Ông Dương, đội trưởng sản xuất đội ngõ Ngo của hợp tác xã làng Ngọc, đứng ở giữa đường gào lên oang oang qua cái loa bằng sắt tây: “A lô, a lô. Tối nay, toàn thể thanh niên nam nữ trong đội ra ngoài sân kho đập lúa. Ai đi làm thì được tính một công”.
Mẹ cái Hà bảo: “Ăn cơm ù lên rồi ra kiếm lấy một công con ạ”.
Bố thằng Tú kéo liền hai hơi thuốc lào, ngồi dựa lưng vào cái cột hiên, mắt lờ đờ khói, giọng lè nhè như say rượu, gọi: “Thằng Tú đâu rồi, lấy cái néo mà ra sân kho đội đập lúa. Ở nhà chơi cũng thế”.
Thằng Tú và cái Hà vừa học xong cấp ba, đang đợi kết quả thi, nhà ở cạnh nhau. Hai đứa í ới gọi, rồi cùng ra sân kho đội sản xuất. Sân kho của đội sản xuất ngõ Ngo, nguyên là cái điếm thờ của ngõ. Cả làng thì có đình thờ thành hoàng, còn các ngõ, có điếm thờ thổ công. Đất có thổ công, sông có hà bá. Làng vẫn truyền thế. Hồi trước khi có hợp tác xã, điếm ngõ Ngo rất thiêng. Tuy rằng điếm không tòa ngang dãy dọc to tát gì, chỉ là một ngôi nhà gỗ ba gian, cửa bức bàn. Bên trong có một ban thờ với đầy đủ lệ bộ, khá cổ. Bên ngoài là một cái sân to, lát gạch vuông nâu sẫm. Bà nội Tú vẫn kể, ông thần đất ở ngoài điếm ngõ nhà mình rất hay hiện hình vào những đêm ba mươi tối trời. Ông chỉ to bằng cái bình vôi, đỏ hỏn. Ông bay lừ lừ khắp các nhà trong ngõ. Đấy là ông đang đi xem xét điền thổ nơi mình cai quản. Hễ gặp người cứng bóng vía là ông biến ngay xuống đất. Nhưng gặp người yếu bóng vía, ông rất hay trêu, cứ lượn lờ nhảy múa nhào lộn ngay trước mặt. Ông thần đất ngõ Ngo rất vui tính. Mấy cái người hay đi ăn sương, gặp ông, bị trêu, sợ vãi ra quần. Nhưng mà ông chỉ đùa thế thôi, chứ chưa hại ai bao giờ. Bố Tú nghe mẹ nói với cháu thế, gắt: “Bà chỉ được cái tin nhảm nhí. Đừng có kể những chuyện hoang đường cho trẻ em, rồi gieo rắc cho nó mê tín dị đoan”. Bà vừa chống tay vào đầu gối đứng dậy, lom khom đi vào trong buồng vừa lẩm bẩm: “Còn anh nữa đấy, cứ liệu một vừa hai phải thôi, không có lúc các ngài ấy vật cho thì nhăn răng nhìn giời mà bỡn”. Ý bà bảo bố Tú cùng với mẹ cái Hà, tháng nào cũng đi họp chi bộ ngoài điếm. Ra rất nhiều nghị quyết. Nghe đâu có cả nghị quyết đóng cửa điếm thờ thổ thần. Mà lại còn hay kiểm điểm nữa. Nhiều hôm kiểm điểm mải đêm mới về. Mẹ Tú ở nhà không ngủ được, lăn bên nọ bên kia, cái giường đóng bằng tre ngâm chưa kỹ nên mộng không khít cứ kêu cọt kẹt. Thế rồi một hôm, ban chỉ huy đội sản xuất ngõ Ngo đứng đầu là ông Dương, trưng dụng điếm làm kho của đội. Cửa võng, ỉ, ngai, lư hương, đỉnh đồng, ban thờ dẹp hết, chất đống vào một xó. Tượng ông thổ thần bằng đất sét, tô sơn đỏ đen bị ông Dương vác sang bờ sông, quẳng đánh ùm một cái. Ông xoa tay: “Thế là hết cái trò mê tín dị đoan”. Riêng cái mâm gỗ sơn son thiếp vàng, vẫn để đồ lễ trên ban, ông ấy mang về nhà làm mâm ăn cơm nhà mình. Điếm thờ thổ công thành kho chứa lúa phân bón cùng các thứ linh tinh phục vụ cho sản xuất hợp tác xã. Tú thắc mắc, hỏi bà: “Bà ơi, thế bây giờ ông thổ công ngõ mình, ông ấy ở đâu?” Bà Tú không nói gì. Cứ ngồi ngoài sân sưởi ấm, hôm ấy đang mùa đông nhưng trời lại hửng nắng. Nắng hanh vàng mà vẫn se sắt lạnh. Hồi lâu, bà lẩm bẩm: “Sống mãi chả chết đi cho, chán quá”. Bố Tú đi làm đồng về ngang qua, nghe tiếng, gắt: “Bà chỉ hay nói gở mồm”.
