gif_20210514_210516_1
videotogif_2021.05.14_21.31.52
videotogif_2021.05.14_21.18.27
gif_20210514_210001
TRÂN QUÝ CHÀO ĐÓN QUÝ VỊ ĐỘC GIẢ ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA NHÀ VĂN TRẦN THANH CẢNH - KÍNH CHÚC QUÝ ĐỘC GIẢ CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT THƯ GIÃN VỚI "NGƯỜI KỂ CHUYỆN KINH BẮC"
fb_img_163796146879720210411_13045820210430_22423320210430_22423320210430_22414520210430_22415520210422_11252420210422_11253620210411_13015820210411_1302135520210411_13052820210411_13041120210411_13044720210430_22421220211031_220453box-01120211113_014855nhavantranthanhcanh20211031_22051320211113_15314020211113_15310720211113_15312320211113_01361920211113_01360720211115_00563820211115_00562220211115_00545220211115_00543920211115_00561020211118_16003120211118_16004320211118_16001820211127_155916fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_04202820230108_10282320230108_10314120230108_10275020230108_10273420230108_10270120230420_21381520230420_21373220230420_213717fb_img_1688790633652
fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_15591620210411_13054420210411_13024120210411_13025120211031_22051320211031_220453box-011nhavantranthanhcnh5520210411_13021320211113_15314020211113_15310720211113_15312320211113_01361920211113_01360720211115_00563820211115_00562220211115_00554220211115_00552120211115_00545220211118_16001820211118_16003120211118_16004320211115_00563820210411_13054420210411_13024120210411_13025120211127_04202820230108_10282320230108_10314120230108_10275020230108_10270120230108_10273420230420_21374920230420_21373220230420_213815
20211031_22051320210430_22553720210411_13031320210411_13023320210411_13052020210411_13055620210411_13040120210430_22555120211031_22045320210411_13021320210411_130213box-01120211113_01361920211113_15312320211113_15314020211113_01360720211115_00563820211115_00562220211115_00561020211115_00553020211115_00554220211115_00543920211115_00545220211118_16004320211118_16003120211118_160018fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_15591620230108_10282320230108_10314120230108_10275020230108_10270120230108_10273420230420_21381520230420_213717fb_img_1688790638910fb_img_1688790636209fb_img_1688790633652

TRUNG TÁ PHÁO BINH

Cứ đều đặn, năm giờ sáng và bốn rưỡi chiều, dân phố Nam Long thuộc quận Hoàng Lan của thành phố, lại thấy trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan đi bộ dọc phố, xuống phòng tập thể hình ở dưới khu đô thị mới rèn thể lực. Trung tá Phan hồi hưu đã dăm năm, khi ngài vừa tròn bốn mươi tám tuổi , đang là trợ lý của phòng pháo binh quân khu. “Lên chả lên được, xuống cũng không được, về quách cho nhẹ nợ!”. Ấy là lời ngài nói khi rượu đã tới tầm! Ngài trung tá hồi hưu tuổi ngoại ngũ tuần nhưng khỏe mạnh và rắn chắc như thanh niên. Tóc ngài vẫn đen như râu dê, cắt cua lởm chởm, nom rất ấn tượng! Ngài luôn diện bộ đồ đi tập thể thao hiệu ADIDAS, đồng bộ từ tất, giầy, áo tập, áo khoác … rất đúng điệu. Dáng dấp đi lại nhanh nhẹn và dứt khoát, mấy con mẹ “dòng dòng” ngồi bán hàng dọc phố nhìn thấy, hay kháo nhau: “Khiếp, cái lão này như là không có tuổi vậy. Mấy chục năm nay chả già đi tẹo nào, lúc nào trông cũng trai tráng”.

Ngài trung tá nhập ngũ năm 1978, ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba phổ thông. Hồi đó tình hình biên giới ở hai đầu đất nước đều đang căng thẳng, cả lứa học sinh tốt nghiệp cấp ba năm ấy hầu như bị tống ngay vào bộ đội. Trung tá tương lai Trương Ngọc Phan, nghe đọc lệnh ở lễ giao quân xong là được đưa lên chiếc xe quân sự GAZ 66, bịt bùng, đi thẳng ra Quảng Ninh, xuống tàu thủy, đưa tít ra Đảo Trần, một hòn đảo tí xíu ngoài khơi biển Đông Bắc. Ở đó, làm nhiệm vụ “Canh giữ biển trời quê hương”. Gần với chỗ đóng quân của đơn vị binh nhì Trương Ngọc Phan, có một nông trường quốc doanh gồm trên hai trăm “nam thanh nữ tú” được huy động từ đất liền “thanh niên xung phong” xây dựng kinh tế mới, bởi dân ở đảo ấy, chủ yếu là người Hoa, đã bỏ hết về bên kia hoặc vượt biên sang nước thứ ba rồi. Trong cái đội ngũ “thanh niên xung phong” ấy, có vài tay thanh niên, được gọi là “Nam thanh” cho phải phép, chứ thực ra, đấy là mấy tay còi cọc hoặc có vấn đề về sức khỏe, không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ. Còn tuyệt đối là “Nữ tú”, mà nữ tú thật. Chiều đến, sau một ngày đi làm trên đồi, trong rừng về, chị em nông trường rủ nhau ra tắm, trắng lóa một đoạn suối sau đồi. Cánh lính trẻ kháo nhau, cứ tầm chiều chiều là thằng nào thằng nấy, giả vờ có công chuyện, lẻn lên đồi, nấp sau những bụi sim, mua ngắm trộm, bình phẩm. Cả một đoàn thiên nga, mấy chục cô trinh nữ trẻ trung căng tràn sức sống, thoải mái khỏa thân tắm táp, kì cọ, nô giỡn nhau giữa suối. Những tòa thiên nhiên cứ tự do phô bày nét đẹp trời cho mà chả có một chút e dè. Những cặp vú căng mọng và núng nính, những bộ đùi trắng hồng và rắn chắc, và những vùng tam giác bí ẩn  đen mờ, ướt át, mời mọc… Thật là những cảnh như hoang đường, như trong giấc mơ, không thực! Giá mà không có tiếng các cô vừa tắm vừa râm ran trò chuyện đủ thứ trên đời thì cánh lính trẻ không dám nghĩ là đang được chiêm ngưỡng cảnh trần gian, mà nghĩ là đang ở trong giấc mơ về câu chuyện cổ tích, có một bầy Tiên bay từ trên trời xuống tắm ở miền hạ giới! Nhiều tay sung sức quá, không chịu nổi “ra” ướt sũng cả quần trong lẫn quần ngoài….Nhưng tuyệt nhiên chỉ ngắm trộm thế chứ không có vụ làm ẩu nào sảy ra. Kỷ luật quân đội nghiêm lắm, lơ mơ ra tòa án binh ngay! Chỉ có điều là, sau khi các em tắm xong, lính tráng thằng nào thằng nấy lao vội xuống suối để “hạ hỏa”! Binh nhì Trương Ngọc Phan hụp mặt vào dòng nước mát, há miệng, nếm nước, như muốn tìm  chút dư vị của những hương thơm thân thể trinh nữ vừa mới đây còn dạt dào đầy suối. Dòng nước thật vô tình, cứ róc rách trôi ra phía biển, chỉ có mùi hương của núi rừng và vị ngọt lành của nước suối đọng lại trên môi…Rồi chiến tranh biên giới nổ ra. Những buổi chiều thần tiên ấy cũng chấm dứt vì chế độ thời chiến. Mọi sinh hoạt dường như đều bị gò lại, dồn nén, căng thẳng và chực chờ… Ngoài khơi đã thấy thấp thoáng bóng tàu đối phương, đêm đêm đã rập rình báo động biệt kích xâm nhập… Đúng lúc ấy, có đợt tuyển sĩ quan để đi đào tạo phục vụ quân đội lâu dài, binh nhì Trương Ngọc Phan lập tức xung phong và trở thành học viên trường sĩ quan pháo binh Sơn Tây. Lúc đó, binh nhì Phan chỉ nghĩ đến việc thoát khỏi cái hòn đảo cô đơn giữa biển Đông bắc. Nói dại, nếu mà đối phương đổ bộ vào thì quân và dân chỉ có mỗi nước làm cảm tử quân hi sinh cùng đảo mà thôi… 

