Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh
MƯỜI BA
Thày Bút ở Hà Nội về được vài hôm thì có tin triều hội cách tuột mọi chức vụ của Son sứ quân, nhập kho đợi ngày xử tiếp.
Một lũ lâu la dắt nhau vaò khám ra tòa. Con dân nước Việt được mẻ mắt tròn mắt dẹt, thấy quan nha hết thời ra vành móng ngựa trùng trùng điệp điệp. Mấy ông gọi là lão thành ngồi lo lắng, cứ như thế này thì rồi hết ráo cán bộ làm việc. Rồi thì ra tòa kể tuốt biếu ai, cúng ai… toàn trăm tỷ, ngàn tỷ. Tòa nghe phát hoảng. Gõ búa liên hồi bảo thôi, thôi… Chúng bay chưa ai kịp khảo đã xưng, đã cứ kể tông tốc ra thế thì tao cũng chết à? Nhưng mà nghe họ khai thì thấy rợn người. Rợn người vì tiền. Tiền như lá tre. Toàn tiền dân tiền nước, tiền đi vay nợ mà chúng nó tiêu phá nhanh hơn đốt mã! Cả nước ngao ngán bảo nhau rằng thảo nào thế giới họ cứ thắc mắc, nền kinh tế nước ta như cái đứa trẻ nuôi mãi không chịu lớn lên. Bao nhiêu tiền của đổ vào mà cứ đì đẹt không chịu cất cánh. Thì ra là tiền vào đây, vào cái hang chuột cống to sụ mà cụ Nhất đợt này quyết lôi ra trước ánh sáng cho nhân dân phỉ nhổ. Tiền của dân của nước đổ hết vào cái hang chuột cống ấy, rồi nó chảy đi ngóc ngách tận đẩu tận đâu thì biết bao nhiêu cho vừa. Thôi cầu cho cụ Nhất lôi được con chuột đầu đàn ra xử là đám chuột nhỡ, chuột nhắt tự dưng tan hết.
Thế nhưng tay đệ tử thân tín nhất ở phủ Thượng Thiên Linh Nhãn là nam nhân Khang lại bảo:
“Chả giải quyết vấn đề gì”.
“Sao nhà ngươi lại nói thế?” – Thày Bút hỏi lại khi hai thày trò ngồi đàm đạo thế sự sau một buổi cấp lệnh cho khách.
Nam nhân Khang từ tốn nói:
“Tôi đã du học Đông Âu vào đúng thời kỳ họ chuyển đổi chế độ. Tình hình nước ta bây giờ cũng chả khác bên ấy hồi đó là bao. Rất cần kíp có sự thay đổi. Nhưng phải là sự thay đổi trong hòa bình kiểu như bên ấy người ta đã làm. Làm được như thế, chỉ một bước là chúng ta sẽ tiến đến văn minh giàu mạnh. Ai làm được điều đó nhân dân nước Việt sẽ thờ là thánh sống. Nếu các nhà chính trị có trách nhiệm lèo lái con thuyền đất nước hiện nay không có những sự điều chỉnh kịp thời, lái con thuyền đi về hướng tự do dân chủ văn minh cho phù hợp với xu thế cuộc sống, cứ để cho đất nước chìm đắm mãi trong sự lạc hậu về mọi mặt, từ lý thuyết đến thực tiễn. Thì việc bắt và xử một số tên quan tham, tuy là cần thiết nhưng vẫn không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Nếu cứ để nguyên thể chế đã quá lạc hậu như hiện nay, diệt được một tên quan tham này sẽ đẻ ra cả trăm tên quan tham khác. Bởi hủ bại tham nhũng không tự nhiên mà sinh ra, nó là con đẻ của thể chế. Nếu cứ cố tình duy trì kéo dài mãi cái thể chế đã lỗi thời này thì hậu quả sẽ cực kỳ thảm khốc cho dân tộc. Bởi quy luật của muôn đời là cùng tắc biến. Mà cái sự đã bị đẩy đến cùng khi biến sẽ vô cùng đau đớn. Sẽ lại là đầu rơi máu chảy. Sẽ lại là binh đao. Và sẽ lại là hận thù bao đời mãi không nguôi. Thế cho nên cần có các nhà chính trị sáng suốt dám vì quyền lợi của nhân dân. Muốn lưu danh sử sách ngàn năm. Họ cần phải đứng lên cầm cờ, làm một điều gì đó cho dân tộc này, đất nước này”.
Nghe nam nhân Khang nói thế, thày Bút chợt nhớ tại bữa rượu tối hôm nọ ngoài kinh thành, tay đệ tử cũng đã nói gần như thế. Hắn còn nói thêm là, có thể cụ Nhất đang làm một cuộc quét dọn nhà cửa để đón cái mới. Bởi nguyên tắc là khi một chủ nhân mới ngôi nhà tới người ta sẽ phải dọn sạch, tống khứ những cái gì là rác rưởi cũ kỹ vô dụng. Nghe thế thày Bút có một thoáng giật mình. Mình là gì, mình là ai, mình là đồ thiết yếu trong ngôi nhà không thể gỡ bỏ hay là đám bụi bặm cần phải rũ sạch… Thày Bút suy nghĩ lung lắm. Thày nhớ ngài Viện phó có nói một câu thú vị, ngài bảo một vĩ nhân đã đúc kết: “Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tham nhũng tuyệt đối!”. Ngài Viện phó nói, các vị sứ quân, các cụ ở trong triều hầu như đang nắm trong tay quyền lực tuyệt đối. May mắn cho nhân dân nếu được sứ quân, được cụ nào biết vì việc chung thì nước còn khá. Chẳng may quyền lực lớn mà trong tay những người như bè lũ cựu cụ Nhị thì thôi rồi. Họ đã xẻ nước ra bán lẻ, và đã đang âm mưu bán buôn một phát cho ngoại bang cả cơ đồ mấy ngàn năm, cả chín mươi triệu dân nước này. Cho nên chính trị mà chơi trò may rủi thì thật nguy hiểm. Cần phải tạo ra thiết chế xã hội làm sao đó chọn đúng người tài đức, loại bỏ kẻ gian manh. Và quan trọng là thiết chế xã hội đó luôn có cơ chế tự “sửa sai”. Loại bỏ những kẻ cơ hội, không xứng đáng lọt vào bộ máy điều hành bằng ý nguyện của toàn dân.
