Nguyễn Hữu Sinh- hay người Lâm Di vẫn gọi là Má Giám Sinh.
Má chứ không phải Mã như trong Kiều của cụ Tố Như. Là vì, khi đẻ ra má Sinh đã có một mảng chàm, chiếm đến hai phần ba má phải. Giời cho thế nên Sinh cứ lớn lên cùng mảng chàm. Sinh lớn, mảng chàm cũng to ra, vẫn chiếm hai phần ba má phải. Loang lổ. Chả ra hình thù gì. Hồi Sinh học cấp hai có thầy Hoè dạy văn, người bên Đồng Cự. Dân Đồng Cự toàn buôn gỗ quí và làm đồ xuất khẩu nên rất giàu, ít người đi làm nhà giáo như thày Hoè. Nghèo. Thày gầy guộc, má hõm, mặc toàn quần áo cũ nhưng luôn chỉnh tề. Cả con người thày chỉ có đôi mắt là đáng chú ý, một đôi mắt to, hơi sâu nhưng sáng rực, nhất là khi thày bình giảng một bài văn, bài thơ hay. Lúc đó thày như trở thành một con người khác. Thày đi lại khắp lớp, vừa nói vừa hoa tay như người ta diễn thuyết. Thày phóng những con chữ nhanh đẹp như múa trên bảng đen. Thày cất giọng khi lên bổng, lúc xuống trầm. Thày nói về những cái hay cái đẹp của thơ văn, của cuộc đời nhân vật. Những lúc như thế, thày Hoè thành một người khác hẳn. Thày khóc. Thày cười. Thày bừng bừng phẫn uất với nỗi oan khiên trời thấu… Có những lúc thày thăng hoa, buột nói bằng giọng thổ ngữ của Đồng Cự, lũ học trò Lâm Di không rõ thầy nói gì những vẫn ngồi im phắc, há miệng nhìn thày.
Cả vùng Kinh Bắc có dân Đồng Cự giọng nói khác hẳn mọi nơi. Véo von như chim. Người các nơi khác mới nghe cấm ai hiểu gì. Họ nói là do mạch nước của Đồng Cự khác, nên dân tình uống vào mới thành ra nói tiếng chim tiếng chuột như thế. Mà có khi đúng vậy. Nhiều cô gái nơi khác, lấy chồng về Đồng Cự, chỉ ít lâu sau về thăm nhà đẻ, nói, bố mẹ cứ ngây ra chả hiểu con gái mình nói gì. Thày Hoè là người Đồng Cự nên lúc còn theo học trên trường sư phạm, thày phải tự rèn để nói chuẩn theo sách. Nhưng thỉnh thoảng vào lúc giảng bài, cao hứng, thày vẫn buột ra ngân nga tiếng Đồng Cự. Hôm giảng truyện Kiều, lúc bình về đoạn nàng Kiều bị mất trinh, thày ngâm nga: “ Tiếc thay một đoá trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về…” Thày nói, ôi cụ Nguyễn Tiên Điền, cụ thật là bậc thánh nhân, chỉ hai câu thơ tả hoa và ong mà cụ đã lột trần cái sự vô sỉ thấp hèn của tên Má Giám Sinh đểu giả…Thằng Nguyện ngồi bên cạnh Sinh trong lớp, thò tay sang chọc sườn bảo, thày Hoè đang nói mày đấy. Mày đích thị là tên Sinh rám má- Má Giám Sinh đểu cáng lừa cướp trinh tiết của con gái nhà lành. Nguyện chưa kịp đóng cái mồm răng hô nhăn nhở của nó vào thì bị Sinh vớ ngay cặp sách, táng thẳng vào. Ba cái răng cửa của thằng Nguyện rơi lộp cộp xuống bàn, be bét máu. Sau vụ đấy, Sinh bỏ học. Ai nói gì cũng mặc. Ở nhà đi chăn bò.
***
Làng Lâm Di thuộc Thuận An, Kinh Bắc. Nhưng giáp Gia Lâm, Hà Nội. Có một thằng trai làng, làm nghề lái tắc xi ngoài đó đã đo bằng công tơ mét ô tô nói rằng, từ cổng làng Lâm Di quê nó, đến Hồ Gươm, chỗ đền Bà Kiệu dài đúng hai mươi bốn phẩy ba ki lô mét. Là đấy tính theo đường quốc lộ, còn theo đường chim bay chắc chỉ hơn chục cây số. Dân làng khá tự hào về điều này, rằng thích thì có thể sáng đạp xe ra bờ hồ, chén vài que kem với cái bánh mì, chiều lại thảnh thơi đạp xe về nhà. Nhưng đấy cũng là nguồn cơn của một cuộc bể dâu ở đất này. Dân Lâm Di thuần nông từ ngàn năm nay. Ruộng làng không nhiều nhưng màu mỡ. Mương máng lấy nước từ sông Đuống vào phù sa tươi tốt, cứ cấy cây lúa xuống là có ăn, chả phải nhọc công nhiều. Người Lâm Di có một nghề phụ là làm hàng xáo. Họ đi chợ quanh vùng đong thóc, về xay xát, lấy cám nuôi lợn bò, trấu đun bếp, còn gạo chở ra bán ngoài chỗ chợ Gạo, gần Đồng Xuân. Vài người mang vịt gà ngan ngỗng cùng các loại rau trái ra đấy bán buôn. Cũng gọi là kiếm thêm đồng tương đồng mắm. Cơ bản dân Lâm Di vẫn trông vào cánh đồng màu mỡ bên làng làm nguồn sống chính.