*** 

Thật ra, Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan cũng chẳng có nhu cầu rèn luyện thể lực lắm, vì về hưu rồi, khỏe để làm gì? Đã nhiều lần, trong những cuộc gặp gỡ hiếu hỉ, mấy ông bạn thân sơ quen biết mới cũ, hình như theo quán tính, bắt tay hỏi: “Thế nào, dạo này ông khỏe không?”. Trung tá Phan thì hay trả lời, vừa đùa vừa thật: “Tôi khỏe lắm, đang khổ vì khỏe đây, khỏe mà không biết để làm gì?!” Nhưng mà đúng là Trung tá về hưu chả có việc gì làm cả, nên đành đi tập để cho tiêu hao bớt năng lượng và thời gian… Vợ chồng Trung tá Phan có hai con, một trai, một gái đều đã lớn và đi làm xa. Còn bà vợ, vẫn đang là bác sĩ ở một quân y viện cách nhà gần mươi cây số. Nữ trưởng khoa xét nghiệm sinh hóa “gầy đét – xê – mô – la” (lời Trung tá!), tuy tuổi chưa đến hưu, nhưng một số “cơ quan đoàn thể” thuộc ngành phụ nữ đã tự động “hưu” dần… Thế nên, Trung tá càng khỏe càng khổ! Đêm nằm thức chong chong, chỉ mong trời chóng sáng để dậy đi tập thể dục cho đỡ bí bách. Từ hồi là tân binh ở Đảo Trần cho đến khi hồi hưu, ba mươi năm quân ngũ đã rèn cho Trung tá một nếp sinh hoạt rất chỉn chu “Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát!”. Khi hồi hưu, Trung tá phải tìm cách duy trì nề nếp sinh hoạt của “lính” đã thành máu rồi. Đi bộ, chạy bộ hay đánh vài quả cầu lông “phèn phẹt, phèn phẹt!” như mấy ông bà cùng tổ hưu, quanh cái vườn hoa nhỏ của khu phố thì chả bõ bèn gì. Nhân dịp dưới khu đô thị mới khai trương trung tâm thương mại và có phòng tập “GYM” ở tầng hai, Trung tá Phan đăng kí ngay làm thành viên câu lạc bộ: “vào tập ở đấy cho nó lành!” (Vẫn lời Trung tá!). Phòng tập có máy chạy bộ đủ các tốc độ, tạ nâng, máy hỗ trợ các kiểu. Tập xong, có nhà tắm, có chỗ ngồi thư giãn nước nôi, sướng như tiên! Ra đường tập làm gì, vừa bụi bặm vừa mất an toàn giao thông. Chẳng may sớm tối đi bộ ngoài đường, có thằng choai con đầu xanh đầu đỏ nó phê thuốc, phóng xe máy loạn lên, lao vào là “cụ” thăng thiên còn nó thì độn thổ! Chẳng đã có khối vụ như thế xảy ra rồi đấy sao, chả thế mới thành câu ca dao: “chết bất thình lình thể dục buổi sớm…”! Mà không riêng gì Trung tá hồi hưu Trương Ngọc Phan, cả mấy khối phố xung quanh cái trung tâm thương mại kiêm phòng “GYM” ấy, mọi người nô nức hưởng ứng cái phong trào thể dục thể thaovui vẻ trẻ trung, văn minh hiện đại ấy lắm. Bọn thanh niên nam nữ ở phố thì ít tham gia, giờ chúng chủ yếu rèn thể lực ở mấy môn “đập đá phá ke” thâu đêm suốt sáng. Rồi thì lại kéo nhau vào nhà nghỉ “thi đấu” mấy môn tiếp như “nhất hổ địch quần hồ” và “nhất hồ xơi đám hổ” hoặc là môn “quần hổ hỗn chiến quần hồ” vui hơn và “phê” hơn! Thành ra phòng “GYM”ở đó chủ yếu phục vụ mấy bác mấy ông nhỡ nhàng con đường hoạn lộ, về hưu trước tuổi, thừa thời gian, thừa cả sức không biết làm gì. Thêm mấy “ngài” tuy còn trẻ, nhưng bia rượu tẩm bổ quá đà, bây giờ “bụng cao hơn ngực, bị vợ chê ỏng chê eo: “hết phong độ!”,đang cố sống cố chết tập tành để mong lấy lại được chút ít hình ảnh oai hùng cường tráng thủa xưa, không thì “mợ nó” đi tháo khoán mất! Và đặc biệt đông đảo, là trong số thành viên đến tập tích cực, đều đặn, là số chị em phụ nữ ở độ tuổi trên dưới bốn mươi, làm đủ các nghề từ giáo viên, công chức, nội trợ đến buôn bán tự do hoặc chả làm gì! Chị em phụ nữ nhà ta, vào cái tầm tuổi ấy, rất hay bị rơi vào cái hoàn cảnh “tế nhị”. Theo quy luật của tạo hóa, lúc này mới là lúc chị em đang ở trên “đỉnh” của cuộc đời đàn bà. Nhưng khổ một nỗi là, các đức lang quân, “đối tác” của các bà, ngoại trừ mấy trường hợp “hi hữu”, thì “phong độ đàn ông” đều đang xuống dốc thê thảm… Thế cho nên, phần lớn các bà các cô tuổi này “nóng” trong người lắm! Nhưng phụ nữ nước Việt mình, do ảnh hưởng của nền giáo dục, do quan niệm sống và cả do điều kiện hoàn cảnh không cho phép. nên phần lớn đều “ngoan”, không “nổi loạn”, không tự tìm đối tác khác để giải tỏa, mà thường âm thầm chịu đựng, thể dục thể thao cho hạ hỏa! Ngày xưa thì các cụ mới có thóc mà xay, chứ nay, gạo nó đem vào tận nhà rồi… Trong số chị em đi tập, có em Thanh Soan, năm nay khoảng ba mươi lăm, ba mươi bẩy xuân xanh gì đấy, một chồng, hai con. Nhưng chồng đi xuất khẩu lao động mãi bên Hàn quốc dăm năm nay không thấy về. Em Thanh Soan có cái sạp hàng bán đồ khô trên chợ cũ nên em tù túng chân tay lắm. Hàng ngày sáng chiều em phải đi làm mấy động tác cho khỏe người. Khi phòng “GYM” mở ra, lại có cả lớp AEROBIC em khoái lắm, vào nhảy tưng bừng theo nhạc, toát hết mồ hôi ra hay chạy bộ cật lực trên máy, rất đã! Em Thanh Soan, gái hai con, nhưng dạo này bọn trẻ bắt đầu lớn, bắt đầu biết tự lo cho mình nên em Soan rỗi lắm. Xa chồng lâu ngày nên phom người em rất rực rỡ, má lúc nào cũng hồng hồng, mắt lúc nào cũng ướt ướt, thỉnh thoảng lại thấy thở dài hoang vắng. Em rất hay mặc mấy bộ đồ thể thao ngắn và bó sát nên những bộ phận thuộc về đàn bà của em trình bày ra… “trông rất nhức mắt!”- Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan nói vậy!

Hồi còn là học viên sĩ quan pháo binh Sơn Tây cho đến sau này, khi ra trường về đơn vị, lúc là trợ lý, lúc là chỉ huy, sĩ quan pháo binh Phan đã nổi tiếng với biệt danh “DKZ 75 ly”! Chả là mặc dù học chuyên sâu “pháo binh trong thế trận binh chủng hiệp thành”, nhưng sĩ quan pháo binh Trương Ngọc Phan không khoái mấy cái món lằng nhằng tọa độ, phần tử, thuốc nổ liều 1, thuốc nổ liều 2 lắm… Không hiểu sao sĩ quan Phan rất thích cái loại hỏa lực trợ chiến bộ binh gọn gẽ và đẹp đẽ ấy! Thẳng băng và bóng loáng, xanh đen màu nước thép. Nạp một viên, khỏi phải lấy tọa độ, phần tử lôi thôi, cứ nhằm thẳng lô cốt, xe tăng “thổi” một phát! Ra tro hết! Trung tá Phan đã đánh nhau với Polpôt mấy năm bên Miên rồi, lắm lúc pháo bắn vào rừng cứ như gãi ghẻ vậy, cứ áp sát vào gần công sự đồn lũy của chúng, giã cho một phát, tan hết! Nhưng mà chiến hữu hay lính tráng dưới quyền ngài, chúng hay ví von cái sở thích chiến trận của ngài với cái “khẩu DKZ” trứ danh dưới thắt lưng ngài cơ. Và ở cái môn này ngài cũng chỉ thích bắn thẳng”!Thời chưa vợ,đi cưa gái, khỏi phải cầu vồng, vòng vèo tán tỉnh lôi thôi gì (mà ngài cũng không biết tán), hễ em nào mà đồng ý đi chơi riêng với ngài là ngài dí ngay cái khẩu “DKZ 75 ly” của mình,đang thẳng băng  trong chiếc quần lính thùng thình vào “điểm đen” của em, là “giã” ngay! Thế mà cũng có khối lần thành công. Các “em” nhiều khi đâm ra mê tít cái khẩu đại bác bắn thẳng ấy của ngài. Nhưng cũng nhiều khi bị các em “đứng đắn” cho một cái tát và bye luôn!

Vào một hôm trời mưa rét, ít người đến tập buổi sáng ,Trung tá Pháo binh hồi hưu vừa tập chạy trên máy mười lăm phút xong, ra hành lang uống nước giải lao thì gặp ngay em Thanh Soan vào tập chạy . Em Thanh Soan mặc bộ đồ tập ngẵn cũn, hở đùi, hở rốn. Chạy trên máy một lúc, khuôn mặt em bừng lên, lấm tấm mồ hôi, má và môi em đỏ rực, cặp đùi và mông tròn xoe, rắn chắc đều đều nhịp trên máy chạy, bộ ngực no tròn của Thanh Soan được thả rông giữ hờ bởi cái áo thun thể thao cứ dập dềnh, núng nẩy, lúc lắc dữ dội theo nhịp chạy…Trung tá Phan, tay cầm cốc nước lọc, đứng ngoài cửa nhìn vào. Cả phòng tập lúc ấy chỉ có hai người. Trung tá thấy cổ họng mình khát đắng mà tay dường như bất động, không đưa nổi cốc nước lên miệng. Đã mấy tháng nay, nữ bác sĩ vợ ngài kêu ngài ngáy to, khó ngủ, ôm gối đi ngủ riêng… bất chợt Thanh Soan bấm nút dừng máy tập, quay ra đi về phía phòng thay đồ nữ, chợt nàng nhìn Trung tá Phan, mỉm cười bí hiểm, mặt đỏ bừng lên, lấy tay che miệng như là  khúc khích chạy qua chỗ Trung tá Phan đứng, vừa liếc mắt tinh quái. Không biết vô tình hay cố ý, khi lướt qua chỗ ngài, cặp đùi rắn chắc trắng hồng của Thanh Soan như quẹt qua cái khẩu “DKZ 75 ly” trứ danh của ngài Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan đang chĩa thẳng căng một góc chín mươi độ trong chiếc quần thể thao của ngài, hôm ấy ngài quên mất không mặc quần sịp bên trong!

 

