Có người nói, ngày là để con người ta sống, còn đêm để hiểu về cuộc đời. Có vẻ đúng. Mỗi ngày, khi mặt trời tắt bóng, màn đêm hư ảo êm đềm như chiếc chăn vô hình phủ xuống trần gian, con người ta đang ở đâu đều muốn trở về nhà, tổ ấm của mình để nghỉ ngơi. Sau bữa ăn bên người thân thiết, trong bóng đêm tĩnh lặng, thường họ bắt đầu suy tư trước khi chìm vào giấc ngủ.
Họ tư duy lại về những gì đã làm, đã diễn ra ban ngày. Họ tự vấn mình. Đêm tối không âm thanh màu sắc khiến cho con người ta hay suy xét về những hành động của bản thân. Màn đêm êm đềm giúp cho con người trấn tĩnh để tư duy sâu, phân biệt đúng sai, minh định phải trái, hình thành những nhận thức về con người, cuộc đời, xã hội. Nói đêm để hiểu cuộc đời có lẽ là vậy. Nhưng ở một góc nào đó lại dường như không phải vậy.
Nhịp sinh học cơ thể con người ta vốn hằng định, sinh ra là phù hợp với vòng quay của trái đất. Ngày làm đêm nghỉ. Hai mươi bốn giờ chia đôi. Ban ngày dưới ánh mặt trời rực rỡ hết thảy mọi người hoạt động kiếm ăn bảo tồn sự sống, đấu tranh sinh tồn, tranh giành nhau kịch liệt. Đêm, mặt trời khuất núi, mắt của hết thảy mọi người díp lại, trí não mờ đi, chùng xuống. Cơ thể tự động bắt đầu chu kỳ nghỉ ngơi thư giãn tái tạo năng lượng cho ngày hôm sau. Ngày mai mặt trời lên, tỉnh dậy khoan khoái sau một đêm nghỉ ngơi lại lao vào vòng quay bất tận của cuộc đời.
Như vậy, đêm mặc định là thời gian nghỉ ngơi của con người. Nhưng xã hội loài người ngày càng phát triển, hiện đại hóa. Hiện đại hóa đến nỗi dường như màn đêm bí ẩn êm đềm của nghỉ ngơi, nhiều nơi nhiều lúc dường như chỉ còn trong quá khứ. Nhất là ở đô thị. Trên thế giới rất nhiều thành phố được mệnh danh là thành phố không ngủ. Ở đó đèn sáng vằng vặc như ban ngày cả đêm. Con người ta vui chơi giải trí, mua sắm, làm việc hầu như không có khái niệm thế nào là “đêm nghỉ”.
Từ ngày chuyển sang làm nghề viết, “cào bàn phím”, tôi hầu như thức gần hết đêm. Một buổi làm việc hiệu quả nhất của tôi có lẽ bắt đầu lúc 1 giờ sáng hôm sau. Bởi lúc đó mọi thứ xung quanh dường như đã mê mệt trong nhịp nghỉ không cưỡng lại được của tạo hóa. Không gian tĩnh lặng tuyệt đối. Đầu óc không còn bị tác động của bất cứ ngoại cảnh nào.
Một mình ngồi trong đêm, trên trang viết tôi tha hồ thả trí tưởng tượng của mình bay bổng phiêu diêu cùng nhân vật mà không sợ bị làm phiền. Lúc đó tôi được sống cuộc đời thứ hai, ái ố hỉ nộ, sống chết cùng nhân vật của mình. Có lúc buồn bã bế tắc, cũng có lúc hứng khởi thăng hoa. Có lẽ đó là nỗi niềm chung của những người cầm bút chứ không riêng gì tôi…
Dịp gần đây chỗ tôi ở bị phong tỏa do dịch Covid-19. Với tôi, một người làm nghề viết thì cái sự phong tỏa không ảnh hưởng gì mấy. Phong tỏa cũng ngồi nhà viết mà không phong tỏa cũng vẫn ngồi trước máy tính là chính. Thế nhưng có lẽ “nhờ” có phong tỏa mà tôi được trải nghiệm nhiều điều, nhận ra nhiều điều. Có những trải nghiệm mà có lẽ cuộc đời chắc chỉ trải qua một lần.
Chỉ 8 giờ tối, phố phường đã im ắng như nửa đêm mọi khi. Ngoài đường hầu như tắt hẳn tiếng xe máy ô tô. Tiếng nhạc rộn ràng ầm ĩ từ các quán hàng lập lòe đèn xanh đỏ mọi hôm cũng vắng bặt. Đến cả tiếng người ho, tiếng mèo kêu, chó sủa chuột chạy cũng dường như cũng không có nốt. Mới đầu tôi cũng thú vị và nghĩ mình nên tận hưởng cái khoảng không gian tĩnh lặng này, để tập trung vào công việc. Càng về sau, đêm đến, cái sự yên lặng càng đạt đến độ hầu như tuyệt đối.
