Năm Giáp Thân, tháng sáu, 1884.
Nước sông Thiên Đức lên sớm hơn mọi năm.
Cả Làng Ngọc nháo nhác như ong vỡ tổ. Tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm, dân làng chạy ra cánh bãi ven sông cố thu hoạch chút hoa màu đang bị hà bá rình cướp trắng. Nước lên rất nhanh, dòng nước đục ngầu, đỏ bầm, sủi bọt như mang theo hung khí của thần sông gào réo tràn vào cánh bãi mới đây còn mướt mát đỗ vừng cùng với khoai rau. Làng ít ruộng cấy lúa, nhưng có cánh đồng bãi ven sông khá rộng, cách một con đê. Hàng năm, nước sông dâng cao tràn lút bãi thành một bể nước mênh mông từ bờ đê bên này đến bờ đê bên kia, tít tắp. Những trận lụt của dòng sông Thiên Đức hệt như tay sai của quân ác, chỉ rình rập dân lành để ra tay cướp bóc. Thông thường, vào khoảng cuối tháng sáu hoặc đầu tháng bảy âm lịch là nước sông dâng cao. Qua rằm tháng bảy thì hầu như không còn nước ngập bãi nữa. Lúc đó nước chỉ lấp xấp bờ vở. Các cụ trên đã truyền lại là sau rằm con nước trở mã, không to như lũ chính. Nhưng cũng có năm, nước lụt tràn về ngay từ cuối tháng năm, đầu tháng sáu, làm cho dân hai bên bờ sông một phen khốn khổ chạy đua cùng con nước đang lừ lừ dâng cao từng phút, cố gom nhặt vớt vát chút ngô đỗ non choẹt lên bờ đê. Rồi vợ chồng con cái cả nhà phờ phạc ngồi nhìn đống hoa màu chưa đến kỳ thu hoạch, nhìn xuống dòng nước đang cuồn cuộn mà thắt lòng nghĩ đến tháng tám đói kém sắp kề bên.
Nhưng con nước lụt hàng năm ấy không chỉ có phá.
Khi nước rút đi, để lại một cánh bãi phẳng phiu mỡ màng của màu phù sa non. Cả cánh đồng rộng ven sông nục nạc ngon lành như đĩa giò lụa ngày tết. Dân làng chỉ việc đi be bờ, gieo lúa xuống là lên nhanh như thổi, hoặc là đợi thêm vài ngày cho đất phù sa ráo nước, tra ngô đông xuống. Cây ngô gặp đất phù sa mới vươn lớn từng ngày, thân to như cổ chân trẻ lên ba, lá xanh đen. Bắp ngô thì nở nang như bụng chân của trai lực điền. Cả nhà hân hoan chặt cây, tẽ bắp trong niềm vui no đủ thơm ngọt mùi ngô luộc, ngô nướng, ngô rang.
Minh họa của Đặng Hồng Quân |
Đấy là chuyện của những nhà có chút ruộng bên bãi sông. Còn ông Lư, chả có một tấc cắm dùi. Nước lên, ông lại thấy vui. Ông mặc kệ cả làng nháo nhào chồng quát vợ mẹ hét con chạy lụt, ông vác nơm đi úp cá. Nước tràn vào bãi, những con cá chép, cá trôi, cá ngạnh, cá nheo từng đàn theo vào kiếm ăn, vật đẻ bên những bụi cỏ. Ông Lư mải miết rình úp đàn cá say mồi say tình đang vật vã quần nát đám cỏ. Cái giỏ đại ông để trên bè chuối kéo theo mình đã gần đầy. Trời cũng sắp tối, nước tràn mênh mông khắp bãi, không còn nơm được nữa. Ông đang định đẩy bè bơi về chân đê thì bỗng từ phía trên, một cái bè chuối bị dòng nước đẩy dạt vào cánh bãi. Cái bè chuối trôi ngay vào cạnh bè của ông Lư đang cắm ở chỗ trước đây vốn là một bờ vùng đắp cao. Ông bỗng giật nảy mình khi nhìn thấy trên bè là một người đàn bà trẻ.
***
Ông Lư là người tứ cố vô thân trong làng.
