Trăng Trinh Nữ
Rằm xuân.
Trăng sáng giãi dề trên những tán lá.
Rừng Tà Khộp âm u bí ẩn trong đêm. Ánh trăng trên trời đổ xuống như dòng thác bạc. Dòng ánh sáng dội xuống tán lá rừng, hắt xuống mặt đất mơ màng.
Đoàn khách du lịch dã ngoại sau một tối nhảy nhót, đốt lửa trại, uống rượu cần đã chìm vào trong mộng mị. Còn một mình, tôi âm thầm đi dưới tán cây, lặng lẽ tới trung tâm của khu cắm trại giữa đại ngàn Tây Nguyên. Lúc chiều, khi nghe cô Mai, người quản lý khu dẫn đi tham quan giới thiệu khu rừng, nguyên là một căn cứ địa hồi kháng chiến, tôi đã rất chú ý tới chỗ này. Nơi có ba cây thông cổ thụ, mọc bên ba tảng đá to. Ba tảng đá xám mốc cạnh ba gốc thông xù xì.
Đêm rừng vắng lặng.Tán lá thông vi vút như tiếng đàn thê thiết…Tôi đứng giữa ba cây thông, ngẩng mặt nhìn thẳng lên. Ánh trăng khuya sáng rỡ như có muôn ngàn tia hào quang lao vun vút từ trên xuống. Lao thẳng vào mặt, vào mắt. Thốt nhiên tôi có cảm giác bồng bềnh, hư ảo. Cả người tôi như dần tan ra thành một thứ gì luễnh loãng khó hiểu. Tôi không nắm bắt được mình. Tôi bồng bềnh giữa ba thân cây, ba tảng đá, trong trạng thái không trọng lượng. Đầu óc mù đặc, chân tay bất động. Thỉnh thoảng, tôi cố dùng chút lý trí mù mờ trong óc mình để tự hiểu xem điều gì đang diễn ra, nhưng không nổi. Tôi vẫn cứ bồng bềnh luễnh loãng, chơi vơi bất định.
Tôi thảng thốt...
Thân cây thông bỗng lay động.
Một người con gái trẻ như bước ra từ đó, ngồi lên tảng đá. Nàng ngồi yên lặng. Ánh mắt nàng hoang vắng lạnh lẽo, nhìn vô định vào rừng cây tối om phía xa… Nàng đưa tay vuốt mái tóc dài óng ả. Ánh trăng xanh dội vào mái tóc khiến cho nó trở thành một dòng suối suôn mềm bồng bềnh trước ngực. Một giọng thiếu nữ nhẹ như hơi thở cất lên:
-Khi anh Chiến hô: “Rút về cứ hậu bị”, em và chị Mai mỗi người ném một quả lựu đạn về phía đối phương rồi định sẽ nhảy xuống khe suối cạn.Chưa kịp nhấc thân mình lên, thì em bị một trái M79 cắm vào ngực. Nổ tung. Tim em tan thành từng mảnh nhỏ. Màu máu hoà lẫn màu khói đạn, tung toé trên nền xám mốc của đá, của thân cây. Tất cả trộn thành một bức tranh ghê rợn của tử thần. Thân xác em vật xuống. Không kịp có một cảm giác gì. Em thấy mình thốt nhiên bị bắn lên lơ lửng trên tán lá thông. Nhìn xuống. Thấy chị Mai rú lên đau đớn: “Diệu ơi!” Chị nhào qua tảng đá vồ lấy thân thể còn nóng hổi của em, vừa lắc, vừa gào. Toán biệt kích đối phương nhảy xổ lại. Bóng áo xanh của anh Chiến lẩn nhanh sau những tảng đá…
Tôi cảm thấy mình như bị bóng đè.
Tôi định kêu lên nhưng miệng cứng lại, không cất nên lời.
Tôi nghĩ có lẽ mình đang mơ. Lúc chiều, cô Mai có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nàng trinh nữ tên Diệu nào đó. Nàng chết khi vẫn còn trong trắng. Thế cho nên người ta nói, hồn nàng không siêu thoát được. Mặc dù thân xác nàng người ta đã quy tập về nghĩa trang. Nhưng hương hồn của nàng vẫn lẩn khuất âm u nơi đây… Tay trung sĩ bên quân đội Sài Gòn, thương người con gái chết trẻ, lúc chôn nàng đã lấy giấy tờ trong người, bỏ vào mảnh nilon hàn kỹ lại, vùi cùng thi thể. Thế nên sau này người ta mới biết đích xác đó là mồ cô Diệu, để mang về nghĩa trang.