Thày Bút hỏi nam nhân Khang:
“Vậy thì theo nhà ngươi, nước ta phải làm gì? Chả nhẽ thôi không chống tham nhũng, không chống bọn nội xâm à?”.
“Việc lật mặt bọn tham nhũng bán nước tất nhiên vẫn phải làm. Cơ mà việc cần làm để cho đất nước tiến lên, giàu mạnh, văn minh không tham nhũng, không hủ bại chính là phải chuyển đổi cả mô hình cấu trúc xã hội. Chuyển đổi cả thể chế trong hòa bình theo hướng thượng tôn pháp luật. Nhà nước pháp quyền, dân chủ, tự do. xây dựng thiết chế tam quyền phân lập mà thế giới người ta đã làm thành công mấy trăm năm nay. Chỉ có con đường đó. Tất yếu. Không thể khác” – Nam nhân Khang kết luận một câu xanh rờn.
Thày Bút cười, vỗ vai nam nhân Khang nói:
“Mấy đại nhân hôm nọ ngồi với ta cũng nói y như ngươi. Cơ mà các đại nhân ấy bảo, cần có những bước đi khôn khéo và đúng mực. Cần phải có một thời gian để chuyển đổi. Bởi nếu không với tính cách nhớ lâu thù dai nhỏ nhen của dân ta, không cẩn thận lại có cuộc nồi da nấu thịt tan hoang cả nước chứ không có tự do dân chủ ấm no hạnh phúc như ngươi nói đâu!”.
“Thế các đại nhân ấy có nói là cần phải đi ngay những bước đầu tiên để cải cách chính trị không? Hay lại cũng chỉ như mấy ông cựu quan chức ăn no đẫy diều rồi bây giờ về hưu suốt ngày chém gió là cải cách thể chế này nọ, nhưng chả nói được là bắt đầu từ đâu?”.
“Có, họ có nói”.
“Họ nói sao thày?”
“Họ cho rằng bước đi đầu tiên để hướng về một xã hội dân chủ và cũng là để chống tham nhũng được triệt để, lâu dài là: Tự do ngôn luận, tự do báo chí. Chính thức công nhận và cho báo chí tư nhân hoạt động theo luật”.
“Đúng vậy thưa thày. Tự do ngôn luận. Công khai mọi hoạt động của nhà nước trừ vài lĩnh vực liên quan đến bí mật phòng thủ quốc gia ra thì nạn tham nhũng, hành hạ nhân dân chấm dứt ngay. Lũ quan tham chỉ biết đục khoét sẽ bị bêu riếu ra ánh sáng của công luận và loại ra khỏi bộ máy công quyền. Người tài đức, công tâm sẽ được trọng dụng. Đất nước sẽ khởi sắc ngay”.
Thày Bút cười khà khà, bảo:
“Ở với nhau bao nhiêu năm, nay ta mới thấy nhà ngươi chém gió hăng như vậy. Ngươi thay đổi nhiều quá!”.
Nam nhân Khang cũng cười:
“Bẩm thày. Thày cũng thay đổi rất nhiều đấy ạ. Mà thế giới hàng ngày biến đổi không ngừng, liệu thày trò ta có cưỡng lại được vòng quay của cuộc sống không?”.
Đêm hôm ấy thày Bút mất ngủ.
Không ngờ câu nói của đệ tử như một câu hỏi vô tình lại làm thày suy nghĩ mãi. Có ai cưỡng lại được vòng quay của số phận, của cuộc sống không? Vòng đời sinh – lão – tử- bệnh – lão là bất biến. Vòng quay của định mệnh ấy không chừa một ai. Tất cả. Cõi nhân sinh ba vạn chín ngàn ngày rồi tất cả đều đi về chỗ ấy. Chỗ của hư vô… Trong đêm thanh vắng, như có một cuốn phim hiện trong óc thày về cuộc đời năm mươi sáu năm qua. Từ một chú bé con làng Cùng, vừa lớn lên đã lang thang phiêu bạt dọc miền đất nước, chui rúc tận những cánh rừng xa xăm nơi biên giới Tây Nguyên. May mắn vớ được một món rồi quay trở lại làng quê nối nghiệp gia đình thành ra một thày cúng. Thày tâm linh. Mới đầu cũng chỉ là cái sự tính toán kiếm tiền nhàn nhã, nhưng rồi khi khoác lên người bộ quần áo thày cúng, ngồi vào cái vị trí ngày xưa các thế hệ trong gia đình đã ngồi, được trọng vọng, nNhưng do hầu như không đọc được một chữ trong cuốn sách gia truyền nên Bút phải dùng đến những mẹo vặt để lừa thiên hạ. Không ngờ những trò Bút diễn lại đúng vào lúc cả làng, cả nước đang cần một cái gì đó để bù vào cho cái thế giới tinh thần đang đổ vỡ tan tành nên Bút đã thành thày. Thành ra như một cái gì đó cho mọi người bấu víu. Thậm chí có lúc Bút đã tuyên ngôn rằng, mình chính là Chân Nhân Tiên Sinh từ ngàn xưa tái sinh. Mình sẽ là người đi tìm lại Thiên Đạo đã thất truyền của làng Cùng. Thế nhưng Bút không vào núi ngồi thiền, ăn hoa cỏ và uống sương sớm được, nên giấc mơ Chân Nhân đành tạm gác lại. Bút một lần vô tình đọc được một quyển sách nói sơ về tu tập theo trường phái Mật Tông, nam nữ song tu trong mật thất để cùng nhau tìm đến cảnh giới thiên đường ngay nơi trần thế. Bút rất lấy làm đắc ý. Những rắp tâm mình sẽ dùng cái gọi là Mật Tông để thỏa ý nguyện cuộc đời. Thế rồi cóp nhặt mỗi chỗ một tí, lại được Đại Quốc Sư tô