Năm 1984.
Minh đang ở bộ đội, đóng quân ở mạn Chi Ma, thuộc tỉnh biên giới phía bắc. Bố ốm, Minh được đơn vị cho về tranh thủ. Minh nằm với bố đêm cuối cùng. Tấm thân gầy guộc của một cựu binh trải qua cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ dường như đã hết sạch nhựa sống. Lúc này chỉ còn như là một cái khung bằng xương người, được chắp vào nhau bởi bộ quần áo mỏng. Nhưng trí não của bố vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Nửa đêm, thấy Minh vẫn thức giấc, nằm bên cạnh phe phẩy cái quạt nan cho bố, ông cất giọng nhỏ nhưng rõ trong đêm: “Minh này, dịp nào ở trên đó có điều kiện thì đi hỏi thăm, xem ở vùng con đóng quân có vợ chồng cô chú Như, Tín không nhé. Bố nghe người làng mình đi mua sắn khô trên Chi Ma về nói, hình như trong chỗ gọi là Hữu Kiên, Lạng Nắc gì đấy, có người dưới mình lên ở. Lâu rồi. Cũng tên như thế”.
Sau đêm ấy một tháng thì bố mất.
Minh cũng không về kịp để đưa đám bố. Nhận được tin bố mất, Minh chạy bộ ba mươi cây số đường rừng ra ga tàu. Đi được hai ga thì tàu trật bánh. Bỏ tàu, nhảy lên xe khách tuyến, xe nổ lốp… Về đến nhà thì mọi việc đã xong xuôi. Minh cầm thẻ hương to, cắm vào mộ bố và thầm khấn, xin linh hồn của bố yên nghỉ, con sẽ cố tìm cô Như, người em gái duy nhất của bố… Dứt lời khấn, cả bát hương to bốc cháy rừng rực, cháy lan sang những đồ mã, những vòng hoa giấy phủ đầy xung quanh, một đám lửa đỏ rực trong cái buổi chiều mùa hè nóng nực, tại nghĩa trang làng Ngọc.
***
Cô Như là em gái duy nhất của bố.
Nhà ông nội chỉ có hai anh em nên bố Minh, những năm cuối đời, vẫn đau đáu về nỗi mấy chục năm nay không có tin tức gì của cô Như.
Cô lấy chồng làng, chú Tín, con út nhà ông chánh Xiêm. Một nhà thuộc hàng danh gia vọng tộc trong làng Ngọc. Nên bố Minh, hồi ấy vẫn đang ở quân đội, cứ yên tâm là em mình có chỗ tin cậy để dựa.
Chuyện về gia đình chú Tín, mấy hôm về chịu tang cha, Minh mới được các cụ cao niên trong làng kể lại.
Ngày xưa, ở cái làng Ngọc này, ít có gia đình nào bề thế như gia đình ông chánh Xiêm. Bố ông chánh Xiêm là cụ Cử Chi khi làm tuần phủ Thuận An, đã từng bỏ tiền túi ra lát gạch đường, lại cho xây cái cổng làng Ngọc, to đẹp nhất vùng Kinh Bắc. Có điều là, chỗ cụ Cử Chi định cho xây cổng thì lại vướng có cây đa cổ thụ, nghe nói rất thiêng. Cụ tuần phủ cho lính về chặt béng. Có vị cao niên trong làng ra can, nói: “Người xưa truyền lại là cây đa đầu làng và cây gạo ngoài bến sông là nơi ở của các vị thổ thần của làng. Đã có lời nguyền cấm xâm phạm. Ai trái lời, sẽ bị diệt vong. Không nên đụng đến”. Cụ Cử Chi bảo: “Dị đoan! Ta làm việc công đức, nếu có thần linh, ắt phải phù trợ! Xây xong cổng mới, ta sẽ cho trồng cây đa khác”. Rồi hô quân làm tới.