Có tiếng ai thở một hơi dài thượt trong đêm vắng.
Tôi căng mắt nhìn về phía gốc cây thông thứ hai. Trên tảng đá, một người đàn ông ngồi đó lúc nào.
-Lúc hô “rút về cứ hậu bị” xong, tôi lao xuống lòng suối cạn ngay. Tôi nghĩ là Diệu và Mai sẽ bám sau tôi. Nghe Mai gào lên. Nghe tiếng lính Sài Gòn hò hét, biết là hai chị em lâm nạn. Nhưng tôi không thể quay lại được. Một mình tôi với khẩu AK sắp hết đạn cũng không làm gì nổi đối phương. Tôi đành tháo thân. Tôi thật hèn nhát, khốn nạn. Trong chiến trường người ta có thể tha thứ cho nhau nhiều chuyện, nhưng tội bỏ đồng đội mình thì không ai tha thứ. Mà đây lại là người con gái tôi yêu…
Lại một hơi thở dài, sâu, lạnh lẽo, buồn thấu ruột. Người đàn ông mặc quân phục xanh, gương mặt u uất ngửa mặt nhìn trời ngắm trăng. Nhưng rất lạ, ánh trăng xanh xao trong đêm khuya khoắt, chiếu vào khuôn mặt ấy, dường như biến mất, không phản xạ tí nào. Gương mặt vẫn cứ u tối. Mơ hồ. Xám sẫm trong rừng khuya…
Cô Mai kể rằng, hôm biệt kích Sài Gòn tấn công vào cứ, chỉ còn có ba người ở nhà. Anh Chiến, đại uý tham mưu trưởng. Diệu văn thư và cô Mai hậu cần, tài vụ. Năm ấy cô Mai hai mươi tám tuổi. Diệu mười tám, vừa hết trung học, mới vào chiến khu gần năm. Diệu đẹp. Trẻ. Ngời ngời sức sống chứ không gầy khô, tóc rụng quắt queo như Mai, đã ở rừng gần chục năm. Buổi đầu tiên nhìn thấy Diệu, lính tráng trong rừng từ già đến trẻ đều xốn xang hết cả lên…
-Tôi cũng xốn xang.
Một giọng trầm phát ra từ chỗ cây thông thứ ba. Một bóng đàn ông cũng mặc quân phục xanh, ngồi trên tảng đá. Khuôn mặt mập mờ dưới bóng cây. Ánh mắt nhìn xa xăm vô định về phía cánh rừng tối om trước mặt. Ông ta nói như tự cho mình nghe. Âm thầm. Chậm rãi. Trong một âm vực thấp kỳ lạ.
-Khi ấy tôi hăm hai, trung đội trưởng đặc công trinh sát của tỉnh đội. Tôi nhảy núi từ năm mười sáu tuổi. Ba tôi tập kết ra Bắc, trai miền Nam thời ấy chỉ có hai đường, hoặc bị bắt đi lính, hoặc lên chiến khu. Không lẽ tôi đi lính cộng hoà cầm súng bắn lại ba mình? Trải sáu năm trận mạc, tôi đã thành một chiến binh dày dạn. Nhưng hôm đầu tiên gặp Diệu, tôi thấy xốn xang ngay. Tôi biết mình yêu Diệu. Và rồi Diệu cũng yêu tôi. Cùng ở trong cứ của tỉnh đội, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc và bày tỏ tình cảm với nhau. Nhưng…
Cô Mai nói, ông Chiến, đại uý, tham mưu trưởng tỉnh đội, chưa vợ, cũng mê Diệu. Ông muốn cưới Diệu làm vợ. Ông dùng quyền của mình điều tất cả lính tráng, cấp dưới mon men đến gần tán tỉnh Diệu ra chiến trường để âm mưu độc chiếm người đẹp. Chuyện Diệu và Phú yêu nhau, ông Chiến biết. Thì cái chuyện tình yêu trai gái làm sao mà giấu được, nó cứ lồ lộ ra mọi nơi. Ông ấy gọi Phú lên giao nhiệm vụ: “Sắp tới, tỉnh sẽ cử đồng chí ra bắc học lớp sĩ quan để sau này trở về xây dựng cán bộ nguồn lâu dài. Nhưng nhiệm vụ đêm nay là, đồng chí dẫn trung đội trinh sát đánh thẳng vào dinh tỉnh trưởng, tạo tiếng vang và phối hợp với chiến trường Sài Gòn. Đánh theo phương thức đặc công. Luồn sâu đánh hiểm. Vũ khí mang theo là súng ngắn, thủ pháo, dao găm. Đánh xong rút ngay về cứ.”