vẽ thêm, Bút đã khai sinh ra một cái đạo gọi là thờ Thượng Thiên Linh Nhãn, như một sự kết hợp của Thiên Đạo xa xưa, của Mật Tông, của tục thờ Thánh Mẫu và vô số những dị đoan vốn đầy rẫy trong làng Cùng. Chỉ với mục đích kiếm tiền và thỏa mãn dục vọng. Thế nhưng cũng có rất nhiều người tin theo. Bút cứ việc nương theo niềm tin mù quáng của người đời mà kiếm chác. Rồi thời thế đưa đẩy, Bút trở nên một thày tâm linh lừng danh, được quan quyền cả nước đón đưa trọng vọng. Thày tâm linh, đó là danh xưng của Bút bây giờ. Nhưng tâm linh, nó là cái gì? Thày Bút từ rất lâu đã muốn giải điều này nhưng biết chắc mình không đủ khả năng. Hồi Đại quốc sư về phủ, Thày Bút cũng đã hỏi câu ấy. Đại Quốc sư không trả lời mà bảo ta về kinh thành, sẽ viết hẳn một bộ Chân Nhân Tiên Kinh – gọi tắt là Chân Kinh – cho thày. Trong đó sẽ giải đáp tất cả mọi câu hỏi của chúng sinh, thày sẽ lấy đó làm chân ngôn giảng giải cho đệ tử. Thế nhưng Đại Quốc sư về kinh, một đi không thấy trở lại nữa. Có đôi lần thày Bút đánh tiếng ra thăm, để đàm đạo, thì người nhà Đại Quốc sư nhắn là ngài ốm, không tiếp khách. Mãi sau thày Bút cũng hiểu rằng, Đại Quốc sư thực ra chỉ là danh bất như thực, tài năng gọn ở câu chém gió! Cũng tài, chỉ mỗi nghề chém gió, thỉnh thoảng đến đền nọ miếu kia cho ba cái chữ lăng nhăng, mà rồi trở thành quốc sư một nước! Bộ Chân Kinh uyên thâm để dẫn dắt các đệ tử đạo thờ Thượng Thiên Linh Nhãn mãi mãi không bao giờ xuất hiện. Cơ mà câu hỏi tâm linh là cái gì, thày Bút vẫn chưa có lời giải đáp, lúc rỗi rãi thày vẫn cứ suy tư về nó. Kể từ lúc bắt đầu kế nghiệp gia đình, tuy thày chưa bao giờ tìm thấy câu trả lời xác tín, nhưng thày vẫn nói với tất cả con nhang đệ tử rằng, những cái thuộc về tâm linh là không giải thích được. Là một thế giới khác. Là việc của đấng tối cao, của Đức Thượng Thiên. Tất cả họ đã tin vào một khái niệm mù mờ gọi là, tâm linh. Tin thày là sứ giả của đấng tối cao ấy, là người có quyền năng thông tam giới, trò chuyện được cả với thánh thần và ma quỷ, họ đã đến, lễ bái và xin lệnh. Thày đã cấp lệnh. Từ phủ của thày ra về, niềm tin mù mờ nhưng mãnh liệt ấy đã dẫn dắt họ hành động như những kẻ phi nhân tính. Bởi họ nghĩ có một đấng tối cao phò trợ, cho phép. Ngày xưa họ hành động theo niềm tin vào lý tưởng. Ngày nay lý tưởng thành ra một đống vô hồn, họ cần phải có cái gọi là tâm linh bấu víu, giải thích, biện minh cho mọi hành động trong cuộc đời. Họ cứ đi theo niềm tin mù mờ về cái gọi là tâm linh ấy. Và hình như nó cũng cứu rỗi được tâm hồn họ trong những thời khắc nào đó.
Niềm tin vào tâm linh là một cái gì mù mờ, mơ hồ, nhưng tiền thì là thật. Họ vơ vét được thật nhiều. Và họ cũng lại hối lộ thánh thần nhiều, bằng lễ vật, bằng đền chùa miếu mạo nguy nga xây cất khắp nơi. Và bằng cả những món tiền lớn cung tiến cho phủ thờ Thượng Thiên Linh Nhãn của thày Bút, người mà họ tin là sứ giả của thánh thần. Hoặc giả vờ tin thế. Cái thẻ của Son sứ quân có 20 tỷ VND trong đó cũng chỉ là một trong những món quà trả công cho sứ giả tâm linh như mọi đầu lĩnh, sứ quân, quan quyền lâu la đã từng tới phủ, đã từng xin cấp lệnh. Đã từng mời thày đi với tư cách thày tâm linh riêng. Nhìn dòng tiền chảy vào túi mình một cách dễ dàng, nhiều lúc thày Bút cũng hoảng sợ. Bởi thày cũng hiểu đấy là những đồng tiền bất chính. Với đồng lương của nhà nước trả như hiện thời, quan chức đủ ăn đủ tiêu tùng tiệm đã là may, nói gì làm giàu. Thế mà tất cả họ đều rất giàu. Cực kỳ giàu. Cực kỳ nhiều tiền. Cực kỳ nhiều tài sản. Tiền ăn cắp trấn lột nhân dân của lũ cướp ngày. Tiền bán từng khoảng ruộng đồng đồi núi biển khơi cho ngoại bang. Những đồng tiền máu. May mà hồng phúc nước Việt chưa hết. Còn có người đứng lên ngăn chặn mưu đồ bán đứng cả dân cả nước của lũ tham tàn rồi chạy đi miền đất khác, tìm tổ quốc khác hòng an hưởng vinh hoa phú quý. Hình như có một cuộc chiến thật sự đang bắt đầu. Nhưng cuộc chiến này hoàn toàn không đơn giản. Một cuộc đấu ngày càng ác liệt đang diễn ra trên chính trường nước ta. Có người nói đó chỉ là một cuộc tranh giành phe phái. Không có tiếng bom rơi đạn nổ. Nhưng tính chất của nó cũng là một mất một còn.