***
Nhà Tú và Hà cạnh nhau, cách cái giậu trồng bằng cây găng.
Cái thứ cây này gai nhọn rất sắc. Xưa, hàng giậu ấy bằng cúc tần. Hồi Tú học lớp bốn, một hôm thấy mẹ mang cành găng về giâm chèn vào giậu. Thế rồi giống găng lên át cả cúc tần, thành cái hàng rào toàn gai sắc nhọn. Tú thấy lạ, cái hàng rào bằng cúc tần vừa thơm vừa đẹp. Thỉnh thoảng vài sợi dây tơ hồng vàng tươi rón rén bò lên ngọn lá xanh mơ. Bọn chuồn chuồn rất hay đến nhởn nhơ đậu. Tú và Hà ra lom khom rình bắt. Có lúc hai đứa ở hai bên giậu cùng thò tay lên chộp một con chuồn chuồn duối vàng ươm, đẹp tuyệt. Rồi chả đứa nào bắt được. Con chuồn chuồn bay đi mất, hai đứa đứng cãi nhau chí choé. Đến khi thành cái giậu gai găng, sắc nhọn, chuồn chuồn cũng không thấy về đậu nữa. Tú tiếc, bắt đền mẹ. Mẹ đã không đền lại còn phát thêm vào đít cho mấy cái. Bà nội Tú bảo: “Thế này gọi là yêu nhau rào giậu cho kín”. Từ ấy, Tú ít ra chơi ở bên giậu. Thế nhưng Tú và Hà vẫn thân nhau. Hai đứa bằng tuổi, học cùng nhau suốt.
Nhưng cái Hà không còn bố.
Bố nó đi bộ đội chống Mỹ lúc nó mới hơn một tuổi, nghe nói là đi “bê dài”. Hai năm sau thì có giấy báo tử. Cái Hà thành con liệt sĩ. Mẹ cái Hà thành vợ liệt sĩ. Ở hợp tác xã, nhà nó thành diện gia đình chính sách, khi chia rơm, chia thóc bao giờ cũng được ưu tiên lấy trước.
Mẹ cái Hà còn trẻ, rất xinh.
Bà nội Tú ngồi chải chấy ở hiên nhà ta thán: “Khổ thân con mẹ cái Hà, gái một con phơi phới ra thế mà góa bụa. Rồi chả biết có đứng được mà nuôi con không…”
Mẹ Tú ngấm nguýt: “Bà cứ rỗi hơi lo việc hàng xóm. Người ta là gia đình chính sách, ông chủ nhiệm, ông đội trưởng, ông chi bộ. Ông nào chả có trách nhiệm đỡ đần, bà cứ lo bò trắng răng”. Vừa nói, mẹ Tú vừa liếc về chỗ cuối sân, nơi bố Tú đang ngồi chẻ tre làm lạt buộc.
Hồi ấy Tú còn nhỏ, chả hiểu đỡ đần nghĩa là gì. Một hôm sáng sớm chạy ra bờ dậu đi đái, thì thấy tiếng ông Dương oang oang gọi công ngoài ngõ: “Cô Mi hôm nay đi tát nước đồng màu nhé”. Cô Mi, mẹ cái Hà đang cho lợn ăn, vâng một tiếng. Tú đứng bên giậu, mắt nhắm mắt mở, thấy ông Dương đã lỏn vào vườn nhà cái Hà lúc nào. Ông đến đằng sau cô Mi, lúc ấy đang chổng mông đổ cám vào máng trong chuồng lợn. Ông ấy đưa hai tay vừa bế vừa xoa mông cô Mi vừa bảo: “Con lợn này chóng lớn ghê”. “Phải gió cái nhà ông này”. Cô quay lại, vừa nói vừa gạt tay ông Dương ra. Nhưng mắt cô ấy lúc đó rất lạ, sáng rực. Tú không hiểu, sao ông Dương lại cứ bê mông cô Mi? Tú nghĩ hay là người lớn gọi thế là đỡ đần. Thế rồi ông Dương lôi cô Mi vào chân đống rơm, đè xuống mà chả thấy cô Mi kêu ca gì. Tú buồn ngủ quá, đi vào nhà lăn ra giường, chỉ kịp nghĩ là ông đội trưởng vừa đến đỡ đần xã viên hợp tác xã. Mới chỉ nghĩ đến thế thì Tú đã sập mắt vào ngủ mất. Lúc ấy mới năm giờ sáng.