Rừng đêm bỗng như mơ hồ xao động.
Tiếng thiếu nữ tóc xanh lại cất lên, nhẹ bẫng.
-Khi thấy anh Phú đêm ấy hăm hở dẫn trung đội ra đi, tui ôm chị Mai khóc. Ông Chiến, ông ấy tệ quá chị ơi. Ổng đẩy anh ấy vào chỗ chết…Thì một trung đội trinh sát đặc công, đánh vào dinh tỉnh trưởng bố phòng nghiêm ngặt mấy lớp. Cả tiểu đoàn biệt kích đóng xung quanh, sao mà thoát ra được. Mà lại chỉ có thủ pháo với dao găm, súng lục…Ông Chiến năm ấy ngoài bốn mươi, bằng tuổi cha chú tui, sao mà tui thương cho nổi. Tui thương anh Phú. Ổng tức.
-Tôi năm ấy bốn mươi nhăm tuổi rùi. Tôi trải qua hai trào đánh Pháp đánh Mỹ. Tôi chả có điều kiện chăm lo hạnh phúc riêng mình- người đàn ông có khuôn mặt xám sẫm lên tiếng- Chiến tranh đã kéo dài gần ba mươi năm, biết bao giờ mới chấm dứt. Tôi muốn được bù đắp chút ít bằng cái trẻ trung phơi phới thanh xuân kia. Tôi yêu Diệu. Tôi muốn báo cáo tổ chức cưới xin đàng hoàng. Bọn trẻ nó còn nhiều cơ hội, chúng cứ làm kỳ đà cản mũi tôi là sao. Tôi tống chúng ra xa. Rồi kiểu gì Diệu cũng phải ngã vào lòng tôi thôi. Tôi cũng chỉ là một thằng đàn ông.
-Lúc nhận nhiệm vụ dẫn trung đội đi đánh dinh tỉnh trưởng tôi cũng chả nghĩ gì- người đàn ông có gương mặt mập mờ nói mà vẫn nhìn vào rừng- Đời lính chiến thì đánh nhau thôi. Nhưng về hầm suy tính phương án thấy không ổn nếu không mang theo súng dài. Đề phòng khi đánh xong rút ra địch truy kích. Tôi lén mang theo vài khẩu CKC, để ngoài hàng rào. Cắt rào bò vào tấn công, gây nổ cháy xong, tôi dẫn trung đội rút ra. Đúng như dự đoán, tiểu đoàn biệt kích đối phương đóng bên cạnh dinh tỉnh trưởng lập tức tổ chức phản công quyết liệt. Cuộc chiến không cân sức. Trung đội tôi hy sinh hết. Chỉ còn mình tôi ôm khẩu CKC băng về phía rừng. Nhưng đối phương quyết không buông tha, họ tổ chức truy kích lên tận căn cứ. Họ kiểm tra xác đồng đội tôi, biết là quân tỉnh đội. Họ lập tức điều máy bay lên thẳng đổ quân bao vây cứ. Tôi chạy về gần thì thấy máy bay lên thẳng đang ào ào đổ quân. Tôi luồn rừng đến gần bãi đáp trực thăng, kê súng đợi. Bốn chiếc UH1 tà tà đáp xuống. Tôi nhằm chiếc giữa, nổ liền ba phát. Chiếc trực thăng bỗng quay vòng vòng, lảo đảo như thằng say rượu, va lung tung vào những chiếc bên cạnh. Cháy nổ liên hoàn cả bốn chiếc. Khói lửa và những tiếng nổ đinh tai lộng óc vang rền trong buổi sáng sớm. Tôi cắt rừng đi thẳng hướng tây, nơi tôi biết có căn cứ khác của quân ta…
Cô Mai bị bắt năm 1970. Tù Côn Đảo đến năm 1973 thì được trao trả. Mấy năm tù đày, chút xuân thì của cô cạn nốt. Cô ở vậy không lấy chồng. Sau giải phóng, cô làm bên ngành thương nghiệp. Đến lúc cô nghỉ hưu thì theo ông Phú về khu du lịch sinh thái làm cho vui. Ông Phú mất, mấy đứa con ông giữ cô lại nói, cô đã ở với bố cháu bao năm. Chúng cháu coi cô là người nhà rồi. Cô ở lại đây trông nom, hướng dẫn, giới thiệu khách tham quan. Mà cô còn có điều kiện gặp lại đồng đội cũ. Bao giờ cô về già, chúng cháu sẽ để cô nằm với cô Diệu và bố cháu, giữa ba cây thông già…
Ba cây thông khẽ lay động.