Nghe các cụ kể lại thì, cụ Cử Chi to cao đẹp lắm. Thế mà không hiểu tại sao, cụ lấy ba bốn bà vợ, nhưng chỉ có mỗi thằng con trai, đen đen xấu xấu, là ông chánh Xiêm sau này. Đã thế, lại bị toét mắt, nên lúc nào cũng hấp ha hấp háy như người mắt non. Nhiều kẻ không ưa trong làng, hoặc âm mưu đả kích để chiếm ghế của ông, hay gọi xách mé là chánh toét. Nhưng người làng hay nhắc đến ông chánh Xiêm là thiên tình sử của ông cơ. Là vì, ông Xiêm lúc trẻ, xấu trai nhưng là con nhà gia thế, nên, cụ Cử Chi hỏi cho ông cô vợ, một cô thôn nữ đẹp nhất làng. Ngày xưa, nam nữ ở làng cưới nhau nhiều khi do hai gia đình mối lái sắp đặt, có đôi đến hôm cưới mới tỏ mặt nhau. Thế nên, khi rõ mặt chú rể, vợ ông Xiêm thất vọng lắm. Nhớ đến câu ca dao lúc chiều đón dâu, đi qua cổng hàng xóm là nhà anh Khóa Sinh, ngâm vọng ra: “Tiếc thay một đoá trà mi…” Bà ấy đóng chặt cửa buồng, quyết không cho ông Xiêm vào động phòng hoa chúc. Mà buồng nhà cụ Cử Chi, cửa toàn lim, đóng theo lối đại khoa, rất chắc, ông Xiêm chịu chết nằm bẹp ngoài cửa… Cứ thế mấy tháng liền, bà vợ ông Xiêm, không dám bỏ về nhà vì sợ bố dữ đòn. Nhưng cũng uất vì phải lấy anh chồng xấu trai, mắt toét. Cứ tối đến là bà ấy đóng chặt cửa trong, không cho ông Xiêm vào. Ông Xiêm xấu người nhưng được cái khỏe mạnh và đầu óc sáng. Ông cứ vờ như không. Rồi một hôm, ông đi làm về sớm, nói giáo với mọi người là ăn cơm sớm để đi sang làng Đặng tối nay hát Quan họ. Ông ấy vào buồng, chui vào cái chum to vẫn đựng thóc giống vừa hết, đậy cái nia lên… Bà vợ ông Xiêm đi làm về, cơm nước tắm rửa sạch sẽ rồi yên trí vào buồng cài chặt cửa lại… Nửa đêm, ông Xiêm mới bò từ trong chum thóc giống ra. Bà ấy, nghe nói lúc đầu cũng chống cự kịch liệt. Nhưng mà cự cũng chả lại. Có kêu cũng chả ai nghe, danh chính là vợ người ta rồi. Vả lại, sức vóc con gái được mấy so với thằng trai tơ đang hăng, chỉ một lúc sau bà đành xuôi xị, để mặc ông Xiêm làm giời làm đất gì thì làm. Thế mà, sau đận ấy, ông bà Xiêm lại quấn quýt nhau lắm, đi đâu cũng dính như đôi sam. Dân làng Ngọc tán, ấy là do ông Xiêm xấu dây nhưng đẹp củ. Ông bà ấy đẻ liền một mạch năm thằng con trai. Cụ Cử Chi lúc ấy còn sống, vui lắm. Cụ bảo, “thật là con độc cháu đàn”. Cụ đặt tên cho các cháu lần lượt là: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Cụ vốn là một bậc túc nho trong làng. Cụ mong từ nay nhà mình phát đạt mở mang với đời, lưu danh thiên cổ, theo gương người xưa.
Thế nhưng sự đời chả được như cụ cử mong.
Nhân, cháu đích tôn, mười tám tuổi. Một chiều mưa giông. Đi chơi ngoài cánh bãi ven sông chạy về nhà. Qua con đê, bị sét đánh ngay một tiếng, chết tươi, nằm sóng soài trên mặt đê. Mà rất lạ, bị sét đánh nhưng Nhân chết như người ngủ, chả thấy thương tích gì. Môi vẫn đỏ tươi, mặt vẫn hồng. Nhân đẹp trai, lại hát hay nữa nên gái làng Ngọc đều mê. Nhân chết, có đến hàng năm trời, gái trẻ cả làng cứ ngẩn ngơ, chả cô nào muốn đi lấy chồng. Sau cú trời giáng ấy, cụ Cử Chi không gượng nổi rồi qua đời. Kể cũng là may cho cụ ấy, không phải chứng kiến những cảnh còn tang thương hơn của ông trời giáng xuống gia đình.
