Trần Kính- Trần Duệ Tông lên ngôi năm 1372 khi đã 35 tuổi (ngài sinh năm 1337).Là em khác mẹ của Trần Nghệ Tông. Trong cuộc chỉnh lý Dương Nhật Lễ, lập lại triều đình họ Trần, Cung Tuyên Đại Vương Trần Kính đã góp công lớn. Năm 1371 khi Chiêm Thành tấn công cướp phá kinh đô Thăng Long, Trần Nghệ Tông phải chạy về Đông Ngàn lánh giặc thì Trần Kính đã tổ chức quân đội cùng gia nô của mình đánh lại, khiến cho giặc phải rút về nước. Vốn ban đầu là một người không ham hố ngôi vua, do tình thế bắt buộc phải lên cầm quyền nên Trần Nghệ Tông đã nhìn thấy ở ông em mình có khí chất của con nhà võ dòng Đông A, cương cường bất khuất. Có thể phục hưng lại triều chính. Năm 1371, Trần Nghệ Tông lên ngôi xong bèn lập Trần Kính làm thái tử và ngày 11 tháng 9 năm 1372 nhường ngôi vua cho. Nhường ngôi xong, Thái thượng hoàng bèn lui về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường (Nam Định ngày nay) để ở. Có lẽ Trần Nghệ Tông định học tập các vị tiên đế, giao hết việc nước trả vua còn mình làm Thái thượng hoàng- một chức kiểu như “cố vấn” cho nhàn tản, tha hồ ngâm vịnh thơ phú. Nhưng rồi những khúc quanh của lịch sử đã khiến cho Trần Nghệ Tông không được thỏa chí mình…
Lên ngôi vua, cầm quyền khi đã trưởng thành, lại mang trong mình dòng máu của võ tướng Đông A, Trần Duệ Tông lập tức cho chỉnh đốn khả năng quân sự của đất nước đã bộc lộ ra quá yếu kém sau cuộc tấn công của Chiêm Thành năm trước. Tháng 8/1373 lệnh bổ sung quân ngũ, đóng thuyền chiến để đi đánh Chiêm Thành. Lại xuống chiếu nói, mình sẽ thân cầm quân đi. Đến năm sau, 1374 lại chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung thêm nhiều dân đinh vào quân. Sang năm 1375, xuống chiếu tuyển người tinh thông võ nghệ, hiểu thao lược, không cần phải là tôn thất, đều cho làm tướng coi quân. Và cho thải loại bớt người già yếu, bổ sung người khỏe mạnh vào quân. Lệnh cho những người làm thuê ở Thanh- Nghệ phải sung quân hết. Sang đến năm 1376, việc bổ sung tập luyện quân sĩ đã hoàn thành, vua Trần Duệ Tông bèn cho duyệt binh thủy bộ toàn quân tại bến sông Bạch Hạc để tăng sĩ khí.
Rất chú trọng việc binh, nhưng Trần Duệ Tông cũng không quên những việc nội trị. Năm 1374, ngài cho tổ chức thi Tiến sĩ, lấy Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn và Trần Đình Thám đỗ Thám hoa. Nhà vua còn rất trân trọng, thân dẫn ba vị đỗ đầu kỳ thi nói trên đi chơi phố 3 ngày. Ngài cho đào kênh ở Thanh- Nghệ, xuống chiếu cấm dân không được mặc áo, chải đầu theo người phương Bắc và bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm, Lào.
Tháng 12 năm 1376, vua Trần Duệ Tông thân dẫn quân đi đánh Chiêm Thành. Nhưng việc xuất binh lần này của vua không được sự thống nhất cao trong triều đình: Ngự sử Trung tán Lê Tích dâng sớ can. Thậm chí Ngự sử đại phu Trương Đỗ còn ba lần dâng sơ can, không được bèn treo mũ áo bỏ đi! Đến lúc tiến vào đất địch, Đại tướng Đỗ Lễ nghi có phục binh xin vua đừng tiến binh, vua không nghe chê Đỗ Lễ nhát và sai lấy áo đàn bà cho mặc!
Kết quả, đến ngày 24 tháng giêng năm 1377, quân Đại Việt lọt vào ổ phục kích của Chiêm Thành.Bị đánh tan.Nhà vua Trần Duệ Tông chết trong trận khi mới 41 tuổi và làm vua được 4 năm. Đây là ông vua đầu tiên và duy nhất trong các triều đại phong kiến nước Việt chết ở chiến trường! Trần Duệ Tông chết bởi “ương gàn cố chấp, không nghe lời can, khinh thường quân giặc nên mang họa vào thân.” (lời bình của Ngô Sĩ Liên trong ĐVSKTT). Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai chiêu hồn ông vua em Trần Duệ Tông, về an táng ở Hy Lăng, nay thuộc An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh.
Những nhân vật đáng chú ý dưới triều Trần Duệ Tông có Thám hoa Trần Đình Thám, khi đi sứ sang nhà Minh báo tang đã biện luận khiến họ đuối lý và phải sai sứ sang viếng như thông lệ bang giao. Trần Đình Thám làm Trung thư thị lang, kiêm tri thẩm hình viện sự. Sau này khi nhà Hồ cướp ngôi, ông đã giả điếc để không hợp tác.Nhưng nhân vật đáng chú ý nhất triều này lại là một kẻ gian tham hèn nhát có tên là Đỗ Tử Bình. Thời trấn thủ Hóa Châu đã dám cướp không 10 mâm vàng Chế Bồng Nga dâng lên triều đình để xin hòa hoãn, làm của riêng. Lại nói khích với vua là Chế Bồng Nga vô lễ khiến vua nổi giận mang quân đi đánh. Đến khi lâm trận, vua bị phục kích nhưng Bình đang nắm hậu quân đã không đến cứu. Bình bị bắt về kinh trị tội, dân chúng các nơi đi qua căm phẫn, lấy gạch ngói ném vào xe cũi chở tên phản phúc hèn nhát…