Bố Tú là bí thư chi bộ ngõ Ngo. Bố Tú cũng đã đi bộ đội chống Pháp, sau được giải ngũ về quê do sức yếu. Không thấy bố sang đỡ đần cô Mi bao giờ. Chắc bố sợ cái hàng rào cây găng toàn gai nhọn hoắt. Bố Tú rất hay ê a đọc nghị quyết gì đấy những buổi trưa ăn cơm xong. Bố hay đọc về cái sự áp bức. Bố bảo bọn đế quốc phong kiến luôn rình áp bức dân ta. Mẹ thì chỉ hay nói từ đỡ đần. Mẹ bảo có chồng là để đỡ đần hôm sớm. Nhưng cứ như bố mày thì chả được tích sự gì. Có hôm thấy mẹ còn nói với bố, dạo này, các ông lãnh đạo hay đến đỡ đần cô Mi, mà ông hàng xóm không thấy sang, có khi thiệt.
Bố Tú và mẹ cái Hà chỉ hay đi họp chi bộ về muộn. Mà chi bộ ngõ Ngo dạo này rất hay họp. Bố Tú nói với mẹ là phải họp để đề ra nghị quyết lãnh đạo hợp tác xã tiến lên sản xuất lớn. Mẹ vặc lại, nói lớn đâu chả thấy, chỉ thấy dân càng ngày càng đói. Mới đầu, mỗi ngày công còn được cân thóc, bây giờ còn được năm lạng. Tiến lên sản xuất lớn, chắc mỗi ngày công còn ba lạng thóc lép. Bố Tú mặc kệ, ngày đi làm đồng, tối vẫn chăm chỉ đi họp. Nhiều hôm rất khuya. Bố về thì Tú đã ngủ lăn ngủ lóc rồi. Chỉ có mẹ là không ngủ được. Mẹ cứ hay nằm thở dài, rồi trở dậy, ra ra vào vào hết sân thềm cổng ngõ lại xuống bếp lên nhà. Bà Tú thấy thế bảo mẹ:
- Nó đi làm việc làng việc nước, kệ nó, mày cứ ôm con mà ngủ, lấy sức mai còn đi làm hợp tác.
- Bà thì biết cái gì. Làng nước cái gì. Xã viên đội ngõ Ngo đi làm đồng nói ran ran, ông bí thư truyền đạt nghị quyết cho cô đảng viên ở gốc cây vả trong vườn miếu thổ thần, bằng cách truyền trực tiếp vào mồm…
- Mẹ mày cứ nghe người ta nói nhảm. Thằng bố nó không có tính ấy. Tao nuôi con lớn tao biết chứ.
- Vâng. Biết iết iết… Mẹ Tú dài giọng trong đêm nghe não nề, làm cho con bé Bích, em Tú thức giấc khóc ré lên. Mẹ vừa vạch vú nhé vào mồm nó, vừa ru: À ơi, cái cò cái vạc cái nông/ sao mày giẫm lúa ruộng ông hỡi cò/ không không tôi đứng trên bờ/ mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi…”
***
Sân điếm thổ thần nay là sân kho đội sản xuất.
Lúa được bà con xã viên gặt lúc chiều, gánh về chất đống hình chữ u quanh sân. Bọn thanh niên nam nữ trong đội hè nhau dỡ cánh cửa miếu bằng gỗ lim rất dày ra kê nghiêng trên những cái giá gỗ đóng sẵn để làm phản đập lúa. Tất cả đứng vào sau phản, những bó lúa chất sau lưng, tay mỗi đứa cầm cái néo là hai thanh tre hóp tròn, nhẵn bóng, dài khoảng ba mươi phân, đầu trên nối với nhau bằng một sợi dây thừng tết chặt. Xoay người lại phía sau, lượm bó lúa vào sợi dây néo, xoáy một vòng, xiết lại. Quay người qua phía sân, vung bó lúa lên: Bụp bùm bụp bùm… Thả lỏng dây néo, ném bó lúa đã rụng hết thóc ra ngoài phía vườn một cách thiện nghệ. Bọn con trai còn ngầm thi xem thằng nào ném được bó rơm đi xa. Có thằng ném vọt qua cả tường khu miếu, ra tít ngoài đường. Ông Dương đội trưởng sản xuất, tay cầm mấy bó rơm hầm hầm đi vào quát um lên: “Mấy thằng chúng mày định phá hoại của công đấy hả? Ném vừa vừa thôi, gọn vào một chỗ để người ta chia cho dễ”.