Con thứ hai của ông Xiêm là Lễ. Nhà khá giả nên Lễ được đi học ngoài Hà Nội. Giao du với Tú Quyền, người làng Thượng Xá, gần đấy. Hai tay bạn rủ nhau đi bình văn thơ ở chỗ Đông Kinh Nghĩa Thục. Rồi chả hiểu ra làm sao, Tú Quyền thì bị Pháp bắt đưa đi tù Côn Đảo biệt tăm tích, còn Lễ bị án chém cùng với đảng nghịch trên Yên Bái.
Nghĩa là con thứ ba trong nhà, cũng đi học trường Bưởi ngoài Hà Nội. Sắp được tú tài Tây thì bỏ theo mấy ông Việt Minh. Lên chiến khu. Nghe nói đánh Tây hăng lắm. Trận đường số 4, quân ta công đồn núng thế, không qua được cửa mở. Nghĩa, tay súng, tay lựu đạn đứng phắt dậy gào lên: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, xung phong!” Thế là lĩnh trọn cả một băng trung liên FM vào ngực, ngã đè luôn vào lỗ châu mai… Nhưng nhờ thế mà quân ta vượt qua được cửa mở, thắng to. Nghĩa được phong là anh hùng liệt sĩ đường số 4.
Cùng đi học ngoài Hà Nội với hai anh, nhưng Trí, con thứ tư của ông Xiêm lại chỉ lo học, chả hội kín hội hở gì như hai tay Lễ và Nghĩa. Trí học giỏi, hết tú tài, vào trường Luật, xong, ra được bổ làm tri phủ Thuận Thành. Cùng năm Nghĩa hy sinh trên đường số 4, Trí ngồi xe đi công cán, vướng mìn du kích trên đường 38, nổ tung, chết không toàn thây.
Cả nhà ông chánh Xiêm lúc này chỉ còn mỗi chú Tín ở nhà, ông bà ấy lo, sợ tiệt giống nên giữ gìn canh chú hơn con cầu tự. Nhà ông chánh Xiêm vốn giàu có. Đời cụ cử Chi làm tuần phủ, đến con là ông Xiêm làm chánh tổng thâm niên. Bổng lộc dồi dào. Vả lại, ông Xiêm tuy hơi thô, đen, xấu người, nhưng khéo tính toán chuyện làm ăn, buôn bán. Lại được bà vợ đảm thu vén cửa nhà, nên cơ nghiệp nhà ông chánh Xiêm lớn lắm, phải cỡ nhất nhì vùng Kinh Bắc. Tín vừa tới tuổi lớn, ông chánh Xiêm cho người đến hỏi ngay cô Như là em gái bố Minh về làm vợ cho chú. Lúc ấy, bố Minh đang ở bộ đội, còn ông bà nội thì đã già yếu, mấy năm sau thì mất.
Những tưởng về làm dâu ở gia đình có cơ ngơi ấy thì đời cô Như phải sung sướng. Mà chú Tín với cô Như rất đẹp đôi, hai người có vẻ hợp nhau. Người làng Ngọc vẫn bảo, hai vợ chồng nhà ấy như đôi đũa ngọc để trên mâm vàng… Nhưng sự đời là không ai tính trước được. Hồi cải cách ruộng đất, ông chánh Xiêm bị tòa án nhân dân bần cố nông lôi ra đấu tố và xử tử hình đầu tiên ở vùng này. Ông chánh Xiêm bị trói giật cánh khuỷu, lôi ra kè đá bắn, xong, đạp xác xuống sông Đuống. Sáng sớm hôm sau, người làng Ngọc thấy tiếng bà chánh Xiêm khóc hờ chồng ở kè đá hồi lâu. Rồi nghe một tiếng ùm. Bà ấy đã nhảy xuống sông chết theo chồng. Dân làng vào gọi vợ chồng chú Tín ra tìm mẹ thì thấy cửa đóng then cài, không còn ai nữa. Vợ chồng chú Tín đã đi đâu không ai biết… Mãi sau này, mọi người mới biết tối hôm ông chánh Xiêm bị xử tử ngoài kè đá, bà chánh Xiêm đã gọi hai vợ chồng chú Tín vào buồng, đưa cho ít vàng bà còn được giấu đội cải cách, dặn, hai vợ chồng chú Tín đi đến chỗ này, tìm gặp người này, là bạn buôn bán chí cốt với bố. Ông ấy sẽ che chở cho mà sống yên ổn. Về sáng, liệu chừng vợ chồng con trai đã đi xa. Bà chánh Xiêm mặc áo xô gai, ra kè đá bên bờ sông Đuống trẫm mình.