Xuất thân, không phải ông đã thế. Ông vốn là con nhà cũng có máu mặt, thuộc họ Vương, một họ lớn trong làng. Bố ông là cụ đồ có tiếng. Nhưng ông khác tính với các anh chị em trong nhà, ông chả thích ngồi ê a khoan khoan thư cưu… và vẽ mấy cái chữ vuông như hòm. Ông nhất định không theo đòi bút nghiên. Cụ đồ Quảng, cha của ông ép buộc đòn roi mãi không được cũng chán bèn lấy vợ sớm cho ông, năm mười lăm tuổi. Rồi gây dựng cho một cơ ngơi kha khá. Kể với thiên hạ thì không biết, chứ so trong làng thì gia sản mà vợ chồng ông Lư được bố mẹ cho cũng khá. Ba gian nhà gỗ, một sào vườn, ba sào ruộng lúa nhất đẳng điền và thêm hai sào đất bãi trồng màu. Vợ chồng ông Lư cùng đứa con gái nhỏ cứ chí thú, chồng cày vợ cấy thì cuộc sống dù không phong lưu hơn ai nhưng chắc là cũng mát mặt. Có điều là, ông Lư cũng như đa số đám đàn ông con trai trong làng có máu mê cờ bạc. Cái môn mà ông mê nhất lại là xóc đĩa. Ở làng người ta đã bảo, con trâu mộng to như thế, nhưng cái cánh đổ bác cho được vào trong cái bát với cái đĩa bé tẹo, lắc một cái là biến mất ngay, thế mới tài. Ông Lư tài trai làng Ngọc hơn cả. Ông la đà với đám bạc từ lúc tóc còn để chỏm. Được bố cưới cho cô vợ là gái làng Ao Xá, xinh xắn lại đảm đang. Hơn nữa, lúc đó cụ đồ Quảng còn sống, còn có người đe nẹt bảo ban riết róng chuyện làm ăn nên, ông Lư cũng không dám đam mê quá. Năm ông ngoài ba mươi, đứa con gái khoảng mươi tuổi, thì cụ đồ Quảng mất. Thế là từ đấy, ông như con trâu đực sứt sẹo. Ông lăn lóc với đám cờ bạc xóc đĩa hết ngày dài lại đến đêm thâu. Không ai nói được. Vợ can thì ông đánh vợ. Anh em họ hàng nói thì ông chửi tất. Ông bảo anh em kiến giả nhất phận, thằng nào có thân thằng ấy lo. Nên cha vừa chết chưa giỗ đầu, mà ông đã chơi bạc hết cả nhà cửa, ruộng vườn. Hôm hội làng Ao Xá, ông sang chơi cháy túi chả còn gì. Tay trương tuần Cửu bên ấy, ngày xưa mê vợ ông mà không lấy được vì nhà nghèo, gạ ông chơi một tiếng chót gán vợ. Thế mà ông Lư lại thua. Vợ ông nghe tin, uất, không chịu nổi, chạy một mạch ra bờ sông nhảy luôn xuống. Nhưng con gái làng Ao Xá, cũng gần sông Thiên Đức, năm nào chả lũ lụt nên bơi giỏi. Phàm những người đã biết bơi thì nhảy xuống nước không chìm. Trương tuần Cửu nghe tin, cứ chạy dọc bờ sông gọi vợ ông Lư vào không được, bèn nhảy xuống bơi ra. Chả biết hai người ấy sống chết thế nào nhưng không thấy về làng nữa. Sau này, có người đi buôn nước mắm dưới mạn Hải Đông về nói, thấy có đôi vợ chồng thuyền chài giống với trương tuần Cửu và vợ cũ ông Lư, nhưng hỏi thì không nhận, chả biết thực hư ra sao. Ông Lư thua hết sạch cả sản nghiệp.Vợ nhảy xuống sông. Cõng đứa con gái, khoác tay nải ra bến đò Bình, định bố con đưa nhau lên mạn ngược kiếm ăn. Đến đấy gặp một ông người Mán gạ, bèn bán đứa con gái mười một tuổi lấy năm quan tiền. Uống rượu say sưa ngoài bến hết một quan tiền rồi về làng định tá túc tạm nhà anh em. Nhưng cả làng cả họ không ai chứa. Họ nói gán vợ đánh bạc, bán con uống rượu thì không còn là giống người rồi. Lư tức quá chửi vung lên, từ nay tao chả họ hàng anh em gì với đứa nào trong làng. Lư ra sau chùa chỗ cánh đồng xóm Tây vẩy túp lều tá túc. Năm ấy Lư cũng mới chỉ khoảng băm nhăm băm bảy gì đó. Lư cứ sống ở đấy, ngày đi lang thang sang các làng bên cạnh làm thuê làm mướn hoặc là đi kiếm cá dưới sông, ngoài đồng. Tối về túp lều sau chùa uống rượu say rồi lăn ra ngủ.