Có nhiều hôm vào lúc độ 1 - 2 giờ sáng, tôi mở cửa ra ban công tầng hai đứng một mình ngắm phố phường vắng lặng im phắc dưới ánh đèn đường xanh lét lạnh lẽo. Hàng giờ không có bóng người. Những chú chàng nghiện ngập dật dờ ăn đêm mọi khi trên phố không thấy. Những người lao công quét rác cũng không. Những chị hàng rau hàng cá đi chợ sớm cũng không thấy tiếng. Vắng hẳn bóng người. Đứng nhìn mãi mà tưởng như cảnh phố ma trong những bộ phim kinh dị của Hollywood.
Lúc đó càng thấm thía cái sự tàn phá của một kẻ mệnh danh “bên rìa sự sống”, hầu như vô hình mà nó tác động đến thế giới văn minh của chúng ta khủng khiếp thế nào: con virus quái ác có cái tên Sars-CoV-2. Và bỗng nhiên tôi thấy thèm cái sự nhộn nhạo nhiều khi đến vô tổ chức của cuộc sống thường nhật biết bao. Đó chính là những dấu hiệu của một cuộc sống bình thường mà, khi ở trong tình trạng bất thường rồi ta mới thấy nó quý giá chứ không như lúc trước, nhiều khi còn căm ghét nó. Tôi cứ đứng triền miên một mình trên ban công mà suy tư về cuộc sống và cái sự hữu hạn của kiếp người, sự mong manh của thế giới tưởng như rất khổng lồ và vững chắc này.
Thật ra thì con người là một sinh vật đáng thương và yếu đuối trong một cái thế giới vô cùng phức tạp và biến đổi vùn vụt không ngừng. Có lúc cảm thấy chúng ta, loài người thật cô đơn và đáng thương trong bàn tay của tạo hóa. Càng suy tư, càng thấy hiểu biết của con người về thế giới thật nhỏ nhoi và thảm hại làm sao. Và lại càng thấy thấy thân phận con người mong manh…
Nhưng dòng suy tư của tôi bị cắt ngang đột ngột bởi những chiếc xe cứu thương lao vụt qua phố. Chiếc xe chở những bệnh nhân Covid đi cấp cứu. Chiếc xe của niềm hy vọng hay của tử thần? Vẫn biết vòng đời là sinh lão bệnh tử, là biệt ly âm dương đôi ngả tất yếu, nhưng tiếng còi hú cùng ánh đèn nhấp nháy trong đêm của chiếc xe kia tác động đến trí não, trái tim con người ta kinh khủng. Trí óc thốt nhiên bấn loạn còn con tim loạn nhịp thập thõm trong lồng ngực. Tưởng như nay mai số phận cũng sẽ đẩy mình lên chiếc xe kinh hoàng kia. Thật khủng khiếp. Chiếc xe đã vụt qua từ lâu, nhưng trong đêm cô quạnh, dư âm của nó để lại cứ quanh quẩn bám riết lấy tôi. Tôi dám chắc, không cứ tôi đang đứng trên ban công nhìn ra phố, mà cả những người chợt thức giấc trong đêm cũng cảm thấy thân phận con người nhỏ bé hoang mang bất định làm sao.
Không biết sau đợt dịch bệnh vô tiền khoáng hậu trên toàn thế giới này, cuộc sống loài người sẽ phát triển thế nào. Thế nhưng những trải nghiệm trong đêm khuya vắng với tiếng còi xe hốt hoảng, ánh đèn xanh đỏ nháy liên hồi, với tôi là một trải nghiệm thực sự khó quên. Không thể nào quên được…/.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Người gửi / điện thoại
Gọi là kiến ba khoang, vì trên thân của nó có ba khoang màu xanh thẫm, hoặc đen ở đầu, giữa thân và đuôi. Kiến ba khoang có tên khoa học là Paedenus fusipes.
Khi đại dịch covid-19 nổ ra ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 11/ 2019, cả thế giới bàng hoàng. Không hiểu điều gì đang xảy ra nơi đây. Đến khi Trung Quốc chính thức công bố về dịch, lập tức các nhà khoa học của cả thế giới đã vào cuộc nghiên cứu về con virus gây bệnh có định danh là Sars- CoV-2 này.
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...