Trần Hiện- Trần Phế Đế là con trưởng của ông vua trận vong Trần Duệ Tông. Khi vua cha chết trận, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông bèn đưa ông lên ngôi. Mẹ ông là bà Lê thị (em họ của Quý Ly) từ chối cho con không được, khóc nói: “Con ta phúc bạc, khó lòng gánh vác nổi trách nhiệm lớn, nó đến phải tai họa vì việc đó thôi”. Quả cuộc đời sau này của vị vua này thế thật: đó là linh cảm của người mẹ hay sự mẫn cảm của một bậc mẫu nghi thiên hạ vậy?
Trần Hiện sinh năm 1361, lên ngôi năm 1377 khi đã 17 tuổi, khá trưởng thành có thể nắm triều chính được. Có điều tiếc cho Trần Hiện, ông Thái thượng hoàng “già lẫn, nhút nhát” (chữ dùng của Ngô Sĩ Liên) nhưng tham quyền cố vị Trần Nghệ Tông vẫn thao túng hết cả chính trường Đại Việt khi ấy.
Việc nội trị thời kỳ này không có công đức gì lắm, mà theo sử chép lại chỉ toàn những việc làm hao tổn đến sức dân, trái ngược hẳn lại những lời răn dạy của các tiền nhân họ Trần: chế tạo vũ khí chiến thuyền, tăng rất nhiều loại thuế lạm thu bổ vào dân đinh, lại còn làm một việc lạ đời là cho cất giấu tiền của triều đình vào núi. Rồi cho đốc suất cả tăng nhân làm lính đi đánh Chiêm Thành…
Về cuộc chiến giữa Đại Việt và Chiêm Thành, vẫn dai dẳng không dứt. Nó đã trở thành một mối cừu thù “một mất một còn” giữa hai nước. Lúc này Đại Việt suy yếu nên người Chiêm càng tăng cường đánh phá, vẫn tiếp tục xông vào tận Thăng Long cướp phá. Liên tục trong các năm 1378, 1380, 1382, 1383 quân Chiêm ra vào đánh phá Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Oai…đánh vào kinh sư cướp phá như chỗ không người!
Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông không ở lại đánh giặc mà tháng 6 năm 1383 còn chạy sang tít mãi Đông Ngàn trốn giặc! Sử chép chuyện cười ra nước mắt, xấu hổ cho dòng họ Đông A: “Thượng hoàng ngự sang sông Đông Ngàn để lánh giặc. Khi ấy có người học trò là Nguyễn Mộng Hoa để cả áo mũ lội xuống nước kéo thuyền ngự lại, xin Thượng hoàng ở lại đánh giặc, nhưng Thượng hoàng không nghe”! Trốn tít ở cung Bảo Hòa trên núi Phật Tích, cùng đám quần thần vô tích sự ngâm vịnh viết sách “Bảo Hòa dư bút”, không biết để răn dạy ai? Cho mãi đến tháng 2 năm 1387 khi tình hình tạm yên ông Thái thượng hoàng này mới trở về kinh đô.
Triều chính nhà Trần lúc này cực kỳ rối loạn.Quan hệ giữa vua và Thái thượng hoàng rất khó định nghĩa. Quan quân mạnh ai ấy làm.Đất nước không có minh chủ nên bọn tiểu nhân đắc chí lộng quyền.Trường hợp tiêu biểu nhất là Đỗ Tử Bình. Dưới triều vua Trần Duệ Tông, tay này trấn thủ Hóa Châu lén đánh cắp vàng cống của Chế Bồng Nga, tâu bậy lừa vua khiến trận chiến ngày 24/1/1377 vua bị bỏ mạng. Mà y đã từng bị đóng cũi giải về kinh đô trị tội, phạt làm lính, bị nhân dân cả nước căm ghét! Thế mà không hiểu sao sau Trần Nghệ Tông lại tiếp tục dùng hắn! Có lẽ nào hắn đã dùng vàng chiếm được của Chế Bồng Nga đút lót, mua quan?Năm 1378, Nghệ Tông còn nghe theo hắn, bắt chước phép đánh thuế dung của nhà Đường, báo hại nặng nề tàn khốc dân ta. Tháng 5/ 1380 Bình đang cầm quân với Quý Ly nhưng khi quân ta đánh thắng Chiêm Thành, y không góp công lao gì nên xấu hổ, từ bỏ binh quyền trao cả cho Quý Ly. Mùa Đông năm ấy, tháng 11, Nghệ Tông lại lấy y làm Nhập nội hành khiển tả tham tri chính sự, lĩnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang, vài năm sau chết còn truy tặng Thiếu bảo, cho tòng tự trong Văn miếu! Thật không thể hiểu nổi cái độ u mê lú lẫn trong dùng người của Trần Nghệ Tông! Về sự này, sử gia Phan Phu Tiên đã bình: “Bậc danh nho có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là tỏ rõ đạo học có nguồn. Nghệ Tông cho Chu An, Trương Hán Siêu, Đỗ Tử Bình được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, An sửa mình trong sạch, giữ bền khí tiết, không cầu hiển đạt, thì cũng tạm được. Đến như Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham lam bòn vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được len vào chỗ đó?”. Ta chỉ cần khảo một trường hợp tiêu biểu vậy, đã thấy triều chính thời Trần Phế Đế, dưới sự ảnh hưởng của Trần Nghệ Tông hủ bại đến mức nào rồi.
Trần Nghệ Tông lú lẫn tới mức độ không những trao toàn quyền cho Quý Ly mà còn nghe lời gièm: “chưa có ai bán con để nuôi cháu, chỉ thấy bán cháu để nuôi con” (Trần Hiện- Trần Phế Đế là cháu gọi Nghệ Tông là bác ruột). Thế là ngày 6/12/1288 Nghệ Tông đã gọi Trần Phế Đế đến An Sinh, tuyên chiếu phế truất ngôi vua của ông và giết chết! Chỉ vì Trần Phế Đế muốn hạn chế binh quyền của Quý Ly! Đây cũng là một điềm báo bi thảm nữa của triều Trần, bước vào thời kỳ suy sụp không cứu vẫn được: trong nội tộc nồi da xáo thịt lẫn nhau, nhưng lần này lên một cấp độ mới, bác ruột giết cháu, Thái thượng hoàng giết vua!
Trần Hiện- Trần Phế Đế chết oan ức năm 28 tuổi, chôn ở núi An Bài (Đông Triều, Quảng Ninh). Một ông vua nhu nhược, đến thân mình cũng không giữ nổi!