***
Khi nghe bố nói là đi tìm cô Như, Minh cũng cứ ậm ừ thế thôi cho cụ yên lòng. Trên đường trở về đơn vị, Minh nghĩ mãi mà chả thấy trong lòng mình có một tí chút nào của tình máu mủ như bố nói. Có thể, bố Minh, tư cách một người anh trai, thì bao giờ chả yêu quý và muốn chăm sóc đứa em gái bé bỏng của mình. Nhưng mấy cuộc chiến tàn khốc trên nước Việt mà ông là người lính tham dự đã không cho phép ông làm điều gì cho em mình.
Thật ra, Minh cũng đã thử đi hỏi thăm quanh vùng, cũng đã nhận được một số thông tin mơ hồ. Minh cũng định, có dịp, sẽ đi tìm hiểu đến tận cùng sự việc. Chưa kịp làm thì bố mất. Về chịu tang, nghe câu chuyện gia đình ông chánh Xiêm, nhà chồng cô Như… Minh thấy trong lòng như có một nỗi niềm gì đấy khó diễn tả. Minh quyết, lần này, sẽ dành thời gian đi sâu vào vùng thung lũng Hữu Kiên tìm kiếm.
Nơi đơn vị Minh đóng quân là một vùng núi đất đá lẫn lộn bên phía đông đường tàu ngược Lạng Sơn. Xuống tàu ở ga Đồng Mỏ, rồi đi bộ vài chục cây số đường rừng mới tới. Đường tàu khi đi qua vùng này, vạch một nét thẳng, rạch đôi cái thung lũng nổi tiếng trong lịch sử nước Việt thành hai bên khá là khác nhau. Bên phía tây đường tàu toàn núi đá cheo leo, vách dựng thẳng đứng. Trên núi mọc toàn cây nghiến, một thứ cây rắn như đá, dao chém vào có khi quằn lưỡi và dội lại, tê dại hết cánh tay.
Một buổi chủ nhật được nghỉ. Minh lang thang vào sâu trong núi theo lời chỉ dẫn khá mơ hồ của mấy ông già người Tày, Nùng nói tiếng Kinh chưa sõi. Ở vùng này, chủ yếu là người Tày, Nùng ở. Mặc dù đã ở mấy năm trên đây, nhưng Minh vẫn không phân biệt nổi đâu là Tày đâu là Nùng. Nhiều khi ra chợ phiên, nhìn các cô gái áo chàm má đỏ môi hồng, đứng hát lượn với các chàng trai cũng áo chàm nhưng đầu đội mũ cối, chóp mũ bịt giấy thiếc, chân đi dép nhựa Tiền Phong trắng. Minh lại thấy nhớ nhà, nhớ quê da diết. Quê Minh có tục hát Quan họ giao duyên mỗi dịp xuân về, gần giống với hát lượn trên này. Nhưng mà ở quê Minh, đã kết bạn, đã đi hát với nhau thì không được lấy nhau, chỉ có thể là bạn hát giao duyên với nhau suốt đời.
Lan man suy tưởng trong đầu. Lang thang đi trên con đường mòn, chả mấy chốc, Minh đã vượt qua dãy núi Lạng Nắc sang đằng Hữu Kiên. Nghe nói trong đó có mấy gia đình người Kinh ở, có thể biết nhiều điều. Vượt qua một con đèo nhỏ không tên, vừa nhô ra khỏi bìa rừng, Minh như sững người lại: phía xa xa, tạt vào sâu một chút bên tay phải con đường mòn, một đồi hoa mận đang nở hoa trắng xóa. Lúc ấy là đang vào cuối đông, đúng mùa mận ra hoa.