Bọn thanh niên nam nữ vừa đập lúa không ngừng tay vừa rào rào tán chuyện, chả đứa nào để ý đến lời ông Dương. Những bó rơm vẫn bay vun vút lấp loáng dưới trăng. Hôm ấy trăng mười sáu, sáng lạ. Ánh trăng dãi dề trên đống thóc đang dần vun đầy trên sân. Trăng chấp chới trên những hạt thóc bắn ra từ những lượm lúa đang đập, vẽ một vòng cung theo nhịp của những đôi tay trẻ trung đập mạnh xuống tấm ván kê. Ông Dương đội trưởng, đứng chống nạnh đầu sân nhìn bọn trẻ đập lúa. Chả ai bắt chuyện. Chán. Bỏ đi đâu mất. Đêm xuống, mát hơn, ánh trăng như xanh hơn nhưng mà bọn đập lúa hình như thấm mệt, chúng chỉ đập bùm bụp vài ba cái chiếu lệ, rồi thẳng cánh ném lượm lúa còn phân nửa thóc vào đống rơm ngoài vườn.
Lúc cầm néo ra sân kho, bà Tú gọi lại thì thầm, chúng mày đi đập lúa thì bảo nhau đập dối giả thôi, để chia rơm về vò lại còn kiếm thêm một tí. Thóc lúa hợp tác thành đống lù lù thế mà không biết cân đối chia chác ra làm sao, nhà nào cũng được một nắm, chả đủ ăn đến mùa.
Trên đường đi, Tú hỏi Hà, mẹ cậu có bảo gì không? Hà nhăn mặt, cái mũi xinh xinh nhọn ra nom đến ngộ. Hà bảo, ai cũng thế cả thì bao giờ mới xây dựng được hợp tác xã cấp cao, để đời sống mới sướng như bên Liên Xô, Trung Quốc.
Nhưng mà hôm nay đi đập lúa đêm nên Hà mặc mỗi cái áo đông xuân trắng cộc tay, bên trong nó chả nịt vú gì cả. Đêm càng về khuya, trăng sáng như ban ngày, mỗi lần liếc sang bên cạnh, thấy vú Hà cứ nảy bần bật theo nhịp đập. Lúc cùng nhau cúi xuống lượm lúa, Tú thấy hình như ánh trăng chiếu tận vào trong cổ áo Hà, sáng trưng cả cặp vú nhễ nhại tròn như cái bát ăn cơm úp ngược.
Tú và Hà vốn thân nhau từ bé.
Từ cái dạo mẹ Tú thay hàng rào cúc tần bằng hàng rào găng thì có nhạt đi một tí, nhưng vẫn thân.
Vú của Hà thì Tú nhìn thấy từ lâu.
Hồi học lớp sáu, một buổi sáng Hà đi qua trước cổng, gọiTú đi bắt cua. Hai đứa rủ nhau đi sâu xuống mãi cánh đồng Chằm, ở đấy ít người đến bắt. Tìm được một thửa ruộng lúa sắp chín, nước lấp xấp. Nhìn những cái hang bên bờ đầy những vết chân cua, hai đứa mừng rỡ, chắc là bờ này nhiều cua. Bèn chia nhau vòng theo hai đầu. Mải mê với những con cua vàng ươm béo núc lôi trong hang ra, cả hai cứ hì hục men theo bờ thửa ruộng to. Lúa sắp chín tỏa hương thơm nức mũi. Hai cái bụng bé nhỏ của cô cậu học sinh lớp sáu cồn cào nghĩ đến nồi cơm gạo mới dẻo thơm ăn với canh cua nấu mướp rau đay mùng tơi. Mải mê, đến lúc hai đứa cộc vào đầu nhau đánh bốp, mới ngẩng lên. Thì ra là chúng đã cùng nhau tảo một vòng quanh thửa ruộng. Hai đứa cùng đang thò tay trong hang lôi con cua cuối cùng ra. Hà cúi sát xuống ruộng, thọc cánh tay nhỏ nhắn của mình vào hang sâu, tóm nốt con cua ngoan cố. Nó mải bắt quá nên cái áo nâu đính bằng khuy bấm bật hết cả mấy cái cúc ngực lúc nào không hay. Tú nhìn thấy cứ ú ớ lạ lẫm, không nói được câu nào. Nó và Hà cùng trai gái cả làng vẫn hay tắm trần ở ao sen. Dịp trước, thấy ngực Hà cũng vẫn phẳng lì như ngực nó. Không như mấy chị lớn, chị nào vú cũng to như cái bát ô tô. Thế mà hôm nay, Tú lại thấy rất lạ. Ngực Hà nhô lên chum chúm như nửa quả cau của bà nội vẫn dùng để ăn trầu. Đầu vú thì đỏ ửng lên cứ như bị tấy. Lúc hai đứa ngồi lên bờ xóc xóc giỏ cua xem đã đủ bữa chưa, Tú nhìn cái Hà rồi chỉ vào ngực nó:
- Cậu bị làm sao thế?