Trận lụt năm Giáp Thân, khi ông Lư vớt được người đàn bà hoang thai mạn trên trôi về thì ông cũng đã ngoài lục thập. Nhìn người đàn bà tóc bị cắt nham nhở, lại còn bị quét vôi ngang dọc nằm thoi thóp trên cái bè chuối, ông Lư biết ngay đây là người chửa hoang không có tiền phạt vạ bị làng đem trôi sông. Ở làng Ngọc quê ông không có lệ ấy. Nhưng nhiều làng các vùng khác có lệ, con gái chả may hoang thai không có người nhận, nhà lại nghèo không có tiền nộp cho làng phạt vạ, phải gọt trọc đầu, bôi vôi đem đóng bè thả sông. Làng Ngọc vốn dĩ huê tình. Đầu làng có giếng Ngọc. Đình làng thờ bà Cái lúc nào cũng kè kè bộ sinh thực khí. Hội làng năm nào cũng tháo khoán cả đêm thì có trôi sông cả làng. Ông Lư đem người đàn bà về túp lều của mình ở sau chùa làng đổ cháo cho hồi lại, rồi lấy lá thuốc nam trong vườn chùa hãm uống giải cảm.
***
Chùa làng Ngọc nằm ở rìa bên cánh đồng xóm Tây.
Dân làng Ngọc vốn không mộ đạo nên chùa làng cũng nghèo và nhỏ, không được bề thế như chùa Dâu của tổng Khương hay chùa Bút Tháp bên tổng Đình. Chùa làng thường chỉ có giới các cụ bà, tuổi khoảng ngoài năm mươi, đã sạch mình. Đêm đêm ra tụng kinh, thắp hương thờ Phật, cầu cho con cháu bình an và cho mình khi chết được lên cõi niết bàn. Trụ trì chùa là sư bà Đàm Chân đã già lắm rồi, người làng cũng chả ai biết sư bà bao nhiêu tuổi. Chỉ biết đã ở chùa rất lâu, từ lúc còn là tiểu lon xon quét dọn vườn. Chùa làng nhỏ, ba gian nhà xây vừa thờ Phật, vừa là nơi ở của sư. Thì kẻ tu hành, ăn ở cũng chả đáng là bao. Được cái vườn chùa khá rộng, phải cỡ ba mẫu, trong vườn trồng đủ các loại cây quả hoa trái. Sư cụ Đàm Chân chỉ cần thu hái lâm lộc cũng đủ sống tùng tiệm. Ở xế ngay đầu hồi chùa, giáp với sân là một cái ao sen nhỏ. Bờ ao trồng mấy cây sung, la thân ra mặt nước. Sung chín, quả rơi lõm bõm xuống, lũ cá chuối, cá chép tranh nhau đớp ăn. Mùa hạ, hoa sen nở thơm mát cả vườn chùa. Đàn bà con gái các xóm quanh đấy hay ra ao chùa, ngồi trên bậc tam cấp bằng gạch chỉ bó vỉa, dội nước ào ào những buổi trưa buổi tối.
Gian lều của ông Lư nằm ép sau chùa. Khi ông Lư nhặt mấy cây tre khô và ôm ít rơm rạ, cất cái lều gá vào sau tường nhà chùa để ở thì lý trưởng làng sai tuần đinh ra phá, vì can tội dám tự tiện lạm chiếm đất làng. Nhưng sư bà Đàm Chân ra can, bảo ông ấy là kẻ cùng đường rồi, đừng có đẩy con người ta vào chỗ chết ông lý ạ, cứu một người phúc đẳng hà sa. Ông Lư ở yên ổn cạnh chùa, ngày đi lần mò cua cá, làm thuê làm mướn kiếm ăn. Tối chui vào lều ngủ, không thấy phá phách hay quấy nhiễu gì ai. Thỉnh thoảng, bên chùa có cây đổ hay có việc gì nặng sư bà không làm được, ông lại sang giúp. Tuần rằm mùng một, có phong oản hay quả chuối thắp hương Phật xong, sư bà lại đem cho. Cuộc sống của ông Lư cứ như thế trôi cho đến trận lụt to năm Giáp Thân, ông vớt được một người đàn bà đem về lều. Người đàn bà ấy khi tỉnh táo lại nói rõ nguồn cơn quê quán từ một vùng xa tít mạn trên, chỉ vì lụy tình mà sinh ra nông nỗi. Ông Lư năm ấy cũng đã ngoài sáu mươi. Mấy chục năm ở bên chùa, nghe kinh mõ sớm chiều, không có hơi đàn bà nên hầu như cũng đã tắt lửa lòng. Nhưng tự dưng thấy thương người đàn bà trẻ nhỡ nhàng. Dạo này, buổi tối ông hay sang ngồi ngoài sân chùa nghe các vãi già tụng kinh. Thỉnh thoảng lại sang ngồi uống trà nghe sư bà nói về công quả của đức Phật. Hình như ông cũng thấm được ít nhiều. Ông cho là Phật gửi người đến nên ông giữ người đàn bà đang mang thai lại nuôi nấng. Chả biết là hai người có ăn ở với nhau như vợ chồng không, nhưng ông Lư chăm người đàn bà chửa rất mực. Ông toàn nấu cháo cá chép sông dưỡng thai. Ông không cho thị đi làm gì, chỉ quanh quẩn sang chùa giúp quét tước sân thềm vườn tược. Mấy tháng sau, đến kỳ sinh nở, sư bà vào gọi bà mụ trong làng ra đỡ, sinh được một bé gái. Nhưng mẹ bị băng huyết nhiều quá, không cầm được, xỉu dần rồi chết trong đêm.