Những bông hoa trắng muốt, cánh hoa nhỏ xíu mong manh, toát lên một vẻ đẹp nao lòng. Có thể, cả một vườn mận không chọn ra được một cành hoa nào có thế đẹp như của cành hoa đào. Nhưng, khi cả một vườn mận, cả một đồi mận cùng bung nở trắng xóa, giữa núi rừng vẫn đang âm u tiết đông, thì, người được may mắn thưởng thức, thấy dường như đây là cảnh thần tiên, không thực.
Minh cứ ngẩn người như mê đi trong vườn mận, trong màu trắng tinh khôi của hoa, và trong hương thơm dịu dàng thanh khiết.
- Chú bộ đội làm gì mà ngẩn ngơ ở đây thế? Tiếng một ông già người Kinh đang đứng ở chân đồi hỏi vọng lên, khiến Minh sực tỉnh giấc mơ.
- Dạ, cháu đang đi hỏi thăm, thấy đồi mận nở hoa đẹp quá vào ngắm thôi ạ.
- Chú hỏi thăm ai?
- Dạ, bác cho cháu hỏi thăm quanh đây có vợ chồng cô chú nào tên là Như, Tín ở dưới Thuận An lênkhông ạ?
- Chú tìm đến đúng nơi đấy. Đây chính là chỗ ở của cô chú ấy ngày xưa…
Một cảm giác khó tả, như có một dòng điện lạnh chạy dọc thân mình, toàn thân Minh như cứng lại. Linh cảm chợt lóe sáng trong trí não Minh.
- Thôi, chú sang bên nhà tôi, rồi tôi kể tình đầu cho mà nghe. Mà chú là thế nào vậy?
- Cháu là con anh trai cô Như.
***
Ở vùng này, lúc đó cũng vẫn thưa người ở. Mỗi nhà chiếm một quả đồi hay vạt núi làm nhà. Có khi đi từ nhà nọ sang nhà kia mất cả tiếng đồng hồ. Trên đường về nhà ông Miên - tên ông già - Minh cũng đã được biết, ông chính là con trai của người bạn buôn bán lâm sản với ông chánh Xiêm, người đã định cưu mang gia đình cô Như, chú Tín năm xưa. Đêm đó, Minh ngủ lại nhà ông Miên. Trong ánh chập chờn của bếp lửa, ông Miên đã kể về mấy ngày ngắn ngủi, lạnh lẽo cô đơn nơi rừng hoang của cô chú: ngay đêm đầu tiên, từ dưới xuôi lên, hai vợ chồng cô Như đã bị một đám cướp từ bên kia biên giới tràn sang, giết, lấy vàng. Chúng nghe tin đồn có một nhà giàu lắm, vừa lên, đã mua một cơ ngơi.
Cả đêm hôm đó, Minh cứ trằn trọc, băn khoăn, day dứt, hình như cả là một sự đau đớn nhói sâu trong tim. Không hiểu sao, ông giời lại giáng một cú tàn nhẫn tột cùng xuống gia đình cụ Cử Chi, ông chánh Xiêm và những đứa con trai đẹp đẽ, giỏi giang: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín? Và người cô chưa biết mặt của Minh, khi ấy, chỉ là một thiếu nữ đẹp đẽ, mong manh như bông hoa mận. Đã làm nên nghiệp chướng gì mà, cũng phải chịu chung một kết cục bi thảm nơi rừng hoang?
Sáng hôm sau, Minh chào ông Miên để về đơn vị, thì ông mới sực nhớ ra, hồi cô chú ấy chết, mọi người quanh đấy đến lo hậu sự, chôn ngay ở sau nhà. Sau đó mang hết đồ đạc hóa ngay bên mộ. Duy nhất một quyển sổ, trong có một trang viết bút chì, bằng tiếng Pháp, được ông Miên mang về, vẫn để trên góc tủ thờ của nhà. Ông lấy xuống đưa cho Minh, kỷ vật duy nhất của cô Như chú Tín. Một quyển sổ cũ kỹ ố vàng, trong đó chỉ có một trang đã được viết, những dòng chữ đẹp nắn nót. Nhưng chú Tín viết bằng tiếng Pháp, mà Minh, không biết một chữ nào. Ngày xưa, gia đình khá giả, ông chánh Xiêm cho con cái theo học trường Tây hết. Minh thất vọng, tìm ra được tung tích cô chú nhưng coi như cũng chả thấy gì. Ngay cả nấm mồ chôn chung sau nhà, mưa gió cũng đã san phẳng. Ngôi nhà cô chú ở được một đêm, chỉ còn lờ mờ mấy bức tường đất. Nhưng có điều lạ, ông Miên kể, cả quả đồi ấy từ xưa khi có người ở, mới chỉ có một vài cây mận. Khi xảy ra vụ giết người cướp của kinh hoàng quá, không ai dám đến ở nữa thì những cây mận phát triển tự do, thành cả một đồi toàn mận. Mỗi dịp cuối đông đầu xuân, đồi mận lại bung hoa trắng, sáng lạnh một góc rừng.
