Tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh
Chân Nhân là tiểu thuyết mượn lịch sử như một hình thức giễu nhại để diễn đạt sự vận động đầy nghịch lý của xã hội Việt nam đương đại thông qua hành trạng một gã thày cúng xứ Kinh Bắc. Đó là một nhân vật đầy tai tiếng ở làng Cùng, từng cưỡng dâm người phụ nữ góa chồng khi hắn mới mười lăm tuổi nhưng lại có tham vọng thành lập một tôn giáo mới để cứu giúp đám dân đen đang chìm đắm trong sông mê bến lú.
Từ một thầy cúng bị dân làng tẩy chay, nhưng do có nhiều mối quan hệ sau chuyến bỏ nhà đi Nam về, ngẫu nhiên Bút trở thành thầy phong thủy rồi thầy tâm linh, xây phủ thờ phục vụ cho đám quan chức cao cấp vốn là những tên trùm tham nhũng gây ra vô vàn thảm cảnh cho người dân. Bằng nhiều nhiều chiêu trò bịp bợm theo kiểu ăn may của tổ sư Trạng Quỳnh, Trạng Lợn thế kỷ XVIII, Thày Bút, người được mệnh danh là Chân Nhân, quyền thông tam giới, làm trung gian giữa thánh thần và người phàm tục, bán cho bọn tội đồ dân tộc những tấm vé vào cửa thiên đàng để chúng an hướng phú quý sau khi “hạ cánh an toàn” kèm theo đống tài sản kếch xù ăn cướp được của đồng loại.
Tuy nhiên, giá trị cơ bản của Chân Nhân lại là một tiểu thuyết chính luận, lấy xã hội Việt Nam thời mạt pháp làm bối cảnh, nhưng được che phủ bởi lớp mây mù bảng lảng của tình yêu, tình dục và tâm linh như là thủ pháp nghệ thuật, để diễn tả nền chính trị xôi thịt cùng các chính khách ở tầm “văn hóa lùn” ăn cắp có bài bản, “kiêu ngạo cộng sản” ngang trời, bằng bút pháp hoạt kê.
Ngôn ngữ phúng dụ pha chút tục tĩu đầy chất bi hài của tác giả làm cuốn sách tràn đầy tinh thần Don Quijote, diễn tả cuộc chiến giành quyền lực khốc liệt giữa các yếu nhân “đỉnh cao trí tuệ” chẳng khác gì những băng đảng tội phạm, khiến cho đất nước ngày càng chìm sâu vào sự tụt hậu, nhếch nhác không có bất cứ phép màu nào của đấng Thượng Thiên Linh Nhãn cứu vãn…
Trân trọng giới thiệu toàn văn cuốn tiểu thuyết đặc sắc này.
Lời đầu sách
Bản thảo tiểu thuyết CHÂN NHÂN được bắt đầu từ tháng 3/2017, đến tháng 9/2018 thì hoàn thành.
Đây là cuốn tiểu thuyết đề cập đến các vấn đề chính trị, xã hội đương thời của nước ta. Tác giả viết với hy vọng cuốn sách sẽ phản ánh được xã hội Việt Nam đương đại. Hy vọng tác phẩm sẽ đến được tay bạn đọc.
TRẦN THANH CẢNH
MỘT
Mùng mười tháng ba, làng Cùng mở hội.
