ANH HÙNG CÒN CHI?...
Bài viết của Nguyễn Thị Tịnh Thi
Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?...
Chính Ngọ ngày 26 tháng Hai năm Kỷ Dậu (1429), trên dòng Lô giang giông gió tơi bời, một tia sét chói loà đánh thẳng vào chiếc thuyền chở Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn về kinh chịu tội. Tay chân ông bị xiềng chặt. Sấm nổ kinh thiên động địa. Sóng chồm lên cao như núi. Ụp xuống.
Tất cả chìm nghỉm. Không còn tăm tích.
Gió ngưng thổi. Mưa ngừng rơi.
Nước sông thao thiết chảy như ngàn đời vẫn thế. Chỉ có người anh hùng bách chiến bách thắng trên chiến trường chống quân xâm lược Minh là vĩnh viễn không còn… Năm đó, danh tướng Trần Nguyên Hãn chỉ mới 39 tuổi. Một đời ông vào sinh ra tử, nếm mật nằm gai cùng Lê Lợi, tận trung cứu quốc, bây giờ lại chết bởi tay chủ tướng của mình… Cũng giống như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn phải chết. Ông nên chết. Ông cần phải chết. Không thể nào khác, không thể nào… Vậy thì, sông ơi cứ chảy.
Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?...
Hai người đàn ông, hai danh nhân lịch sử.
Người mềm mỏng nho nhã, người mạnh mẽ dữ dội.
Người là quân sư, người là chiến tướng.
Người đứng đầu quan văn, người đứng đầu quan võ.
Người là cháu ngoại, người là cháu nội của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán.
Cả hai đều tài nghiêng thiên hạ, thân thích của nhà Trần nhưng lại một lòng cúi làm thần tử, tận tâm tận lực giúp Lê Lợi đánh dẹp giặc Minh, xây dựng vương nghiệp.
Cả hai đều chết thảm dưới tay các vua Lê; chết với những uẩn khúc, oan khuất khó bề lý giải.
Công lao, sự nghiệp, vai trò và bi kịch của mỗi người đều là những ẩn số đối với lịch sử và là cảm hứng lẫn thách thức đối với văn học.
Đó là hai nhân vật Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn cùng xuất hiện trong tiểu thuyết TRẦN NGUYÊN HÃN của nhà văn Trần Thanh Cảnh.
Chuyện về Nguyễn Trãi, hầu như ai ai cũng biết, bởi oan án Lệ Chi Viên vốn đã nổi như cồn. Nhưng chuyện về Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn thì có lẽ không mấy ai tường tận.
Vậy thì, hãy đọc tiểu thuyết TRẦN NGUYÊN HÃN của Trần Thanh Cảnh.
Trần Nguyên Hãn là thiên tướng chứ không chỉ là danh tướng. Mưu trí, dũng cảm, kiên nhẫn, cương trực và tài ba như Hãn, quả là ngàn năm có một.
Nguyễn Trãi cũng là bậc kỳ tài kỳ trí. Ngồi trong màn trướng mà định được việc ở ngoài ngàn dặm, chỉ cần xuống bút là kẻ thù hạ ngay khí giới. Siêu việt như thế, thiên hạ có được mấy người? Hai anh em họ, hai quý tộc xuất thân từ dòng họ Đông A lừng lẫy đã tìm đến Lam Sơn phò tá minh chủ Lê Lợi. Họ đều biết rằng, một khi sự nghiệp thành công, họ có thể chung số phận bi thảm như muôn ngàn vị công thần của các triều vua lập quốc khác. Nhưng, họ không thể ngồi yên nhìn đồng bào mình bị giặc Minh tàn sát, non sông Đại Việt bị giày xéo. Họ bất chấp hậu vận, dẫu đã biết trước sẽ như thế… Bởi vì, họ là những trí thức dấn thân.
600 năm qua, ta ngậm ngùi xót xa cho Nguyễn Trãi. Giờ đây, nhà văn Trần Thanh Cảnh lại khiến ta cay đắng tiễn đưa Trần Nguyên Hãn, tiễn đưa vầng hào quang cuối cùng của dòng họ Đông A từng ba lần đại thắng Nguyên – Mông chìm xuống sông Lô.
Bi kịch của Trần Nguyên Hãn là bi kịch lâm vào cảnh bị được chim bẻ ná, được cá quên đơm; là bi kịch của thần tử tài ba hơn minh chủ; là bi kịch của sự va chạm và mâu thuẫn sâu sắc giữa một trí thức miền Kinh lộ bên cạnh những tướng lĩnh hoang dã vùng Trại; là bi kịch của dòng máu quý tộc nhà Trần ông mang trong mình luôn gợi nhắc đến tiền triều, có thể thức dậy trong dân chúng niềm luyến tiếc và trông đợi sự trở lại của thời hoàng kim đã qua. Ngày binh loạn, ông là bửu bối của Lê Lợi; ngày bình yên, ông là cái gai trong mắt Lê Lợi. Biết là không thể cùng hưởng vinh hoa phú quý, ông đã tự cáo quan về lại rừng Thần. Vậy mà Lê Thái Tổ vẫn không tha cho ông.