*

*         *

Việc Trung tá pháo binh Trương Ngọc Phan về hưu ở độ tuổi bốn mươi tám là hoàn toàn đúng luật, mặc dù ngài vẫn đang sung sức lắm. Khi ấy, ngài đang là trợ lý của phòng pháo binh quân khu, ngài không được “trên” quy hoạch cho một chức vụ nào để khả dĩ thăng quân hàm sĩ quan cao cấp. Thế nên, theo luật sĩ quan ngài buộc phải hồi hưu. Vả lại, sau ba mươi năm quân ngũ, ngài thấy thế là đủ. Những người chưa từng ở quân đội, ở ngoài dân sự hay nghĩ là môi trường quân đội nó “thuần túy”! Cứ thằng nào đánh khỏe, đánh hăng, đánh giỏi là lên tướng! Đấy là suy nghĩ hết sức ngây thơ, môi trường quân đội cũng chịu sự  chi phối của hoàn cảnh xã hội, cũng đầy rẫy những sự đê tiện, khốn nạn, cũng chạy quyền chạy chức, cũng đút lót nịnh bợ nhau để lên chức, để thăng quân hàm… Khi còn có chiến tranh, có kẻ thù trước mặt, đứng giữa ranh giới của cái sống và cái chết thì bản năng tồn tại của người lính nó mới bùng lên mạnh mẽ. Tình đồng chí đồng đội được hình thành trong lằn ranh của sinh tử mới bi tráng và đẹp đẽ làm sao. Khi đang trong trận chiến, giữa ánh lửa da cam của B40, B41, giữa tiếng trung liên, đại liên khành khạch nhả đạn như tiếng cười của tử thần đang vào mùa gặt hái, giữa muôn vàn tiếng nổ, giữa tiếng rú rít của máy bay , của đạn pháo… Lúc đó, người lính chỉ còn hành động theo bản năng, không có một giây nào dành cho sự chần chừ suy nghĩ, nhìn thấy đồng đội mình quằn quại trong lửa đạn là lập tức xông lên, là nổ súng, là tuốt lưỡi lê… Nhưng đã mấy chục năm nay, đất nước hòa bình, chả có giặc mà đánh! Không có giặc để đánh nên từ lính đến quan cứ như bị cuồng chân cuồng tay! Trên biết thế nên, thỉnh thoảng lại phải tổ chức diễn tập bắn đạn thật cho lính tráng đỡ quên mùi khói súng. Không có cơ hội thể hiện “bản lĩnh” trên chiến trường, những tay sĩ quan được đào tạo chu đáo, lại đã ít nhiều kinh qua chiến trận như trung tá pháo binh Trương Ngọc Phan cảm thấy hết sức ngơ ngác. Môi trường quân đội bây giờ cũng bị những sự nhốn nháo của cái gọi là “kinh tế thị trường” phản xạ vào gay gắt, cũng đủ mọi trò vè…Không phải đến lúc cầm trên tay tờ quyết định hồi hưu ở tuổi bốn mươi tám, Trung tá Phan mới “ngộ” ra là mình không có “dây” nên phải về sớm. Thật ra trung tá Phan thừa biết là ở cái hoàn cảnh hiện nay, thì dù là quân đội cũng thế, muốn lên chức, lên hàm thì phải làm gì. Nhưng rồi cái bản tính ngang tàng bất  cần đời, Trung tá “đếch thèm luồn cúi bố con thằng nào”. Nhận được quyết định hồi hưu, Trung tá chả thèm nói đi nói lại nửa câu, thu xếp ba lô quần áo về luôn! Trung tá thừa biết với tính cách của mình thì dù ở thêm quân ngũ năm mươi năm nữa cũng chả lên được “sao” nào nưã. Biết thế, nhưng Trung tá chịu không sửa được, mà cũng chả phải sửa làm gì “lưng tao thẳng quen rồi, không uốn cong được nữa!”. Thấy điều gì chướng tai gai mắt là Trung tá “chọc” luôn, chả kiêng dè trên dưới gì cả. Đỉnh điểm là cái lần Đảng ủy quân khu tổ chức hội nghị cán bộ trung cao cấp để học tập nghị quyết “Xây dựng quân đội chính quy hiện đại, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam”. Trung tá Phan vốn đang khó chịu vì phải đi học tập, trong khi muốn tranh thủ về nhà thăm con bé út, đang nghỉ hè ở nhà, đã lâu bố con không được gặp nhau. Trung tá đã trình bày hoàn cảnh với Trưởng phòng Pháo là: “Em trợ lý quèn đi học làm gì cho phí chỗ!” “không được, đợt này là nghị quyết quan trọng, 100% quân số có mặt!” tay Đại tá trưởng phòng trợn mắt quát. Sau khi nghe cấp trên truyền đạt, quán triệt, đến phần thảo luận Trung tá Phan giơ tay phát biểu đầu tiên: “Từ sáng đến giờ nghe đồng chí phân tích mà tôi chả hiểu được điều gì?! Đồng chí nói là nước ta nền kinh tế quy mô còn nhỏ, thu nhập quốc dân còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Nhưng, chúng ta quyết sắm cho quân đội những vũ khí hiện đại và rất đắt tiền! vậy thì, có khác nào con nhà nghèo mà lại sắm đồ xa xỉ không? Rồi đồ hiện đại thế có dùng được không? Có hiệu quả không? Vả lại, đồng chí cũng vừa phân tích tình hình thế giới . Xung quanh chúng ta là khối ASEAN bạn bè, là anh em xã hội chủ nghĩa cả… Vậy thì mua vũ khí khủng để nhằm vào kẻ thù nào? Sao không nói rõ ra? Chiến đấu mà không rõ mục tiêu, không rõ kẻ thù, có chiến thắng được không? Nếu không có sự tính toán cẩn thận, những món đồ đó lại trở thành món nợ kéo cả nước xuống! Bài học về sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết còn đó: Mải tập trung nguồn lực chạy đua vũ trang, dốc hết tiền của ra làm vũ khí, rồi sụp đổ từ trong chân đế của nền kinh tế xã hội, không cứu vãn được! Chúng ta cần phải tỉnh táo, phải có sự phân tích rất khoa học, lý trí về tình hình thế giới hiện nay để đề ra đường lối quốc phòng đúng đắn; Không cẩn thận, chúng ta chỉ trở thành con nợ của bọn lái súng. Cả dân tộc trở thành con cờ trên bàn cờ quyền lợi của mấy nước lớn mà họ núp sau những mỹ từ “anh em, đồng minh”. Lịch sử nước ta gần đây chả chứng minh điều đó sao? Cho nên, theo tôi việc trang bị vũ khí cho quân đội là cần thiết, nhưng phải tùy hoàn cảnh của đất nước mà sắm sửa, không được vung tay quá trán. Phải chăm lo đến cái gốc là phát triển kinh tế đất nước trước. Khi chúng ta giàu mạnh lên rồi, khoa học kỹ thuật phát triển cao, làm chủ được tất cả các vũ khí trang thiết bị hiện đại thì chúng ta có thể đủ sự tự tin để “đấu” với những kẻ nào âm mưu dòm ngó… Vả lại bảo vệ đất nước, đường lối chính trị đúng đắn là quyết định chứ không phải là rào dậu biên giới! Đấy chính là lời một đồng chí Tổng bí thư của Đảng đã phát biểu…”.

“Trung tá Trương Ngọc Phan!” ,Thiếu tướng chính ủy quân khu đập bàn đánh “rầm” một cái và đứng dậy quát: “Đồng chí định giảng giải cho ai ở đây? Đồng chí định giảng cho cả cấp trên về đường lối chính trị hả? Đồng chí có biết là vừa phát ngôn trái với quan điểm của tổ chức không? Ra khỏi hội trường ngay!”. Thiếu tướng chính ủy mặt đỏ bừng bừng, tay chỉ thẳng vào mặt Trung tá Phan…Cả hội trường lặng đi, Trung tá Phan dập gót giày đinh sĩ quan cấp tá, cứ thế đi thẳng.

Hôm sau, cục cán bộ quân khu lập tức trình ký quyết định cho Trung tá pháo binh Trương Ngọc Phan nghỉ hưu theo luật định.

Từ ngày hồi hưu, Trung tá Phan hầu như không đọc báo, xem phim, nghe thời sự. Ngài chỉ trồng hoa phong lan và nuôi vài con chim gáy trên sân thượng ngôi nhà ba tầng mặt phố, mà vợ ngài, sau mấy chục năm, lăn lộn, chắt bóp, làm thêm đủ các nghề mới xây lên được. Sáng sáng, trưa trưa, ngài lên sân thượng, pha một ấm trà Thái, rủ mấy ông bạn cùng tổ hưu, uống, đánh cờ và nghe chim gáy hót, cúc cu, cúc cu…vui ra phết!

Nhưng sự đời là, thú vui nào chơi mãi cũng chán. Dần dần ngài thấy mấy cây phong lan, mấy con chim gáy cũng nhạt hoét. Vả lại, mấy ông bạn ở tổ hưu trong phố không phải lúc nào cũng có thời gian mà hầu chuyện ngài được. Vợ ngài, đang quen sống theo cảnh “vợ lính”, thỉnh thoảng mới được gặp nhau, quen rồi. Nay, ngày nào cũng ở với nhau, mới thì thấy thích, ít lâu sau bắt đầu thấy… thế nào ấy, không quen! Khổ vì nỗi, vợ ngài kém ngài có một tuổi, “khí thế” đàn bà kém lắm rồi, mà ngài thì vẫn “sung” lắm. Thế nên, bà bác sĩ trưởng khoa liên tục “lảng” ngài. Có hôm còn viện lí do”trực” để ngủ luôn tại cơ quan… Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan bắt đầu thấy bí bách. Ngài chả biết làm gì cho tiêu hết thời gian. Vừa đúng lúc, phòng tập “GYM” ở dưới trung tâm thương mại khai trương, thế là ngài trở thành một thành viên tích cực! Quả thật là sảng khoái! Phải thế mới tiêu hết cái đám năng lượng thừa, tích lũy trong cơ thể ngài Trung tá pháo binh, mấy chục năm quân ngũ ít có dịp dùng đến! Sau một thời gian đi tập, ngài thấy mình sung sức như thanh niên. Nhưng khốn khổ cho ngài là, kèm theo đấy nhu cầu tình dục tăng vọt. Khẩu “DKZ 75 ly” trứ danh của ngài, đêm đêm cứ thẳng căng, nóng rẫy… mà bà vợ già thì toàn “trốn”! Từ hồi thanh niên đến giờ, ngài vốn có một cuộc sống tình ái khá lành mạnh, ngài luôn tuân thủ câu châm ngôn “cơm nhà, ấy vợ, đếch sợ gì ai!”. Tuyệt nhiên ngài không “bồ bịch em út” gì, mặc dù cuộc đời lính của ngài trải ba mươi năm dài suốt từ Nam ra Bắc, không phải là không có cơ hội. Ngày ngài làm tiểu đoàn trưởng (quân đội hay gọi tắt là “dê trưởng”!) pháo cao xạ trực thuộc quân khu, đơn vị đóng quân ở một miền đồi trung du, trồng toàn những cây bạch đàn rất đẹp. Ở tiểu đoàn bộ có biên chế một nữ quân y sĩ tên Lành, phụ trách việc chăm sóc sức khoẻ cho cả đơn vị. Nữ quân y sĩ Lành cảm tình và chăm sóc “dê trưởng” Phan ra mặt, không cần dấu giếm. Nữ quân y sĩ ra vào phòng “dê trưởng” tự nhiên như không. Lúc thì mang cơm, lúc thì mang nước, lúc thì lại vào hỏi han xem hôm nay: “thủ trưởng xuống đơn vị kiểm tra, trời nắng thế có bị mệt chỗ nào không?”. Làm gì có mệt, có chỗ nó còn đang khoẻ trên mức cần thiết đây! Nhìn nữ quân y sĩ Lành trong bộ quân phục, nhưng hàng họ, máy móc vẫn cứ như muốn tràn ra ngoài thế kia? Vú thì to, mông nở đùi dài, đi lại cứ núng na núng nính, sốt hết cả ruột! Hôm hội diễn văn nghệ quần chúng trên quân khu, quân y sĩ Lành ra sân khấu đơn ca bài “Em hát anh nghe”, tay trung đoàn trưởng E51, ngồi cạnh “dê trưởng” Phan, ghé tai hỏi nhỏ “Này, quân của ông lên sân khấu nó giấu cả cái muôi úp ngược trong quần đấy à?”. Thật quá quắt! Nhưng quả thật cái tam giác đàn bà của nữ quân y sĩ Lành vĩ đại thật! Quần bộ đội rộng thế mà làm sao vẫn hằn lên hết cả bưởi bòng thế kia thì có chết lính không! Có lúc, “dê trưởng” Phan đã muốn đè “nó” xuống mà “giã” một phát, nhưng rồi phải nghiến răng lại thôi. Phan nghĩ đến bà vợ vất vả, tần tảo, vừa làm việc, vừa học, vừa nuôi hai đứa con thơ . . . vả lại, mình đường đường “phương diện quốc gia”, đứng đầu một đơn vị, không làm ẩu được!