Minh mang di vật duy nhất của cô chú về, nhét vào đáy ba lô, chưa biết định làm gì. Đến khi được ra quân. Về làng. Đi học. Đi làm, rồi lấy vợ nuôi con. Minh quên khuấy mất. Một hôm, tình cờ, Minh đến chơi nhà ông giáo Khang, bạn cùng học trường Tây với chú Tín khi xưa. Nói chuyện với ông giáo Khang hồi lâu, Minh mới chợt nhớ ra trang sổ tiếng Pháp, cũng chợt nhớ là ông giáo Khang rất giỏi tiếng Pháp. Minh về lấy đưa cho ông, nhờ đọc hộ xem trong đó chú Tín viết gì. Ông giáo Khang dịch ra tiếng Việt cho Minh chép lại:
Thế là sau một đêm ngồi tàu hỏa và một ngày đi bộ, mình và Như đã được đưa đến thung lũng Hữu Kiên. Nhận được tin thư từ mẹ mình gửi lên, bác Long, bạn làm ăn lâu năm của gia đình mình đã chuẩn bị sẵn sàng. Bác đã mua cho cả gia đình mình một ngôi nhà nhỏ, ở riêng một quả đồi. Mẹ mình, thấy tình hình đấu tố địa chủ căng thẳng quá, định mang cả gia đình lên trên này ở. Ôi, nhưng còn đâu là gia đình nữa, bố mình đang nằm dưới dòng sông lạnh lẽo. Còn mẹ, liệu mẹ có làm được gì cho bố mà nấn ná ở lại không đi cùng các con… Như mệt quá đã ngủ say rồi. Còn mình, không sao ngủ nổi. Cứ nhắm mắt vào, hình ảnh bố bị trói, bị lôi như một con vật ra kè đá ngoài bờ sông Đuống lại hiện ra. Rồi một tiếng súng đanh lạnh chói lên. Tim mình đau buốt, như viên đạn ấy bắn thẳng vào ngực… Mình không tài nào ngủ nổi, dù vừa phải trải qua một chặng đường dài. Mình lấy quyển sổ và cái bút chì, trong chập chờn bếp lửa, ghi chép mấy dòng… Năm anh em trai của một gia đình bề thế nhất làng, giờ đây chỉ còn một kẻ bạc nhược hèn yếu lẩn trốn nơi thâm sơn cùng cốc sao? Nhưng mình làm gì được đây? Ngày đi học, mình chỉ thích đọc sách văn học, nhất là những tác phẩm văn học Pháp của Flaubert, Maupassant, Hugo. Nhưng đọc Balzac là mình lại thấy chán? Nghe các anh lớn mỗi dịp về nhà nghỉ, lại cãi nhau về hai cụ Phan, về cụ Nguyễn, về bạo động hay bất bạo động, về dân trí hay cách mạng. Mình chả hiểu ra làm sao… Thế nên giờ đây, đầu mình nổ tung ra mất. Mình không hiểu nổi. Thế này là sao?. Người cha đáng kính của mình đã hiến cả phần lớn gia tài cho kháng chiến, đã hy sinh cả người con trai ưu tú nhất. Để rồi, nhận được là một cái chết tức tưởi dưới dòng sông lạnh lẽo… Tiếng Như ú ớ trong giấc mơ, nghe như tiếng nức nở. Quê mình, trai gái lấy vợ gả chồng sớm, nữ thập tam, nam thập lục. Nhưng thật sự, chỉ làm chuyện vợ chồng khi đã chín. Còn đón dâu về, chủ yếu là để dạy chuyện làm ăn, cai quản cửa nhà. Thế là cưới xong, Như ngủ với mẹ mình, còn mình vẫn đi trọ học trên tỉnh. Chúng mình vẫn như đôi bạn, mỗi lần đi với nhau trong làng, cả hai đứa vẫn ngượng ngùng lúng túng. Đêm hôm qua, trước khi lên trên này, mẹ mình đã gọi cả hai đứa vào buồng dặn dò đủ nhẽ. Mẹ nói, các con