Từ trên tán lá hình như có tiếng gió vi vu. Tôi giỏng tai lắng nghe. Không phải. Vẫn là tiếng thiếu nữ tóc xanh thầm thì…
-Em thương anh Phú. Hồi trên cứ, thương nhau nhưng có dám gì đâu, đến nắm tay ảnh cũng chả dám. Em chết dưới gốc thông, ngay bên tảng đá những đêm trăng hai đứa hay ra ngồi nói chuyện. Em chết khi vẫn là một cô gái trong trắng. Ba em là du kích, chết năm sáu tám. Em học hết trung học thì các chú các anh trên cứ về móc lên rừng, nói em đi theo con đường của ba thì em đi thôi, có biết gì đâu. Em biết ba em chết phơi thây ngoài lộ cả tuần họ mới cho má con em mang xác về chôn. Em thương ba. Rồi em cũng chết… Hồn em cứ luẩn quẩn ở đây không bay đi được. Em đợi anh Phú trở về. Chỉ cần anh ấy về đây nhỏ xuống mấy giọt nước mắt trai trẻ thì hương hồn em sẽ được siêu thoát…
-Sau giải phóng, tôi dẫn đoàn công tác của tỉnh đội trở lại ngay khu căn cứ cũ- người đàn ông có gương mặt xám sẫm cất giọng- Tôi bốc mộ Diệu đưa về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Từ khi biết tin Diệu hy sinh, tôi buồn chán kinh khủng. Tôi nghĩ mình là người gián tiếp gây ra cái chết của Diệu. Nếu tôi không nhân danh cấp trên ra lệnh cho Phú mang quân đánh vào dinh tỉnh trưởng thì đối phương cũng không cay cú đổ quân truy kích. Tôi biết Diệu yêu Phú, tôi chỉ muốn nhổ cái gai đó đi. Tôi biết thừa là đánh vào đó, vào thời điểm đó là tự sát. Tôi đau đớn ân hận. Có lúc tôi đã kề khẩu K54 vào thái dương muốn tự kết liễu cuộc đời cho xong. Tôi nghĩ mình mang được Diệu về nghĩa trang, hàng ngày qua lại hương khói chăm sóc phần mộ cho cô ấy thì sẽ nguôi ngoai thanh thản phần nào. Nhưng không, cái mối u uất sâu trong lòng tôi vẫn cứ tích tụ lại đó. Cái chết của cả một trung đội chiến sĩ dưới quyền chỉ vì ghen tuông của tôi. Kéo theo cái chết của người con gái tôi yêu. Tôi không làm sao quên được. Mà nhất khi Phú vẫn còn sống, như là một nhân chứng về sự khốn nạn của tôi với đồng đội mình. Mặc dù Phú và tôi sau giải phóng mỗi người một nơi. Và Phú cũng không bao giờ gặp lại tôi. Tôi biết trong lòng Phú căm hận và khinh rẻ tôi. Tôi lao vào công việc, tranh giành đấu đá lên chức lên quyền, như là một cứu cánh cho cuộc sống. Tôi cũng được thoả mãn tham vọng của mình. Nhưng mỗi đêm về, sau công việc, sau nhậu nhẹt rượu chè, cái khối u uất trong lòng tôi nó lại trỗi dậy, lớn dần lên. Ngày càng hành hạ cắn xé tôi dữ dội hơn. Tôi bị nó tàn phá hết sinh lực. Tôi không còn cả khả năng đàn ông nữa. Tôi không xây dựng gia đình. Mọi chức quyền bổng lộc của cải của người chiến thắng bỗng chả còn ý nghĩa gì. Tôi bị bệnh nan y vô phương cứu chữa. Nằm trên giường bệnh, tôi mơ thấy Diệu vẫn lẩn khuất nơi hòn đá, gốc thông. Tôi di chúc cho mọi người, khi tôi chết hãy hoả táng, đem tro tôi chôn dưới tảng đá, bên gốc thông, cạnh chỗ Diệu hy sinh. Tôi muốn được ở bên người con gái tôi yêu.
