Ở đây là chỉ nói riêng về vaccine phòng covid-19 thôi nhé. Chứ thực ra nước ta đã có ngành sản xuất vaccine phòng bệnh tuy còn non trẻ, nhưng cũng đã đạt được khá nhiều thành tựu. Ví dụ, cho tới nay chúng ta đã chủ động sản xuất được đến 10/11 loại vaccine của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Về việc sản xuất vaccine phòng covid-19 đang rất nóng bỏng hiện nay, chúng ta cũng nên lấy làm tự hào, là một trong không nhiều quốc gia bắt tay vào nghiên cứu giải mã gien virus gây dịch, nghiên cứu sản xuất vaccine ngay khi đại dịch nổ ra. Và ít nhiều cũng đã có thành tựu. Tại các bài trước, tôi đã từng giới thiệu các đơn vị của Việt Nam đang nghiên cứu sản xuất vaccine phòng covid-19 là: Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen với sản phẩm Nanocovax. Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang với sản phẩm là Covivac. Và Công ty TNHH một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1, thuộc Bộ Y Tế với sản phẩm có tên Vabiotech. Trong đó nổi bật là công ty Nanogen với sản phẩm Nanocovax hợp tác cùng với Học viện quân y. Sản phẩm này theo thông báo đã vượt qua giai đoạn 2 và đang bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.
Nhưng đùng một cái, vào ngày 15/6/2021 vừa qua, Công ty này có văn bản gửi đích danh Thủ tướng chính phủ đề nghị “sự ủng hộ của đồng chí Thủ tướng chính phủ để vắc xin Nanocovax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự như các loại vắc xin của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.”
Ngay sau đó, đại diện Bộ y tế có phản hồi, việc Công ty Nanogen đề nghị là “quá sớm và nóng vội, chưa đầy đủ dữ liệu về mặt khoa học.”. Cũng theo đại diện của Bộ y tế, một vaccine muốn được cấp phép phải đảm bảo ba tiêu chí: An toàn với người sử dụng, sinh miễn dịch kháng lại virus gây dịch covid trong cơ thể người và có hiệu quả bảo vệ trên thực tế. Nghĩa là các vaccine phải trả lời bằng các dữ liệu khoa học khách quan trước Hội đồng của Bộ y tế, là cơ quan chuyên ngành quản lý các câu hỏi: “Vaccine này có an toàn cho người dùng không? Khi tiêm vào cơ thể nó có kích thích sinh ra kháng thể chống lại virus không? Và, trong thực tế dịch bệnh nó có hiệu lực bảo vệ rõ ràng không?
Trước những lời qua tiếng lại giữa Công ty Nanogen và Bộ y tế, thật đáng khen là Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã có một hành động thực tế, rất hay là, ông đích thân đến thăm, xem thực tế tình hình sản xuất vaccine tại công ty này vào ngày 26/6 cùng với một dàn bộ trưởng, lãnh đạo thành phố có đủ quyền lực tháp tùng. Tại đó ông Phạm Minh Chính cũng đã kết luận việc nghiên cứu sản xuất vaccine phải đảm bảo đúng quy trình khoa học, đặt an toàn tính mạng con người lên cao nhất. Và đồng thời ông cũng cho ý kiến về việc cần thiết phải lập “Tổ hành động” chuyên biệt giúp thủ tướng đôn đốc thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất, cấp phép sử dụng vaccine trong điều kiện dịch bệnh nóng bỏng hiện nay.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long cũng thông báo Tổ chức y tế thế giới (WHO) đồng ý cử đoàn chuyên gia hỗ trợ nước ta sản xuất vaccine phòng covid-19. Và Bộ cũng đang tích cực hỗ trợ các công ty đàm phán chuyển giao bản quyền công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài.
Bên Công ty Nanogen cho biết họ có đủ tiềm lực để mở rộng sản xuất nếu được cấp phép, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, với giá thành thấp nhất thế giới hiện nay, dự kiến chỉ khoảng 120 ngàn vnđ cho một liều.
Như vậy, sau những thông tin trên, người Việt Nam chúng ta trông đợi gì?
