Trong thế giới hiện đại, kể từ khi có nhật báo ra đời, vai trò của nhà chép sử chấm dứt. Chỉ còn các nhà nghiên cứu lịch sử chứ không còn các nhà chép sử như đã từng có ở tất cả các nước, các thời đại. Nói thế để thấy vai trò của báo chí quan trọng thế nào: thông tin trung thực mọi sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, luật pháp… đến tất cả người dân. Báo chí đóng vai trò người thư ký trung thành của thời đại chứ không phải là nhà văn, như một ai đó ngộ nhận. Bởi nhà văn thường khi viết tác phẩm của mình, họ có quyền hư cấu. Mà đã hư cấu thì nó không còn là sự thực nữa. Nên nhà văn thường chỉ phản ánh tâm trạng xã hội. Còn nhà báo, tờ báo, tiêu chí lớn nhất, xuyên suốt của nó là thông tin trung thực, và thông tin trung thực, chỉ có thế mà thôi. Bởi sau này hậu thế người ta muốn biết thời kỳ ấy con người ta sống ra sao, hành động thế nào, xây dựng tổ chức xã hội theo mô hình nào… họ chỉ cần mở các tờ báo đọc lại. Và sẽ có những cái nhìn khái quát chính xác về thời đại cần tìm hiểu.
Ngày nay, trong môi trường bùng nổ thông tin, mạng truyền thông xã hội lên ngôi, có vẻ như vai trò của báo chí bị giảm đi. Không phải vậy. Báo chí vẫn luôn đóng vai trò của mình như từ khi nó ra đời. Chỉ có các loại hình báo chí thay đổi, đặc biệt là báo giấy truyền thống suy giảm đi phần lớn số lượng phát hành, nó khiến cho người ta có lúc cảm thấy như là báo chí sắp biến mất. Không. Với vai trò là quyền lực thứ 4 của xã hội, báo chí là phương tiện đại diện cho người dân giám sát hoạt động của cả ba nhánh quyền lực: lập pháp, tư pháp, hành pháp. Nên trong xã hội hiện đại báo chí không bao giờ mất đi. Nó chuyển từ dạng báo giấy in ấn cồng kềnh sang báo điện tử và các mạng truyền thông xã hội mà thôi. Có nơi người ta đã định nghĩa về một “quyền lực thứ 5” là truyền thông xã hội. Tôi cho là không phải. Truyền thông mạng xã hội với các nền tảng như Website, Facebook, Twitter, Instagram…về cơ bản nó vẫn mang đặc thù của báo chí. Nó chính là báo chí. Có điều nó mở rộng biên độ về mọi mặt đến choáng váng, khiến cho nhận thức của nhiều người trong chúng ta không theo kịp. Lấy ví dụ, trên mạng xã hội đang phổ biến nhất nước Việt là Facebook, có tới hàng chục triệu người tham gia, mỗi người là một trang, là một “tờ báo” điện tử đúng nghĩa. Mỗi Facebooker là tổng biên tập, là nhà sản xuất, là người săn tin… là “n trong 1”! Một người có hiểu biết cơ bản về internet, chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể lập cho mình một trang Facebook. Và họ nghiễm nhiên “hành nghề” như một nhà báo. Tất nhiên trang Facebook cá nhân- tờ báo của ai đó có hấp dẫn, lôi kéo bạn đọc hay không là câu chuyện khác.
Nhưng một điều rõ ràng là trong thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ việc mà quyền lực của mạng xã hội- quyền lực báo chí lên tiếng. Rất nhiều tổ chức, cá nhân khi đối diện với cơn bão dư luận đã phải điều chỉnh hành vi của mình. Ở chiều ngược lại, cũng rất nhiều người khủng hoảng, suy sụp tinh thần vì những cuộc ném đá tập thể nhiều khi có tính chất a dua, bầy đàn vô luân. Quyền lực của mạng xã hội chính là hiện thân của quyền lực thứ 4 trong thế giới hiện đại, không thể nào coi thường. Có điều vì quá nhiều những “tờ báo, nhà báo” hàng ngày hàng giờ ra đời trên mạng, mà nhiều khi những “tờ báo, nhà báo” bất đắc dĩ kia không hề có một khái niệm nào, một chút kiến thức nào về nghiệp vụ đưa tin. Họ hoàn toàn cảm tính nên vấn đề thông tin trung thực hay bị nghi ngờ. Thậm chí nó là nơi xuất phát của những tin đồn, tin giả gây hoang mang và không ít tác hại cho xã hội. Nên vấn đề trung thực tại đây lại được đặt ra gay gắt. Ngày xưa chủ yếu là báo giấy, vấn đề này đã được đặt ra rất nghiêm khắc. Bởi chỉ cần thông tin không trung thực, bị bóp méo đi, độc giả nhận biết ra là tờ báo đó trở thành vô dụng ngay. Nó không còn là quyền lực thứ 4 đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động của nhà nước và xã hội nữa. Nói thế để thấy vai trò của các nhà báo chân chính quan trọng đến như thế nào với hoạt động xã hội. Thế nhưng trong điều kiện hiện nay, trên xa lộ thông tin, một cái chợ thông tin khổng lồ mở ra với vô vàn “món hàng” cho người đọc lựa chọn. Rồi ai cũng có thể lập “trang báo” và trở thành “nhà báo” theo một nghĩa nào đó, vậy rất cần những thiết chế pháp luật để chế tài. Và những tiêu chuẩn đạo đức để những người tham gia mạng xã hội- tham gia đưa tin, làm báo phải tuân theo. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà vấn nạn đưa tin giả, bịa đặt, cắt xén thiếu trung thực đang trở thành một nỗi nhức nhối. Rồi những tin thuộc về bí mật đời tư của cá nhân cũng bị phanh phui không thương tiếc. Mà không chỉ các trang Facebook tự do đâu, ngay cả các trang mạng của các tờ báo truyền thống cũng dính phải. Đó thực sự là một điều nhức nhối. Một vấn nạn.
Ở nước ta gần đây lưu hành một thành ngữ mới: “Nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm”. Khá đúng. Với tư cách một người viết cả văn lẫn báo tôi nghĩ vậy. Nhà báo mà không có bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp vững vàng khi đưa tin, làm tin, viết bài thường hay “viết thêm”, cái này cực kỳ nguy hiểm. Bởi nhiều khi cái sự viết thêm kia nó làm méo mó sự việc, làm cho người tiếp nhận thông tin có cái nhìn sai lạc về bản chất sự kiện. Với thông tin sự kiện, cái cần nhất là khách quan trung thực. Còn câu chuyện bình luận như thế nào lại là của những người tiếp nhận thông tin. Nhà báo với vai trò người thư ký của thời đại phải ghi chép trung thực. Bất kể vì lý do gì, vì áp lực như thế nào, thông tin khách quan trung thực luôn là tiêu chí đầu tiên của một tờ báo lớn. Còn để có được điều đó thì phải có các nhà báo thực sự, luôn hành nghề với tiêu chí bút thẳng lòng trong, vì sự thật, vì sự tiến bộ xã hội. Đấy là điều mà mọi người luôn trông đợi vào các nhà báo.