Cụ Nhất đang cầm cờ chính nghĩa chiếm thế thượng phong. Nhân dân và công luận cả nước đang hân hoan ủng hộ. Phe cựu cụ Nhị mặc dù bị tấn công dữ dội, từng đàn chuột cống béo mầm khoác áo quan chức lần lượt lộ sáng. Thế nhưng con chuột chúa đầu đàn vẫn chưa bị điểm mặt công khai, chưa bị lột mặt nạ. Mặc dù cả nước ai cũng biết là ai đó. Chính trị luôn là một trò chơi nguy hiểm và đầy may rủi. Phần thắng chỉ thuộc về kẻ mạnh và nắm rõ luật chơi. Không bao giờ được phép cảm tính tại đây. Cần phải có những bài bản lớp lang thận trọng để dần bóc ra những chứng cứ rõ ràng trong mớ bòng bong thời cuộc để khiến đối phương phải câm họng cúi đầu nhận tội. Mà càng phải thận trọng hơn khi động đến một cái kẻ nào đó lại còn liên quan đến thế lực ngoại bang đang lăm le gậy gộc ngoài cửa, chỉ đợi có biến là xông vào nhà chúng ta. Lúc đó có khi lá cờ chính nghĩa lại đổi chủ. Chính trị là vậy.
Thày Bút càng nghĩ càng hoảng sợ. Con và vợ thì đã yên vị nơi trời xa, chỉ còn một mình thày nơi quê nhà. Kiếm tiền và ăn chơi nhảy múa. Thày biết thừa những cái trò vè của mình, nào là thượng thiên, tâm linh, thánh thần, ma quỷ… Nó như là cái mặt lai* làm bằng giấy bồi của dân hàng mã Đông Hồ, theo thời gian mọi màu mè lòe loẹt sẽ bong tróc hết, sẽ chỉ còn lớp giấy bồi vô dụng. Mọi trò diễn bấy lâu sẽ đến lúc lộ vở, hết bài. Hay nói đơn giản nhẹ nhõm như dân làng Cùng bảo là, thày hết lộc! Thực ra ban đầu khi tự xưng là Chân Nhân, là thày tâm linh và vẽ ra một vài thứ linh thiêng, thày Bút cũng định chỉ lòe bịp thiên hạ u mê đang đổ vỡ niềm tin để kiếm ăn chơi, cho nó nhàn thân. Thế nhưng không ngờ cái lúc Bút nổi lên làm thày thì đúng là lúc cả nước Việt đang rơi vào một tình thế hỗn loạn chưa từng có trong lịch sử. Kinh tế thì phát triển, đời sống vật chất được cải thiện. Thế nhưng đời sống tinh thần, nhất là niềm tin có một sự đổ vỡ rất to lớn. Ngày xưa cha ông ta đã tin vào một thế giới sau khi chết vẫn tồn tại song hành với nhân gian, gọi là âm phần. Âm sao dương vậy. Vẫn tin là tổ tông ở thế giới bên kia vẫn dõi theo chỉ bảo phù hộ con cháu mọi việc to nhỏ ở đời. Vẫn tin là có một Ông Giời quyền năng cao nhất, quyết định hết thảy mọi việc. Cho nên bàn thờ tại gia, ban thờ tại đình làng miếu mạo, thần cây đa, hồn cây gạo… luôn được thành kính giữ gìn, hương khói quanh năm. Đấy là đức tin của người Việt. Khoảng trăm năm gần đây, cơn bão mang tên thế giới đại đồng quét ngang ta, tàn phá hết cả cõi tâm linh nước Việt. Cái cơn bão này, theo như nam nhân Khang, một đồ đệ đọc nhiều biết rộng của thày Bút nói, nó xuất phát từ châu Âu. Tại đó cách đây đúng một trăm bẩy mươi năm, có hai tay bất đắc chí với xã hội viết ra một cái tuyên ngôn. Tuyên ngôn về thế giới đại đồng! Hai tay này khá tài tình nên đã dụ dỗ được vô khối những kẻ từ khố rách bần hàn đến thượng lưu trí thức đi theo. Thời ấy nhân loại trên hoàn cầu này đa số đều đang lầm than khốn khổ, đói rách, chiến tranh liên miên, bệnh tật dày vò…Họ mong chờ một đấng cứu thế. Hai ông Tây kia hô hào mọi người tự đứng lên cứu mình. Bảo chết thì thôi, tiếc gì? Được thì được tất cả. Mất chỉ có khổ đau. Mà đằng nào chả chết? Rồi họ bảo chả có thượng đế chúa trời thánh thần gì đâu. Thế giới này là vật chất và vật chất. Vật chất sinh ra vật chất. Vật chất đánh đổ vật chất. Nên con người ta chỉ cần biết có vật chất… Thế rồi sau hàng trăm năm mang vật chất ra chọi nhau, nhân loại bỗng bàng hoàng tỉnh ngộ, vật chất là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Cái thế giới đại đồng mà hai tay bất đắc chí kia bịa ra rốt cuộc là một trò lừa mị kinh hoàng! Con dân cả nước Việt hụt hẫng khủng khiếp. Điều này thì các nhà xã hội học hay ví von một cách bóng bẩy là, sự đổ vỡ niềm tin. Đúng thế. Khi cơn bão mang tên, thế giới đại đồng, vật chất… ấy tan đi thì người Việt bây giờ bỗng thấy chống chếnh không biết neo gửi hồn mình vào đâu. Đức tin thì đã mất. Mà con người ta ở đời đâu chỉ sống bằng vật chất hưởng thụ áo cơm. Con người đích thực luôn cần cả một niềm tin vào những điều tốt đẹp linh thiêng để mà sống, để làm người. Thật may mắn cho những dân tộc, cho những người có đức tin ở một đấng cao xanh toàn năng. Thật bất hạnh cho chúng ta, cho dân Việt bao năm nay đã bị đánh cắp mất niềm tin. Đã bị lừa mị và tin vào những thần tượng giả dối. Bây giờ khi thần tượng sụp đổ, họ hoang mang. Họ nháo nhào đi tìm niềm tin. Tìm lại đức tin. Nhiều kẻ có chức có quyền thì sau khi ăn cướp của dân của nước được một đống của khổng lồ, bỗng cũng thấy sợ hãi với những hành động phi nghĩa và đống của bất chính lù lù như trái núi kia. Họ cũng tìm bấu vào một điều