KỂ CHO NHÀ THƠ NGHE, về chuyện làng Ngọc, sự ra đời của các MỸ NHÂN LÀNG NGỌC!
Chuyện rằng...
Năm Mậu Ngọ, 1978. Vào đúng hôm rằm tháng tám.
Làng Ngọc có ba sản phụ sinh con tại bệnh viện huyện. Ba cô con gái. Cũng không có gì đặc biệt. Thậm chí đấy là một việc rất thường tình nhỏ nhoi, ít người quan tâm trong cái năm đói quay đói quắt ấy. Cả ba đứa trẻ sinh ra hôm ấy mặt mũi đều rất đẹp đẽ, thân hình dài rộng. Nhưng làn da thì lại mỏng và trắng xanh xao như làn hơi nước hồ thu. Bác sĩ Hợp, trưởng khoa sản nhi, cắt rốn xong cho ba bé, quấn tã, đặt chúng vào những cái giường sơ sinh. Những hài nhi bé bỏng vừa dứt tiếng khóc chào đời, đang lạ lẫm đưa những ánh nhìn đầu tiên vào cái thế giới mà chúng vừa là thành viên. Bà bác sĩ trưởng khoa âu yếm ngắm nghía, bỗng thốt lên: “Trông như ba Tiểu Long Nữ vậy”
Ba bà mẹ mỉm cười. Họ không hiểu Tiểu Long Nữ là gì. Nhưng nhìn nét mặt của bác sĩ Hợp khi nói câu đó, họ nghĩ đấy là một lời khen. Họ chỉ là những cô xã viên hợp tác xã, kiêm hàng xén chạy quanh chợ Hồ, chợ Núi, chợ Dâu, những lúc nông nhàn, tranh thủ ngày phiên kiếm thêm bát gạo cho chồng con. Chắc họ cũng đều biết chữ, nhưng họ chả có thời gian cầm đến quyển sách, để biết Tiểu Long Nữ cùng cuộc đời giang hồ võ lâm của nàng. Nếu biết, không chắc họ sẽ coi lời nói của Bác sĩ Hợp như một sự tiên tri hay là lời trù yểm độc địa.
Bà Sửu ở xóm Bắc đầu làng, đặt tên con gái là Nhàn. Bà vất vả từ bé, lặn lội sớm hôm kiếm tiền nuôi chồng nuôi con. Chồng bà, anh giáo cấp một, chỉ được cái mẽ ngoài thư sinh, còn vô tích sự. Mọi việc trong nhà, một tay bà lo liệu sắp đặt. Nên bà đặt tên cô út là Nhàn. Những mong nó có cuộc đời nhàn hạ, không đầu tắt mặt tối như mẹ.
Cô Nhung ở xóm Đình giữa làng, đặt tên con gái thứ ba là Hiên. Chồng cô vốn là con cháu cụ cử, nhà rất nhiều hoành phi câu đối cổ, y chả đọc nổi chữ nào. Nhưng y lại thuộc làu tên bộ bài tổ tôm một trăm hai mươi quân. Y chuyên nghề cờ bạc. Ngồi chiếu tổ tôm thâu đêm suốt sáng, từ ngày nọ sang ngày kia được. Nhưng khi vợ nói đặt tên đứa con gái là Hiên, y quyết liệt phản đối. Y nói, cái tên Hiên chả có ý nghĩa gì, con cái của y, dù gì cũng là dòng dõi danh giá trong làng, không phải là cái chái cái hiên vạ vật nhà bố cu mẹ đĩ. Nhưng cô Nhung nói, ông đừng có nói nhiều. Nói nữa, tôi cắt không cho ông tiền đi đánh tổ tôm thì ra ngồi hiên hay chái nhà ngáp vặt là tuỳ. Y im phắc. Thôi, cũng chỉ là cái tên gọi, sao cũng được…Cô Nhung quay vào âu yếm mỉm cười với con bé đang ngậm ti mẹ. Ừ, con là Hiên yêu quí của mẹ. Hiên là màu hoa hiên, cái màu đỏ chấp chới pha vàng của buổi chợ phiên ngoài Keo, hôm cuối thu. Khi gió mùa đông bắc tràn về đột ngột. Anh ấy chạy từ trường học gần đấy ra, quàng