Chúng ta có quyền trông đợi một loại vaccine chống covid-19 Made in Viet Nam ra đời trong thời gian tới. Với tiến độ này có thể là 6 tháng đầu năm 2022. Cũng không thể sớm hơn được, bởi chắc chắn không một cơ quan chuyên môn nào, dù là Bộ y tế Việt Nam hay WHO cho phép sử dụng vaccine khi chưa đủ các điều kiện tối cần thiết về khoa học. Đặc biệt các dữ liệu khoa học phải khách quan, chứ không phải của công ty sản xuất như Nanogen vừa công bố. Những số liệu công ty Nanogen công bố chỉ có giá trị tham khảo. Hội đồng khoa học, đạo đức của Bộ y tế phải chỉ định các cơ quan độc lập với nhà sản xuất tiến hành các xét nghiệm, định lượng kháng thể trong máu… để đưa ra số liệu khách quan, trung thực làm cơ sở để đánh giá các tiêu chí của vaccine. Từ đó mới đưa ra kết luận rằng, có nên cấp phép cho vaccine nào đó trong điều kiện khẩn cấp này hay không. Xin nhấn mạnh, việc này hoàn toàn do các cơ quan chuyên môn quyết định, chứ không một một ý chí chính trị nào can thiệp vào được. Bởi nếu làm khoa học, nhất là khoa học ứng dụng trên cơ thể con người, sai một ly là đi cả ngàn người. Nên sự thận trọng khách quan khoa học phải được tôn trọng tuyệt đối. Thủ tục hành chính có thể cắt bỏ nhưng các bước đi trong nghiên cứu khoa học thì không. Tuyệt đối không được cắt bỏ bước nào. Trong quy trình khoa học không có chỗ cho cái gọi là “đi tắt đón đầu”!
Như vậy phải cần một thời gian nữa, một vaccine nào dó mang nhãn hiệu “sản xuất tại Việt Nam” mới có thể trình làng. Thế nhưng nhắc lại các bạn một câu không thừa: rất nhiều loại vaccine đã bị đổ bể ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vì không đáp ứng được các tiêu chí nghiêm ngặt về sản phẩm dùng cho con người.
Còn về giá cả, ta chỉ nên coi đó là tiêu chí phụ khi đánh giá xem xét việc mua bán vaccine phòng dịch. An toàn và hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Rẻ mà không hiệu quả, không có tác dụng phòng dịch trên diện rộng và gây tai biến cho người tiêm thì thử hỏi rẻ để làm gì? Sức khỏe và tính mạng con người luôn là vô giá.
Nên chúng ta hy vọng nhưng cũng không quá kỳ vọng. Trước mắt chúng ta vẫn phải trông đợi vào nguồn vaccine viện trợ, đi mua. Mà nguồn này như ta đã biết phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài, hiện đang rất khó khăn. Vì nhiều lý do khách quan. Không phải cứ có tiền là mua ngay được. Các nước sản xuất ra, lẽ dĩ nhiên họ phải ưu tiên cho người dân nước họ trước. Tổ chức y tế thế giới, với vai trò điều phối toàn cầu, dĩ nhiên cũng phải ưu tiên những vùng những nước đang bị dịch gay gắt. Mà so với họ, dịch covid tại Việt Nam ta có thể gọi là vẫn được kiểm soát tốt. Từ con số các ca dương tính đến tử vong, nếu để bên cạnh số liệu thống kê các nước trên thế giới thì có thể nói là ta hầu như nhẹ nhất.
Thế nên chúng ta vẫn cứ phải đợi thôi. Đợi để có thể phổ cập vaccine xong, tạo miễn dịch cộng đồng rồi mới mở cửa xã hội hoàn toàn được. Trong khi chờ đợi, tốt nhất vẫn là thực hiện nghiêm 5K mọi nơi mọi lúc, mọi việc sẽ ổn. Là tôi nói thực hiện 5K để giãn cách xã hội thôi nhé, chứ không phải cách ly phong tỏa cực đoan tùm lum như hiện nay. Cái cách làm hiện đang gây những hiệu ứng xấu và những hậu quả không lường về kinh tế đời sống xã hội cho mọi tầng lớp dân cư, nhất là dân nghèo và các doanh nghiệp gia đình.
Dịch covid-19 cần phải chống. Nhưng đừng quá hoảng sợ. Rồi đây cùng với việc phổ biến vaccine, chúng ta sẽ dần coi nó như một dịch bệnh bình thường trong đời sống con người vốn dĩ đã và đang chung sống cùng với muôn ngàn loại dịch bệnh khác đó thôi!