gì khả dĩ an ủi cho những hành động vô luân với chính đồng bào mình, tổ quốc mình. Họ cần một cái gì đó để vỗ về tâm hồn ô trọc của họ được yên. Và khi nhiều kẻ vô luân đang chới với, mất phương hướng trong cái biển vật chất khổng lồ do chính mình tạo ra, sắp chết ngụp trong đó thì Thày Bút đưa ra cho họ một cái bè chuối ghép vội bằng những thân chuối tươi rói mềm sụn. Là đạo thờ Thượng Thiên Linh Nhãn: Thiên Đạo. Họ lập tức bám vào. Họ nghĩ đây là những giá trị mới. Họ nhắm mắt tự an ủi linh hồn mình đã được cứu rỗi. Họ trả công hậu hĩnh cho thày Bút, người mà họ coi như là sứ giả của đấng tối cao với niềm mong mỏi hối lộ thánh thần nhiều như thế thì sẽ mua được vé lên chuyến tàu siêu thoát ở thế giới vĩnh hằng. Nhưng thoát đi đâu?
Thày Bút là người làm ra cái bè chuối ấy, thày hiểu cái bè ấy sẽ rữa, tan, chìm ngập trong cái bể vật chất thối hoắc mùi bất nghĩa này. Thày hiểu điều đó nên âm thầm tranh thủ ăn chơi hưởng thụ và cũng… nghĩ cách tự cứu rỗi linh hồn mình.
Thày Bút nghĩ cách tiêu những đồng tiền của đám quan tham, đám làm ăn bất chính cúng vào phủ Thượng Thiên Linh Nhãn dưới danh nghĩa cung tiến, tạ ơn thánh thần ấy đi. Như là một hình thức tán lộc.
Thày Bút đi làm từ thiện.
Thày Bút đi cung tiến xây đình chùa miếu mạo các nơi.
Thày Bút đã đưa hai con ra nước ngoài học, đưa vợ sang đó ở chăm con. Rồi mua nhà cửa, tìm cách cư trú dài hạn không về nữa.
Thày Bút ưu ái xây nhà mua xe cho các nữ tử mà thày quý mến đã từng được đưa vào mật thất trên tầng bốn phủ thờ cùng tu tập mật tông. Các nam nhân trung thành cũng được thày chăm lo chu đáo như vậy.
Nhưng thày Bút có một điều sơ suất. Mà không thể gọi là sơ suất, là chẳng qua nó vào cái thế bất khả kháng. Đó là cách xử lý với người đàn bà đầu tiên của đời mình, bà Hạnh Thục. Người đàn bà đó đã cho Bút biết mùi xác thịt ái ân đầu tiên năm mười lăm tuổi và khi người đó ba mươi ba. Thế nhưng thật lạ kỳ, cho đến mãi sau này, ngoài năm mươi, ngoài sáu mươi… bà Hạnh Thục vẫn cứ rừng rực khao khát như
ở tuổi băm khi xưa. Theo năm tháng, vài thứ trên cơ thể người đàn bà ấy có già đi, xuống cấp. Thế nhưng những cái phần làm nên một người đàn bà rực lửa tình vẫn còn nguyên, vẫn nở nang phồn thực tràn trề. Trong trường hợp vợ chồng bình thường, thì đó là ân sủng hiếm hoi của thượng đế dành cho một người nữ, cho cả lứa đôi. Nhưng giữa Bút và bà Hạnh Thục là ở một mối quan hệ rất khó nói, không định nghĩa được. Chẳng có một lời tuyên bố nào được đưa ra, hay một thủ tục tượng trưng nào đó cũng không có nốt. Nhưng mấy chục năm rồi họ vẫn cứ điềm nhiên quan hệ với nhau. Không hẳn là gia đình. Không là vợ chồng chính thức. Thế nhưng ngay cả với Ly, là người vợ chính thức có hôn thú, cô ấy cũng đành phải coi bà Hạnh Thục là vợ không chính thức, là người nhà… Thật là một tình trạng rắc rối mập mờ hỗn mang. Vấn đề rắc rối về sau là, do Bút cũng vốn được trời cho một khả năng đàn ông hơn người nên dần không bằng lòng với cuộc đời chỉ có hai người đàn bà, vốn bị dân làng Cùng thủ cựu coi là đồ thừa. Trong sâu thẳm cõi lòng, Bút vẫn bị ám ảnh về cái hình ảnh non tơ nõn nà của cô bạn gái thủa thiếu thời, nàng Chi Mai. Cô bạn gái mà thằng đàn ông trong Bút luôn thèm khát cực độ. Nhưng vì Chi Mai trong trắng quá nên Bút không đủ can đảm làm một điều gì hơn là đêm đêm vọng tưởng. Khi mức khát thèm và sự kích thích tình dục do vô tình của cô hàng xóm gây ra, tới ngưỡng không chịu nổi nó đã nhảy bổ vào hiếp dâm cô Hạnh Thục trong một đêm trăng. Thế rồi được chấp nhận, được xá tội. Khi hàng đêm ngập chìm thỏa thuê trong thân thể nóng rực, mềm mại, ướt át tràn trề của người đàn bà đương độ khát tình, thì Bút vẫn cứ không ngừng được suy nghĩ về cái thân thể non trẻ nõn nà với những sợi lông tơ vàng óng như rơm kia. Sau này kiếm được nhiều tiền, rồi làm thày tâm linh, có muôn vàn cơ hội và muôn vàn nữ tử sẵn sàng hiến dâng. Bút hưởng thụ. Ra sức hưởng thụ. Thế nhưng hình ảnh Chi Mai hầu như vẫn cứ ám ảnh hắn. Nhưng Bút cũng hiểu rằng, Chi Mai đã vĩnh viễn chỉ còn là ảo ảnh mờ xa của thời niên thiếu. Hắn vẫn làm tình với bà Hạnh Thục như là một sự trả thù vu vơ, như là một chút an ủi nào đó. Rồi năm tháng qua đi, tự dưng đến một lúc, mỗi khi làm tình với bà Hạnh Thục, Bút cảm thấy chán ngán. Nhiều khi thày Bút cảm thấy mình như bị hiếp dâm. Bút thấy dường như là mình đang phải trả cái giá quá đắt cho hành động nông nổi thủa thiếu thời. Bút chán ngán. Khi tới mức ngán như cơm nếp nát, lời của dân Làng Cùng, không thể chịu nổi nữa, thày Bút đã dàn xếp để đưa bà Hạnh Thục về trông nhà cũ trong xóm Dâu. Rồi âm thầm ra lệnh cho tay chân cấm cửa.