Một buổi chiều đầu hè, cơm nước xong, “dê trưởng” Phan gọi con Mực, một con chó ngài vẫn nuôi làm bạn, vẫy nó cùng đi lên đồi bạch đàn sau nhà dạo mát. Mực là con chó hết sức tinh khôn, nó biết phân biệt đâu là dân đâu là lính. Đêm đến, nó luôn nằm ngủ ngoài sân trước cửa phòng ngài. Chỉ khi nào mưa hoặc sương muối, nó mới vào nằm ở hiên nhà. Cứ nhìn cái cách nó nằm ngủ, áp bụng, xoài bốn chân, để cằm xuống đất là biết nó là một con chó canh nhà tốt đến thế nào. Nhưng tài đặc biệt nhất của Mực đó là bắt gà! Cả đàn gà tăng gia của đơn vị hàng trăm con thả lang thang trên đồi, nhưng cứ chỉ điểm con nào, là Mực đuổi bắt đúng con đó về cho nuôi quân làm thịt! Thế nên, ngài “dê trưởng” cưng con Mực lắm, đi tắm cũng rủ nó theo tắm cho, ngồi ăn cũng cho nó ngồi cùng, thỉnh thoảng lại gắp cho nó một miếng . . . Chiều đầu hè, rừng bạch đàn rất mát,sạch và thơm. Những thân cây bạch đàn khoảng mười năm tuổi, to như cột cái, thẳng tắp, mốc trắng. Cả cánh rừng đang ra hoa trắng xóa, thơm nức. Mùi hoa, mùi tinh dầu ngào ngạt tràn khắp cả một triền đồi thoáng sạch. Gió nhẹ thổi lao xao trên những tán lá xanh nhạt. Cánh rừng trồng toàn một loại bạch đàn, hình như tuyệt nhiên không có một cây ngoại lai nào mọc chen vào được. Dưới mặt đất, chỉ có mấy bụi cây cơm nguội, cây chua me đất, bụi dương xỉ mọc lúp xúp. Thỉnh thoảng, có một khoảng trống mọc toàn cỏ chân gà mềm mượt. Phía xa xa, dưới chân đồi, dân tình vẫn đang cần mẫn làm đồng, có lẽ họ đang thu hoạch lạc ở các chân ruộng cao. Ngài cứ ngồi yên như thế mà thưởng thức hương hoa thiên nhiên ngào ngạt quanh mình. Thỉnh thoảng ngài nằm ngửa ra bãi cỏ, khoan khoái duỗi thẳng chân tay, ngắm trời cao lấp loáng xanh sau tán lá . . . Con Mực trung thành vẫn luôn ở bên cạnh , ngài ngồi thì nó cũng ngồi, ngài nằm thì nó cũng nằm ngửa, giơ bốn vó lên trời, gáy và lưng nó uốn éo ngọ nguậy trên nền cỏ mượt, nghe chừng khoái trá lắm. Chán, nó lại sấp xuống, rúc mõm vào sườn ngài tin cậy. . . Trời đang chuyển dần về tối, những bóng người làm dưới chân đồi đã nhòe đi. Bỗng con Mực hực lên một tiếng, nhổm dậy hướng lên phía đỉnh đồi, mắt long lên cảnh giác. Rồi nó vẫy đuôi rối rít, nữ quân y sĩ Lành đi đâu về, đang từ đỉnh đồi xuống.

“ Thủ trưởng Phan làm gì mà một thầy một tớ ngồi đây thế này?”

“ À, anh ngồi hóng mát một tí thôi, Lành ngồi đây chơi đi. Mà em đi đâu về tối thế?”

“ Em vừa gội đầu, lên đỉnh đồi hóng mát cho khô tóc thôi . . .”

Nữ quân y sĩ Lành vừa nói, vừa ngồi xuống bên cạnh “ dê trưởng” Phan. Mùi hương bồ kết, hương sả, hương chanh từ mái tóc mới gội của nữ quân y sỹ Lành, hòa cùng với mùi hương hoa của cả cánh rừng bạch đàn, tạo nên một thứ hương thơm mê nồng. Ngài tiểu đoàn trưởng thấy mình bỗng như bị lạc vào một cõi nào xa xăm vô định. Tiếng nữ quân y sỹ Lành cứ thoang thoảng, thoang thoảng bên tai, chả nghe ra một điều gì rõ rệt. Con Mực ngồi lâu một chỗ, có lẽ cũng cuồng chân, đang chạy nhắng lên từ chân đồi đến đỉnh đồi, thỉnh thoảng lại nhảy bổ vào một bụi cây cơm nguội, cứ như bị cuồng . . . Ngài “dê trưởng” thấy toàn thân nóng rực lên, căng nhức. Ngài muốn đứng dậy về dưới doanh trại mà chân tay cứ như bị tê liệt. Rồi ngài thấy có một cảm giác ấm nóng mềm mại đến từ phía sau lưng, mặt ngài bỗng dưng tràn ngập hương bưởi hương bồ kếp từ mái tóc buông lơi của nữ quân y Lành, đang trùm phủ khắp đầu ngài từ phía đằng sau. Bản năng đàn ông của ngài bùng lên dữ dội quá khiến ngài như bị mụ mị, không biết làm gì. Chân tay ngài cuống quýt, lẩy bẩy chưa biết đặt vào đâu thì nữ quân y Lành đã vật ngửa ngài ra, nằm đè lên ngài, miệng tham lam, cuống quýt hôn vào khuôn mặt đàn ông góc cạnh của ngài. Tóc của nữ quân y sỹ tràn lấp toàn bộ khuôn mặt ngài, bao trùm ngài trong một hương thơm đàn bà nồng nàn dữ dội khát khao. Nữ quân y sỹ bật hết cúc áo, ôm đầu ngài, dúi vào bộ ngực đồ sộ, nóng rẫy, thơm nức mùi hương bạch đàn mà vò cọ, day dí . . .Bỗng nữ quân y sỹ Lành ré lên, ngã bật ngửa người ra phía sau, lăn lông lốc xuống triền đồi, xống áo tứ tung. Và con Mực thì đuổi theo sủa dữ dội “Gâu, Gâu, Gâu . . .”! Thì ra Mực đi chơi lang thang trên đồi chán, chạy về chỗ chủ, thấy nữ quân sỹ đang vật chủ mình ra, tưởng là tình thế nguy cấp, liền xông vào can thiệp: nó xông vào ngoạm lưng quân y sỹ Lành lôi ra, may mà nữ quân y sỹ chưa cởi quần, chứ cởi rồi không biết con Mực sẽ ngoạm vào chỗ nào . . .Ngài “dê trưởng” vừa buồn cười vừa xấu hổ và cả tiếc nữa, ngài mắng con Mực mấy câu, đi xuống chân đồi, sửa sang quần áo cho nữ quân y sỹ Lành, rồi cả ba cùng về doanh trại. Đã đến giờ sinh hoạt buổi tối . . .

 

*

*       *

 

Sau buổi gặp em Thanh Soan ở phòng tập, ngài Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan thấy trong mình rạo rực lắm. Cứ nhớ đến cặp má đỏ hồng, lấm tấm mồ hôi vì nóng của em Thanh Soan là Trung tá Phan lại thấy râm ran. Khi cô nàng Thanh Soan vội vàng mặc quần áo dài để về thì ngài đã sấn đến, kịp hỏi:

“Em làm ở đâu?”.

 “Em bán hàng trên chợ cũ”. 

“ Cho anh số di động”.

 “Em không nhớ,  lát lên chợ em cho?!”

Cái việc em Thanh Soan đi “hẹn hò” với ngài Trung tá Phan như là sự đời tất yếu nó phải thế vậy. Năm em Thanh Soan vừa tròn ba mươi tuổi, đẻ đủ hai con: trai lên mười, gái lên bảy thì chồng em xuất khẩu lao động Hàn Quốc. Chả là họ đằng nhà chồng em có bà cô, mới nổi lên “doanh nhân thành đạt” trong nghề xuất khẩu lao động. Về , thấy vợ chồng thằng cháu chạy chợ kiếm ăn vất vả, không biết bao giờ mới khá nên được, liền đưa sang Hàn. Hy vọng mấy năm sau, có tí dấn vốn kha khá, may ra đổi đời. Bà cô này, nghe nói hồi trẻ cũng “oanh liệt” lắm. Học sư phạm nhưng chả thèm gõ đầu  trẻ ngày nào, cô đi “kinh doanh”. Mấy năm sau, vác cái bụng chửa năm tháng và một tay đàn ông già gần bằng bố về, giới thiệu là “bạn trai” ! Có đận cô vỡ nợ phải trốn tít tận Miền Nam. Nhưng giờ thì cô khá rồi, cô lên ti vi chém gió ở mục “ Người  lập nghiệp” rất nổi tiếng! Sau đấy, cô sinh đứa con gái thứ hai rồi mới tổ chức đám cưới. Chú rể trẻ, đẹp trai như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc! Đón dâu bằng hai mươi mốt cái xe Mẹc đen bóng! Dân phố xôn xao bình luận suốt mười một ngày! Mấy con mẹ bán hàng khô trên chợ cũ còn kháo nhau rằng, đấy là “nó” mượn một thằng trai tân, giả làm chồng, chứ con của nó là con với cái ông “cốp” lắm, chức tận Trung ủy gì đó cơ. Không biết có phải không. . . Chồng em Thanh Soan là cháu, nhưng chả  cần biết gì hết,cứ cưới cô là vào đánh chén đẫy mấy bữa và tranh thủ nốc rượu Tây tì tì. Cô bảo đi kiếm tiền cho vợ con nó mát mặt thì đi thôi, nghĩ làm gì nhiều, đã có cô tính cho rồi. Em Thanh Soan cưới chồng từ năm mười tám, ở với nhau đến độ ba mươi, đẻ đái, kiếm ăn nuôi con bạc cả mặt. Nhưng được cái vợ chồng thuận hòa, ngày vợ đi bán hàng khô ở chợ, chồng chạy xe máy đi cất hàng, giao hàng. Hôm nào không phải đi thì tranh thủ thêm vài cuốc xe ôm . . . Tối đến, cơm nước xong, đóng cửa tắt điện là lột quần vợ ra hì hục. Mươi phút sau, vợ rúc vào nách chồng, chồng gác chân lên bụng vợ, ngủ. Sáng hôm sau dậy, đi chợ . . .  Cuộc sống cứ thế lờ lờ trôi. Em Thanh Soan chả có lúc nào nghĩ ngợi này nọ, thấy mọi việc cứ bình bình, chả thấy thèm gì . . . Đến hôm bà cô bên chồng cưới, gặp, rồi cô bảo: Vợ chồng mày phải phấn đấu, kiếm tiền mà làm cái nhà cái cửa cho nó đàng hoàng. Rồi cho con cái nó học hành tử tế. Cứ cái sạp hàng khô thì bao giờ mới có? Thôi, để cô cho thằng chồng đi Hàn Quốc mà kiếm!”. Lời của nữ doanh nhân thành đạt, mấy lần được giải thưởng “ Sao bắc đẩu” chỉ có đúng! Em Thanh Soan thấy nhà mình cũng kém thật, vẫn mấy gian nhà các cụ làm cho từ dạo mới cưới ra ở riêng. Thế là em động viên chồng ra đi xây dựng kinh tế gia đình. Lúc đó, em nghĩ xa nhau vài năm thì có vấn đề gì, còn trẻ, còn khối thời gian . . .