Cách đây hơn chục năm, tự dưng nhà đất ở Hà Nội cứ lên giá ầm ầm. Sáng một giá, chiều một giá. Cái cơn sốt nhà đất ấy, như một trận dịch sốt xuất huyết, tức khắc từ trung tâm thủ đô lan ầm ầm đến xung quanh, về tận Lâm Di. Một hôm, dân làng thấy loa gọi mời các gia đình ra nhà văn hoá thôn để nghe phổ biến về việc thu hồi đất đai làm khu đô thị, công nghiệp. Già trẻ, trai gái, lớn bé trong làng hoảng hốt, rụng rời chân tay. Mấy ngàn năm nay gắn bó sinh sống với mảnh ruộng làng, nay nhà nước bảo thu hồi, thế lấy cái gì mà sống đây? Kinh hoàng. Cả làng nháo nhào chạy ra chỗ loa đang oang oang kính mời bà con vào ổn định chỗ ngồi để cấp trên nói chuyện, phổ biến chính sách chủ trương mới của nhà nước.
Nhà Má Giám Sinh có ba sào rưỡi đất lúa nằm trọn trong dự án. Mỗi năm, cấy hai vụ lúa, mỗi sào được khoảng hai tạ thóc một vụ, vị chi là tấn tư thóc mỗi năm. Ngoài ra có thêm vụ đông rau màu được chút đỉnh. Nhà có mẹ già, hai vợ chồng, một đứa con trai hai tuổi, bốn miệng ăn tất cả. Trừ các khoản đóng góp thuỷ lợi thuỷ nông, dân công bảo vệ đồng điền, nuôi ông xã ông thôn…còn lại cũng đủ ăn. Vợ chồng Má Giám Sinh chịu khó hàng xay hàng xáo, chợ búa ra ngoài Hà Nội, gọi là tạm ổn, không đến nỗi nào. Thế mà nay.
Ngồi trong hội trường nhà văn hoá thôn, nghe Trần đại gia nói về dự án Khu đô thị công nghiệp Lâm Viên Hồng, Má Giám Sinh thấy toàn thân mình như lâng lâng nhẹ bỗng. Nay mai, chả phải tay lấm chân bùn, chả phải sớm hôm lặn lội thồ rau thồ gạo ra Hà Nội bán cũng có cái xơi. Trần đại gia dõng dạc tuyên bố là sẽ đền bù cho các gia đình có ruộng cấy lúa một khoản xứng đáng, bằng giá trị hai mươi năm gieo trồng. Các cụ cao niên gần đất xa trời, chỉ việc gửi ngân hàng, rút dần ra tiêu. Những người còn sức lao động thì tuyển vào làm công nhân nhà máy. Trần đại gia sẽ cho xây nhiều nhà máy hiện đại, chế tạo rất nhiều thứ xuất khẩu đi Âu châu. Trần đại gia còn nói, sẽ cho xây dựng cả một nhà máy nước đóng chai, công nghệ của NASA Huê Kỳ, thứ nước này uống vào còn hơn nước giếng thần bên làng Ngọc. Trai gái cứ gọi là đẹp rực, còn người già sống lâu, hưởng phúc.
Má Giám Sinh nghe thấy lâng lâng, nhưng không phải là lâng lâng sung sướng mà Sinh thấy lâng lâng bàng hoàng sao đó. Khó tả. Làng Lâm Di, họ hàng hang hốc nhà Sinh truyền đời làm ruộng. Chỉ cần đêm nằm nghe mưa rơi, đã biết là sớm mai phải ra be bờ đắp góc ở thửa nào rồi. Thế mà nay bảo thu hồi hết ruộng. Nghe hoảng hồn. Lại nghe nói sẽ được món tiền to. Càng hoảng. Thì từ bé đến giờ, có khi nào tưởng tượng ra được món tiền to như thế đâu? Má Giám Sinh hoảng. Sinh chạy về nhà hỏi ý vợ. Vì vợ Sinh vốn vẫn được coi khôn ngoan hơn, học cao hơn, vợ Sinh đã tốt nghiệp cấp ba.