Biết bị cấm cửa, bà Hạnh Thục cay đắng lắm.
Hơn nửa cuộc đời bà đã cống hiến, đã phục vụ Bút.
Đứa con gái duy nhất của bà đã từ mặt mẹ cũng chỉ vì Bút. Trong phẫn uất đắng cay của người đàn bà bị phụ tình, bà đã âm thầm ủ mưu trả thù. Đàn bà bị tình phụ trả thù thì thật là ghê gớm, không biết đâu mà lường.
Thế là vụ túm đầu thày Bút dúi vào háng giữa thanh thiên bạch nhật hôm hội làng đã xảy ra…
Sau nhiều ngày suy nghĩ, một đêm, thày Bút gọi riêng nam nhân Khang nói chuyện:
“Nhà ngươi theo ta từ lúc lập phủ Thượng Thiên Linh Nhãn tính đến nay có lẽ đã chục năm lẻ. Mọi việc trong phủ ngươi biết rõ cả. Phần ta đến nay tuy tuổi chưa cao nhưng dịp này hốt nhiên tâm thần bất động, mọi việc chán nản. Việc người việc thần đều không muốn ngó đến nữa. Ta chỉ muốn vào chân núi hoang, lập cái am nhỏ, uống nước suối, ăn rau rừng cho thanh tịnh, buông bỏ mọi việc. Vậy ngươi ở lại thay ta trông nom hương khói phủ thờ. Mọi việc cứ tùy mà định liệu”.
“Dạ thưa thày, tôi đâu có được thánh cho ăn lộc mà dám gánh việc này? Xưa nay tôi theo giúp việc cho thày cũng là mong cho lòng thanh thản và giải được những điều ấm ức trong lòng bấy lâu. Nay phủ Thượng Thiên Linh Nhãn mới thành, con nhang đệ tử có đông nhưng chưa khắp. Chân Kinh thày nói định truyền dạy cho chúng sinh vẫn chưa thấy đâu. Thày cứ thế mà bỏ đi sao?”
“Thôi được, đến lúc này ta chả giấu diếm nhà ngươi điều gì nữa. Ta vốn tự biết mình đâu phải là người có đủ tư cách và chí khí làm thày thiên hạ. Chẳng qua là cái sự chẳng đừng. Lúc thời buổi khó khăn nhốn nháo, ta học mót được vài chiêu lẻ của ông cha lại cóp nhặt thêm vài trò trong thiên hạ, định bày trò kiếm ăn cho nhàn thân mà thôi. Nào ngờ gặp thời loạn pháp, gặp thêm tay Đại Quốc Sư xúi bẩy, bày trò. Lại đã trót mạnh miệng tuyên bố mình là Chân Nhân Tiên Sinh, thế là quan dân cả nước đang bơ vơ bấu hết cả vào. Ta đành phải đóng vai cứu thế. Nhưng kịch nào rồi cũng có lúc hạ màn, trò nào rồi cũng kết thúc. Hồi trước ở trong Sài Gòn phò trợ Son sứ quân, ta nhân lúc nhàn rỗi có đọc quyển Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Ta lờ mờ hiểu hình như cái Thiên Đạo của làng ta hồi thượng cổ đấy chính là cái sự Thuận Thiên. Thuận theo mọi lẽ của trời đất, ấy là đạo. Ta đọc đi đọc lại thiên Đại Tông Sư và chợt hiểu việc mình dám mạo xưng Chân Nhân ấy là sự phỉ báng đất trời. Ta hối. Xong rồi suy ngẫm về thời cuộc gần đây của nước nhà, ta đồ rằng cụ Nhất có thể là bậc Chân Nhân được Đức Thượng Thiên phái xuống giúp nước Việt. Bậc Chân Nhân xuất hiện thì giả chân như ta có lẽ nên kết thúc. Ta kết thúc ta!”.
“Xin thày chớ nói vậy. Cả tôi và thày đều chưa qua lục thập hoa giáp. Đời hãy còn dài. Thày cứ ở đây trụ trì. Bọn tôi phò trợ. Thày không làm Chân Nhân Tiên Sinh thì làm giáo chủ. Nay mai thành pháp danh thánh địa thì cả thày và trò đều chẳng vẻ vang ư?”.
“Ta chán cái sự vẻ vang rồi. Ý ta đã quyết, ngươi không phải nói nhiều nữa. Nhà ngươi vốn cung kính nghe lời ta tuyệt đối từ xưa đến nay. Đừng cưỡng lại lần nào cho hư hao danh vị đệ tử chân truyền. Vả lại người xưa dạy, cung kính không bằng tuân lệnh. Ta ban lệnh cuối cho ngươi chấp pháp phủ này!”.