Rước to lắm. Đám rước rồng rắn từ đình kéo ra đến tận bờ con sông Ba Huyện chảy ngay rìa làng. Rước thánh xuống bến lấy nước vào cái vò sành cổ, nút kín, trùm vải đỏ rồi lại đưa lên kiệu sơn son thiếp vàng do tám tay trai lực lưỡng cởi trần đóng khố khiêng trở về đình. Đám rước vòng vèo đi qua tất cả các xóm trong làng, để chúng sinh chỗ nào cũng được thấy dung nhan thánh, thầm thì suýt xoa và chắp tay nguyện cầu xin được hưởng ơn mưa móc của ngài. Dẫn đầu đám rước là một trai trẻ khỏe mạnh cầm lá cờ hội to tướng vừa đi vừa phất, báo hiệu dẹp đường. Tiếp theo là thày Bút. Mặt mũi rất nghiêm trọng. Vận bộ quần áo dài may theo kiểu các cụ thời xưa bằng lụa xanh, đầu đội khăn xếp đỏ, tay phải cầm một thứ trông như quyền trượng của nhà vua và tay trái, cầm quyển sách cổ bìa da, vốn là thứ không bao giờ rời khỏi thày từ mấy chục năm nay. Dưới chân dận một đôi hia vàng rất lạ, to tổ bố và mũi thì lại cong tớn lên. Thế nhưng chắc vì đôi hia to nặng nên thày không thể đi nhanh được. Thày nện từng bước từng bước cồm cộp đĩnh đạc trên đường làng…
Tiết cuối xuân. Nắng lên. Nắng tháng ba chó già lè lưỡi.
Thày Bút mặt mũi bắt đầu phừng lên dưới ánh mặt trời nửa buổi. Vài sợi tóc bạc thò ra từ cái khăn đỏ cùng với những sợi lông mày dài bạc trắng lua rua xuống, tạo thành một mớ lòa xòa trước mắt khiến lâu lâu thày lại phải hất hất cái đầu để mớ tóc lông dạt ra, nhìn cho rõ đường mà dẫn đoàn rước của làng diễu qua cho đủ chín xóm. Sau thày là kiệu, có thần tượng thành hoàng làng ngồi trên ngai sơn son đỏ choét và lọ nước lấy từ bến sông lên, cũng phủ lụa đỏ, cùng với hương đăng nải quả và các đồ cúng lễ. Sau kiệu là đoàn nhạc bát âm, đàn sáo, trống phách, thanh la rộn rã, hết tấu lưu thủy kim tiền lại lưu thủy hành vân ò í e… Tiếp sau đoàn nhạc là các vị bô lão đức cao vọng trọng trong làng. Cụ nào cụ nấy áo the khăn xếp, giày tây, ô đen chỉnh tề. Vài cụ chân yếu còn thêm cái ba toong đâm ra nom cũng oai thêm mấy bậc. Một số cụ không kịp sai con cháu sắm gậy thỉnh thoảng liếc nhìn có vẻ hậm hực, rồi vác mặt lên nhìn giời ra điều ta đây không thèm để ý đến những cái thể loại đi vài bước chân cũng phải vẽ vời gậy gõ, có mà sắp theo về với cụ sáu thì còn nước non gì! Tiếp theo đoàn các cụ ông là đoàn các cụ bà, đồng loạt áo dài nâu sồng, vấn khăn đen, nom xa nhấp nhô như đàn quạ đang bới rạ ngoài đồng. Rồi đến các quan viên chức dịch cổ cánh chủ chốt trong làng. Đội này đông nhất. Nhưng ăn mặc không theo lề lối gì cả. Ông thì com lê giày da bóng nhoáng. Ông thì áo the lương, khăn đóng đen nhức. Vài ông áo bỏ ngoài quần, dép tổ ong. Nhiều ông chắc xuất thân nhà binh chơi bộ đại cán quân hàm quân hiệu đỏ chói đi bên cạnh ông áo Nato, quần rằn ri túi hộp, giày đinh nện xuống đường làng cồm cộp như trâu đi sân gạch. Lại có một nhân, không rõ tuổi, chơi nguyên bộ củ trắng, sơ mi