HẠ MÃ
(Viết stt đăng trên fb thì bị ku Mark nó xóa bài. Đã thế đăng báo giấy Tuổi trẻ và đời sống, ku có giỏi thì chạy méc anh tuyên anh ấy thu hồi đê!)
***
Nghĩa là “xuống ngựa”! Ngày xưa nước ta dùng chữ Nho, tại các cổng đình đền miếu thường có các tấm bia đá, chạm hai chữ Nho này báo cho mọi người khi đi đến đó, phải xuống ngựa đi bộ vào nơi thờ thần thánh, để tỏ cái sự kính trọng trang nghiêm lòng thành. Nếu trước cửa mà có con đường chạy ngang qua, người ta còn đặt bia “hạ mã” ở hai đầu. Bất kỳ ai đi qua quãng đường đó, không kể người sở tại hay khách qua đường, nhìn thấy bia đều phải xuống ngựa, dắt bộ đi qua cửa đền đình miếu mạo, qua bia dựng bên kia mới được lên ngựa đi tiếp…
Ngày xưa ở nhiều làng trù phú, nề nếp xứ Bắc còn có bãi buộc ngựa. Thường ở đầu làng. Tại đó người ta cũng đặt cái bia đá có chữ “hạ mã”, còn có thêm lỗ đục để khách tiện buộc dây cương ngựa.
Như vậy các tấm bia “hạ mã” chính là một tấm biển báo giao thông của người xưa, kiểu như bây giờ chúng ta đi trên phố thấy nhan nhản các loại biển đề “ dành cho người đi bộ” “đường một chiều” “cấm ô tô xe máy”…Có điều biển báo giao thông thời hiện đại, đa số là bằng các hình quy ước chứ ít khi dùng chữ nữa. Bởi hầu hết con người hiện đại đã được học về luật giao thông từ lúc mẫu giáo kia.
Chữ Nho và nền khoa cử kiểu cũ đã bị khai tử từ đầu thế kỷ hai mươi. Nên ở nước ta nay không nhiều người biết chữ Nho các cụ dùng ngày xưa. Quá ít người biết lấy vài chữ thông dụng xưa này, kiểu như “nhất là một, nhị là hai…”. Nhưng ngược lại, tại các di tích, nơi đình đền miếu mạo nhất là tại phía Bắc nước, mặc dù trải qua bao năm chiến tranh biến động xã hội tàn phá. Nhưng trong các di tích đó, các bức đại tự, hoành phi câu đối cho đến văn bia biển bảng tất cả vẫn đều bằng chữ Nho. Có điều cũng lạ, trong khi cả nước nay dùng chữ Quốc ngữ rồi, thế nhưng các nơi ấy hầu như cũng chẳng buồn dịch ra cho người đến lễ bái đọc xem rốt cục là mình đang kính cẩn ông nào và kính cái gì…Từ cái cái nỗi niềm “nửa chữ thánh hiền” chả biết kia, mới dẫn đến cái cảnh cứ nhìn thấy chỗ nào có vài chữ tượng hình kia là suýt xoa cho là linh thiêng lắm, là thi nhau thắp hương rập đầu khấn lạy.
Bởi thế, cái bia báo “hạ mã”- “xuống ngựa” ở cổng Văn Miếu, Hà Nội mới được người ta thắp hương, đặt lễ rồi khấn vái sì sụp rất thành kính!
Nhìn cái cảnh ấy, những người có hiểu biết cười ra nước mắt. Cười mà xót xa. Vì nhiều lẽ.
Là bởi cái tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người có công với làng với nước, thần linh của người Việt vốn có từ lâu đời. Nhưng “bái vật giáo” kiểu như bên Ấn Độ thì hầu như không phải. Thế sao người ta lạy cúi lạy cái bia “hạ mã”, một cái biển báo giao thông của người xưa? Mà không những lạy biển báo giao thông đâu, hẳn nhiều bạn còn nhớ các vụ thắp hương thờ rắn nước, cá chép ở mấy chỗ chưa xa. Đến chịu đồng bào mình. Vì sao nên nỗi?