***
Hôm Sinh bị thầy Hoè đuổi ra khỏi lớp vì tội đánh bạn gẫy ba răng cửa, rồi Sinh bỏ học luôn. Chiều hôm sau, thày Hoè vào nhà Sinh chơi. Sáng ấy thày không thấy Sinh đến lớp nên định vào gọi Sinh đi học. Nhà Sinh ở cuối làng Lâm Di, giáp cánh đồng, chỉ có một mẹ một con. Mẹ Sinh xấu gái, quá lứa nhỡ thì chả ai lấy. Ông ngoại Sinh bèn mua mảnh đất cắm cái nhà cho cô con gái yên phận, khỏi ảnh hưởng đến anh em trai trong nhà. Thì giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Làng vẫn ca dao thế. Ba gian nhà tranh, một cô gái ế bên rìa làng. Mấy tay đàn ông chuyên đánh giậm khuya sớm ghé vào xin lửa hút điếu thuốc lào cho ấm. Rồi những ông riu tôm bên Quan Đồng cũng rẽ ngang. Lại cả mấy lão đi đánh ống lươn đêm… Chỉ có thế mà rồi mẹ đẻ ra Sinh rám má- Má Giám Sinh sau này như cả làng gọi. Chiều hôm thày Hoè vào, thày kê dép ngồi ngoài sân nói chuyện với mẹ Sinh. Có vào trong nhà, thày cũng chả biết ngồi đâu. Cái vách nhà trát bằng rơm trộn bùn lâu ngày vỡ ra từng mảng rồi. Gió bắc đầu mùa hun hút thổi qua như ngoài đồng trống. Mẹ Sinh bảo: “ Thày mà không vào thì em cũng định ra trường xin cho cháu nó nghỉ. Thôi nhà mẹ cút con côi, học thế là đủ, biết mặt chữ, biết cộng trừ nhân chia là được rồi. Nhà neo quá. Em đi làm hợp tác công điểm chả đủ ăn. Ơn thày mẹ con em xin nhớ. Nhưng thày cho cháu nó nghỉ, em mua con bò cho nó dắt quanh bờ vùng bờ thửa, kiếm thêm miếng ăn”. Thày Hoè không biết nói gì. Thày ngồi bó gối nhìn ra cánh đồng vừa cày ải xong. Từng tảng đất phù sa nục nạc lật nghiêng trên luống cày đều tăm tắp. Nhà thày cũng nghèo. Vợ yếu, bệnh tật liên miên. Mà thày có những bốn cô con gái…Thày Hoè ngồi yên trên sân hồi lâu rồi lặng lẽ đứng dậy. Qua cổng gặp Sinh dắt bò về, chào, thày gật đầu rồi đưa tay xoa đầu Sinh, bàn tay thày ấm hình như hơi run run. Đấy là sau này đã lớn, hôm sang viếng thày Hoè tự dưng Sinh nhớ lại. Chứ lúc đó cậu bé chăn bò chỉ đứng yên nhìn theo bóng thày Hoè khuất dần trên con đường làng Lâm Di chiều đông muộn.
Thế rồi Sinh cũng lớn lên, trở thành một trai lực điền khoẻ mạnh. Có điều cả làng giờ toàn gọi là Má Giám Sinh, không gọi Sinh rám má như lúc bé. Thằng Nguyện bạn học từ hồi vỡ lòng của Sinh, nó là học sinh giỏi văn trong đội tuyển của thày Hoè, là thằng đầu têu ra cái tên ấy. Có vẻ nó cũng hơi ân hận. Nó tốt nghiệp đại học rồi làm gì trên tỉnh không rõ. Một lần gặp ở đám cỗ trong làng, nó bảo Sinh đừng giận nhé. Có gì mà giận cái chuyện trẻ con, xưa rồi. Mà mấy cái răng cửa của thằng Nguyện mọc lại, đều hơn, nom nó lại thành ra đẹp trai. Hồi ông ngoại Sinh còn sống, lúc ấy Sinh còn bé. Ông có hai chậu hoa trà, hồng trà và bạch trà. Ông chăm chút hai chậu hoa này rất cẩn thận. Ông bảo với Sinh, đây là loài hoa trà mi mà cụ Tố Như nói đến trong Kiều. Ông cũng mê Kiều. Sinh thì chưa bao giờ đọc hết quyển Kiều. Hồi đi học có nhớ lõm bõm vài đoạn trích giảng trong sách giáo khoa. Nhưng cái câu “ Tiếc thay một đoá trà mi…” thì Sinh thuộc. Tết đến, chậu bạch trà của ông ngoại nở hoa trắng muốt. Một màu trắng tinh khôi đến nao lòng. Đàn ong mật trên đõ treo ở cây muỗm trong vườn nhà ông ngoại vo ve lượn lờ tranh nhau đậu xuống những đoá hoa trinh trắng hút mật, rồi vè vè bay về đõ. Rồi lại một đàn khác lượn lờ bay xuống. Sinh đứng nhìn cả buổi sáng đàn ong quấn quýt bên chậu hoa trà. Sinh cầm cái quạt trúc của ông ngoại xua xua đuổi đàn ong, đi ra gần nhìn vào những bông hoa trà. Sinh không thấy có gì đổi thay, hoa vẫn trắng muốt như trước lúc đàn ong sà xuống mà sao thày Hoè cứ phải lạc giọng thốt lên nức nở? Chậu bạch trà mi vẫn đẹp, vẫn trắng trong tinh khiết như chưa từng có đàn ong nào đỗ xuống vây vo hút mật.
Sinh lấy vợ thì ông ngoại đã giỗ hết lâu rồi. Vợ Sinh là con gái trong làng, không xinh cũng chẳng xấu, thường thường. Nhưng mà Hoài(tên vợ Sinh) khá đảm đang, theo mẹ chợ búa hàng xay hàng xáo từ bé. Hoài học hết cấp ba nhưng thi chả đỗ trường nào nên ở nhà làm ruộng và theo mẹ đi chợ. Mẹ vợ Sinh vẫn nói giấu rể là, con gái bà đáng phải được về chỗ danh giá hơn kia, đằng này không biết cái thằng má lám ấy nó cho ăn bùa mê thuốc lú gì mà cứ lăn vào, khổ thế.
