Đây là nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dành cho Trần Thanh Cảnh – người đã làm dược sĩ hơn 30 năm và làm nhà văn chưa đầy 10 năm. Dù phương tiện là thuốc hay chữ, tác giả của “Kỳ nhân làng Ngọc” đều dùng để chữa lành.
50 tuổi mới bắt đầu viết văn
Trần Thanh Cảnh lần đầu cầm bút viết văn khi đã ngoài năm mươi tuổi. Mục đích ban đầu chỉ là kiếm một liệu pháp giảm stress khi đang bị những rắc rối của việc kinh doanh ép cho “không thở nổi”. “Đó là giai đoạn bế tắc nhất của tôi. Có hôm tôi đi bộ từ công ty về nhà, đoạn đường chỉ khoảng hai trăm mét mà như đi trên ruộng nước, bước chân thập thõm không thật”, ông kể.
Trước đó, dù mê văn chương và thích đọc, Trần Thanh Cảnh cũng chưa từng có ý định trở thành nhà văn. Công việc ấy quá xa lạ với một dược sĩ. Tham vọng duy nhất liên quan đến ngôn ngữ hồi ấy với ông chỉ là viết một cuốn cẩm nang ngành dược. Chấm hết.
Bản thân vị dược sĩ cũng không thể ngờ, bản thảo viết tay đầu tiên có tên “Hoa trúc đào” lại trở thành một tấm visa chào mời ông đi theo con đường chữ nghĩa. “Hoa trúc đào” được viết bằng bút bi, vì thời điểm ấy tác giả chưa biết đánh máy. “Tôi làm giám đốc, cần soạn thảo văn bản gì có nhân viên làm hết. Thế là tôi buộc phải viết tay. Viết xong đưa cho kế toán đánh máy, bản thảo sai chi chít cả. Tôi nghĩ bụng làm thế này chỉ ngồi chữa lỗi đã mất thời gian. Lúc ấy mới quay ra học gõ chữ. Học xong, tôi ngồi gõ truyện “Hội làng”, truyện hoàn thành tôi cũng đánh máy thạo, từ đó không viết tay được nữa”.
Cái truyện ngắn đầu tiên ấy, với Trần Thanh Cảnh, giống như một tình yêu thanh tân, không giấu được. Ông đem khoe với bạn là một giảng viên ngữ văn, được bạn “xúi”: Viết tiếp đi, cậu có khiếu đấy! Thế là những truyện ngắn được coi là hay nhất của Trần Thanh Cảnh lần lượt ra đời: “Kỳ nhân làng Ngọc”, “Hoa gạo tháng Ba”, “Giỗ hậu”, “Sương đêm cuối ngõ”… Bối cảnh của các câu chuyện hầu như đều gắn với làng Ngọc – một làng quê Kinh Bắc điển hình gợi nhớ đến thôn Đông thôn Đoài có mưa xuân phơi phới bay, có hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy trong thơ Nguyễn Bính. Rồi trong cái làng tưởng như bình yên ấy, biết bao là phận người chìm nổi, biết bao là hỉ nộ ái ố “khổ lắm nhục lắm nhưng thương lắm”. Làng Ngọc qua truyện của Trần Thanh Cảnh bỗng được định danh, kiểu như vườn Bùi chốn cũ của Nguyễn Khuyến hay làng Vũ Đại của Nam Cao.
Năm 2013 lần đầu cầm bút viết văn, một năm sau, Trần Thanh Cảnh có tập truyện ngắn thứ hai và năm 2015 tập “Kỳ nhân làng Ngọc” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó, chẳng ai biết Trần Thanh Cảnh là “tay” nào. Giải thưởng công bố người ta vẫn xôn xao. Nhưng những người xét giải có cái lý của họ. Theo như trưởng ban văn xuôi Chu Lai của năm ấy thì là: “Đã quá lâu mới lại có một người viết về lính hay đến như thế”.
“Lúc ấy nào tôi có quen biết ai trong giới văn chương. Thấy người ta kêu gọi tác giả tự gửi tác phẩm dự giải, thế là tôi gửi (trước năm 2013, các tác phẩm dự giải thưởng Hội Nhà văn đều phải qua tự đề cử)”, Trần Thanh Cảnh kể. Chính ông cũng không ngờ, hành động vô tâm trồng liễu ấy, liễu thật lên xanh um: “Kỳ nhân làng Ngọc” vượt qua rất nhiều ứng cử của các tác giả chuyên nghiệp, chiếm giải cao nhất trong sự ngỡ ngàng của không ít người.