trắng, ca ra vát đỏ chói, mũ kê pi, ngù vai kim tuyến tua vàng lóng lánh. Và trên khắp vai, ngực, bụng, rốn ngài la liệt các loại huân huy chương xủng xoảng. Ngài khuỳnh tay dạng chân đi hiên ngang, chiếm nguyên một khúc đường làng, có nhẽ ra điều ta đây không thèm đi cùng chúng mày, ta ra đây chỉ để là hầu thánh… Đội cổ cánh chủ chốt của làng Cùng đi rước với vẻ mặt khá nghiêm trang. Vừa đi vừa trao đổi việc làng việc nước với giọng điệu kìm nén vừa phải. Tuy nhiên điều đó chỉ hứa hẹn chốc nữa tại chiếu rượu giữa đình làng, sau một lượng nhất định “nước thánh” vào dạ dày, ngấm trong máu, sẽ có nhiều tay bung phát tứ tung. Nhiều chuyện thâm cung bí sử của làng được tung hê tại đó. Và không cẩn thận sẽ có màn giao đấu bằng luôn bộ “thập bát ban vũ khí” vẫn để hai bên án thờ, như đã từng… Nhưng thu hút sự chú ý nhất của toàn dân, là đội của các cô dòng dòng múa quạt, múa gậy hầu thánh. Đoàn này vui tưng bừng. Cô nào cô nấy áo dài quần lụa xanh đỏ tím vàng thôi thì đủ bảy sắc cầu vồng, mớ ba mớ bảy. Nhưng mà quạt lụa cầm tay hồng điều một kiểu và gậy tre cũng được quấn giấy đỏ từng khoanh như con rắn, nom vui mắt đáo để. Có cả một đội trống gồm hai mươi mốt cái to nhỏ, do hai mươi mốt cô vận quần vàng áo vàng, xà cạp cũng vàng, vấn luôn khăn vàng, nhưng đi giày trắng. Gọn gàng. Mặt mũi thì tô son trát phấn rừng rực nên chả ai biết trẻ hay nhỡ. Chỉ biết đội trống đánh rất hăng, lắm lúc lạc nhịp át cả tiếng nhạc bát âm. Rùng rùng rùng rùng… tờ rùng tờ rùng… cắc cắc cắc cắc! Các cô dòng dòng trong đoàn quạt gậy lại xòe múa, quay gậy tít mù, nhộn hết cả người lên. Mấy cụ già gần đất xa trời, yếu quá chả đi rước được, con cháu kê ghế cho ra bên lề đường, ngồi ngắm đoàn, nhớ lại thủa chưa xa của mình thì lẩm bẩm: “Gớm, cái đoàn nặc nô hôm nay múa đẹp quá cơ”.
Đoàn rước định sẽ đi từ bến sông chỗ xóm Cực ở rìa làng, vòng lên đầu làng là xóm Tân, qua xóm Dâu, sang xóm Hè, xóm La, vòng ngang qua xóm Hỗ, xuống xóm Nghê, xóm Ngo cuối làng rồi mới trở lại xóm Kho giữa làng, nơi đặt đình để yên vị thành hoàng và làm lễ tế. Và tại đó, thày Bút cũng sẽ là người đọc bài văn tế vẫn ghi trong quyển sách cổ bìa da kia.
Thế nhưng đoàn rước mới vào đến giữa xóm Dâu thì có sự. Lúc ấy tay trai cầm cờ hội hăng máu khua khoắng vượt lên hơi xa. Khi thày Bút, tay quyền trượng, tay sách vừa tới ngang cổng nhà bà Hạnh Thục thì bỗng cánh cổng bằng sắt sơn xanh đang đóng kín mít bỗng mở tung ra. Bà Hạnh Thục trần truồng như nhộng, người to béo những mỡ là mỡ, trắng hêu hếu như con lợn tạ vừa cạo sạch nhưng mặt mũi thì đỏ gay đỏ gắt lao ra. Bà lao thẳng về phía thày Bút. Vừa lao bà vừa gào rít lên:
“Cái thằng thày bà khốn nạn bạc bẽo kia! Hôm nay bà phải úp lồn vào mặt mày giữa thanh thiên bạch nhật, giữa làng giữa nước, giữa hội giữa hè cho mày biết thế nào ăn ở bạc bẽo. Thằng khốn nạn kia..”.