Mẹ vợ Sinh không biết. Sinh thì vốn đã kiệm lời, còn vợ Sinh, tuyệt đối không bao giờ nói với mẹ những chuyện kín đáo. Chuyện thế này. Nhà Sinh ở cuối làng, giáp đồng, có mấy bụi tre to ông ngoại trồng trước cửa nhà từ khi cho con gái ra ở riêng. Vừa để làm hàng rào, vừa lấy cái sau này có phải sửa sang nhà cửa thì đẵn xuống dùng. Ông chết lâu rồi, nhưng búi tre thì to lắm, toả bóng mát rượi. Bà con trong làng đi làm đồng về, hay ngồi nghỉ mát dưới chân rặng tre ấy. Hôm chiều hè tháng sáu, Hoài đi cấy dưới ruộng lên, kê đòn gánh ngồi nghỉ ở chân tre thì Sinh cũng vừa đi cày về, ra cái giếng trước nhà dội nước tắm. Hoài nghe tiếng dội nước bèn ghé mắt qua rặng tre nhòm vào. Bỗng mặt Hoài đỏ lựng lên như mặt giời to tướng phía đằng tây đang lặn. Ở sân giếng, Sinh đang cởi trần dội nước, trên người chỉ mặc mỗi cái quần đùi mỏng. Thân thể Sinh cường tráng, cơ bắp cuồn cuộn một màu nâu bóng như những tảng phù sa sông Đuống mỗi mùa nước lũ. Vai ngực nở nang, eo ếch mông gọn gắn với cặp đùi dài rắn chắc như hai cái cột nhà. Lúc Sinh quay nghiêng, che lấp đi bên mặt có cái mảng chàm, Sinh trông đẹp như là tượng thần (Hoài đã tốt nghiệp cấp ba nên biết thần thoại Hy Lạp). Mũi Sinh cao, thẳng tắp. Đôi lông mày đen nhánh đẫm nước nhưng vẫn vẽ một nét rất nam tính trên khuôn mặt rắn rỏi. Khi Sinh quay người cầm gầu nước đưa lên đầu dội xuống, mặt hướng thẳng về phía rặng tre Hoài ngồi, gương mặt của Sinh nhìn thẳng một nửa sáng bừng, một nửa gớm ghiếc tối tăm như quỷ dữ. Hoài hoảng sợ, quay mặt nhìn ra phía cánh đồng. Nhưng chỉ mấy giây sau, có một cái gì đó vô hình lại kéo ánh mắt của Hoài nghé qua rặng tre nhìn vào. Trên sân giếng, trong ánh chiều hè đỏ rực, Sinh đã khoả thân hoàn toàn mà ra sức dội nước, kỳ cọ. Con chim của Sinh vừa được xổ khỏi chiếc quần lót mỏng, thẳng căng kiêu hãnh chĩa thẳng về phía Hoài ngồi. Cô nàng thợ cấy ngồi như hoá đá, không cả nhúc nhích nổi chân tay. May lúc đó không có ai khác. Mà Sinh tắm trong vườn, cách rặng tre và cái ao nên không biết có người ngồi bên kia. Nhưng Hoài thì nhìn rõ. Đêm hôm ấy, cô thôn nữ Lâm Di hai mươi bốn tuổi không ngủ được. Cứ nhắm mắt vào, cô lại như nhìn thấy cảnh ban chiều. Mà sao mặt thì xấu mà cái ấy lại hay thế không biết. Cô cứ thở ngắn than dài, gần sáng cô quyết định. Con gái Lâm Di không đi ra khỏi làng thì cũng chỉ mười tám đôi mươi là lấy chồng hết. Mình cũng sắp ế đến nơi rồi, cao không tới, thấp không thông. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Mà người đâu phom đẹp thế, cứ như vận động viên thể hình trên ti vi vậy. Cô quyết tự mình tìm lấy hạnh phúc. Hoài nhớ ngày xưa đi học, thày Hoè bình giảng truyện Kiều, thày nói thêm: “Các em nữ cũng cần phải tự biết tìm hạnh phúc cho mình. Cách đây mấy trăm năm, trong thời phong kiến cay nghiệt với phụ nữ, nàng Kiều cũng còn dám xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình để đến với người mình yêu” .Sáng sớm hôm sau, trên đường gánh mạ ra đồng để cấy nốt thửa ruộng dở hôm qua, cô ghé vào nhà Sinh. Cô mua cho Sinh cặp bánh giò nóng hổi ở quán giữa làng, cô bảo chiều nay Sinh có rỗi thì ra bừa đổi công cho cô ở cánh đồng màu. Mảnh ruộng nhà Hoài dưới đó bằng bàn tay mà hai anh chị cày bừa những cái gì nữa mải mãi nửa đêm mới về.
Thế là Sinh có vợ. Tất nhiên là cũng có cưới cheo đàng hoàng. Dân Lâm Di nền nếp gia phong từ xưa. Không đùa. Không ai tự nhiên mà đem được con gái nhà người ta chăm bẵm mấy chục năm về làm vợ được. Về làm vợ Sinh đâm ra Hoài lại sướng. Chồng hiền, mẹ chồng cũng lành, Hoài thành bà chủ, quyền thu quyền chi, quyền sinh quyền sát trong nhà. Như hôm nay, Sinh đi họp về đền bù thu hồi đất ruộng làm khu đô thị công nghiệp, nghe thông báo về mức tiền mỗi sào đất lúa được trả theo “chính sách” và các khoản hỗ trợ linh tinh khác, Sinh hoa cả mắt. Sinh chạy ra ngoài, thì công an xã gọi giật giọng quay lại. Sinh bảo: “Để tao về nhà hỏi vợ tao cái đã, xong tao lại ra họp”
Vợ Sinh lẩm nhẩm tính toán một lúc, mắt bỗng sáng bừng long lanh y như những lúc vừa được chồng yêu. Hoài bảo: “Anh ra ký ngay, mang tiền về đây cho em. Em sẽ làm cho thằng cu nhà mình cái nhà gác ba tầng. Để cho nó đứng trên tầng ba đái xuống thì không bố con nhà nào ở làng này dám coi thường vợ chồng mình”.