“Thày đã nói thế thì tôi xin tuân theo. Cơ mà xin thày để lại cho tôi quyển sách gia truyền, để tôi nghiền ngẫm. Biết đâu lại thấu hiểu được mọi sự trên đời”.
Thày Bút nhìn nam nhân Khang mỉm cười bí hiểm. Trong mắt của thày có ánh lên một chút gì đó như là tinh nghịch hay giễu cợt. Thày bảo:
“Được. Ta để lại hết cho ngươi!”.
Nhưng rồi tự nhiên ánh mắt thày Bút lại đột ngột thay đổi. Dịu xuống. Có một chút gì đó u uẩn trong đó, thày hạ giọng thì thầm với tay đệ tử thân tín nhất:
“Theo như ta đoán thì tình hình nước Việt sắp biến. Vận cùng tắc biến. Dân ta liệu có vượt qua khỏi đoạn trường khốn khó này không thì còn trông cả vào sự phò trợ của tổ tiên. Ngươi hãy đợi xem nhé!”.
Kể từ đó thày Bút đi biệt. Đi đâu không ai rõ tung tích. Dân làng Cùng nói thày Bút vào núi sâu xây am ở hẳn trong đó, không ra đến ngoài nữa. Bây giờ râu tóc rụng tiệt, trọc lông lốc, mặt mũi đen nhẻm như quỷ sứ của Diêm Vương mới dưới địa phủ lên. Có người bảo là ông ấy vào tít mãi vùng rừng Tây Nguyên, về lại bản Nùng xưa ở ẩn, giờ trông như người Ê đê, Mơ nông, Gia rai. Nhưng lại có tin đồn là ông ấy cặp với một em chân dài, dắt nhau đi nước ngoài sống, không dám ở Việt Nam nữa. Vì ông ấy cầm rất nhiều tiền của các quan to, sợ có lúc bị lần đến thì mất cả tiền lẫn mạng. Rất nhiều tin. Thực hư không biết đâu mà lần. Chỉ có một điều thực là kể từ ấy tuyệt không thấy bóng thày Bút ở làng Cùng.
Nhưng phủ Thượng Thiên Linh Nhãn thì vẫn lù lù ở đấy. Giờ đây làng Cùng chả còn như xưa. Không còn lũy tre. Không còn đầm sen. Người ta đã lấp ráo cả đầm sen lẫn sông Ba Huyện để phân lô chia nền bán. Rồi cả cánh đồng Mê mênh mông xưa cũng biến thành khu công nghiệp, ống khói nhà máy nhấp nhô như rừng, ngày đêm tỏa ra những luồng khí thải hắc ám. Phủ Thượng Thiên Linh Nhãn lọt thỏm trong rừng bê tông xám xịt và những mái tôn nhọn hoắt xanh đỏ luôm nhuôm đủ kiểu.
Nam nhân Khang thay thày Bút chủ trì phủ.
Vào cái đêm đầu tiên chấp pháp tại phủ, nam nhân Khang vô cùng hứng khởi, đóng cửa phòng lại, mở quyển sách cúng bìa da được truyền lại ra. Định bụng sẽ bắt đầu nghiền ngẫm để tìm chân kinh. Hồi đầu tiên bỏ việc ở viện nghiên cứu đến theo hầu thày Bút, Khang đã ngỏ ý muốn được thày cho đọc và giảng giải quyển sách bí truyền này.
Thày Bút cười bảo:
“Không có gì đâu”.
Khang không tin, nghĩ là mình mới tới, chưa đủ độ tin cậy với thày. Sau này có mấy lần nữa Khang lại ngỏ ý xin được thày truyền dạy cho mình quyển sách. Thế nhưng thày Bút vẫn chỉ cười mà bảo:
“Không có gì đâu. Ta nói thật đó. Khi nào có chân kinh ta sẽ truyền cho cả thể”.
Ngay từ hồi bé, Khang đã nổi tiếng cả vùng là học giỏi và mê đọc sách. Khang đọc nhiều đến nỗi gù cả người. Năm hết cấp ba, Khang thi đại học gần đạt điểm tuyệt đối nên nhà nước cho ngay sang Đông Âu học về kỹ thuật quân sự. Ở bên đó, Khang tranh thủ học thêm cả tiếng Anh, tiếng Pháp rồi mầy mò tìm thêm sách đọc. Khang đọc rất nhiều thứ. Từ sách khoa học kỹ thuật cho đến văn học nghệ thuật, triết học, tôn giáo phương Tây. Tình hình Đông Âu rối loạn, thể chế thay đổi, Khang về nước đi làm tại viện nghiên cứu một thời gian, lấy vợ, sinh con. Lúc đó nước mình cũng đang bắt đầu đổi mới, mọi sự loạn hết cả lên. Khang cũng hoang mang không biết rồi sự đời sẽ đi đến đâu. Khang suốt ngày vùi đầu vào đọc sách và nghiên cứu. Thế nhưng cũng chả được giao một việc gì, một công trình gì cho ra hồn. Những cái gọi là công trình nghiên cứu của viện nơi Khang làm việc, thực chất chỉ là chỗ lãnh đạo giải ngân, phung phí tiền thuế của dân mà chả đem lại một kết quả khoa học hay thực tiễn nào. Khang chán nản cực độ, quay ra đọc sách về tâm linh. Lúc đó ở nước mình, phong trào nghiên cứu lại về tâm linh nổi lên rất mạnh. Thậm chí nhà nước còn bảo trợ cho một trung tâm nghiên cứu cái gọi là tiềm năng con người. Các nhà ngoại cảm, các nhà tâm linh xuất hiện nhan nhản, rất được nể trọng. Ngay tại quê mình, Khang nghe nói có thày Bút xuất thân thày cúng gia truyền nay là thày tâm linh rất được tín. Quan chức và dân kinh doanh buôn bán khắp vùng, ngoài kinh thành lũ lượt kéo nhau về xin lệnh. Rất linh. Lại nghe nói nhà thày vẫn giữ được quyển sách cổ đã truyền từ mấy ngàn năm, trong đó hình như có viết về cái Thiên Đạo đã thất truyền của làng Cùng. Đại Quốc Sư lừng danh của nước cũng đã về nhiều ngày để cùng với thày Bút diễn giải ý người xưa thành kinh sách mới cho dân cả nước Việt. Nghe thiên hạ đồn râm ran là dân nước Việt sắp có một bộ Chân Kinh để thay cho những đạo sách đã lạc hậu bấy nay.