vào cổ cô cái khăn màu hoa hiên. Anh ấy là bạn trai cũ của Nhung. Gặp lại nhau anh cứ xót xa, sao em gầy thế, đen thế, mà ngày xưa. Ngày xưa em trắng em xinh. Em không dám cưỡng lời cha mẹ, đặt con gái vào nhà danh giá. Những mong hạt mưa vào nơi giếng ngọc. Nào ngờ giếng cạn mạch khô. Em lặn lội sớm hôm cấy cày chợ búa. Đi từ lúc nhọ mặt người, về cũng đã nhọ mặt người. Thì còn đâu má đỏ môi hồng. Anh xót xa làm gì cho em thêm tủi phận. Vậy mà anh vẫn cứ xót xa…
Còn chị Từ, ở xóm Nam cuối làng, đặt tên con gái đầu lòng là Hiền. Vợ chồng chị Từ cùng làm công nhân nhà máy dệt bao tải bằng sợi đay gần đấy. Mẹ Từ, đặt luôn con là Hiền cho thuận. Ai mà không muốn con gái mình lớn lên hiền thảo hiếu thuận. Làng Ngọc này, con gái xưa nay vẫn nổi tiếng cả vùng Kinh Bắc là xinh, đảm, giỏi. Còn hiền thục, thấy dân quanh vùng ít khi dùng tính từ này để mô tả. Mà trong vùng, thậm chí còn lưu truyền một trong những “tứ bất”, để nói về gái làng Ngọc: “ Bất thê Ngọc Xá nhi”. Không lấy gái làng Ngọc về làm vợ. Gái xinh. Gái đảm. Gái giỏi. Gái đi buôn bán đảm đang tung giời từ nam chí bắc, từ đông sang tây. Chồng gái chỉ ở nhà trông con và đánh tổ tôm chắn cạ cho tiêu thời giờ, đợi vợ đi chợ mang tiền về. Gái tung tẩy chín phương, bọn trai hèn các nơi không lấy được gái xinh, gái đảm, gái giỏi làm vợ, quay ra nói xấu. Nói gái tung tăng thế thì không còn là vợ mình nữa…Vợ chồng chị Từ, cùng làm công nhân từ lúc đủ tuổi lao động, không làm ăn buôn bán gì, yên phận hết tháng lĩnh lương, đong gạo sổ. Nhà nước cho ngô ăn ngô, cho bo bo thì cũng đành om lâu hơn rồi nhá vậy. Hơi khổ, nhưng yên ấm. Vợ chồng cũng chỉ mong con gái lớn lên lành hiền như mẹ.
Ba cô Nhàn, Hiên, Hiền. Đẻ cùng ngày. Sống cùng làng. Học cùng trường. Thế nên ba cô thân nhau không có gì lạ. Như là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu phải thế.
Ba cô đều rất xinh. Điều này cũng không lạ. Dân cả vùng vẫn nói, làng Ngọc có giếng thần, nên con gái làng ấy cô nào cũng được bà chúa giếng phù hộ, xin giời cho một vài nét duyên làm vốn. Cô thì da trắng tóc dài. Cô thì mắt biếc môi hồng. Cô thì lại có giọng hát hay. Cô nào cũng như ngọc nữ. Hội làng mùa xuân, gái làng mặc đẹp ra chơi hội, mỗi cô một vẻ. Trai các nơi sang dự hội về ngẩn ngơ cả đêm không ngủ được. Đâu ra mà lắm gái đẹp đến thế. Làng Ngọc vẫn được gọi là làng mỹ nhân.
Ba cô Nhàn, Hiên, Hiền vừa xinh đẹp, vừa hát hay, lại vừa học giỏi, thế mới lạ. Thường thì ông giời, ông ấy rất công bằng, ông ấy cho người ta hơn thứ này thì sẽ bớt đi thứ khác một ít. Đằng này, hình như ông ấy thiên vị ba mỹ nhân của làng. Nhưng thế mới có chuyện để kể hầu bạn đọc.
( trích trong CHUYỆN LÀNG NGỌC- mai sẽ post tiếp chuyện đời em Nhàn!)