***
Hôm thày Hoè chết, Sinh cũng sang viếng. Học trò của thày lác đác có vài đứa đến thắp hương. Thằng Nguyện là trò cưng nhưng không về được, thấy bảo dạo này nó là VIP rồi, nên rất bận, không thu xếp được thời gian. Lâm Di cách Đồng Cự không xa, chỉ có cái là qua sông cách rách. Nay nhà nước bắc cầu rồi nên cũng tiện. Lúc nghe tin thày Hoè chết, Sinh đang đi lùa bò. Bỗng Sinh nhớ lại bàn tay ấm, run run xoa đầu Sinh ở cổng hôm nao…Sinh bắt con bê gần một năm tuổi, trói bốn chân đặt lên xe máy, phóng sang Đồng Cự. Đến cổng nhà thày Hoè, Sinh hạ con bê xuống, tròng sợi dây thừng vào cổ nó dắt buộc vào gốc cây mít ngoài vườn rồi vào thắp hương thày. Sinh bảo với người nhà là mang con bê sang làm lễ thày. Con bê nặng khoảng bảy tám mươi cân có màu lông vàng cháy mượt mà rất đẹp. Đôi mắt con bê to tròn đen láy ngơ ngác nhìn vào trong rạp đám ma đang xì xụp người khấn vái. Lúc Sinh lên xe máy đi về, thốt nhiên con bê kêu thảm thiết: bê ê ê ê…Nghe như là tiếng trẻ con khóc đòi mẹ vậy. Não lòng. Lúc ấy Sinh mới rớt nước mắt. Vừa chạy xe, Sinh vừa đưa tay chùi mắt. Mà sao thày Hoè chết khổ thế không biết. Thày đi làm thêm ở xưởng đóng đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Lúc thày đi về qua bãi, một cái xe chở gỗ vừa vào tới nơi chưa kịp dỡ, bị đứt cáp. Những súc gỗ to mấy người ôm mới xuể lăn từ trên xe xuống chèn vào người. Thày già rồi còn tham làm gì cơ chứ. Thì vẫn biết đồng lương giáo viên về hưu có hạn, mà thày còn phải lo cho bốn cô con gái.
Cả làng Đồng Cự đều nói là thày Hoè có anh học trò xấu người nhưng tốt nết. Cúng thày hẳn cả con bê một đống tiền.
Hoài vợ Sinh cũng biết chuyện này nhưng Hoài không nói gì. Hoài biết tính chồng mình, hiếm khi làm việc gì mà không xin ý kiến vợ. Nhưng khi đã tự ý làm thì không ai can được. Mà thày Hoè ngày xưa cũng dạy văn hồi Hoài học cấp hai. Hoài không thích văn, với lại thày già không đẹp giai nên Hoài chả nhớ mấy. Mà cũng chỉ là con bê, nhiều nhặn gì, dạo này vợ chồng nhà Hoài có hẳn đàn bò cơ. Xưa, cả gia sản của mẹ con Sinh chỉ là một con bò cái. Sinh bị thầy Hoè mắng, đuổi ra khỏi lớp vì tội đánh bạn gẫy răng, Sinh bỏ học về đi chăn bò. Đồng quê Lâm Di cấy lúa hết làm gì có bãi chăn. Sinh dắt dây thừng xỏ mũi con bò đi men theo những bờ vùng bờ thửa cho nó kiếm cỏ. Thỉnh thoảng con bò ma mãnh lừa Sinh không để ý, lơi tay thừng là la liếm ngay mấy vạt lúa gần bờ. Lúa sắp trỗ đòng ngọt như mía, thơm nức, chắc con nỡm ấy không kìm được cái sự thèm. Thế mà chỉ một con bò ấy nó cũng cõng được mẹ con Sinh qua cái thời hợp tác xã gieo neo đói kém. Cứ mỗi năm nó đẻ một con bê, mẹ Sinh lại bán được một món tiền đong thóc ăn dần. Nay vợ chồng nhà Sinh có cả đàn bò mấy chục con. Thế mà lắm lúc cũng vẫn thấy gieo neo.
