TẾT XƯA...mùng hai tết mẹ...
Nhà nội và nhà ngoại tôi ở hai làng khác nhau, cách một cánh đồng, đều ở dưới chân đê sông Đuống. Đi bộ từ làng nọ sang làng kia mất độ mười lăm phút. Quê tôi có câu, “mùng một tết cha mùng hai tết mẹ mùng ba tết thày”, nên mỗi năm tết đến, ngày mùng hai tôi hay được theo mẹ lên tết ông bà ngoại. Đi bộ. Mẹ tôi thường mặc bộ quần áo mùa đông đẹp nhất của bà, một tay là cái làn nhỏ đựng hương hoa mang về thắp kính tổ tiên, một tay dắt thằng bé con là tôi đang xúng xính trong bộ quần áo mới, vừa đi bên mẹ trên con đường đê vừa nghênh ngảo nhìn giời…
Đầu xuân, mùng hai tết nhiều năm đã có mưa xuân bay nhẹ. Cả không gian trời đất như giao hòa trong một màu bàng bạc, hơi se lạnh. Dưới đồng, những thửa ruộng cày ải đều tăm tắp một màu nâu non. Bên cánh bãi ven sông ngược lại, vẫn xanh ngát một màu rau đậu, ngô khoai… thỉnh thoảng một vạt cải nở hoa vàng rực rỡ trên nền xanh, thành ra như một bức tranh quê đẹp đẽ. Tôi cứ đi bên mẹ, cứ ngắm, cứ chơi. Phía xa xa là con sông Đuống mùa nước lặng hầu như không chảy, lấp loáng sáng. Mấy hôm tết, tàu thuyền không thấy chạy, nhà chài cũng nghỉ tay lưới nên trên sông không còn tiếng hò ô, tiếng gõ cành cạch vào mạn thuyền đuổi dồn săn cá.
Chỉ lát sau mẹ con tôi đã đến nhà ngoại. Bây giờ nhớ lại thì hồi ấy ông bà ngoại tôi mới chỉ ngoài năm mươi, vậy mà sao tôi thấy ông bà mình già thế. Ông mặc bộ quần áo lương, khăn xếp vì vừa ra đình thắp hương về. Bà mặc bộ váy áo có lẽ cũng là đẹp nhất của người. Bà nhai trầu bỏm bẻm, ra tận sân đón tôi, ôm lấy hít hà. Mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn như thấy mùi trầu cau thơm nồng của bà trên mái tóc tôi. Khoanh tay chúc tết ông bà xong, bao giờ tôi cũng được mừng tuổi. Khi là những tờ một hào mới tinh đỏ chói. Khi là vài đồng năm xu mới kính coong. Tôi khoan khoái nghĩ đến những ván đáo lỗ với bọn bạn đang chờ mình ở chân tre cuối làng. Mẹ tôi thành kính bày hương hoa lên đĩa trên ban thờ rồi thắp hương, lầm rầm khấn vái. Những năm ấy bố tôi và các cậu đều ở chiến trường xa không có nhà, mẹ khấn xin tổ tiên phù hộ cho bố tôi, các cậu đi qua bom đạn về với gia đình…
Bà tôi đi xuống bếp sắp mâm cỗ tết để đãi mẹ con tôi. Ngày tết mọi thứ đều đã chuẩn bị sẵn cả: bánh chưng, giò mỡ, giò nạc, thịt gà, hành muối… bà hâm lại nồi măng, nấu thêm bát miến là có mâm cỗ tươm tất. Trong khi đợi bà và mẹ sắp mâm, tôi hay được ông dắt ra ngoài vườn chơi. Nhà ông ngoại có cái vườn rất to, trong trồng nhiều những cây ăn quả như ổi, mít, sấu, thị. Nhiều nhất là chuối. Chuối vườn ông ngoại vừa to vừa ngọt thơm. Thỉnh thoảng không thấy mẹ con tôi lên ông lại bảo bà đi chợ tiện đường rẽ qua đưa cho mẹ tôi ít quả cho các cháu ăn.
Có lẽ bữa cỗ tết tôi được ăn ngon nhất thời thơ ấu chính là những bữa trên nhà ngoại. Ngồi kế bên đùi ông ấm áp, ngửi mùi rượu nếp thơm lừng từ rót be ra cái chén hạt mít của ông bốc lên. Ngây ngất. Ông tôi như thường lệ, vừa nhắm rượu vừa ngâm nga trò chuyện. Chuyện mấy đứa con trai con rể đang nơi hòn tên mũi đạn, chuyện làng chuyện nước… Nhưng ông vẫn không quên gắp cho tôi những miếng thịt gà ngon nhất đĩa, thơm nức mùi thịt quyện lá chanh tươi thái nhỏ mà ông vừa hái từ vườn vào.
Vài năm sau, mùng hai lên tết ông bà, bỗng thấy trên ban thờ có thêm cái bát hương và ảnh của một cậu tôi, ngực đeo huân chương, miệng mủm mỉm như định nói gì với tôi. Trí não non nớt của tôi khi ấy không hiểu được nỗi đau của ông bà ngoại tôi, nỗi đau của người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh lớn như thế nào. Nhưng tôi nhận ra ông bà ngoại tôi già hẳn đi. Bà xọm xuống. Tóc ông bạc gần hết. Bà vẫn làm cỗ cho tôi ăn. Ông vẫn dắt tôi thăm vườn, tưới cây vạn tuế và những bông cúc đại đóa góc sân. Nhưng tôi bỗng như thấy mùi hương trầm trên ban thờ nhà ông bà ngoại tôi không còn tỏa ra sực nức ấm áp như xưa nữa. Lành lạnh…
Tôi lớn lên đi ra khỏi quê, lăn lộn khắp nơi. Rồi ông bà tôi lần lượt khuất núi cả. Tôi cũng ít có dịp lên nhà ông bà ngoại. Tết đến các em tôi thay nhau đưa mẹ lên lễ. Một hôm cuối năm rỗi rãi, ngồi chơi với ông nhà thơ Bảo Sinh Nguyễn
ở quán cà phê bên bờ Hồ, ông ấy đọc cho nghe bài thơ: “Tết xưa theo mẹ sang bà
Tết nay theo đảng con ra chiến trường
Bàn thờ thêm một bát hương
Mẹ tôi thêm tấm huân chương anh hùng.”
Giữa phố phường ngày giáp tết nhộn nhịp, mà trong một giây, tôi như bay vụt về trước ban thờ nhà ông bà ngoại tôi xưa. Tôi bỗng trở thành thằng bé con theo mẹ lên lễ tết ông bà ngoại. Đứng trước ban thờ ngẩn ngơ nhìn ảnh các cậu tôi, ngực đeo huân chương đỏ chói, miệng vẫn mủm mỉm như định nói với tôi điều gì. Còn trên ban cao, ông bà ngoại tôi vẫn vậy, chiếu cái nhìn u buồn của một kiếp nhân sinh lăn lội xuống đứa cháu của mình…