Khi chồng sang tít tận trời đông biển bắc rồi, em Thanh Soan mới thấy trống vắng và nhớ chồng quằn quại. Ngày thường, cái lão “vô tích sự” ấy (là lời em hay nói về chồng mình với bạn hàng trên chợ) ở nhà với nhau, chán như mẻ, động nói là “cục” với “hòn”. Nhưng được cái nết “yêu” vợ, quý con, tối nào cũng vậy, chỉ chăm chăm là tắt điện, ôm vợ chứ cấm có lảng vảng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ ngoài phố bao giờ. Thế cho nên, em Thanh Soan nhớ chồng lắm. Một nỗi nhớ thường trực và cụ thể, nhất là mỗi khi đêm về. Gái ba mươi, con đã lớn, son rỗi, cơ thể đàn bà bắt đầu vào độ xuân chín. Đêm nằm, cái phần đàn bà nơi em cứ nóng nực, râm ran, ướt át . . .không cả ngủ nổi! Nhiều hôm, sáng sau ra chợ, bơ phờ, mắt thâm quầng. Mấy con mẹ nạ dòng bán hàng cùng dãy còn trêu: “Thanh Soan chắc đêm qua “em bé” nó quấy, không ngủ được mới bơ phờ thế kia!”. Mà quả thật, có lúc buổi đêm chồng gọi điện về “tâm sự”, em đã phải rít lên: “Anh mà không về nhanh thì em nghiến đến vỡ răng mà chết đấy!”. Nhưng rồi vẫn cứ phải chịu. Chồng em bảo “Thôi vợ chồng mình cố “nhịn” thêm tí nữa, anh kiếm thêm cho kha khá dấn vốn rồi về với em và con”.

Rồi thì đêm đêm, em Thanh Soan cứ phải nghiến răng lại. Thỉnh thoảng em phải vào nhà tắm, dội nước cho nó hạ hoả.

Rồi bạn bè cùng lứa, cùng cảnh rủ nhau đi tập cho khuây khoả.

 Và rồi tại phòng tập, Thanh Soan đã gặp ngài Trung tá hồi hưu Trương Ngọc Phan.

 Đêm đó về, cứ nhớ lại cái cảnh lúc sáng là em Thanh Soan lại nóng ran người, không ngủ được. Khiếp, người gì mà cứ… sừng sững ấy!

Trung tá Phan chọn con đường binh nghiệp chẳng qua là bất đắc dĩ. Lúc tuổi trẻ, phải ra đảo, ngài sợ lắm. Ngài sợ nhỡ mình phải bỏ xác ở cái hòn đảo tiền tiêu bé xíu ấy thì không đành lòng trai trẻ, nên ngài mới xung phong đi học sĩ quan để về đất liền. Trải qua ba mươi năm quân ngũ, kinh qua khối trường lớp quân sự chính quy hẳn hoi nên ngài cũng tích luỹ được nhiều “binh pháp” lắm. Tán đổ được em Thanh Soan trong “chớp mắt” (thực ra ngài có tán gì đâu, xin được số điện thoại rồi ngài gọi rủ em đi chơi “giao lưu” luôn! Mà em Thanh Soan cũng đồng ý luôn! ). Nhưng ngài bày binh bố trận rất kín kẽ. Vì mình còn vợ con, em Thanh Soan cũng còn con cái và gia đình nhà chồng kế bên. Mỗi lần đi gặp nhau “giao lưu”, cả hai đều thống nhất đi xa ít nhất mười lăm cây số và phải đổi hai tuyến xe bus! Cứ đều đặn, tháng vài lần, cặp tình nhân ấy lại gặp nhau “tâm sự giao lưu” trong nhà nghỉ. Ngài Trung tá và em Thanh Soan đều thấy mãn nguyện, mọi việc ổn cả.

 

                                                         *

                                                     *     *

 

Nói về chuyện tình yêu thì Trung tá Phan luôn cảm thấy mình thiệt thòi so với đám bạn cùng trang lứa nhưng làm ngoài dân sự. Những lúc ngồi cùng nhau bù khú rượu bia, nghe đám bạn “nổ” vang trời về cái chuyện muôn thủa của cánh đàn ông, Trung tá Phan chỉ biết cười trừ. Có thằng còn bỗ bã vỗ vai mà bảo: “Mày thật kém tắm! cả đời khi chỉ biết mỗi cái  của vợ!”. Trung tá Phan cưới vợ thật sự là mối tình đầu. Ngày đang đóng quân ở Campuchia về phép, theo ý kiến của các bậc phụ huynh, sĩ quan Phan đi hỏi vợ. Mọi người giới thiệu vài đám các em trẻ trung, em thì đang là nữ sinh, em thì là giáo viên mới ra trường… chả đám nào thành công. Sĩ quan Phan mất gần nửa kì phép mà chưa đâu vào đâu, chán. Một buổi sáng, Phan  đang ngồi uống rượu “giải sầu”  một mình ở nhà thì có ông bạn của bố đến rủ cụ  đi đánh tổ tôm. Nhìn thấy, ghé vào làm vài chén. Rượu vào lời ra, ra ngay vấn đề là nhà cũng có cô con gái làm bác sĩ quân y viện trong thành phố, kém Phan một tuổi, chưa có người yêu, ông bố đang lo ế. Thêm vài chén, hai tay đàn ông đã gần như thân thiết, hẹn: “Tối nay tôi gọi con bé về, anh xuống gặp mặt, ưng là tôi gả phắt. Không ưng thì thôi, ta vẫn là anh em!” Tối đó, xuống gặp, không ngờ sĩ quan pháo binh Phan thấy khoái ngay.Và nữ bác sĩ quân y cũng đồng cảm “cứ như là duyên tiền kiếp vậy!” Mọi thủ tục cưới hỏi giải quyết trong vòng một tuần. Đêm tân hôn, mới là lần đầu tiên Phan được biết tường tận thân thể đàn bà, nhưng nữ bác sĩ quân y thì dịu dàng bảo chồng: “Anh yên tâm, em biết rõ mọi thứ mà!”

Cái vụ “dở dang” trên đồi bạch đàn với nữ quân y sĩ Lành do sự can thiệp của con Mực, làm cho “dê trưởng” Phan và nữ quân y sĩ vừa xấu hổ vừa buồn cười. Thâm tâm cả hai đều muốn lúc nào viết nốt “bản tình ca dang dở” ấy. Nhưng thật không may, đúng lúc ấy, cấp trên có quyết sách giải trừ quân bị. Hàng loạt đơn vị quân đội bị xoá phiên hiệu, trong đó có cả tiểu đoàn pháo của “dê trưởng” Phan. Mọi công việc bàn giao, chia tay cứ rối hết cả lên. Cánh chiến sĩ thì khoan khoái vì được ra quân. Còn cánh cán bộ sĩ quan thì lo lắng không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. “Dê trưởng” Phan được điều về phòng pháo binh quân khu, làm trợ lý. Sĩ quan trong tiểu đoàn mỗi thằng một ngả, xuất ngũ, phục viên, về hưu, xuất khẩu lao động…cứ tan tác như ong vỡ tổ, chả ai còn tâm trí mà nghĩ đến chuyện gì khác. Nữ quân y sĩ Lành chuyển ngành, về quê làm tại bệnh viện huyện. Uống chén rượu chia tay, nữ quân y sĩ lưu luyến :“Thủ trưởng Phan lúc nào về quê em chơi nhé!”…

Nhưng hồi đó, vấn đề khiến “dê trưởng” Phan day dứt nhất không phải là em Lành mà chính là con Mực. Mực là con chó “dê trưởng” Phan xin ở dân về nuôi từ lúc nó còn bé xíu, chưa cả rời vú mẹ. Nó gắn bó với Phan như hình với bóng. Mỗi bận Phan về tranh thủ cuối tuần với vợ dưới thành phố, phải đi bộ ra quốc lộ đón xe, cách đó khoảng vài cây số.  Mực cứ lẽo đẽo đi theo tiễn, không về. Mắng thế nào nó cũng không về. Ra đến chỗ chờ xe, Phan thường ghé vào quán nước ven đường, mua cho nó cái bánh rán hay mấy viên kẹo dồi, dỗ nó ăn, ôm cổ nó và bảo :“Mày về đi, tao về với vợ rồi mai tao lại lên”. Thế là khi Phan nhảy lên xe khách, Mực mới chạy tắt đồi về doanh trại. Chiều hôm sau, chủ nhật, khi lên đến gần đơn vị, bao giờ Mực cũng ra đón Phan từ cách mấy quả đồi. Nó rít lên ăng ẳng nghe vui sướng lắm, đuôi vẫy rối rít tít mù, dụi đầu vào chân, nhảy lên liếm mặt Phan, rồi lại chạy như một thằng rồ xung quanh Phan…Phan không nghĩ Mực là một con chó, Phan nghĩ nó là một người bạn. Nó không biết nói, nhưng nhiều lúc nhìn vào mắt nó, Phan cảm thấy như là nó không những hiểu Phan nói gì mà còn hiểu được cả tâm trạng của Phan. Thế nhưng, với cánh sĩ quan chiến sĩ ở tiểu đoàn bộ thì chúng chỉ coi Mực như là… một con chó! Đơn vị giải tán, “quân hồi vô phèng”, thằng nào nhìn thấy con Mực cũng chỉ nghĩ đến “giềng mẻ mắm tôm” và “con này phải cõng được cái can hai mươi lít rượu!”. “dê trưởng” Phan cực kì khó nghĩ, mang theo Mực lên quân khu thì không được rồi. Mang về thành phố cho vợ nuôi thì càng không thể. Nhà chật, con nhỏ, vợ còn đang phải chạy vạy nuôi con vã mồ hôi, còn sức đâu mà nuôi chó…Chia tay, giải tán đơn vị, sĩ quan chiến sĩ mỗi thằng một ngả. Anh em nó đề nghị một bữa liên hoan rượu thịt chó cho quên đời…Nhưng mà Phan, nhìn vào mắt con Mực, biết rằng mình không thể làm nổi cái việc kinh khủng ấy, chưa biết tính sao cho tròn. Hôm Phan chỉ huy xe lính kéo pháo và trang thiết bị đạn dược về kho bàn giao niêm cất, tối về đến doanh trại, đã thấy củi lửa đèn đuốc tưng bừng rộn rã như nhà có giỗ. Mực đã biến thành các món hấp, dồi, chả, rựa mận…Phan bước vào nhà ăn, một mùi tanh hôi từ đâu xộc thẳng vào mũi. Phan choáng váng ngã gục xuống cửa. Bọn lính tráng vội vực Phan sang phòng riêng, gọi y tá ngoài dân vào khám, nói không sao, chỉ bị cảm nhẹ. Cần vụ đi nấu bát cháo trứng, hành, tía tô nóng ăn vào là khỏi ngay! Cuộc vui “RTC” (rượu thịt chó) chia tay đời lính tiếp diễn tưng bừng mà không cần có mặt “dê trưởng” Phan.