Nhìn thấy bà Hạnh Thục khỏa thân lao ra vun vút như một cái xe tăng, thày Bút bất ngờ. Thày bàng hoàng đến mất hết cả tri giác. Thày Bút đờ đẫn, mồm lắp bắp không thành tiếng. Bà Hạnh Thục vẫn ầm ầm lao đến. Thày Bút hoảng quá, ríu chân không biết làm gì. Thày không thể chạy đâu cho thoát với đôi hia vàng to xù nặng chịch chặt cứng dưới chân, đành ôm quyền trượng và quyển sách vào lòng ngồi thụp xuống, hai tay ôm đầu, mắt nhắm nghiền lại, miệng ú ớ gọi người cứu giúp. Bà Hạnh Thục mắt long xòng xọc, xông tới túm ngay đầu thày Bút dúi vào háng mình, vừa dúi, bà vừa gào lên điên dại:
“Vào đây, vào đây… Cho cái mặt mày vào đây! Úp vào đây mà liếm lồn trong lồn ngoài của bà. Thằng khốn nạn. Thằng bạc bẽo. Thằng đểu giả! Thằng… thằng… thằng…”
Cứ mỗi câu “thằng…” bà lại dúi đầu thày Bút dập bành bạch vào đùi, vào bụng, vào cái háng mênh mông trắng lóa, đen sì…
Đám rước náo loạn.
Người ngây đờ ra vì ngạc nhiên. Người thì cười lăn cười lộn, bò cả ra đường bất chấp quần áo chỉnh tề, phơi bụng phơi rốn đang rung lên bần bật vì cái sự phấn khích. Tám thằng trai khiêng kiệu cũng buồn cười quá, buông tay ôm bụng. Thế là kiệu thánh rơi đánh rầm từ vai chúng xuống đường làng. Thần tượng, bài vị, lọ nước thánh, hoa đăng oản quả rơi tả tơi lăn lông lốc tứ tung trên đường. Thế nhưng thì thường trong cơn loạn lạc mới tỏ mặt anh hùng. Trưởng ban khánh tiết đình làng Cùng, Giang Đình Cửu không hổ thẹn là bậc cao thủ. Vốn vẫn nổi tiếng trong làng là nhiều mẹo, tình huống nào cũng xử nhanh gọn đẹp. Lập tức xông lên quát lớn:
“Trai đinh đâu, chúng bay xông vào gỡ con mụ điên này ra, tống vào trong nhà cho tao”.
Mấy trai trẻ đang ôm bụng cười, nghe tiếng ông Cửu quát bảo bèn hè nhau xông lại. Thế nhưng chúng cùng chững lại. Nhìn bà Hạnh Thục trần truồng trắng lôm lốp nhễ nhại dưới nắng, đang ra sức hành hạ cái đầu thày Bút, mấy thằng không biết làm sao. Giữa thanh thiên bạch nhật mà động chạm vào thân thể đàn bà đang ở truồng, dù có là già, thì rồi có khi vẫn bị đàm tiếu cả đời.
Ông trưởng ban khánh tiết hiểu nhanh, gọi:
“Thằng Sang lại đây!”
Sang là tay trai cầm cờ hội. Sang xách cờ le te chạy lại.
Ông Cửu tuột phăng lá cờ ra khỏi cán, ném cho mấy thằng trai, bảo: “Trùm kín con mẹ này vào rồi túm lôi quẳng vào trong cổng nhà nó, buộc chặt lại, không cho ra nữa”..