- Làm sao, ở đâu?
- Vú cậu sưng tướng lên kia - Vừa nói, Tú vừa chỉ vào ngực Hà.
- Không biết. Mấy hôm nay tự nhiên tớ thấy sưng to, đau đau, chưa hỏi mẹ xem bị làm sao - Vừa nói, Hà vừa tự nhiên vạch rộng thêm áo ra nhòm vào ngực mình, rồi sau đó mới thong thả cài lại cúc áo. Hà bảo - Thôi mình về đi, nấu cơm ăn còn đi học.
Từ hôm sau, không thấy cái Hà qua rủ Tú cùng đi bắt cua nữa. Đi học, nó cũng lang lảng. Tú cũng chả để ý, nó có quá nhiều trò của bọn con trai choai choai cuốn hút. Bơi sông, đá bóng, câu cá, thậm chí là đi đánh nhau với bọn bên làng Thượng.
Cho đến năm vào học cấp ba, vẫn cùng lớp với Hà.
Một buổi nghe thầy Kiền dạy sinh vật, nói về cái sự giao hoan sinh sôi nảy nở của muôn loài. Đêm hôm ấy về, Tú mơ một giấc mơ lạ lùng. Trong giấc mơ, Tú lại thấy mình đi bắt cua cùng Hà. Hai đứa ngồi với nhau trên bờ ruộng. Tự nhiên, Tú đưa tay bật những hàng khuy bấm trên cái áo nâu của Hà. Rồi cũng tự nhiên, Tú vục mặt vào cặp vú mới chum chúm nũm cau của Hà. Không thấy Hà nói gì, mà Hà lại mỉm cười, đưa hai tay vò vò cái đầu tóc khét nắng của Tú. Thì ra đấy là giấc mơ trai trẻ đầu đời.
Trăng mười sáu ngả hẳn về phía tây.
Buổi đập lúa đêm trăng đã xong. Thóc đã vun thành đống ở sân, rơm trong vườn. Ông Dương đội trưởng phân công hai dân quân mang súng trường đến ngủ canh. Ngày mai, thư ký đội sản xuất sẽ lên phương án ăn chia theo công điểm về cho các gia đình trong ngõ.
Tú và Hà cùng nhau ra về. Mệt. Buồn ngủ. Chả đứa nào nói câu gì. Cả hai cứ yên lặng đi trên đường ngõ lấp loáng trăng đêm. Bỗng Hà thở dài: “Mãi không thấy giấy báo điểm, ở nhà mãi chán quá”.
Tú cũng chả biết nói gì. Nó cũng chán. Nó cũng không biết mình có cơ hội thoát ra khỏi cái chân tre muôn đời khốn khổ của ngõ Ngo, của làng Ngọc không. Nó chào Hà cụt lủn “về nhé”, rồi rẽ vào cổng nhà mình.
Đấy là đêm cuối cùng nó đi với cô bạn gái mà mãi sau này, nó mới hiểu đó là cô bạn gái thật sự duy nhất thân thiết của mình ở làng quê. Mà có khi đấy cũng là cô bạn duy nhất trong sáng trên đường đời hỗn tạp rồi nó sẽ trải qua. Nhưng mà mỗi khi có dịp về quê, gặp Hà, Tú vẫn thấy thầm ngượng ngùng nhớ về cái giấc mơ của một thằng trai mới lớn năm nào.
***
Sáng hôm sau, mới tinh mơ đã nghe tiếng ông Dương đội trưởng sản xuất điều công váng khắp ngõ bằng cái loa sắt tây quen thuộc.