Đến lúc say ríu cả lưỡi vào rồi, thằng lính cần vụ của Phan mới chân nam đá chân chiêu, lảo đảo vào phòng Phan kể chuyện. Sáng nay, Phan vừa lên xe chỉ huy kéo pháo về quân khu, là cả bọn tiểu đoàn bộ “họp” ngay để quyết định số phận con Mực.  kiến tập thể”, không ai được chống, kể cả “dê trưởng” Phan! một “Toà án binh” lưu động được lập ra! Ngồi ghế “chánh án” là đại uý tham mưu Bùi Huy Tảng, một tay nổi tiếng “rượu cả vò, chó cả con”. “Công tố viên” là trung uý hậu cần Dương Kim Sơn, trình bày sau: “Sáng hôm qua, Mực đang chơi ở trên đồi, một con chó vàng của dân đi qua, nhìn thấy, lao lên, cắn đánh “độp” một cái! Mực chạy về, ốm, bỏ cơm, hiện đang nằm kia!”. “Chánh án” Bùi Huy Tảng đập tay xuống bàn đánh “Rầm!” và hô “Trảm!”. Mực đang nằm ngoài cửa, chưa kịp hiểu chuyện gì thì mấy thằng lính đã xông vào đè nghiến, trói, cắt tiết, thui vàng…

Thằng lính cần vụ uống say quá, kể xong khóc hu hu :“Thủ trưởng ơi, tha tội cho em, em không bảo vệ được con Mực cho thủ trưởng, em thương con Mực quá. Lúc bị trói treo trên cột bóng chuyền ngoài sân, chuẩn bị cắt tiết, nó khóc, chảy nước mắt ròng ròng mà mồm bị trói chặt rồi, không kêu được tiếng nào. Nó cứ ư ử ư ử như trẻ con bị đòn oan ấy. Nó nhìn em cầu cứu mà em quay mặt đi để cho bọn lão Tảng, lão Sơn đè ra cắt tiết nó…Em khốn nạn qúa thủ trưởng ơi, hu hu…”

Kể từ đó, Phan không bao giờ nuôi chó và cũng không bao giờ ăn thịt chó nữa. Cứ ngửi thấy mùi thịt chó là Phan bị nôn. Nhiều đêm, trong những cơn mê, Phan lại nhìn thấy đôi mắt đen có cặp con ngươi màu đồng thau của con Mực hiện lên, nhìn như chọc vào óc, vào tim…

 

                                                             *

                                                        *        *

 

Từ ngày có em Thanh Soan làm “bầu bạn” , Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan thấy yêu đời lắm. Những giây phút tình tự bên một người đàn bà đương thì khao khát thật là khác xa, “một trời một vực” so với ở bên bà vợ già cọc cạch. Những cảm giác mà khi ân ái với em Thanh Soan thật “ không thể tả” được. Ngược lại, em Thanh Soan cũng mãn nguyện lắm, tình dục được thỏa mãn hoàn toàn, em cũng không ngờ là mình vớ được một cựu Sĩ quan “ súng pháo” khá đến thế! Ngài cựu Trung tá pháo binh hay nói thầm vào tai em, lúc làm tình:  “ Anh để dành mấy chục năm nay, giờ mới có dịp dùng xả láng đấy!”. Mỗi lần đi chơi với nhau, em Thanh Soan cứ “bị” ngài vò cho nát nhừ mấy tiếng đồng hồ. Nhưng lạ thay em chả thấy mệt mỏi hay đau đớn gì, mỗi lần như thế về, em cứ thấy trong mình râm ran một niềm vui khó nói. Em thấy yêu con hơn, thấy cuộc đời cái gì cũng tuyệt và em cũng thấy thật lạ lùng, em chả còn nỗi nhớ chồng da diết hàng đêm đến mất ngủ. Nhưng em cũng không thấy có chút gì như là người ta vẫn nói, là phải hối hận hay ăn năn…

Ngay từ những buổi đầu “đi” với nhau, ngài Trung tá và em Thanh Soan đã xác định với nhau rất rõ ràng: “ Chúng mình đến với nhau để bù đắp cho nhau những thiếu hụt trong cuộc sống, để mang lại cho nhau niềm vui. Tuyệt đối không ai được làm gì ảnh hưởng đến sự yên ấm của gia đình nhau. Sau này khi một trong hai người không muốn quan hệ này tiếp tục nữa, thì người này phải tôn trọng quyết định của người kia”. 

Cũng từ ngày có nhau, em Thanh Soan và Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan bỏ luôn việc tập luyện ở phòng “ GYM”. Tuần nào cũng  gặp nhau “đấu tay bo” mấy tiếng ở nhà nghỉ ngoại ô, cách đấy chừng mười lăm cây số, thì ai còn sức đâu mà tập tành?!

Một lần, đang nằm chuyện phiếm “giải lao” giữa hai hiệp, em Thanh Soan cầm tay Trung tá Phan, đặt lên cái tam giác đàn bà vẫn đang nóng hổi, hỏi:

“ Anh có thấy gì không?”

“ Thấy gì ?”

“ Anh không thấy cái ấy của em dạo này nó béo múp lên à!”

“ Thế thì sao? Cái gì dùng nhiều thì cái ấy to ra thôi!”

“Anh chả biết gì cả! Dạo này em tăng cân hay sao ấy. Đàn bà mà béo thì cái ấy nó béo ra đầu tiên!”

“ Ôi trời , tưởng gì! Béo ra, to ra thì trông càng xinh chứ sao?”

“ Anh thì… có lẽ em lại phải đi tập cho khỏi tăng cân, béo quá, xấu lắm”

“ Thôi khỏi phải tập làm gì, cứ tăng cường gặp anh thêm một buổi, mỗi buổi mình thể dục thêm một tiếng, đảm bảo em eo và xinh ngay!”

“ Anh thì chỉ được cái thế là nhanh…”

“ Ừ, anh chỉ thích thế với em…”

Vừa nói, Trung tá vừa xoay người đè lên em Thanh Soan. Ngài chúi đầu xuống, rúc vào bộ ngực nóng hổi và thơm nức mùi da thịt đàn bà của em mà hôn hít. Em Thanh Soan khẽ rên lên một tiếng, cong người đón nhận cái khẩu “DKZ 75 ly”  trứ danh của ngài Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan cắm thẳng vào thân mình…

 

                                                           *

                                                      *        *

 

Dạo này ở Thành phố lại có phong trào biểu tình thể hiện “Lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương.” Của mấy ông quan chức, trí thức, sĩ quan…đã về hưu! Mấy vị này khi còn đương chức đương quyền thì tịnh không thấy ho he một lời, cứ như là có bùa dán vào miệng! Lúc về hưu rồi tự nhiên thấy toàn nói “ngược”! Mấy ông bà đến rủ: “Chủ nhật này ông lên phố , đi biểu tình với chúng tôi cho vui!”. Trung tá Phan từ chối thẳng thừng: “ Tôi có  ba mươi năm cầm súng bảo vệ biển đảo quê hương rồi. Đủ rồi, bây giờ, nhường lại các vị, tôi xin kiếu!. Cứ để khi nào có giặc nó sang, bọn tôi lại đi cầm súng! Cái bọn ấy cứ phải “giã” cho một trận như Bạch đằng, Chi lăng, Đống đa, Điện biên phủ thì chúng mới sợ, không thì còn là nhu nhơ!”. Nhưng thật ra, Trung tá Phan cũng day dứt lắm. Đêm nằm ít ngủ, Trung tá cũng nghĩ ngợi nhiều… Chả lẽ những người có chức có quyền, có trách nhiệm chèo chống đất nước này ngu hết, lú lẫn hết cả rồi sao? Mà phải để mấy ông già bà cả sắp xuống lỗ, nói chả ra hơi gào thét… Chả lẽ họ không biết cái thằng hàng xóm hung bạo, nó chỉ chực rình rình, hở ra là nó nuốt chửng mình đấy sao? Lịch sử mấy nghìn năm khốn khổ vì chiến  tranh của dân Việt chả lẽ họ lại không thuộc hay sao? Chắc họ biết cả, chắc họ không ngu. Họ đã lên đến những cái chức to thế, ở những vị trí quan trọng thế thì ngu sao được. Chắc họ biết hết, nhưng họ có cái khó, có lẽ khi mình ở vị trí ấy, ở cương vị ấy mới thấy hết được. Mà kể cũng khó thật! Cứ suy như ngay hàng xóm với nhau đã thấy rồi: hai nhà hàng xóm cạnh nhau, một nhà thì mẹ góa con côi, một nhà thì cường thịnh, đủ đầy bốn năm thằng con trai to như con “ tịnh” ngổ ngáo, lừng lững , chúng chỉ ho một tiếng thì mẹ con nhà hàng xóm đã thấy như là có bão ! Thôi thì muốn êm cửa êm nhà, có lẽ cũng phải nhường nhịn hàng xóm ít nhiều… Nhưng mà nhỡ phải cái  nhà hàng xóm nó ác hiểm, tham lam vô độ, nó chỉ chực ăn tươi nuốt sống mình thì sao? Lấy gì mà đỡ? Cứ nằm mà nghĩ thì thấy bế tắc quá! Nhìn ra xung quanh, thấy các nước người ta cũng nhỏ, cũng ít dân như mình mà sao người ta tự tin, người ta dõng dạc từ quan đến dân. Thế mà nước mình thì, quan lắm lúc cứ như ngậm hột thị, lúng ba lúng búng “Ăn chả nên đọi, nói chả nên lời”! Có những việc rành rành ra đấy, thế mà hèn đớn, không dám cả gọi đúng tên nó ra, thế thì còn nói làm gì… Hay có lẽ mấy tay ấy ngày xưa đi học toàn mua điểm, rồi lại mua quan bán tước, lên chức cao , độc lo “ kiếm” để hoàn vốn? Mà kiếm làm gì lắm thế không biết? cũng đến “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày”, chết có mang đi được đâu?! Nhưng mà tiếng thì để ngàn năm! Mà có khi cái đám ấy bây giờ thế thật. Mấy hôm nay ti vi nói, thi công chức ở Thành phố, không có “Trăm triệu” không đỗ! Đấy mới là cái chức quèn nhất! Còn cao hơn nữa thì không biết đâu mà lần… Càng nghĩ càng thấy chán! Thôi chả nghĩ làm gì cho mệt óc, cứ rủ em Thanh Soan đi nhà nghỉ, rúc vào cái bộ ngực đồ sộ nóng hôi hổi, thơm nức mùi đàn bà của em mà hôn hít thú vị hơn nhiều! Trung tá pháo binh Trương Ngọc Phan, kể từ ngày hồi  hưu chả bao giờ đi “họp” nữa. Ngồi nghe mấy thằng nhãi ranh, “vắt mũi chưa sạch” ,nó rao giảng mà tức điên lên được. Chúng nó nói không biết ngượng mồm. Chúng nó cứ như đang mê sảng vậy, cứ  như là cả thế giới này vẫn đang ở những năm bẩy mươi của thế kỷ trước: vẫn kiên định, vẫn lập trường, vẫn xây dựng, vẫn nước bạn , vẫn kẻ thù, vẫn toàn dân, vẫn toàn làng… Thật không thể chịu nổi! Trung tá pháo binh  hồi hưu đi úp mặt vào cái chỗ gọi là “cội nguồn của cuộc sống”, vào cái lạch sông thần bí của em Thanh Soan để thấy mình được trẻ lại, được tắm mát trong dòng sông tình ái dạt dào của em. Cái  lạch sông  ấy, nó không làm ngài rức đầu, nó đưa ngài đến những cảm giác thăng hoa tột đỉnh… Sảng khoái tinh thần!