Mấy tay trai trẻ túm bốn góc lá cờ, cứ thế xông vào úp chụp cả bà Hạnh Thục lẫn thày Bút lại như người ta nơm cá. Lục đục một hồi chúng cũng gỡ cho thày Bút ra và ôm cứng được người đàn bà đang cơn cuồng loạn, quấn chặt trong lá cờ hội. Hè nhau khiêng lôi vào trong cổng nhà bà, đẩy lăn tuột qua cánh cổng rồi sập lại. Không để cho bà Hạnh Thục kịp hoàn hồn xông ra quậy tiếp, ông Cửu đã kiếm đâu được một sợi dây thép, xoắn chặt chắc chắn bên ngoài khóa cổng. Ông Cửu quát sai bọn thanh niên sắp xếp lại thần tượng, đồ lễ, bày biện lại kiệu, lồng lại cờ. Đoạn ông quay ra, hô lớn: “Tiếp tục rước!”
Thày Bút đã hoàn hồn, vội sửa sang quần áo khăn mũ, vuốt lại cho đám râu tóc gọn gàng, một tay lại cầm vương trượng, một tay cầm sách, lại hiên ngang tiến lên dẫn đầu như chưa có sự gì xảy ra. Mấy ông trong đoàn cổ cánh thầm khen thày Bút quả là một tay bản lĩnh, phải mình có khi chạy mất dép rồi. May mà lọ nước thánh lấy dưới sông khi nãy được nút chặt, lại buộc miệng bằng ninon cẩn thận nên không bị đổ, còn nguyên. Chứ nếu đổ vỡ mất thì có khi phải quay xuống bến lấy lại nước… Dàn nhạc bát âm lại nổi lên: ò e í e e í e e ò… Đội trống bên các bà dòng dòng lại boong boong cắc cắc cắc tùng… Đội bô lão, đội lão bà, đội quan viên cổ cánh chủ chốt cố gắng mím chặt môi, phồng má trợn mắt, lấy lại vẻ nghiêm trang tiếp tục đi rước như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ có bà con dân làng, người các nơi về xem hội, đứng hai bên đường đón đoàn rước vẫn không nhịn được cười, ríu vào nhau mà chỉ chỏ bình luận rôm rả.
Một tay đàn ông trung niên oang oang như chỗ không người: “Cụ Hạnh Thục già mà hàng họ còn phì nhiêu thế nhẩy! Vú như hai cái ấm tích, còn cái tang ta, vẫn như cái quạt nan!”
Bọn trẻ trai gái tơ đang tranh thủ dấm dúi nhau trong hội càng được thể trêu nhau thêm. Mấy đứa con gái cười ré lên như bị thọc nách khi một thằng trai tinh quái giả vờ ngô nghê hỏi: “Này, sao tóc bà ấy trắng như bông mà lông ở chỗ ấy vẫn đen như rễ bèo tây thế nhỉ?”.
Hôm ấy có khá nhiều khách thập phương về dự hội làng Cùng. Trong đám khách có một tay tự giới thiệu nhà thơ, không rõ bao nhiêu tuổi, mặt mũi rất khả nghi. Trước cảnh bi hài vừa diễn ra nhưng tuyệt không thấy tay này cười hoặc bình luận gì. Y chỉ đứng nhìn. Rồi Y ứng khẩu đọc hai câu thơ:
“Sợ nhất công an chào ta
Sợ nhì trông thấy bà già khỏa thân!”*
Mà nghe đâu năm nay, bà Hạnh Thục đã hơn bảy mươi tuổi rồi.
Thế nhưng ngay lúc đó, nghe xong đã có người bình luận, công an là người bảo vệ nhân dân. Thỉnh thoảng nhân dân đi đường có trót quên phép tắc, được các ông ấy mời chào thì cũng chưa có gì làm sợ, cùng lắm chỉ mất tiền. Thế nhưng hôm nay được chứng kiến vụ một bà già ngoài bảy mươi nứng tình, lên cơn động cỡn nhảy nhô nhảy nhốc lên như thế thì mới thật là hãi hùng. Không ai tả nổi cảm giác khi ấy! Mấy tay đàn ông bảo, già rồi đồ đạc của ai chả thế, nom chán mớ đời! Cơ mà lửa lòng chưa tắt thì ta cứ làm theo câu các cụ ngày xưa dạy, tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Rồi làm gì thì làm. Chứ giữa thanh thiên bạch nhật phơi ra thế thì trông chán lắm. Chán kinh khủng ấy! Nhìn thấy một lần rồi có khi hãi mà tịt ráo cả súng pháo đạn dược!