Tú và Hà cùng một nhóm nữa được điều đi xới ngô của hợp tác xã bên bãi. Nhưng đấy cũng là buổi đi làm hợp tác cuối cùng của hai đứa. Đang xới ngô bên cánh bãi thì ông bưu tá gọi hai đứa có giấy. Tú đỗ Bách khoa, còn Hà đỗ Sư phạm. Hai đứa bỏ cả cuốc ngoài bãi chạy về nhà. Đứa nào cũng vui. Từ nay chấm dứt cảnh lội bùn ngắm đít trâu. Chào tạm biệt luôn cái lũy tre làng âm u khốn khó. Hai đứa ra đi. Đi như muốn chạy khỏi cái quê hương đang trong kỳ khốn khó. Để rồi đứa nào đứa nấy lại đâm đầu vào những gian nan khốn nạn, cay nghiệt hơn nhiều. Rồi dòng đời đưa đẩy mỗi đứa mỗi phương. Với những niềm vui, nỗi buồn và những người bạn mới.
Thật kỳ lạ, là hai đứa cũng hay về quê nhưng chả khi nào trùng nhau. Cứ đứa này về thì đứa kia vừa đi. Mà cũng chả đứa nào nghĩ đến chuyện liên lạc thư từ thăm hỏi nhau. Trong thâm tâm, đứa nào cũng coi nhau là thân thuộc quá rồi, gặp thì nói chuyện, thư từ hỏi han nghe khách sáo làm sao.
Mãi về sau này, khi đã nếm trải hết mùi đời cay đắng chát ngọt ra sao. Cả Tú và Hà mới thấy nhớ da diết, thấy tiếc nuối những kỷ niệm xưa với người bạn học cùng ngõ. Và cái đêm trăng cuối cùng đi bên nhau trong miên man hư ảo của làng quê tĩnh lặng, luôn là một cái gì đó sâu, rất sâu trong tâm hồn cả hai.
Tú và Hà đi học được vài tháng thì đội sản xuất ngõ Ngo xảy ra khá nhiều chuyện.
Đầu tiên là, bụng mẹ cái Hà cứ to dần lên. Đi làm hợp tác, mới đầu người ta bảo cô Mi dạo này béo. Sau, xã viên lại nói là cô ấy bị bệnh báng bụng. Đến sau nữa, thành ra cô ấy có chửa. Vợ liệt sĩ, đảng viên mà lại có chửa, quả là vấn đề to. Hôm họp kiểm điểm cô Mi ở điếm ngõ Ngo, bố Tú chủ trì. Bố Tú phát biểu: “Đề nghị đồng chí Mi khai rõ với tổ chức là đã hủ hoá với ai”. Tiếng mấy bà, mấy cô dự họp léo xéo đế vào: “Cứ nói phắt ra”.
Gặng mãi, chả thấy cô ấy nói gì, cứ cúi đầu ngồi yên. Mọi người hỏi rát quá, là cô đã ngủ vô tổ chức với ai? Thì cô ấy mới lí nhí bảo, cô ấy tưởng cái ấy là của riêng cô, không phải của tổ chức. Nên cho ai thì cho. Bố Tú phát cáu, đập bàn đánh rầm một tiếng, quát: “ Yêu cầu đồng chí Mi nghiêm túc. Đồng chí báo cáo rõ tên tuổi ai đã ăn nằm với đồng chí để ghi vào biên bản, tổ chức có chứng cớ xử lý”. Cô Mi bỗng nhiên đứng phắt dậy, hiên ngang như tranh cổ động vẽ cảnh anh Trỗi ra pháp trường, cô nói: “ Được, các đồng chí đã muốn biết ai ngủ với tôi, thì tôi khai ra hết: ông thư ký đội này, đồng chí đội trưởng này, ông chủ nhiệm này, đồng chí kiểm soát này, ông xã đội này, đồng chí chủ tịch uỷ ban này…Nhưng mà tôi khai thế thôi. Tôi mà khai nữa, nhiều đồng chí ngồi đây cũng chết!” Thế là tan cuộc họp.
Mấy tháng sau, cô Mi đẻ một bé trai rất bụ bẫm. Cô thôi sinh hoạt luôn từ đận ấy. Cái Hà thỉnh thoảng về nhà, bế em đi chơi khắp làng. Nó rất quý em trai. Cho mãi đến sau này, trưởng thành, hai chị em nhà Hà vẫn quý báu nhau như vậy.