-Ông Chiến đẩy tôi vào chỗ chết, nhưng tôi không chết. Tôi trở thành người hùng- người đàn ông có gương mặt mập mờ lại lên tiếng- Cuộc truy kích của đối phương đã đẩy tôi vào tít chiến trường xa. Nghe tin Diệu đã chết, tôi càng đánh hăng hơn. Mỗi khi lâm trận, tiếng súng rền vang, mùi khói súng khét lẹt trộn với mùi tanh của máu. Tôi như người say. Tôi lao lên chết bỏ. Nhưng dường như đạn bom tránh tôi. Sau chiến tranh, tôi vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chưa kịp quay trở lại cứ tỉnh đội xưa thì đã biết tin Diệu đã được quy tập về nghĩa trang. Tôi đã đến, thắp hương…Nhưng tôi thấy lòng mình vắng lặng. Lúc đó tôi tưởng do mình chứng kiến quá nhiều cái chết: hàng trăm đồng đội đã ngã xuống ngay trước mắt tôi. Và cũng không ít hơn số đó lính đối phương ngã xuống trước mũi súng của tôi. Tôi nghĩ lòng mình chai sạn. Tôi lao vào công việc. Giành giật. Hưởng thụ. Tôi lấy vợ sinh con…Nhưng càng về sau này tôi lại càng thấy trống vắng kinh khủng. Tôi nhớ Diệu. Ngày ấy chúng tôi thương nhau lắm nhưng chiến tranh ác liệt quá, tôi cũng sợ. Tôi sợ mình bất trắc rồi làm khổ Diệu. Đêm chia tay, Diệu bảo tôi sao anh không làm gì đi? Tôi vẫn câm lặng quay đi. Tôi hèn quá. Ánh mắt long lanh giận hờn trách móc của Diệu vẫn dõi theo tôi mãi. Ánh mắt ấy tôi đã tưởng như quên lãng theo thời gian, trong dòng đời nhộn nhạo. Nhưng càng về sau này, đêm xuống, ánh mắt ấy lại hiện lên thường xuyên trong những đêm mất ngủ của tuổi già. Như có một câu hỏi từ đôi mắt ấy cật vấn tôi, tại sao tôi bỏ nàng chết trẻ một mình? Tại sao tôi không trở lại với nàng?Tôi không chịu đựng nổi nữa. Tôi bỏ tất cả chức quyền bổng lộc. Tôi vào chiến khu xưa, tôi dựng lại cái cứ tỉnh đội đã ở cùng với Diệu. Tôi ở luôn lại đó. Tôi dặn con mình, khi ba chết, hoả táng, đem tro rắc dưới gốc cây thông già…
Sau năm bảy lăm, cô Mai gặp ông Phú, hai người nói chuyện với nhau thì ông Phú mới vỡ lẽ ra ông Chiến âm mưu đẩy ông vào chỗ chết, để rồi dẫn đến cái chết của Diệu. Ông Phú căm lắm, cầm súng ngắn định đến hỏi tội ông Chiến, nhưng cô Mai ngăn lại. Dù gì thì việc đã xảy ra rồi. Diệu đã mất rồi. Ông Chiến bấy giờ thì quyền cao chức trọng. Ông Phú nuốt hận, nhưng không bao giờ gặp lại ông Chiến nữa. Kể cả những dịp bắt buộc cùng phải có mặt một nơi, ông Phú cũng lờ đi coi như chưa từng quen biết.
Hồi ông Chiến bị bệnh nan y sắp chết, ông ấy nhờ cô Mai mời bằng được ông Phú đến gặp mặt tại giường bệnh. Ông Phú đến…
Tiếng thầm thì trong rừng đêm vẫn bên tai tôi…
-Tôi muốn gặp ông Phú để xin tha tội. Và xin ông ấy cho phép đem nắm tro tàn thân xác về bón vào gốc thông già trong khu cứ năm xưa.
Người đàn ông có gương mặt xám sẫm cất giọng mà vẫn nhìn vô vọng lên trời, về phía mặt trăng đang toả những tia sáng xanh trắng muốt trinh bạch. Nhưng thật lạ, khuôn mặt ông ta vẫn không ánh lên được chút nào. Vẫn âm u. Xám sẫm.