T.T.C.
* Thơ Nguyễn Bảo Sinh
Đánh giá
Mục lục bài viết
Chân Nhân là tiểu thuyết mượn lịch sử như một hình thức giễu nhại để diễn đạt sự vận động đầy nghịch lý của xã hội Việt nam đương đại thông qua hành trạng một gã thày cúng xứ Kinh Bắc...
Người gửi / điện thoại
CUỘC ĐUA VACCINE đang rất căng, bởi ai cũng muốn dẹp dịch covid-19, mời bạn đọc bài của mình trên Tuổi trẻ và đời sống, số ngày hôm nay, 14/6/2021.
Tác dụng của nồi nước xông giải cảm ở đây là do tinh dầu các loại. Các tinh dầu bay hơi, trộn lẫn vào nhau hòa trong hơi nước nóng vào cơ thể theo đường hô hấp thở.
Củ gừng là thân rễ của cây gừng, có tên khoa học Zingiber Officinale, họ Gừng: Zingiberaceae. Gừng là loại cây đã được dân ta trồng rất phổ biến từ xa xưa để làm thuốc và gia vị trong nấu ăn.
Bến sông xuân 2 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Đập lúa đêm trăng - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 1 - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Mỹ nhân làng Ngọc 3 (Hết) - Tập truyện Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tập truyện: Mỹ Nhân Làng Ngọc
Tác giả: Trần Thanh Cảnh
Người đọc: Thủy Tiên
Trung đoàn 51 (E51) thành lập ngày 10/4/1968 tại Thái Thụy, Thái Bình giữa lúc cuộc chiến với Mỹ đang ác liệt. Trung đoàn có nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho chiến trường...
Và ngày hôm nay 8/7, tác giả lại dành tình cảm và cảm xúc của mình cho những chữ ký và con dấu nhân dịp ra mắt bộ BOXSET 3 CUỐN SÁCH "Trần Thủ Độ - Trần Quốc Tuấn - Trần Nguyên Hãn". Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Hà Nội hôm nay bỗng mát mẻ lạ thường, cảm tưởng như ông trời cũng thương mến, ủng hộ cho buổi ký tặng
Bạn nào muốn xem Dược sĩ chém về Bảo hiểm Y tế và các vấn đề liên quan trên sóng VOVTV, xin mời...
Chẳng là hôm nọ Cục lưu trữ tỉnh đem về tổ chức ở Trung tâm văn hóa Luy Lâu, bèn xuống xem. Cũng khá bổ ích, đặc biệt cho các cháu học sinh. Giá mà các cô hướng dẫn viên nhấn mạnh cho các cháu vài điểm thôi, thì các cháu sẽ nhớ dễ hơn...
Ngày 22/12 năm 1983, tôi đang ở bệnh xá E51. Hồi ấy đơn vị chưa lên tuyến trước, vẫn ở dưới này nên khá xông xênh. Đại đội trưởng quân y, Trần Xuân Vui đại úy bác sĩ ra lệnh ngả lợn gà tăng gia làm cỗ tưng bừng. Ngài lại bảo: bọn chúng mày có bạn bè gái gú mời tất cả đến liên hoan cho xôm! Được lời như cởi tấm lòng, bọn tôi, cánh trẻ (6 tên trong ảnh) bèn xuống trường trung cấp sư phạm gần đó mời người quen...
Đó chính là cà phê! Không hiểu sao dù gần Tây Nguyên, thủ phủ cà phê quốc gia nhưng cà phê nơi đây khá dở. Tại quán có thương hiệu như Xưa & Nay, còn khá, đạt mức trung bình của Sài Gòn- Hà Nội. Dĩ nhiên không so sánh với Ban Mê làm gì cho buồn...