đã đến lúc làm chuyện vợ chồng, hãy yêu nhau và sinh thật nhiều con cái, để cho nhà mình lại có lúc vẻ vang… Mẹ yêu dấu, con sẽ vâng lời mẹ. Con sẽ yêu Như thật nhiều, để đẻ nhiều cháu cho mẹ. Nhưng không phải là đêm nay, con không còn một chút sinh khí, một chút sức lực nào. Những cảnh tượng kinh hoàng vừa diễn ra với gia đình mình, trên cả nước Việt mình, đã khiến con như trở thành vô cảm, thành một người đàn ông bất lực… Đêm miền rừng yên tĩnh quá. Những tiếng thú chạy kiếm ăn ban đêm loạt soạt quanh nhà. Thỉnh thoảng, một con chim đêm cất tiếng nheo nhéo thê lương, não nề, như tiếng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong rừng hoang…
***
Tất cả, chỉ có vậy. Minh chép ra theo lời dịch của ông Khang.
Minh đi như mộng du từ nhà ông giáo Khang về. Người cô ruột của Minh, khi chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của kẻ cướp, vẫn là một cô gái trong trắng… Đến lối rẽ về nhà mình, Minh như chợt tỉnh, vội vàng nhắn vợ con rồi lên thành phố, ra ga tàu ngược Lạng Sơn. Đến ga Đồng Mỏ, Minh xuống tàu, thuê xe ôm đi ngay trong đêm. Vào đồi mận năm xưa, hì hục đánh một cây rồi ôm lên tàu về xuôi, trồng ngay trước hiên nhà. Hàng năm, cứ đến tiết cuối đông đầu xuân, cây mận ấy lại nở hoa trắng sáng rực một góc làng. Nhưng lạ, cây mận ấy bao năm chỉ nở hoa mà chả thấy đậu quả bao giờ.
Đánh giá
Mục lục bài viết
Năm 1984. Minh đang ở bộ đội, đóng quân ở mạn Chi Ma, thuộc tỉnh biên giới phía bắc. Bố ốm, Minh được đơn vị cho về tranh thủ. Minh nằm với bố đêm cuối cùng. Tấm thân gầy guộc của một cựu binh trải qua cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ dường như đã hết sạch nhựa sống.
Người gửi / điện thoại
CUỘC ĐUA VACCINE đang rất căng, bởi ai cũng muốn dẹp dịch covid-19, mời bạn đọc bài của mình trên Tuổi trẻ và đời sống, số ngày hôm nay, 14/6/2021.
Hiện nay, bùng nổ quảng cáo về các phương pháp chữa bệnh tiểu đường, các bài thuốc lá, thực phẩm chức năng chữa khỏi bệnh tiểu đường đã khiến không ít bệnh nhân tiền mất, tật mang. Hãy cùng theo dõi cuộc trao đổi với dược sĩ Trần Thanh Cảnh để giải đáp câu hỏi, bệnh tiểu đường có chữa khỏi được hoàn toàn hay không?
Vitamin C là một trong những loại vitamin thiết yếu của cơ thể. Nó có tác dụng chống lão hóa, làm bền thành mạch máu, có chức năng miễn dịch. Đặc biệt, nó tham gia rất nhiều phản ứng duy trì hoạt động sống trong cơ thể con người. Nên nếu thiếu nó, lập tức con người ta sẽ bị mắc một căn bệnh mà tên khoa học gọi là bệnh Scorbut- Scurvy, với các triệu chứng điển hình: chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, dễ nhiễm trùng, trầm cảm...
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Vô vi - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...