“Giải thiêng” nhiều nhân vật lịch sử
Đối với truyện ngắn, Trần Thanh Cảnh nói rằng ông viết nhanh và dễ, gần như không phải chỉnh sửa. Cũng từ những trang viết đầu tiên ấy, giám đốc một công ty dược đang ăn nên làm ra giống như bị văn chương bỏ bùa, không dứt ra được. Buổi tối ông ngồi cày chữ, ban ngày chỉnh sửa. Làm việc toàn tâm toàn ý giống như những người sinh ra chỉ để viết. Rồi cái cú khủng hoảng kinh tế cũng qua đi, nhưng ông lại khiến toàn bộ những người thân quen không tin nổi khi tuyên bố đóng cửa công ty, chỉ để chuyên tâm vào chữ.
Văn chương chẳng bao giờ là công việc dễ dàng, nói như Ocean Vương: “Lĩnh vực này luôn rộng mở nhưng rất khó để ở lại. Thế giới không thật sự tương trợ bạn trong quá trình sáng tạo tác phẩm, nó chỉ ủng hộ bạn khi tác phẩm đã hoàn thành: khi đó, độc giả sẽ mua sách”. Còn may, Trần Thanh Cảnh có nghề dược làm hậu thuẫn để ông không đến mức đánh cược cả cuộc sống vào văn chương. Cho nên, ông cứ viết, mà không bị áp lực phải in, không bị áp lực về nhuận bút, về việc bán sách.
Sự chuyên tâm như Trần Thanh Cảnh tuyên bố tuyệt không phải nói chơi, ông chuyển từ truyện ngắn sang tiểu thuyết, và là tiểu thuyết lịch sử vốn luôn gây tranh cãi.
Rồi bộ ba “Trần Quốc Tuấn”, “Trần Thủ Độ” và “Trần Nguyên Hãn” của ông được phản hồi khá tốt.
“Đức Thánh Trần Trần Quốc Tuấn” là cuốn đầu tiên tôi viết theo đơn đặt hàng. Nhưng “Trần Nguyên Hãn” là cuốn tôi ưng ý nhất. Các nhân vật đều khó viết, nhất là Trần Quốc Tuấn vì ngài được phong thánh rồi. Tôi phải đọc rất nhiều, điền dã rồi tra cứu liên tục, cuốn “Đại việt sử ký” tôi lật qua lật lại đến nát cả sách. Tôi muốn viết thế nào để thu hút độc giả trẻ, để người trẻ đọc lịch sử phải thích, phải mê”, ông kể.
Mà có lẽ độc giả trẻ ít nhiều cũng “mê” các nhân vật lịch sử của Trần Thanh Cảnh thật. Sách của ông bán được, tái bản trong thời gian ngắn. Trên một số diễn đàn đọc, người ta đem các tiểu thuyết này ra bàn luận, thậm chí từng có cả một cuộc tranh luận kéo dài về các chi tiết sex trong truyện. Mở ngoặc đơn là cả truyện ngắn và tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh không thiếu sex. Nhà thơ được ông trích dẫn nhiều nhất chính là Nguyễn Bảo Sinh – tác giả của rất nhiều câu “dâm thư” được lưu truyền rộng rãi kiểu như: “Khi mê tình chỉ là tình/ Ngộ rồi mới biết trong tình có dâm” hay: “Suốt đời chỉ yêu một người/ Bệnh ấy còn nặng gấp mười ung thư”…
Người thầy văn chương
Trần Thanh Cảnh nói rằng, người thầy văn chương đối với ông là Hồ Anh Thái, rằng thật may trong những bước chập chững đầu tiên vào địa hạt chữ, ông gặp được tác giả của “Cõi người rung chuông tận thế”.
“Anh Thái rất kỹ chữ, góp ý cũng rất không nể nang. Mà hồi đầu chúng tôi đã gặp nhau đâu, vì lúc ấy anh ấy còn đang là đại sứ ở Iran, toàn trao đổi qua email. Có cái thư, tôi phải để hôm sau bình tĩnh mới đọc. Nhưng cũng may, vì anh ấy kỹ lưỡng như thế, khó tính như thế, tôi học được rất nhiều điều”, Trần Thanh Cảnh kể.