Nhưng mà từ dịp ấy, cô Mi rất ghét bố Tú, cô ghét lây cả nhà Tú. Lắm hôm cô mượn cớ chửi chó mắng mèo, đứng ở cạnh bờ dậu chõ sang rất ngoa ngoắt. Cô ấy còn cấm Hà không đươc giao du chơi bời gì với Tú. Điều này mãi sau Tú mới biết qua một người bạn chung của hai đứa kể lại. Hôm Hà lấy chồng, khóc với bạn, nói, trong tim chỉ có một người, gần có gang tay mà như xa cách ngàn trùng, chả đến được với nhau. Thôi đành lấy chồng xa cho khuất mắt, yên phận. Khi Tú biết được điều này thì ván đã đóng thuyền về nơi bến mới. Tú buồn, như người ngẩn ngơ mấy năm ròng.
Sau, vài năm thì bố Tú ốm mất. Lúc ấy Tú còn chưa ra trường. Có lẽ hồi bộ đội chống Pháp, bố Tú bị thương, rồi đau dạ dày, sức yếu sẵn. Mấy năm kinh tế khó khăn, toàn ăn ngô, khoai, sắn, bo bo…nên bố Tú phát bệnh, rồi chết. Hôm làm ma, cô Mi cũng sang giúp từ đầu đến cuối. Lúc hạ huyệt, mắt cô ấy cũng đỏ hoe, giàn giụa. Bà Tú thì đã mất từ mấy năm trước rồi. Bà chết cứ như người đi ngủ. Chả thấy rên rẩm đớn đau hay vật vã gì. Những người cao tuổi trong làng nói, người ở hiền thì hay chết lành. Tú lúc ấy cũng khá lớn, nhưng không hiểu chết lành nghĩa là sao. Tú thấy thương và nhớ bà.
Cả ngõ Ngo đều bảo, em cái Hà là con ông Dương chứ ai vào đấy nữa. Nhưng cô Mi không công nhận. Cô nói, thằng cu con ấy là con thánh, cô đi cầu mãi dưới đền Kiếp Bạc về mới có. Nên nó chỉ là con cô. Còn ông Dương, ông ấy không nói gì, vì dạo này ông ấy rất bận. Ông Dương đã lên chức chủ nhiệm hợp tác xã cấp cao. Hợp tác xã làng Ngọc khi ấy là điển hình tiên tiến của cả vùng. Được rất nhiều nơi về tham quan học tập. Rồi ông Dương lên cao nữa. Lên huyện. Lên tỉnh. Ra cả trung ương làm đại biểu gì gì ấy nữa…
Nhà Tú ở quê còn mỗi mình mẹ với cái Bích, em gái. Thế mà mẹ Tú cũng chật vật xoay sở đủ nghề chợ búa mới tạm đủ ăn. Không biết những nhà đông con thì làm thế nào. Dịp ấy ngoài đường ngõ Ngo, thấy ai mặt mũi cũng vàng võ xơ xác vì thiếu ăn. Chả ai buồn hỏi ai, cứ cúi đầu lặng thinh mà đi.
May mắn cho dân ngõ Ngo, vài năm sau thời cuộc biến chuyển, kinh tế khởi sắc, hợp tác xã tự nhiên tan. Dân tình nói, không tan nhanh thì chết đói cả rận chứ đùa à. Các ông chủ trì hợp tác ngày xưa cũng già hết rồi. Ông Dương cũng đã về hưu. Người làng bảo, ông Dương khôn lanh, làm gì ông ấy cũng vun vén được hơn người. Con cái ông ấy được hưởng lộc bố, nhà cửa cơ ngơi to đùng trên thành phố. Nhưng ông Dương lại thấy về làng ở. Thì người làng Ngọc xưa nay vẫn thế, đi tứ xứ kiếm ăn, già lại về làng. Họ bảo, già rồi, ở với bọn trẻ trên phố không chịu được. Còn bọn trẻ lại bảo, các ông bà già khó tính khó nết, đốc chứng, sinh ra những cái dở người. Khó chịu.
Mà có khi đúng thế thật.
Dịp này, các ông già bà cả trong ngõ Ngo lại đi quyên góp vận động con em để xây dựng lại điếm thờ thổ công. Cái điếm ấy, sau thời hợp tác xã bỏ hoang phế, sụp đổ hết rồi. Kinh tế thị trường phát triển, con em ngõ Ngo ăn nên làm ra cũng khá, thành đạt cũng nhiều. Nghe các cụ nói, xây lại điếm thờ thổ thần thì đều vui vẻ ủng hộ cả. Con cái nhà ông Dương, toàn đại gia buôn bán đất đai bất động sản ủng hộ nhiều nhất. Điếm ngõ Ngo xây trên nền cũ, nhưng toàn thứ mới. Đến cả bức tượng ông thổ thần cũng thuê thợ mạn Hà Tây sang nặn lại, bằng đất sét. Nhưng lần này, gửi sang Phù Lãng, nung kỹ.