Mấy năm trước, Trần đại gia về cánh đồng làng làm dự án Lâm Viên Hồng. Theo như lời Trần đại gia nói thì Lâm Viên Hồng có nghĩa là rừng hồng mùa xuân. Khu đô thị công nghiệp của Trần đại gia sẽ là một khu rừng hạnh phúc, tràn ngập những bông hồng, loài hoa tượng trưng cho tình yêu. Sẽ có những nhà máy rộn ràng sản xuất toàn những thứ tinh xảo cao cấp. Sẽ có những khu nhà đẹp như mơ xung quanh toàn trồng toàn hoa hồng. Sẽ có những ngôi trường tiêu chuẩn quốc tế cho con em Lâm Di tiến kịp thời đại mới. Sẽ có, sẽ có và sẽ có. Rất nhiều sẽ có. Dân Lâm Di ngây ngất. Một vài nhà cố đỉn không chịu ký giấy nhận tiền đền bù, bị các đoàn thể quân dân chính đảng vào vận động nhiều đến nỗi chó cũng quen mặt, không buồn cắn. Thậm chí có trường hợp Trần đại gia còn huy động đến cả hội bô lão đình làng và hội đồng gia tộc. Thế nên mọi việc rồi cũng êm, các nhà lần lượt nhận tiền cả. Cánh đồng mấy trăm mẫu, loại nhất đẳng điền, nục nạc màu mỡ, như có phép lạ chỉ một thời gian ngắn đã thành bãi cát sông Đuống mênh mông. Ít lâu sau, thấy xe máy về thi công rộn rã, đường bàn cờ ngang dọc đổ bê tông nhựa láng bóng, có cả vỉa hè trồng cây xanh và đèn cao áp. Dân Lâm Di bảo đồng làng mình sắp thành phố đến nơi.
Nhưng rồi vài năm sau cũng chả thấy động tĩnh gì. Không có nhà máy. Cũng không có trường học. Chỉ thấy ngày ngày hàng đoàn người kéo nhau về chỉ trỏ lô nọ, lô kia rồi tiền nong mặc cả. Họ buôn bán đất nền biệt thự của khu Lâm Viên Hồng. Cũng rất phát tài. Theo như người ta nói thì, Trần đại gia đã xin với tỉnh điều chỉnh quy hoạch, sang làm đất đô thị hết rồi, không làm nhà máy, trường học nữa.
Dân Lâm Di hoảng hồn, thế này thì con cái lớn lên lấy đâu ra công ăn việc làm để mà sinh sống.
Một số người khác thì lại bảo, các ông bà có cục tiền to trong tay rồi, lo gì, tiêu đến bao giờ mới hết. Cứ bỏ ra mà chén dần. Gạo bây giờ rẻ không ấy mà. Có nhà nào phải đói đâu.
Mấy tay có vẻ thạo tin nói, thằng cha Trần đại gia mua đất của dân ta với giá chỉ đạo của tỉnh để làm công nghiệp, chỉ vào tầm hơn trăm nghìn một mét vuông. Nay biến thành đất ở biệt thự đô thị, bán có khoảng sáu triệu đồng một mét vuông. Siêu lợi nhuận. Quá ngon.
Nhưng lâu lắm không thấy Trần đại gia đâu, thấy bảo đang ở Singapor kia. Mà mấy trăm lô biệt thự có chủ cả rồi, toàn người ở đâu về mua, dân Lâm Di làm gì có tiền mà mơ.
Thật ra thì dân Lâm Di cũng có một món từ tiền đền bù ruộng, nhưng tiêu hết rồi. Nhà nhà đua nhau lên tầng. Mấy thằng choai choai đầu xanh đầu đỏ bắt bố mẹ mua cho cái xe phân khối lớn. Lôi ngay một em quần đùi áo hai dây lên ngồi kẹp sau, phóng tuốt ra Hà Nội, lượn một vòng Hồ Gươm rồi ra đường năm tổ chức đua, cặp thì đâm vào ô tô, cặp thì lao vào cột điện. Chết vãn.
Nhà vợ chồng Sinh Hoài cũng có món to. Vợ Sinh quyết phá cái nhà cũ ra xây một cái nhà ba tầng. Đổ xong mái tầng ba thì hết tiền. Thời buổi lạm phát, giá cả tăng vù vù đâm ra kế hoạch của Hoài bị nhỡ. Dịp này Hoài lại phải lăn lưng ra chạy chợ buôn bán xáo xổi kiếm miếng ăn cho cả nhà. Sinh đi làm thuê, hết phụ hồ lại đào đất phá nhà, việc gì cũng làm miễn là có tiền đong gạo cho con. Chiều chiều, Sinh hay dắt thằng bé ra hóng mát rìa làng, đợi vợ. Xưa là cánh đồng lúa bao la xanh mát. Nay là một vùng mênh mông cỏ dại. Cũng là màu xanh, sao cái màu cỏ dại cứ đắng đót trong lòng làm vậy. Khu đô thị mới Lâm Viên Hồng, ô thửa đã phân rồi. Bán mua trao tay đã qua mấy đời chủ nhưng không thấy ai đến làm nhà xây biệt thự. Mà cũng chả xây được. Dân Lâm Di đang rủ nhau đi kiện, họ không cho ai đến xây nhà trên đất của làng. Họ ra tận trung ương đòi quyền lợi. Họ cũng đến rủ Sinh, nhưng Sinh bảo, em xấu xí thế này thì ra trung ương ai người ta tiếp. Thôi các bác cứ đi, em ủng hộ.