“Nhà văn trẻ” này còn cho biết, sau khi gửi một số truyện cho Hồ Anh Thái, ông nhận được một lời khuyên là: hãy viết một tập truyện, các nhân vật có thể lưu lạc bốn phương nhưng đều có dính dáng đến cái làng Ngọc. Làng Ngọc có thể mang bóng dáng làng quê của anh, nhưng cũng nên hư cấu, cần sông anh cho thêm sông, cần núi anh cho thêm núi, làm sao cho đa dạng, đa diện, đa sắc, đa thanh, nhân vật có thể vẫy vùng tự do trong ấy. Người viết cũng vì thế mà phóng bút tự do trong ấy.
Trần Thanh Cảnh bảo gợi ý ấy trùng với chủ ý của ông, rằng ông đã, đang và sẽ lấy làng Ngọc làm cảm hứng để viết tiếp những câu chuyện vừa thực vừa hư khiến ai trong làng đọc cũng nhận ra nhưng cũng không ai vì nhà văn viết thật quá mà muốn “cấm” ông về làng.
Người tư vấn cho các F0
Mặc dù tuyên bố “từ nay tôi chỉ sống cuộc đời của một nhà văn” nhưng có vẻ cái nghiệp dược sĩ chưa buông Trần Thanh Cảnh.
Sinh năm 1961 ở Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Trần Thanh Cảnh tốt nghiệp Đại học Dược, là dược sĩ “hàng thật giá thật”, gắn bó với nghề hơn ba mươi năm.
Nhờ vốn kiến thức chuyên môn, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, ông rất nhanh cập nhật thông tin và tìm ra những phác đồ chữa trị “ngon bổ rẻ” đã được cộng đồng y học thế giới áp dụng thành công và công bố rộng rãi. Giống như một KOL tích cực (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), Trần Thanh Cảnh cập nhật thông tin về dịch bệnh và các loại thuốc thay thế cũng như phương pháp “sống chung với COVID-19” gần như mỗi ngày. Thấy thông tin có ích, rất nhiều người vào trang cá nhân nhờ ông tư vấn, theo dõi bệnh.
Thế là nhà văn Trần Thanh Cảnh tạm gác bàn phím, quay trở lại với chức nghiệp dược sĩ của mình, làm tư vấn viên cho rất nhiều F0, hướng dẫn họ từ cách nghỉ ngơi, theo dõi bệnh, dùng thuốc (chủ yếu là thuốc nội, giá rẻ, dễ mua) cho đến cách ngăn ngừa lây nhiễm.
Điện thoại của ông cho đến thời điểm hiện tại vẫn luôn ở chế độ mở 24/24. Thời điểm căng thẳng, đêm hôm cũng vẫn có bệnh nhân gọi “cầu cứu”.
Quãng thời gian này khiến Trần Thanh Cảnh viết được cả một tập truyện liên quan đến Covid-19, nhưng như ông nói: Khốc liệt quá, chả biết lúc nào mới in được!
HẠNH ĐỖ - vanhocsaigon.com
Đánh giá
Mục lục bài viết
Đây là nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dành cho Trần Thanh Cảnh – người đã làm dược sĩ hơn 30 năm và làm nhà văn chưa đầy 10 năm. Dù phương tiện là thuốc hay chữ, tác giả của “Kỳ nhân làng Ngọc” đều dùng để chữa lành.
Người gửi / điện thoại
Chính xác thì đại dịch Covid bắt đầu từ cuối năm 2019 với điểm khởi phát là thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nên người ta mới định danh nó là Covid-19.
Bệnh Gút là một loại viêm khớp rất điển hình với các triệu chứng sưng, nóng, đỏ đau- đau dữ dội. Đầu tiên thường bắt đầu là khớp ngón chân cái, rồi đến các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, khớp nhỏ bàn tay…
Thời tiết của miền Bắc nước ta thay đổi rất nhanh, nóng lạnh mưa nắng thất thường. Và đây là lúc cho các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng, dị ứng thời tiết xâm nhập vào hệ hô hấp của trẻ, gây nên chứng ho hắng ở trẻ em rất khó chịu.
Chuyện bên kè đá - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trăng máu - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Buông - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...