***
Năm Hàn Xuân mười ba tuổi thì ông Lư cũng chết.
Tên Hàn Xuân là do sư bà Đàm Chân đặt. Mẹ Hàn Xuân sinh nàng vào đúng tiết lập xuân năm ấy, giá cóng người. Khi mẹ nàng lâm bồn, ông Lư đã đốt một đống to củi gộc tre, cháy rừng rực cả một góc làng mà mẹ nàng vẫn run cầm cập. Sư bà về bên chùa thắp hương, rung chuông cầu đức Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay phổ độ. Có lẽ mẹ nàng vắn số, chỉ được đến đấy nên cứ thiếp đi trong lạnh giá tiết xuân.
Vì thế sư bà mới đặt tên cho nàng là Hàn Xuân, mùa xuân lạnh.
Đứa bé gái đỏ hỏn nằm trong tấm áo bông tàu cũ của sư bà như chả cần biết đến tiết trời giá lạnh bên ngoài, cứ nằm mủm mỉm một nụ cười sau khi được một chị trong xóm đang nuôi con nhỏ chạy ra cho bú thép. Sư bà rồi cả làng, ai cũng bảo ông Lư đem đứa trẻ cho nhà nào có điều kiện nuôi nấng. Nhưng ông không nghe, ông bảo rằng đây là trời Phật đã đem nó lại cho ông thì ông phải nuôi nó. Một người đàn ông, tuổi ngoài lục thập, hàng ngày bế một đứa con gái nhỏ đi xin bú chực khắp làng. Rồi cháo búp, rồi cũng hát ru à ơi… cơ man nào là khổ cực. May là bên cạnh ông Lư có sư bà đỡ đần nên rồi cũng dần qua. Được cái con bé chắc là có Phật đỡ cho, nên nó hay ăn chóng lớn, chả đau ốm gì. Người làng cũng lấy làm lạ, trước họ bảo cái loại người đã từng bán vợ đợ con ấy thì làm sao nuôi nổi đứa trẻ đỏ hỏn, rồi lại giết nó mất thôi. Cả họ cả làng, rồi ông chánh ông lý đâu mà không bắt cái người ấy đem đứa trẻ cho nhà nào hiếm hoi trong làng làm con nuôi, cho khỏi khổ thân nó. Mà đấy cũng có phải là bố đẻ nó đâu, mẹ nó khi vớt dưới sông lên thì đã có mang nó rồi. Họ hàng nhà ông Lư không can thiệp, từ lâu, ông đã ra khỏi họ rồi. Anh em đã từ nhau mấy chục năm nay, có ai hỏi đến ai đâu. Dân làng cũng bận kiếm ăn, có nói vài ba câu, sáng mai ngủ dậy lại quên hết.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Cả Làng Ngọc nháo nhác như ong vỡ tổ. Tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm, dân làng chạy ra cánh bãi ven sông cố thu hoạch chút hoa màu đang bị hà bá rình cướp trắng.
Người gửi / điện thoại
Nhưng trước hết có lẽ ta nên tìm hiểu chút, huyết áp là gì? Huyết áp là áp lực đẩy máu do sức bơm của tim và độ cản của thành mạch. Hay hiểu một cách khác đó chính là áp lực của dòng máu lên thành mạch. Như ta đã biết, hệ tim mạch gồm hai thành phần cơ bản: tim và hệ mạch máu. Tim co bóp tạo ra áp lực đẩy máu lưu thông trong hệ mạch tới các cơ quan trong cơ thể. Mỗi lần tim co bóp lại để tống máu từ tim vào động mạch: áp lực máu tạo ra khi ấy ta gọi là huyết áp tối đa...
Collagen là một hợp chất Protein có nhiều trong cơ thể con người ta nói riêng và hệ động vật có vú nói chung. Nó chiếm từ 25% đến 35% lượng Protein trong toàn bộ các hợp chất loại này của cơ thể. Đặc biệt trong cấu trúc của da người, Collagen chiếm đến 70%.
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Giã bạn - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...