Chiều đến, Sinh lại dắt con ra chơi ngoài cánh đồng cũ. Cát non bên sông Đuống được Trần đại gia mua về san lấp mặt bằng, không trồng cấy được gì nhưng khá tốt cho cỏ mọc. Um tùm. Mênh mông. Những cỏ mía, cỏ gừng, cỏ chân gà, thỉnh thoảng xen vào cả những đám cỏ mật thơm nức. Lau lách như rừng. Một hôm đứng ngắm cánh đồng cỏ hoang mấy trăm mẫu mênh mông bát ngát, Má Giám Sinh, tay chăn bò thâm niên trước kia của làng, bỗng nảy ra một ý tưởng thiên tài. Tại sao mình không đi mua cặp bò về thả cho nó ăn cỏ nhỉ? Cỏ tốt thế kia thì bò chóng lớn phải biết. Hoài đồng ý ngay với kế hoạch của chồng. Số vợ chồng Sinh cũng may, cặp bò đầu tiên đẻ sinh đôi hai con bê cái. Rồi cứ thế nhân lên, mấy chốc nhà Sinh có đàn bò to mà chả phải nhọc công gì nhiều. Cứ thả ra khu đô thị bỏ hoang cho chúng ăn cỏ thôi. Tối lùa về nhà. Hoài đã nhẩm tính, cứ đã này, vài năm nữa là đủ để hoàn thiện ngôi nhà. Mà dạo này bò nhiều quá, mang về vườn nhà nhốt không xuể. Tối đến, Sinh phải lùa cả đàn về một khoảng đất trống gần làng rồi ngủ trông. Hoài cũng ra ngủ trông bò với chồng. Con để nhà cho bà nội. Để Sinh ngủ một mình ngoài đồng trống Hoài không yên tâm. Dịp này làng sinh ra rất nhiều những con bé mắt xanh mỏ đỏ, áo hở vú quần hở mông. Mà chồng mình tuy mặt xấu nhưng rất khoẻ mạnh, cái ấy rất hay. Chúng nó mà nhòm thấy không nhảy bổ vào ngay chứ đùa. Hoài cứ suy từ bụng mình ra là biết ngay.
***
Cả làng Lâm Di đều nói, vợ chồng Má Giám Sinh yêu nhau nhất làng. Từ ngày có đàn bò, hai vợ chồng cứ dính với nhau cả ngày lẫn đêm. Chả thế mà mấy năm vừa rồi, Hoài đẻ liền thêm ba thằng con trai nữa. Theo như mấy thằng cha rỗi hơi chuyên hóng chuyện nhà khác nói, vợ chồng Má Giám Sinh ngủ trông bò ngoài khu đô thị mới, toàn chui vào những cái ống cống to thoát nước của công trường thi công dang dở bỏ lăn lóc bao năm nay nằm ngủ để tránh mưa rét. Nhưng mà nằm trong lòng cái ống cống ấy thì kiểu gì cũng bị ép chặt vào nhau. Thế nên tối nào cũng sinh chuyện. Con nhiều cũng khổ, nhà xây mãi chưa xong, mới chỉ hoàn thiện tạm tầng một, còn hai tầng nữa, đợi bán mấy lứa bò rồi tính. Mấy đứa con cai sữa xong là bỏ lăn lóc ở nhà với bà, còn hai vợ chồng nai lưng với bò bê ngoài đồng. Dạo này, bọn đầu xanh đầu đỏ lảng vảng trong khu Lâm Viên Hồng nhiều. Ý chừng chúng định nhòm ngó đàn bò của vợ chồng Sinh hay sao. Nhiều khi vợ chồng phải ở ngoài ấy cả ngày lẫn đêm. Mà được cái bốn đứa con nhà Sinh đứa nào cũng khoẻ mạnh dễ nuôi. Thằng lớn mới học lớp ba trường làng. Đứa bé nhất mới lên ba. Đến bữa bà nấu cho gì ăn nấy, không kì kèo đòi hỏi giận dỗi. Ăn rào rào như tằm ăn dâu. Cơm, mì tôm, rau, canh, thịt cá…hổ lốn vào cái chậu nhôm to, chỉ một loáng là sạch bóng. Ăn xong, tự mỗi đứa tìm một góc nhà lăn ra ngủ, chả phải ai ru hời dỗ dành.
Nhưng dạo này tự dưng ở đâu sinh ra lắm chuột quá. Nhà Má Giám Sinh gần khu đô thị bỏ hoang nên từng đàn chuột to như con lợn con chạy vào sục sạo kiếm ăn. Hôm Sinh rẽ qua nhà, mẹ bảo: “Sinh à, nhà mình dạo này nhiều chuột quá. Tối hôm nọ chuột còn gặm cả chân thằng út toé máu. Mày xem làm thế nào chứ” “ Vâng, để con mua ít thuốc trị bọn này. Thuốc chuột của Tàu nhạy lắm, chỉ ngửi là chết quay lơ”
Hôm sau là phiên chợ Dậu. Hoài đi mua sắm đồ ăn thức uống cho cả nhà về thì Sinh bảo trông bò để tôi đi đằng này một chút. Cái giống chuột rất khôn, chúng gần người nên hiểu tiếng người ta nói chuyện với nhau. Muốn bẫy được chúng phải lẳng lặng mà làm. Sinh ra cửa hàng thuốc thú y, mua, rồi mang về nhà cất, định tối sẽ đánh bẫy. Trưa Hoài về ăn cơm trước rồi ra trông bò cho chồng về ăn sau. Đợi mãi, đợi mãi không thấy vợ ra. Sinh nóng ruột và đói nữa, bỏ đàn bò chạy ù về nhà xem sao.