 Hồi đầu giêng, em Thanh Soan rủ ngài đi chùa lễ Phật. Ngài thấy cũng lạ cho con dân nước Việt, lúc nào cũng có nhu cầu phải thờ cúng một “Đấng” nào đó, lúc nào cũng phải có một “Thánh nhân” nào đó dạy bảo?! Khốn khổ cho mấy chục triệu con dân ở cái dải đất hình chữ S này, không có các đấng , bậc , dạy bảo cho thì, đến cơm chả biết đưa vào mồm chứ bỡn!  Chả thế mà cái tay nhà thơ ăn chơi nức tiếng đầu thế kỷ trước còn phải thốt lên: “Dân hai lăm triệu ai  người  lớn”! Ngài trung tá tuyệt nhiên chả tin gì, chả hâm mộ gì các “đấng bậc” ấy.Kể từ khi còn học cấp ba phổ thông, rồi vào trường sĩ quan, rồi học viện này, lớp kia...Trung tá Phan đã được học và hầu như “thấm nhuần” cái gọi là “phương pháp luận duy vật” lắm. Đối với ngài, những cái gọi như là “tâm linh” ấy, thật mù mờ và không thể giải thích được. Nhưng chiều lòng em Thanh Soan, ngài Trung tá đưa em sang tít chùa Bồ Đề  bên Gia lâm. Em thì vào lễ Phật, còn ngài rẽ thăm và cho quà mấy đứa nhỏ vô thừa nhận mà nhà chùa  nuôi. Không thể hiểu được là làm sao có những loại gọi là “cha mẹ” ấy, có thể nhẫn tâm bỏ rơi những đứa con rứt ruột đẻ ra nhỉ? Là con người bình thường, có bản năng làm cha làm mẹ bình thường thôi, đã phải sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ mạng sống cho những đứa con bé bỏng của mình. Đằng này, có những kẻ dám nhẫn tâm vứt đi những đứa trẻ chỉ vừa mới chào đời, còn đỏ hỏn… Phải tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ tật nguyền, ốm yếu, cô đơn bị bố mẹ bỏ rơi ấy mới thấy hết giá trị của cuộc sống bình thường mà nhiều lúc ngài Trung tá hồi hưu, em Thanh Soan, hay nhiều người cứ kêu ca là: “nhàm chán”, “bế tắc”. Những đứa trẻ cô đơn ở trong một ngôi chùa vắng vẻ ngoài bãi Sông Hồng. Mặc dù được chăm sóc khá chu đáo về mặt vật chất, nhưng, trong ánh mắt của chúng vẫn toát lên những sự thiếu hụt, đớn đau, cô đơn,hoang vắng  mà mọi sự bù đắp của người đời không thể nào lấp đầy, Sự thiếu hụt tình mẫu tử. Chơi với chúng, cho quà chúng, bế ẵm chúng gần cả buổi, nhưng ngài Trung tá hồi hưu gần như không cảm nhận được một tia nào của ánh sáng hạnh phúc như vẫn toát ra từ những đứa trẻ có đủ đầy cha mẹ cưng nựng hàng ngày.Hôm ấy, có lẽ là lần đầu tiên sau mấy năm cặp kè , ngài Trung tá hồi hưu và em Thanh Soan đi chơi với nhau hoàn toàn “chay tịnh”. Chiều đến, khi đèo em Thanh Soan bằng xe máy sang bến xe bus trung chuyển Long Biên để em bắt xe tuyến 431 về nhà, hình như em Thanh Soan ngồi dịch ra xa hơn một chút. Lúc qua cầu Chương Dương, Trung tá Phan thấy gió thổi qua lưng lành lạnh…

 

244757857_998264344286106_5599975333040285491_n

 

*        *       * 

Cả ngài Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan và em Thanh Soan đều nghĩ, giá mà cuộc sống cứ trôi đi như thế này, cho đến hết đời thì thật tuyệt. Gia đình vợ chồng, con cái  viên mãn. Tình ái được đáp ứng đầy đủ. Cả hai đều hiểu rằng cuộc đời của cả hai đã an bài, mọi sự thay đổi giờ đây là vô nghĩa. Cái cả hai thiếu là sự khao khát tình dục thuần túy thì đã được bù lấp cho nhau trọn vẹn. Cả hai đều nghĩ rằng, việc họ gặp nhau, như là “món quà”của cuộc sống dành cho nhau mà thôi. Thế nên cả hai đều rất chú ý giữ gìn, để cho mọi việc của hai người cứ âm thầm diễn ra trong “bóng tối”. Nhiều lúc, đang làm tình với nhau, ngài và em Thanh Soan bảo nhau: “chúng mình cứ như thế này mãi thì thích nhỉ” ( Nói xong câu này, Trung tá bỗng cười thầm! Hình như câu đó tay Chí Phèo đã nói với Thị Nở lúc làm tình ở vườn chuối thì phải?!).

 Nhưng một buổi sớm tinh mơ, khi mà em Thanh Soan còn chưa ngủ dậy, đã thấy đức ông chồng của mình đang tay xách nách mang gọi cửa. Thì ra, chồng em bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm để mong kiếm nhiều hơn, chóng về với vợ, bị cảnh sát Hàn Quốc tóm được, tống ngay về nước, không cả kịp báo tin cho vợ ra đón.

Tám giờ sáng hôm đó, Ngài Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan đang ngồi uống trà thì, chiếc máy điện thoại di động hiệu NOKIA 1100 rung lên bần bật trong túi quần ngài. Mở ra, tin nhắn của em Thanh Soan: “CHONG EM DA VE, TAM BIET, CAM ON, CHUC ANH HANH PHUC!”

Thật sự thì khi đến với nhau, giữa em Thanh Soan và ngài Trung tá hồi hưu, không nói ra, nhưng cả hai đều xác định là “giải quyết vấn đề sinh lý”. Nhưng đi lại với nhau mấy năm ròng, tự nhiên “quen hơi, bén tiếng”. Có lẽ, sau này, không còn đơn thuần chỉ là tình dục. Nhiều lúc, trái tim “trai già” của ngài Trung tá thấy loạn nhịp khi nghĩ về em Thanh Soan. Có lúc, em Thanh Soan cũng lồng lên như là ghen tuông khi thấy Ngài Trung tá vô tình đi với ai đó khả nghi. Có thể, đó là thứ tình như một nhà thơ nào đó đã viết:

“Trong mê dâm chỉ là dâm”

“Ngộ ra mới biết trong dâm có tình!”.

Nhưng dâm hay tình thì giờ cũng hết! Từ ngày chồng về, em Thanh Soan lại trở thành một người vợ hiền thục, chính chuyên, đảm đang nhất mực thờ chồng nuôi con. Cái sim điện thoại ngài Trung tá mua cho em lúc mới đi lại với nhau “để tiện liên lạc”, em vào nhà vệ sinh nhắn  cho ngài tin cuối, xong tháo ra, bẻ vụn thả xuống bồn cầu, giật nước!

Em Thanh Soan có chồng “bù đắp” thì đành một nhẽ. Nhưng còn ngài Trung tá, hụt hẫng ghê gớm . Lắm lúc ngài như muốn phát điên lên, ngài những muốn xông thẳng lên nhà em Thanh Soan mà nói toạc hết ra với chồng em, để chiếm em về làm của mình…

Nhưng mà rồi ngài bình tĩnh, ngài nghĩ lại. Mình là đàn ông, đã hứa rồi, dù thế nào cũng phải thực hiện. Người ta đã “yêu” mình thế, đã “phục vụ” mình thế, có đòi hỏi gì đâu? Bây giờ người ta còn chồng, còn con, mình có làm gì, phải tội chết…

Thực ra thì Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan cũng ốm biệt mất một thời gian. Nhưng sau đó, ngài nghĩ thật kĩ và thấy rằng mọi việc đã trôi qua, luyến tiếc mà làm gì! Có lẽ, mình lại phải đi tập thể dục thể thao, biết đâu đấy…

Thế là, đều đặn năm giờ sáng và bốn rưỡi chiều, dân phố Nam Long thuộc quận Hoàng Lan, lại thấy Trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan “diễu” qua. Ngài lại xuống phòng “GYM” tập luyện. Ngài tập rất hăng, rất khỏe, còn hơn cả thanh niên… Nhưng thỉnh thoảng ngài lại dừng máy tập, mặt đần ra tự hỏi: “Khỏe để làm g?” 

                    

                                                                                                          TTC.

244181870_1240611093101890_4180678405830506824_n

Đánh giá

TRUNG TÁ PHÁO BINH

Mục lục bài viết

Cứ đều đặn, năm giờ sáng và bốn rưỡi chiều, dân phố Nam Long thuộc quận Hoàng Lan của thành phố, lại thấy trung tá pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan đi bộ dọc phố, xuống phòng tập thể hình ở dưới khu đô thị mới rèn thể lực. 

845
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
10-10-2021
GIỚI THIỆU SÁCH

GIỚI THIỆU SÁCH

GIỚI THIỆU SÁCH

GIỚI THIỆU SÁCH

GIỚI THIỆU SÁCH

NGƯỜI KỂ CHUYỆN KINH BẮC

  • KHÁNG KHÁNG SINH

    Kể từ khi tìm ra kháng sinh (1928), với việc quý ngài Alexander Fleming chiết suất được Penicillin, nền y học của nhân loại đã có một bước nhảy khổng lồ. Rất nhiều căn bệnh nan y, gây chết người trước kia đã được giải quyết. Tuổi thọ và chất lượng cuộc sống loài người đã tăng lên rõ rệt. Kháng sinh trở thành một loại thuốc thiết yếu, không thể thiếu của y khoa hiện nay...

    Lượt xem: 1148
  • NAN ĐỀ CỦA THỜI HIỆN ĐẠI

    Thực ra thì không phải đến thời hiện đại mới có bệnh đái tháo đường, mà căn bệnh này đã được y văn cổ đề cập đến từ lâu. Các sách “Hoàng đế nội kinh” hay “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” đều đề cập đến chứng “tiêu khát”, một biểu hiện lâm sàng rõ rệt nhất của căn bệnh này. Nhưng chỉ đến thời hiện đại, có thể do thay đổi môi trường sống, do cường độ làm việc, lối sống sinh hoạt…, căn bệnh đái tháo đường dường như mới bùng phát dữ dội.

    Lượt xem: 674
  • Những lưu ý khi tiêm vaccine Covid-19 với bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp…

    Vài lời mở đầu: Tôi là một dược sĩ và là một nhà văn, trong cả hai vai trò rõ ràng tôi phải quan tâm đến đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên đất nước ta và cả thế giới. Sự quan tâm của tôi đến thế nào, bạn có thể tìm hiểu các bài viết của tôi trên báo chí, facebook kể từ khi dịch nổ ra bên Vũ Hán, Trung Quốc cho đến nay sẽ rõ.

    Lượt xem: 960
  • LƯU Ý KHI DÙNG THUỐC HO

    Đặc biệt là khi bị nhiễm virus gây covid. Thường thì có đến 80% số ca dương tính không xuất hiện triệu chứng gì. Không phát thành bệnh. Nhưng nếu phát thành bệnh sẽ có các triệu chứng điển hình: sốt, đau họng, ho, đau mình mẩy, khó thở, mất khứu giác...