-Tôi đến chỉ là muốn nhìn xem kết cục của một kẻ lòng dạ hiểm ác, nhẫn tâm đẩy đồng đội vào chỗ chết cuối đời như thế nào. Đến nơi, nhìn thấy một thân xác khô kiệt đau đớn, một gương mặt hãi hùng của kẻ sắp đối diện với giờ phán xử. Nhưng tôi không có chút gì mảy may thương xót. Tôi đã định mặc kệ. Kệ cho ông ta chết xuống địa ngục vẫn không thôi dằn vặt. Nhưng lúc đó, tôi chợt nhìn thấy mình trong tấm gương. Tôi cũng thấy mình đã già. Mọi hỷ nộ ái ố dường như sắp qua. Tôi thở dài, gật đầu chấp nhận. Giải thoát cho ông ta.
Người đàn ông có gương mặt mập mờ vẫn nhìn xa xôi về phía cánh rừng, nói với một âm vực thấp kỳ lạ.
- Cả hai người đàn ông, một người yêu tôi, một người tôi yêu đều chả làm gì được cho tôi. Lúc có thể, họ đã không làm gì. Bây giờ, họ có mang nhúm tàn tro thân xác về rắc quanh hòn đá hương hồn tôi trú ngụ thì cũng chả có ý nghĩa gì nữa. Họ là những kẻ không còn quyền chạm tới hương hồn trong trắng của tôi. Mấy chục năm nay, hương hồn tôi ở với đá với thông, với núi rừng này. Tôi là đá, là đất, là cây thông nơi này. Mỗi đêm trăng sáng, tôi ca khúc hát trinh nữ vĩnh cửu của mình: vi vút vi vút vi vút…
Tiếng vi vút vi vút… réo rắt, cung bậc cao lên, cao lên mãi, như bất tận. Đến một quãng âm thanh cao khủng khiếp, tiếng vi vút bỗng thành một mũi khoan nhọn hoắt xoáy thẳng vào tai tôi buốt chói… Tôi sợ hãi giật mình chồm dậy: cô Mai đang đứng trước mặt tôi, tay cầm một chiếc còi thép nhỏ xinh, còi hiệu lệnh cho đàn voi của khu. Cô cười bảo: “Mày ngủ kinh quá, rượu say cứ thế là lăn ra gốc thông. Gọi kiểu gì cũng không tỉnh. Cô lấy cái còi thổi rúc vào tai mới được đấy. Vào lán nằm không rừng đêm về sáng rất lạnh, cảm chết.”
Tôi đứng dậy, vươn vai, ngước lên nhìn trời. Trăng vẫn sáng xanh qua từng kẽ lá. Ánh trăng trinh bạch dịu dàng tưới xuống cánh rừng đang mê ngủ. Tôi nhìn ba hòn đá, ba gốc thông già, dưới ánh trăng đêm ngồi bên nhau trầm mặc. Tiếng thông vẫn reo vi vút, vi vút…
Đánh giá
Mục lục bài viết
Đoàn khách du lịch dã ngoại sau một tối nhảy nhót, đốt lửa trại, uống rượu cần đã chìm vào trong mộng mị. Còn một mình, tôi âm thầm đi dưới tán cây, lặng lẽ tới trung tâm của khu cắm trại giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Người gửi / điện thoại
Vitamin C là một trong những loại vitamin thiết yếu của cơ thể. Nó có tác dụng chống lão hóa, làm bền thành mạch máu, có chức năng miễn dịch. Đặc biệt, nó tham gia rất nhiều phản ứng duy trì hoạt động sống trong cơ thể con người. Nên nếu thiếu nó, lập tức con người ta sẽ bị mắc một căn bệnh mà tên khoa học gọi là bệnh Scorbut- Scurvy, với các triệu chứng điển hình: chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, dễ nhiễm trùng, trầm cảm...
Nhân có nhiều bạn nhắn bảo, sao không viết về thuốc- sức khỏe cho mọi người tham khảo? Rằng tôi đã viết nhiều, cả trên báo và Facebook, nay đăng lại liên tục thành "GÓC DƯỢC SỸ", mỗi ngày một bài, cho ai chưa đọc thì đọc...
Tp. Hồ Chí Minh đang cực kỳ căng thẳng trong tâm dịch. Đây đó đã vang lên tiếng kêu cứu của bệnh nhân không được chăm sóc kịp thời. F1 và F0 không triệu chứng đã được cách ly tại nhà. Nhưng con đường để từ F1, F0 trở thành bệnh nhân là cực kỳ ngắn và bất ngờ.
Giã bạn - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Bến sông xuân 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...