Trời ơi. Mẹ, vợ, ba đứa con trai nhỏ đang sùi bọt mép nằm la liệt trên nền nhà, cạnh chậu mì tôm ăn dở. Nghe tiếng gào của Sinh, hàng xóm đổ sang đưa đi cấp cứu, đưa ra ngoài A9 Bạch Mai nhưng chả cứu được ai. Ngộ độc thuốc chuột nặng quá. Thuốc chuột Tàu chỉ ngửi đã chết. Đằng này…Là do hôm ấy nhà hết mì chính, mà Hoài chuyên mua mì tôm cân về ăn dần, nấu thì nêm ít mì chính cho ngọt. Mẹ Sinh nấu mì tôm đi tìm mãi không thấy mì chính đâu, sờ được ở xó nhà gói bột trăng trắng, ngỡ đấy là mì chính con dâu mới mua, bèn cho vào nồi. Mà có biết đâu đấy là gói thuốc chuột Sinh vừa mua. Thế có khổ không cơ chứ.
Không ai dám cho Sinh và thằng con lớn về đám tang. Cả làng Lâm Di chết lặng. Đi đường gặp nhau ai cũng cúi gằm mặt, nước mắt chứa chan. Năm cái quan tài hai lớn ba nhỏ, nằm sóng sượt ở sân. Hôm ấy thằng con lớn đi học bán trú không về trưa nên thoát. Người nhà phải mang ngay nó đi gửi mãi dưới Hưng Yên không thì nhìn thấy cảnh ấy nó phát điên mất. Còn Sinh không điên cuồng gào thét như lúc đầu. Khi thấy mẹ, vợ, các con lần lượt bị đưa xuống nhà xác, Sinh đơ ra. Mặt ngây dại không biết gì nữa, ai dắt đi đâu thì đi, ai cho ăn gì cũng mặc. Sinh đã chết hẳn bộ não rồi, chỉ còn sống thực vật thôi. Rồi một hôm, hàng xóm nhãng ý, Sinh trèo qua cổng nhà bỏ đi đâu mất. Cả làng đổ đi tìm, đăng ảnh lên cả ti vi đài báo nhưng cũng không thấy hồi âm. Chắc là chết xó ở đâu mất rồi.
Đàn bò của Sinh, sau làng đứng ra bán, rồi gom cả tiền phúng viếng, tiền các nơi người ta biết hoàn cảnh tang thương gửi về giúp đỡ chia sẻ, cho vào làm một sổ tiết kiệm, khi nào thằng con lớn của Sinh đủ mười tám tuổi thì nó dùng.
Trần đại gia dịp này đang ngụ ở đâu mà cũng biết tin ấy. Trần đại gia gọi điện cho tay trưởng thôn vốn là cạ từ hồi giải toả đền bù đất để hẹn tối đưa vào thăm viếng. Tối hôm ấy Trần đại gia không đi xe riêng mà đi tắc xi, về đến ngoài đường quốc lộ thì xuống, âm thầm đi bộ vào nhà trưởng thôn rồi sang nhà đám. Mọi việc chôn cất đã xong xuôi, chỉ còn vài người họ hàng thân thiết ngồi bó gối nhìn lên ban thờ. Năm cái di ảnh. Năm bát hương nghi ngút khói. Trần đại gia thắp hương, đặt lễ, cúi đầu vái thêm một vái rồi lui ra. Không ai có mặt ở đó nói một câu gì. Trần đại gia cũng không nói một lời nào.
Từ nhà đám ra, Trần đại gia đi tắt ngang qua khu đô thị Lâm Viên Hồng cho nhanh đến chỗ xe đang đợi. Nhưng Trần đại gia cứ đi mãi, đi mãi mà không thấy lối ra đâu. Cả một rừng cỏ lau lách bạt ngàn phơ phất trắng rũ rượi trong đêm. Thỉnh thoảng, tiếng một con bê lạc mẹ thảm thiết cất lên: bê ê ê ê…Sau đêm ấy, không ai nhìn thấy Trần đại gia. Người nhà cũng đi tìm. Cũng đăng lên đài báo ti vi. Cũng không thấy. Không ai ở đất Lâm Di còn nhắc đến Trần đại gia nữa. Khu đô thị Lâm Viên Hồng vẫn hoang vu vắng lặng. Không có cả bò. Chỉ có gió bốn mùa xuân hạ thu đông thổi vô vi trên ngàn ngạt lau lách xác xơ trắng xoá.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Má chứ không phải Mã như trong Kiều của cụ Tố Như. Là vì, khi đẻ ra má Sinh đã có một mảng chàm, chiếm đến hai phần ba má phải. Giời cho thế nên Sinh cứ lớn lên cùng mảng chàm. Sinh lớn, mảng chàm cũng to ra, vẫn chiếm hai phần ba má phải. Loang lổ. Chả ra hình thù gì. Hồi Sinh học cấp hai có thầy Hoè dạy văn, người bên Đồng Cự.
Người gửi / điện thoại
Tp. Hồ Chí Minh đang cực kỳ căng thẳng trong tâm dịch. Đây đó đã vang lên tiếng kêu cứu của bệnh nhân không được chăm sóc kịp thời. F1 và F0 không triệu chứng đã được cách ly tại nhà. Nhưng con đường để từ F1, F0 trở thành bệnh nhân là cực kỳ ngắn và bất ngờ.
Rốt cuộc mọi sự vẫn phải đi theo lẽ thông thường của cuộc đời: cái tốt đẹp luôn nhiều hơn cái xấu xa, cái thiện lương luôn thắng cái ác độc. Có như thế xã hội mới ngày một tốt đẹp lên.
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...