Trần Nguyên Hãn cô đơn lắm!
Hai người vợ Vi Thị Hoa và Lê Thị Tuyển cho ông thoả mãn những xung động bản năng mê say buổi ban đầu. Nhưng họ chỉ là những người đàn bà đầu gối tay ấp, không phải người ý hợp tâm đầu. Đời ông, quả thật thiếu một hồng nhan tri kỷ. Nhà văn Trần Thanh Cảnh hiểu cái sự chênh vênh của anh hùng vắng thuyền quyên. Vì thế, đã hư cấu thêm nàng Tiểu Bích mềm mại và dịu hương trên dòng Linh giang xứ Thuận Hoá để ông vơi bớt những nhọc nhằn khô khát của binh đao. Nàng thức dậy dòng máu trai Đông A bất khuất, lãng tử, phóng khoáng, đa tình bạo liệt luôn rần rật chảy trong ông. Dâng hiến. Tận hiến. Mê đắm… Nhưng rồi, giặc tan, bến sông xưa cũng vắng bóng nàng. Cô đơn vẫn hoàn cô đơn!
Từng vào sinh ra tử, xông pha trận mạc, đã đi là về, đã đánh là thắng; giờ đây, bị trói giải về kinh, Trần Nguyên Hãn không kháng cự, ông cam chịu tất cả. Trước mũi thuyền, dưới giông bão, ông ngồi thiền định. Ông thả hồn mình về lại những ngày qua. Đó là những ngày ràn rạt tiếng giáo gươm, Trần Nguyên Hãn mang khí phách và tài năng của dòng họ Đông A giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh cho quân Minh kinh hồn bạt vía, tan tác chim muông. Những ngày cam go sau chiến thắng, đất nước hết binh đao, “lòng lại bày trận mạc”, ông đã sớm lui về. Vậy mà, chủ tướng của ông vẫn không muốn hậu duệ tinh anh mang họ Trần này tồn tại, dù có ẩn thân nơi thâm sơn cùng cốc.
Là cuốn sách cuối cùng trong bộ ba tiểu thuyết về triều Trần của nhà văn Trần Thanh Cảnh: Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Nguyên Hãn, tiểu thuyết TRẦN NGUYÊN HÃN không đơn thuần là câu chuyện lịch sử, mà chính xác hơn, đây là những suy tư về lịch sử. Tác phẩm sẽ mãi chất vấn, mãi khiến người đọc day dứt về thời và thế, xuất và xử, tiến và thoái, thiên mệnh và nhân vi, cam chịu và phản kháng...
Thời gian trần thuật (thời gian kể chuyện) chỉ hơn một canh giờ, từ đầu giờ Tỵ (Trần Nguyên Hãn bị giải xuống thuyền) đến giữa giờ Ngọ (ông chìm xuống sông Lô); nhưng thời gian sự kiện (thời gian của truyện) kéo dài đến mấy trăm năm (từ đời Trần cho đến Lê sơ). Mấy trăm năm biến động, một đời danh tướng ngắn ngủi không kịp để nhân gian thấy mình bạc đầu được gói trọn trong hơn một canh giờ hồi tưởng. Chiến tranh và tình ái, vinh quang và cay đắng, dồn nén và bung vỡ, quá khứ và hiện tại, hiện thực và kỳ ảo, kỳ vọng và thất vọng, chân xác và hư cấu, tiên đoán và ứng nghiệm… tất cả cùng đối đầu nhau, giao hoà nhau, đan quyện trong nhau và kết thúc nghiệt ngã trong tiếng sét giáng xuống con thuyền định mệnh trên dòng Lô huyền thoại.
Hỏi hậu thế, ai anh hùng, ai tội phạm; ai trung thành, ai phản bội? Nước sông Lô trong xanh hay loang màu máu đỏ?
“Không ai thấy nước rách/không ai thấy nước chảy máu” (LHL). Sông vẫn trôi, nước vẫn chảy như muôn đời vẫn thế, chỉ còn lại trong lòng người hôm nay nỗi xa xót ngậm ngùi.
“Chảy đi sông ơi
Băn khoăn làm gì?
Rồi sông đãi hết
Anh hùng còn chi?...” (NHT)
*
Trần Nguyên Hãn, Nxb. Phụ Nữ, 2021.