét khoang vùng phong tỏa xét nghiệm ở phạm vi hẹp với các ca nhiễm mới. Kết hợp tuyên truyền giáo dục phổ biến kiến thức cho mọi người dân về ý thức phòng bệnh và tự chăm sóc sức khỏe bản thân trên các phương tiện truyền thông công cộng.
-Đặt mục tiêu cho mới ngành y tế là giảm tỷ lệ nhập viện và giảm tử vong, thay vì giảm F0 vốn đã trở nên vô vọng.
-Đẩy mạnh việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, vì đây sẽ trở thành mặt hàng thiết yếu hàng năm cho dân tiêm phòng.
-Cùng với đó phải mở cửa dần trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú ý mở rộng các hình thức hoạt động ngoài trời đảm bảo đủ cự ly giãn cách và khẩu trang bắt buộc. Thực hiện giãn cách xã hội mềm.
Tóm lại dù muốn hay không chúng ta cũng phải chung sống cùng Covid!
Nếu chúng ta tư duy và vận động theo hướng này sớm thì sẽ giảm thiểu được thiệt hại cả về nhân mạng lẫn sự đổ vỡ kinh tế xã hội, kéo theo bần cùng hóa một lượng lớn cư dân. Điều này nếu để xảy ra sẽ là những hệ lụy không lường nổi cho đất nước. Đề nghị những người có trách nhiệm hãy hành động ngay.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Khi đại dịch Covid-19 nổ ra cuối năm 2019, cả thế giới bàng hoàng bởi tốc độ lây lan của nó, bởi những tàn phá của nó khi càn quét đến hầu khắp các vùng đất trên quả địa cầu.
Người gửi / điện thoại
Theo một số thực nghiệm công bố trên các phương tiện truyền thông và ngay cả ông vụ phó An toàn giao thông cũng đã xác nhận thì, rõ ràng là chỉ cần ăn hai quả vải hoặc vài loại hoa quả nào đó là cũng có thể chúng ta đã nạp rượu một cách vô thức vào người. Điều đó đúng hay sai?
Đặc biệt là khi bị nhiễm virus gây covid. Thường thì có đến 80% số ca dương tính không xuất hiện triệu chứng gì. Không phát thành bệnh. Nhưng nếu phát thành bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình: sốt, đau họng, ho, đau mình mẩy, khó thở, mất khứu giác...
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Giáo sư Kê - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...