    Lượt xem: 4610
  • QUAN ĐIỂM CỦA TÔI

    Về tình trạng hiện nay ở một số nơi trên nước ta, nhiều người đã được tiêm vaccine mũi 1 là moderna, đến kỳ tiêm mũi 2 nhưng không có moderna nữa. Vậy phải làm sao?

    Lượt xem: 2137
  • ĐỊA LONG LÀ GÌ?

    Là con giun đất. Chính xác. Các cụ nhà ta, nhất là cánh nho sĩ, thầy lang xưa có cái "tật" hay gán cho các con vật, đồ vật vốn bình thường dân dã những cái tên "tự" Hán Việt thật kêu, cho sang mồm. Con giun đất, gọi là địa long, nghĩa là rồng đất, quá oai!

    Lượt xem: 1375
  • Vật chủ bất đắc dĩ

    Trong Y học, có một thuật ngữ quen thuộc “vật chủ truyền bệnh”, xuất phát từ thuật ngữ “vật chủ” trong môn Sinh học. Đây là một thuật ngữ chỉ về những sinh vật có nuôi dưỡng sinh vật khác, theo các dạng quan hệ ký sinh, cộng sinh hoặc hội sinh, cung cấp dinh dưỡng, nơi trú ẩn hoặc đôi khi là bảo vệ lẫn nhau.

    Lượt xem: 1600
  • Nhận thức lại về covid

    Khi đại dịch covid-19 nổ ra ở Vũ Hán, Trung Quốc tháng 11/ 2019, cả thế giới bàng hoàng. Không hiểu điều gì đang xảy ra nơi đây. Đến khi Trung Quốc chính thức công bố về dịch, lập tức các nhà khoa học của cả thế giới đã vào cuộc nghiên cứu về con virus gây bệnh có định danh là Sars- CoV-2 này.

    Lượt xem: 1001
  • Placebo và dịch covid-19

    Placebo, thuật ngữ khoa học quên thuộc của giới y-dược khoa, nó xuất phát từ nguyên ngữ Latin, có nghĩa là “tôi sẽ làm hài lòng”. Còn hiểu một cách nôm na, có thể gọi là “hiệu ứng giả dược”: nghiên cứu những đáp ứng của cơ thể khi được cho dùng “giả dược”.

    Lượt xem: 930
  • KÍNH GỬI: Các thầy thuốc tuyến cơ sở vùng dịch.

    -Thưa các bạn,
    Tôi được biết tình hình trong vùng dịch miền Nam, đặc biệt là tp. Hồ Chí Minh đang rất căng thẳng. Bệnh viện quá tải, các thầy thuốc nhân viên y tế tuyến đầu mệt mỏi. Đâu đó đã xảy ra những cảnh thảm thương: bệnh nhân covid kêu cứu không có người trợ giúp, chết tại nhà, nhất là với những bệnh nhân nghèo.
    Thật đau lòng.
    Lượt xem: 924

  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 7)

    Mạnh Hoạt ở tù ba năm rưỡi, đủ một ngàn hai trăm bảy mươi tám ngày chẵn. Thừa ra nửa ngày, vì án tù của hắn bảy năm, giảm tối đa còn ba năm rưỡi.
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 6)

    Trong chiến tranh, chỉ cần vài tạ thuốc nổ, vài giây, với vài người, là thổi bay một cây cầu. Nhưng để xây lại được một cây cầu qua sông, người ta phải mất vài năm với hàng ngàn con người lao động miệt mài.
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 5)

    Mỗi bài thơ của hắn viết ra, cũng dễ dàng như khi hắn làm tình với một em nào đó gặp trên đường lang thang giang hồ vặt. Nhưng với em nào hắn cũng diễn bài mê muội và đắm đuối như thật.
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 4)

    Dân gian thường hay gọi đó là kẻ ngộ chữ, hay nhẹ hơn, gọi là nghiện chữ. Cái bệnh nghiện chữ ấy đã khiến cho không ít kẻ sĩ nước nam ta từ cổ chí kim thân tàn ma dại.
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 3)

    Mạnh Hoạt mê đọc sách. Những lúc mẹ đi làm đồng hoặc đi chợ, Hoạt ở nhà chúi đầu vào cái tủ sách to tướng của ông cha để lại mê mải đọc.
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 2)

    Thời chiến tranh, nay sống mai chết, hôm nay còn ở ngoài Bắc, mai đã vào tít trong Nam. Hôm nay còn đang sống ngoay ngoảy, mai đi ngoài đường,..
  • Tiểu thuyết: QUÁI NHÂN LÀNG NGỌC (phần 1)

    Mạnh Hoạt, người xóm ngõ Ghen, Làng Ngọc. Một tay chơi nức tiếng vùng Kinh Bắc. Biết đủ ngón nghề cầm kỳ thi họa, đẹp giai, hát hay. Hắn lại biết làm cả thơ nữa...

  • Hoa gạo tháng ba (Phần cuối)

    Chiều nay, Giang cũng nói với nàng là hãy đợi. Ngồi bên Giang trên bến sông, nhìn nghiêng qua gương mặt thanh tú đẹp đẽ của Giang, nàng đã thầm thốt lên trong lòng, Giang ơi, nếu anh yêu em đến thế, sao anh không mang em đi cùng ngay tức khắc. Nhưng Giang vẫn nói em hãy chờ anh, hãy chờ, hãy chờ. 
  • Hoa gạo tháng ba (Phần 2)

    Nhìn hai anh em ngồi câu, My đã định ra chơi cùng, nhưng My lại thấy ngại ngần rồi thôi. Ngày My còn bé, Tràng là người đầu tiên khai tâm cho My về chữ quốc ngữ. Mỗi khi My ghép được một từ, Tràng hay xoa đầu khen My giỏi. Hôm Tràng bị quan Tây bắt giải đi, My chạy sang nhà ông lang Khiết, khóc nức nở..
  • Hoa gạo tháng ba (Phần 1)

    Hôm lính trên phủ cùng với chánh tổng Dương Hữu Cầu, mang tú Tràng về nhà ông lang Vương Văn Khiết trả người, mẹ Tràng là bà lang Khiết hoa mắt, cứ tưởng là quan trên nhầm người. Bốn năm đi tù ngoài Côn Đảo đã biến tú Tràng từ một anh học trò xanh mướt, thành ra một người đàn ông rắn rỏi, vạm vỡ, phong trần.
  • BUÔNG (phần tiếp theo của LONG SƠN TỨ TRUYỆN)

    (phần tiếp theo của LONG SƠN TỨ TRUYỆN)Cố trấn tĩnh, tôi lái xe về nhà đón vợ đưa sang bệnh viện cùng con gái. Ngồi ngoài phòng chờ mà tôi cảm thấy như ngồi trên một đống lửa hay là đang bị một đám gai nhọn vây kín quanh người...
  • LONG SƠN TỨ TRUYỆN

    Chả là trường tôi, thường hay cho sinh viên làm khoá luận và thi tốt nghiệp vào mùa hè. Những sinh viên thi không đỗ, nhà trường sẽ tổ chức thi lại vào mùa thu. 
  • Giỗ hậu (Phần 3)

    Chuyện Vũ chồng nàng chết bất đắc kỳ tử ngay khi đang giao hoan, gia đình nhà ông Đồ Lận đổ hết lỗi cho nàng. 
  • Giỗ hậu (Phần 2)

    Cả làng này, chưa thấy ai chiều con gái như ông Lư. Con ông đòi gì thì cho dù nửa đêm gà gáy ông cũng vùng dậy đi kiếm cho bằng được. 

VIDEO PHỎNG VẤN

VIDEO PHỎNG VẤN

  • MÃI MÃI TUỔI 17!

    Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...

    Lượt xem: 21
  • MỜI CÁC BẠN SÀI GÒN:

    MỜI CÁC BẠN SÀI GÒN: sáng mai 9h, tới Cà phê Ba Hiền, 54 Nguyễn Văn Công thưởng thức cà phê và chém gió cùng các tao nhân mặc khách về các vấn đề lịch sử Trần triều!
    Như đã hẹn, Trần mỗ tôi đã có mặt tại thành phố.
    Rất mong sáng mai được gặp mặt các bạn!
    Lượt xem: 86
  • NHÀ VĂN TRẦN THANH CẢNH KÝ TẶNG ĐỘC GIẢ

    Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng

    Lượt xem: 212
  • Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV

    Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...

    Lượt xem: 233

  • Giao lưu giới thiệu Tác giả - Tác phẩm truyện ký “Người bắt ma” của Nhà văn Trần Thanh Cảnh

    Nhân dịp kỷ niệm ngày 20-11 và nhằm phát triển hơn nữa văn hóa đọc tại Học viện Chính trị Công an nhân dân, ngày 19/11/2020, Học viện tổ chức buổi giao lưu, giới thiệu Tác giả - Tác phẩm truyện ký “Người bắt ma”

    Lượt xem: 672
  • NHÀ VĂN TRẦN THANH CẢNH KÝ TẶNG ĐỘC GIẢ

    Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng

    Lượt xem: 212
  • QUẢN NGƯỜI GIÀ!

    Khó hơn quản bọn trẻ. Vì bọn già nhiều khi hết date, lú lẫn, bẩn thỉu... kinh lên rồi, nhưng cứ ảo tưởng sức mạnh, đi đứng nói năng, viết lách làm bẩn hết cả môi trường xã hội. Thật sự kinh tởm. Mà gây "ô nhiễm" nhiều cho xã hội ở dạng này lại là các ông bà nhà văn, nhà thơ, trí thức...
    Kinh lắm ý!
    Lượt xem: 467
  • Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV

    Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...

    Lượt xem: 233

videotogif_2021.05.14_21.18.27
videotogif_2021.05.14_21.34.06
gif_20210514_210001
VIDEO CLIP

20211113_01351520211113_01371320211113_01364420211113_013744nhavantranthanhcanh20211031_22051320211113_01361920211113_15312320211113_15314020211113_01361920211113_01360720211115_00563820211115_00562220211115_00561020211115_00553020211115_00552120211115_00545220211115_00543920211118_16004320211118_16003120211118_160018fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_15591620211127_042028
nhavantranthanhcanh20211031_22051320211113_01361920211113_01360720211113_15314020211113_15310720211113_15312320211113_01361920211115_00563820211115_00562220211115_00561020211115_00543920211115_00561020211115_00554220211115_00552120211113_153123fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_15591620211127_042028
20211113_014855box-011nhavantranthanhcnh5520211113_01361920211113_15314020211113_15310720211113_15312320211113_01360720211115_00563820211115_00562220211115_00561020211115_00554220211115_00552120211115_00545220211115_005439fb_img_1637961528075fb_img_163796146879720211127_15591620211127_042028
QR truy cập web
nguoikechuyenkinhbac.codeqr

 BẢN QUYỀN THUỘC VỀ NHÀ VĂN TRẦN THANH CẢNH. 

KHÔNG SAO CHÉP KHI CHƯA ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ.

 

Lên đầu trang