Vì dốt, không biết chữ Nho là một chuyện. Vì mê muội là phần nhiều. Bởi xưa nay Văn Miếu vốn là nơi thờ cái sự học, trong đó có bia đá khắc tên các vị đỗ đại khoa thời thi cử Nho học, nên mỗi kỳ thi đến dân tình thường qua đó dâng lễ thắp hương, thậm chí là lén xoa đầu rùa đang cõng bia đá trên mình để “lấy may”! Thật không thể hiểu được. Sâu xa hơn, cũng không hiểu được sao người ta lại phải đục đá dựng bia để thờ mấy ông đi thi đỗ cao? Ừ thì các ông ấy học giỏi nên đỗ cao. Nhưng từ việc học giỏi đỗ cao ở một kỳ thi thôi cho đến việc ra đời làm được điều gì đó có ích cho dân cho nước còn là cả chuyện xa vời. Trong lịch sử đã có muôn ngàn ông học giỏi đỗ cao nhưng rồi ra đời có để lại công tích gì đâu? Và ở chiều ngược lại, cũng có muôn vàn người học chả giỏi, đỗ chả cao nhưng đã góp công lớn cho quê hương đất nước đó sao, cho cả nền văn minh loài người đó sao? Vậy nên cái sự học giỏi đỗ cao hầu như chỉ nên coi là việc của cá nhân người nào đó thôi, có tôn vinh cũng nên vừa phải. Tôn vinh đến mức dựng bia để thờ cái danh tiến sĩ, trạng nguyên như ở ta thì hình như thế giới này chỉ có một…
Bởi thế đến nay, cái gọi là “truyền thống học hành thi cử” ở ta vẫn cứ đậm đà bản sắc. Là học để đi thi chứ không phải học để hành. Năm nay dịch covid hoành hành, Văn Miếu đóng cửa không cho du khách vãng lai. Học sinh cùng phụ huynh đành đến cổng chắp tay bái vọng vào, cũng còn có thể hiểu và thông cảm được. Dù sao đó cũng là một cuộc thi cử quan trọng. Tạo thêm niềm tin tâm lý vững vàng cũng không hại gì. Thế nhưng mê muội đến mức đặt lễ thắp hương ở cái biển báo giao thông “hạ mã” thì quả là…hết thuốc chữa! Nói nặng lời hơn, đấy là sự ngu muội, mê tín, mất lòng tin đến hoảng loạn nên mới vơ vạt bấu víu vào bất cứ cái gì, kiểu như “sắp chết đuối vớ phải cái cọc mục”! Nhìn thấy cái sự hoang mang hoảng loạn đó của con người, vài kẻ lưu manh bèn nghĩ kế kiếm ăn. Cái bia báo “hạ mã” ở cổng Văn Miếu bèn được chúng đặt cái bát hương, cắm vài nén nhang, thêm tí hoa lá… rồi lu loa lên là đấy là chỗ “ngài” trình báo cho các “cụ rùa” trong Văn Miếu, là cứ lễ tại đây cũng thỉnh đến nơi các cụ. Thế là dân tình thi nhau đặt lễ, đặt tiền vái lạy. Bọn bất lương ngồi rung đùi rồi âm thầm thu tiền lễ đi nhậu nhẹt. Chẳng có “cụ” nào ở đó. Chỉ có mấy cụ đang ngồi rình các khổ chủ lễ xong là ra “thu lộc”! Hết nói nổi về cái sự mê muội và cái sự bất lương của con người! Tuy nhiên trong chuyện này, có cả một phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa và ban quản lý di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Đáng ra họ phải cho dịch toàn bộ nghĩa các tấm bia, biển bảng, câu đối của người xưa ra chữ Quốc ngữ, rồi đặt bên cạnh thật rõ ràng: “đây là tấm bia hạ mã, để báo cho người đến Văn Miếu, đi đến đây phải xuống ngựa, đi bộ vào trong.” Thì người ta sẽ hiểu ngay, tấm bia “hạ mã” có ý nghĩa như tấm biển hiện có ở cổng muôn vàn các cơ quan công sở hiện nay “xuống xe xuất trình giấy tờ” vậy. Nếu biết rõ ràng là thế, liệu có ai còn xì sụp vái lạy nữa không? Và nữa, đáng ra Ban quản lý phải thường xuyên kiểm tra, thấy có bát hương đèn nến là phải quét dọn dẹp ngay, không tạo điều kiện cho những kẻ gian manh tính đường kiếm ăn trục lợi trên sự mê muội của người dân…
Nên nhìn cái cảnh người dân Hà Nội trước kỳ thi cử, dắt con em mình đến lễ bái cái bia “hạ mã” ở cổng Văn Miếu vừa buồn cười vừa xót xa. Buồn cười vì cái sự ngô nghê kém hiểu biết. Xót xa vì thấy cái sự u mê của dân trí. Rất nhiều người nhìn cảnh ấy đã thốt lên ngao ngán cho cái sự mê muội của người dân nước Việt. Cho rằng, với dân trí như vậy thật khó lòng mong mỏi cho một tương lai văn minh sáng rỡ của cả dải đất hình chữ S này! Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, cụ Tản Đà đã viết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”! Mà nay cũng đang là những năm hai mươi của thế kỷ hăm mốt rồi đấy, chả lẽ dân trí của nước Việt vẫn u mê mông muội như trăm năm trước sao? Nếu là vậy thì buồn quá…