Khang đang bế tắc, nghe tin, lòng khấp khởi. Khang tới điện thày Bút làm lễ và xin được tiếp kiến. Thày Bút cũng nghe tiếng Khang từ xưa. Bởi tuy Khang là người mãi trên làng Ngọc, không học cùng cấp một cấp hai. Sau lên cấp ba thì mới cùng trường nhưng không cùng lớp. Danh tiếng Khang học giỏi thì lừng lẫy cả vùng Kinh Bắc. Thày Bút vẫn âm thầm vì nể. Cuộc tiếp kiến hôm đó có cả Đại Quốc Sư lừng danh. Không biết Thày Bút và Đại Quốc Sư nói gì mà sau hôm đó Khang quyết bỏ hết vợ con, công việc… tới phủ Thày Bút làm đệ tử. Chỉ với một niềm mong muốn sẽ được học những điều bí truyền trong cuốn sách cổ, và sẽ hiểu được cái Thiên Đạo của dân làng Cùng thời thượng cổ. Khang thông minh, học cao biết rộng nên được Thày Bút tin tưởng lắm. Khi trước ở phủ điện trong xóm Dâu cũng vậy mà sau này ra phủ Thượng Thiên Linh Nhãn bên cạnh làng cũng thế, nam nhân Khang luôn là đệ tử số một của thày Bút. Nam nhân Khang một lòng nghĩ rằng, tới duyên, mình sẽ được đọc quyển sách quý kia.
Đêm nay khi còn một mình trong phòng, Khang đốt một ít trầm trong lư hương, rồi lấy quyển sách ra khỏi cái tráp gỗ đựng bộ đồ cúng trứ danh của thày Bút. Một quyển sách bìa da cũ kỹ đã xỉn đen lại, bên trong là những trang giấy dó ố vàng nhưng dày dặn dai tốt. Lòng tràn trề hy vọng. Khang hy vọng sẽ đọc được trong quyển sách bí truyền kia những luận giải chính xác về cái Thiên Đạo đã thất truyền. Nếu tìm lại được Thiên Đạo thì dân làng Cùng, dân cả nước Việt sẽ vượt qua tam giới, chỉ sống đời nhân gian hạnh phúc rồi sẽ hóa thành tiên trên cõi thiên thai. Không bao giờ phải chịu kiếp quỷ sứ của Diêm Vương.
Nhưng nam nhân Khang thất vọng hoàn toàn. Đúng như thày Bút nói, bên trong quyển sách chả có gì mà đọc. Xưa kia trên những tờ giấy dó đó chắc cũng có những dòng văn tự. Nhưng có thể là do thời gian quá lâu, những dòng chữ cổ đó đã gần như bay sạch mực, mờ tịt. Hoặc cũng có thể là do chính thày Bút đã tẩy xóa sạch chả sót dòng nào. Giờ đây, không ai có thể đọc được cái gì trên đó nữa. Nam nhân Khang chợt nhớ ánh mắt nhấp nháy và nụ cười bí hiểm của thày Bút mỗi khi Khang đề nghị được đọc quyển sách cổ. Luôn chỉ có một câu duy nhất: “Không có gì đâu!”.
Khang ngồi thẫn thờ một mình trong đêm. Quyển sách có đúng một trăm bảy mươi trang. Khang ngồi trong đêm tỉ mẩn lật đi lật lại từng trang. Chính xác là một trăm bảy mươi. Trang nào cũng lem luốc mờ ảo như nhau. Thế nhưng trang nào cũng có hình vẽ chèn lên bằng nét bút rõ ràng quen thuộc của ông thày mình, năm con nòng nọc đang sóng hàng bơi, rất chi là sinh động. Không có một chữ nào nói về Thiên Đạo. Tuyệt đối không.
T.T.C.
* Mặt lai: Là một thứ gần như mặt nạ, làng hàng mã Đông Hồ bồi từ giấy bản và vẽ màu lên, gắn vào các hình nhân đốt cúng cho hồn ma dưới âm phủ – nên còn gọi là mặt ma.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Chúng bay chưa ai kịp khảo đã xưng, đã cứ kể tông tốc ra thế thì tao cũng chết à? Nhưng mà nghe họ khai thì thấy rợn người. Rợn người vì tiền. Tiền như lá tre.
Người gửi / điện thoại
Trong đời sống thì tỏi là một loại gia vị hàng ngày không thể thiếu. Bạn thử tưởng tượng một cách đơn giản, nếu đĩa thịt trâu tươi xào mà thiếu vị tỏi? Ngọn rau lang, rau muống xào hay bát nước chấm chanh ớt mà thiếu tỏi?
Đó chính là cây hoàng liên hay còn gọi là hoàng liên chân gà, vì bộ phận dùng phổ biến của nó là thân rễ xù xì trông giống như chân một con gà! Hoàng liên có tên khoa học là Coptis chinensis Franch (hoặc Coptis quinqesecta Wang), họ Mao lương: Ranunculaceae.
Trong cá, Histamine sinh ra do một acid amine có tên là: Histidine phân hủy mà thành, acid amin Histadine đặc biệt cao trong một số loài hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục...
Mặt Ma - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Rơi tự do - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...