Hôm khánh thành điếm thờ, làm lễ hô thần nhập tượng, đúng vào dịp hội xuân. Rất vui. Mẹ Tú và mẹ Hà, bây giờ đã là hai bà già tóc bạc, tíu tít sang rủ nhau đi từ sáng sớm. Hai bà mặc áo the nâu, vấn khăn nhung đen, nom vẫn duyên đáo để. Hai bà ở trong ban lễ tân, tất bật đón khách thập phương về dự. Gặp vợ chồng, con cháu đại gia đình ông Dương đến lễ, cả hai bà ra đón tiếp, tán chuyện cười ran ran…
Tú và Hà cũng về. Cả hai đều bị mẹ nhắn là, phải về dự, cung tiến cho đầy đủ, không thì đừng có trách. Hai đứa lâu lắm không gặp nhau. Tú ở Hà Nội, còn Hà theo chồng lên mãi Lao Cai. Về quê. Thấy là lạ. Nhưng trong lòng xôn xao, ấm áp. Lúc bắt tay Hà, Tú thấy tim mình hình như hơi lạc một nhịp. Tú lại nhớ đến cái đêm trăng đi đập lúa bên Hà năm nào. Không biết Hà có nhớ gì không nhưng bàn tay ấm nóng, run run. Chỉ về có một mình, mà chiều ấy Hà lại ngược tàu Lao Cai ngay. Tú ngỏ ý lái xe đưa Hà về cùng Hà Nội, rồi đưa ra ga. Nhưng em trai Hà đã tranh mất rồi. Đành chia tay luôn tại điếm.
Lễ hô thần nhập tượng cho thổ công ngõ Ngo rất lạ.
Thày thống Đằng nói, phải biện lễ tam sinh: gà, lợn, dê. Lấy máu của ba con vật hoà vào ba chén rượu dâng ngài, mới linh.
Có điều là lúc cắt tiết con dê đen khoang trắng để làm lễ, chả hiểu mấy tay đàn ông làm ăn thế nào mà để tuột, khiến con dê cứ be lên ầm ĩ. Tiếng con dê đực be rất buồn cười, mọi người không nhịn được cũng cười theo. Mất cả thiêng. Thày thống Đằng rất bực, quát nhặng lên, gõ thanh la, chiêng trống ầm ĩ…
Sau lễ khánh thành điếm thổ thần ít lâu. Tự dưng thị trường bất động sản vỡ tan. Mấy đại gia con cái ông Dương, kẻ thì vỡ nợ trắng tay. Có người còn phải vào tù vì tội lừa đảo, vay mà không trả nổi tiền người ta.
Còn ông Dương, ông ấy đốc chứng ra rất lạ. Ông rất thích ăn đất. Ông ấy cứ sang bên bờ sông, đào những tảng đất sét trắng mỡ màng, về thái ra những miếng nhỏ vuông vắn mịn màng như miếng giò. Rồi ông ấy bọc lá chuối, nướng than củi, xong, bày ra cái mâm sơn son thiếp vàng, ngồi nhâm nhi. Nét mặt ông Dương lúc ấy sung sướng mãn nguyện trong một niềm vui không giấy bút nào tả nổi.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Ông Dương, đội trưởng sản xuất đội ngõ Ngo của hợp tác xã làng Ngọc, đứng ở giữa đường gào lên oang oang qua cái loa bằng sắt tây: “A lô, a lô. Tối nay, toàn thể thanh niên nam nữ trong đội ra ngoài sân kho đập lúa. Ai đi làm thì được tính một công”.
Người gửi / điện thoại
Trên thị trường dược phẩm thế giới hiện nay, không một loại thuốc nào có nhiều tên biệt dược như Paracetamol. Ngay như tại nước ta, cũng phải có đến hàng ngàn loại biệt dược mà thành phần cơ bản của nó là một loại hoạt chất có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau: Paracetamol hay tên khác là Acetaminophen. Nào là: Paracetamol, Panadol, Paradol, Efferalgan, Tylenol, Typhy, Decolgen...
Nghiên cứu hóa thạch người ta thấy rằng loài cây này đã tồn tại cách đây hàng trăm triệu năm. Trong khi các giống loài cùng thời đã tuyệt diệt thì Bạch quả- ginko biloba vẫn sừng sững hiên ngang cùng tuế nguyệt.
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...